top of page

Đi Tìm Mục Đích Sống

Đã cập nhật: 19 thg 10, 2020

Bạn đã từng nghe qua, có thể trong một khóa học hay từ một người nào đó, rằng mỗi người chúng ta nên có “mục đích lớn” của đời mình, một mục đích thực sự và sâu sắc hơn là chỉ tập trung vào bản thân. Đó có thể là giúp người khác có cuộc sống tốt hơn bằng việc chia sẻ, truyền đạt lại kinh nghiệm của mình thông qua các bài viết hoặc nói. Là dạy bảo những đứa trẻ học cách sống tự chủ và yêu quí bản thân. Là tìm cách khuyến khích, để mọi người cảm thấy được lắng nghe và tin tưởng khi họ theo đuổi mục đích của riêng mình. Là giúp đỡ những người đang trong hoàn cảnh đau khổ, khó khăn. Là không ngại thể hiện lòng tốt của mình cho người khác để gieo niềm tin rằng sự tử tế chân thành vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống. Là hiến dâng cả cuộc đời mình làm ngọn đuốc hướng dẫn cõi nhân sinh thay vì ngụp lặn trong sông sầu bể thảm, hướng đến cuộc đời mà ở đó, tình yêu, lòng trắc ẩn luôn đặt tại vị trí thiêng liêng nhất trong trái tim mỗi con người (Con đường Bồ Tát)


Chẳng có gì được ví là vĩ đại hay nhỏ bé, không thể hay có thể để nói về mục đích sống của mỗi người. Chỉ cần bạn tự thấy việc mình đang làm thật ý nghĩa, bạn hết mình với công việc này vì lợi ích của mọi người. “Mục đích lớn” sẽ không phải chỉ lo phát triển bản thân mình. Mà bạn sẽ phát triển bản thân mình để phục vụ cho mục đích lớn”.



📍 Hai lí do lớn nói lên sự quan trọng của việc có “mục đích lớn” :


1. Bạn thật sự sẽ phải cần đến nó. Những khó khăn mà cuộc sống mang lại thường mở đầu bằng sự thay đổi để hướng đến những điều tốt đẹp phía sau. Nếu bạn không có “mục đích lớn” dẫn đường thì khi phải chạm trán những hoàn cảnh khó khăn, bạn như một người mù đang mò mẫm tìm đường thoát khỏi mê cung vậy.

2. Bạn thật sự nên thoát khỏi cuộc sống “thế giới quay quanh cái tôi” của bạn. Ta dành quá nhiều thời gian để nghĩ về những thứ liên quan về mình. Mình trông xinh đẹp chưa, vừa vặn không, mọi người nghĩ gì về mình, liệu mình đã hành xử đúng chưa, tại sao những việc đó lại xảy ra với mình, liệu mình có lấy được thứ mình muốn không, liệu mình có đủ tốt không. Con người luôn nghĩ về bàn thân mình. Nhưng nếu chỉ vậy, ta sẽ giam cầm bản thân trong thế giới của ích kỉ và nghèo nàn về tâm hồn.


Hãy nhìn sâu hơn nữa trong bản thân và tự hỏi mục đích thiêng liêng của mình là gì và hơn thế nữa, làm sao để mình sống một cuộc sống để thực hiện mục đích đó.


Một mục đích thiêng liêng để dựa vào trong những ngày giông bão…


Tưởng tượng rằng bạn quyết định tham gia một khóa thiền định trong khoảng một tuần vì bạn biết lợi ích của thiền là tăng cường sự chú ý và tập trung.


Buổi đầu tiên, sau một vài lời hướng dẫn cơ bản, người huấn luyện sẽ bảo bạn thực hành ngồi thiền. Sau đó, bạn tiếp tục thiền định trong lúc đi bộ, thật nhẹ nhàng và nhận biết từng bước chân của mình. Trong lúc ăn bạn cũng hành thiền, im lặng và thưởng thức từng món ăn. Bạn ngủ sớm, rồi mai lại thức dậy và hành thiền cả ngày, không nói chuyện với bất cứ ai. Trở về phòng của mình, bạn nhận ra rằng việc thiền định này không hề dễ dàng và thoải mái như bạn tưởng tượng ban đầu.


Bạn qua buổi thứ hai nhưng trong đầu bạn đã nghĩ đến việc từ bỏ: Mình không muốn làm việc này nữa. Tất cả những gì mình nhận được là đau hông, mỏi lưng và mệt óc.


Bạn được đặt vào hoàn cảnh: nên từ bỏ hay tiếp tục việc này?


Nếu bạn có thể mang tình yêu của mình đặt vào hành động để tiến bước trong lúc gặp khó khăn, bạn tạo nên một bước đột phá lớn cho chính mình. Bạn phá vỡ những khuôn mẫu quen thuộc, tạo ra một vùng đất màu mỡ để phát triển sự trưởng thành, kiến thức và sự đổi mới. Đó là những tình huống mà bạn cần đặt bản thân vào nếu bạn muốn mình phát triển, những tình thế hướng bạn đến sự bỏ cuộc, rút lui khi gặp phải nó. Không cần phải quá nguy hiểm, nhưng đủ để bạn cảm thấy khó chịu và không thoải mái khi từ bỏ những khuôn mẫu sẵn có.


Tại thời điểm khó khăn, nếu trong bạn có một thứ gì đó mà bạn thật sự quan tâm, hay có những người mà bạn thật sự yêu quí, đó chính là động lực để bạn vững vàng lướt thắng gian nan. Nếu trong bạn không có gì để phục vụ, cống hiến, bạn sẽ lập tức rút lui khi gặp những hoàn cảnh khó khăn đó. Vì chẳng lí do gì để bạn chạm trán với nó cả.


Tất cả những gì bạn cần là một mục đích lớn lao để vượt qua những ngày gian khó.


…Và để mở mắt nhìn ra thế giới rộng lớn xung quanh.


Hầu như mọi lúc, mọi người đều suy nghĩ về những gì quanh bản thân: những thứ mình muốn, những gì người khác nghĩ về mình, những cảm xúc khó chịu của mình, điều khiển mọi thứ theo ý mình… Đó là một cuộc sống khó thở và chật hẹp – tập trung duy nhất vào bản thân, những gì mình muốn hoặc không muốn. Nhưng có một mục đích to lớn hơn, tập trung vào việc giúp đỡ mọi người là cách để bạn hài lòng và tận hưởng cuộc sống. Giống như khi bạn đứng trên đỉnh núi và ngắm nhìn mọi thứ xung quanh, bạn sẽ có cái mình rộng mở hơn về chính mình và những người khác, bạn nhận ra có những thứ vô hình gắn kết chúng ta lại với nhau.



📍 Cách tìm cho mình một mục đích thiêng liêng


Có hai nguyên tắc dẫn đường cho bạn: 1 - Loại bỏ tất cả những gì làm bạn mất tập trung và 2 - Lắng nghe tiếng nói bên trong mình. Tất cả sự tập trung của bạn là để nghe được tiếng nói về mục đích cuộc sống sâu thẳm trong lòng mình.


Hãy đơn giản hóa những việc làm hàng ngày, dọn dẹp lại thời gian biểu, hủy bỏ những cuộc họp hẹn, những dự án, công việc bạn cảm thấy không có ý nghĩa gì lớn với mình, rồi sau đó:

1. Lên danh sách những công việc bạn đang làm hiện tại. Việc nào làm bạn cảm thấy có ý nghĩa và thỏa mãn, việc nào không.

2. Lên danh sách những việc bạn làm trong quá khứ mà bạn cảm thấy nó ý nghĩa với mình. Nó có gì liên quan đến những công việc hiện tại bạn làm không.

3. Đối diện với những đau khổ trong cuộc sống của bạn. Những trở ngại khó khăn đều ẩn chứa những ý nghĩa lớn lao. Đau khổ không phải là thứ ta nên né tránh, mà nó là động lực để ta ngày một trưởng thành, là lời hướng dẫn cho ta tìm được ý nghĩa công việc để duy trì sự cố gắng của mình.

4. Dành thời gian để tĩnh tâm. Hòa mình vào thiên nhiên hay chọn một khoảng không gian riêng tư, nhờ sự tĩnh lặng có được trong khoảng không gian đó để lắng nghe tiếng nói trong trái tim, trong tâm hồn, trong bản ngã của mình. Và đừng cố nhận biết, suy xét những tiếng nói đó. Chỉ lắng nghe.

5. Vẫn giữ trạng thái lắng nghe mà không suy xét ngay cả khi bạn tương tác cùng người khác hay đọc sách báo. Bạn cảm nhận thấy điều gì mọi người nói truyền được nguồn cảm hứng cho bạn?

6. Lắng nghe, lắng nghe… rồi chọn một ý tưởng, mục tiêu nào đó bạn cảm thấy nên làm và bắt tay vào hành động. Bạn không thể biết rõ bất cứ điều gì nếu không xắn tay áo lên làm nó, nên lúc chọn bạn chỉ cần “cảm nhận nó nên làm” mà không cần suy nghĩ quá nhiều: làm tình nguyện, viết sách, thâu âm, quyết định giúp đỡ ai đó…Quan sát xem những diễn biến, điều gì mới xuất hiện khi bạn làm việc đó.


Tìm kiếm một câu trả lời hoàn hảo có thể đúng trong việc đi tìm chân lí, tri thức nhưng không nên áp dụng trong tình cảnh này của bạn. Hãy cứ bắt đầu và thưởng thức sự tò mò, bất ngờ, bí ẩn trên đường đi.


📍 Cách sống theo mục đích mình đã chọn


Khi bạn đã chọn được một việc làm mang lại cho bạn cảm giác đã tới căn phòng bí mật chứa mục đích thiêng liêng của bạn, giờ là lúc bạn đẩy cửa bước vào và khám phá bên trong. Và không phải chỉ có một cách để vào là đi qua cửa chính. Bạn có thể vào qua cửa sổ, trèo mái, đào hầm hoặc cho nổ bom. Tương tự sẽ có vài ý tưởng cho bạn:




1. Lập một danh sách các nguyên tắc chủ đạo. Tập hợp từ những quyển sách, những kinh nghiệm của bạn. Bạn không cần cố ép bản thân luôn phải theo những nguyên tắc. Nên tìm những giá trị và ý tưởng của nguyên tắc đó như lời hướng dẫn tốt cho bạn, từ đó bạn điều chỉnh hành vi của mình. Nên rà soát hoặc loại bỏ những điều không phù hợp, tránh sự cứng nhắc.

2. Luôn nhớ đến mục đích thiêng liêng của mình. Bạn nên nghĩ về nó mỗi ngày. Tự hỏi: Mình đã sống đúng mục đích của mình chưa? Làm cách nào để mình tập trung sâu hơn cho mục đích đó? Điều gì cần làm ngay hôm nay để phục vụ mục đích đó?

3. Xác định mục đích cho từng nhiệm vụ. Nó sẽ giúp bạn cảm thấy việc bạn làm mang lại ý nghĩa thay vì làm những việc vô bổ, từ đó bạn mang tình yêu, sự tận tâm vào từng hoạt động của bạn.

4. Có sự rà soát, kiểm điểm thường xuyên. Bạn đã xác định mục đích để hoạt động, nhưng vẫn luôn cần rà soát lại. Ta nhất định sẽ có lúc quên, lúc phân tâm và trôi theo thói quen cũ. Thực sự hữu ích khi đánh giá công việc thường xuyên, nó giúp ta trở lại đúng hướng. Ví dụ: Cuối ngày bạn có đánh giá 5 phút xem hôm nay công việc thế nào, làm sao để mai làm tốt hơn. Áp dụng với cả tuần, xem xét những việc đã làm, điều chỉnh cho tuần tới. Tương tự với tháng, năm.

5. Có những người thành tâm ủng hộ bạn. Đó là người bạn có thể nói về mục đích thiêng liêng của mình cho họ, họ hỏi han và quan tâm, giúp đỡ cho việc bạn làm. Họ tạo áp lực để chắc chắn bạn phải sống hết sức bạn có thể. Họ chia sẻ sứ mệnh của họ với bạn. Họ sẽ có mặt trên hành trình của bạn, bởi vì không ai có thể tận hưởng sự thỏa mãn sâu sắc về mục đích thiêng liêng khi chỉ ở một mình.

6. Tận hưởng sự thỏa mãn. Cảm nhận ý nghĩa từ việc hoàn thành mục đích của mình. Cảm thấy tình yêu bạn đã cho đi (và nhận lại) ẩn sâu trong mục đích thiêng liêng của bạn, những điều tốt đẹp mà bạn đã mang đến cho người khác.


Một mục đích thiêng liêng để dựa vào trong những ngày giông bão…


Thực hiện được mục đích thiêng liêng của mình là việc không phải làm được chỉ qua một đêm, và sự thật là không phải lúc nào cũng đơn giản để có thể sống đúng như mong muốn. Nhưng bạn vẫn có thể xem xét áp dụng vài ý tưởng của bài viết này vào thực tế, bạn sẽ ý thức được nhiều hơn về ý nghĩa cuộc sống của mình.


-----------

THÔNG TIN VỀ BÀI VIẾT

Bản dịch thuộc hoạt động Compassion Crowdsourcing của Compassion.vn.

​Thông tin Compassion.vn: https://compassion.vn/about

Người dịch: Trung Nguyễn | Website: compassion.vn

Bài gốc: https://zenhabits.net/purposeful


----------

THAM GIA VIẾT BÀI - DỊCH BÀI CÙNG COMPASSION

Nếu bạn cũng đang trên con đường đi tìm "Mục Đích Sống" của bạn, thì hãy dành ra vài chục giây, ngẫm nghĩ và xem thử mục đích của Compassion, đâu đó có thể chúng ta có thể đồng hành - để cùng nhau đi tìm mục đích của mình.


Đăng ký tại form này: https://www.compassion.vn/crowdsourcing

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page