Trigger tâm lý - Yếu tố kích hoạt là gì?
Một yếu tố kích hoạt trong tâm lý học là một tác nhân kích thích như mùi vị, âm thanh hoặc hình ảnh làm kích hoạt cảm giác về chấn thương tâm lý. Mọi người thường sử dụng thuật ngữ này khi mô tả hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (Post-traumatic stress disorder- PTSD).
Một yếu tố kích hoạt (Trigger) là tác nhân gợi nhớ về một chấn thương tâm lý trong quá khứ. Sự gợi nhớ này có thể khiến một người cảm thấy ngập chìm trong buồn bã, lo lắng hoặc hoảng loạn. Nó cũng có thể khiến người đó hồi tưởng lại quá khứ. Hồi tưởng là một ký ức sống động nhưng thường tiêu cực, có thể xuất hiện mà không báo trước. Nó có thể khiến ai đó mất nhận thức về thực tại xung quanh và như được "sống lại" trong sự kiện chấn thương tâm lý.
Các yếu tố kích hoạt có thể mang nhiều hình thức. Chúng có thể là một địa điểm vật lý hoặc kỷ niệm về sự kiện đau thương. Một người cũng có thể được kích hoạt bởi các tiến trình nội tâm (internal processes - thuật ngữ đang cần cải thiện trong bản dịch) như sự căng thẳng .
Đôi khi các yếu tố kích hoạt có thể dự đoán được. Chẳng hạn, một cựu binh có thể hồi tưởng lại quá khứ khi xem một bộ phim bạo lực. Trong các trường hợp khác, các yếu tố kích hoạt ít mơ hồ hơn. Một người mà đã từng ngửi thấy mùi hương nào đó trong một vụ xâm hại tình dục có thể hoảng loạn khi họ ngửi cùng một loại mùi hương tương tự tại một cửa hàng bất kỳ.
Một số người sử dụng yếu tố kích hoạt trong bối cảnh các vấn đề sức khỏe tinh thần khác, chẳng hạn như lạm dụng chất kích thích hoặc chứng lo âu. Trong những trường hợp này, một yếu tố kích hoạt có thể là một gợi ý nhắc nhở về sự gia tăng các triệu chứng. Ví dụ: một người bị hội chứng chán ăn đang hồi phục có thể được kích hoạt bởi hình ảnh của những người nổi tiếng với thân hình siêu mỏng. Khi người đó nhìn thấy những bức ảnh này, họ có thể cảm thấy thôi thúc phải bỏ đói chính mình một lần nữa.
Yếu tố kích hoạt được hình thành như thế nào?
Chính xác thì chức năng não nào điều khiển đằng sau các yếu tố kích hoạt, vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Tuy nhiên, có một số lý thuyết về cách thức các yếu tố kích hoạt hoạt động. Khi một người ở trong một tình huống đe dọa, họ có thể bị cuốn vào phản ứng bản năng là "Chiến Hay Biến" (fight or flight response). Cơ thể cảnh giác cao độ, ưu tiên tất cả các nguồn lực của mình để phản ứng với tình huống đó. Các chức năng không cần thiết cho sự sống còn, chẳng hạn như tiêu hóa, sẽ bị trì hoãn lại.
Một trong những chức năng bị bỏ qua trong tình huống chiến hay biến là hệ thống lại bộ nhớ ngắn hạn. Trong một số trường hợp, não của một người có thể xử lý sai sự kiện chấn thương tâm lý trong bộ nhớ của nó. Thay vì được lưu trữ như một sự kiện trong quá khứ, tình huống này được dán nhãn là "mối đe dọa vẫn còn hiện tại". Khi một người được gợi nhớ về chấn thương tâm lý cũ, cơ thể của họ hoạt động như thể sự kiện vẫn còn đang xảy ra, trở lại với mô thức chiến hay biến.
Một lý thuyết khác cho rằng các yếu tố kích hoạt rất mạnh bởi vì chúng thường liên quan đến các giác quan. Thông tin về cảm giác (hình ảnh, âm thanh và đặc biệt là mùi hương) chiếm phần lớn trong bộ nhớ. Càng nhiều thông tin cảm giác được lưu trữ, bộ nhớ càng dễ nhớ lại.
Trong một sự kiện chấn thương tâm lý, não thường bắt rễ sâu các kích thích giác quan vào trí nhớ. Ngay cả khi một người gặp phải các kích thích tương tự trong một bối cảnh khác, họ liền liên kết các yếu tố kích thích với chấn thương cũ. Trong một số trường hợp, một yếu tố kích hoạt cảm giác có thể gây ra phản ứng cảm xúc trước khi một người nhận ra lý do tại sao họ buồn bã.
Sự hình thành thói quen cũng đóng một vai trò mạnh mẽ trong việc kích hoạt. Mọi người có xu hướng làm những điều tương tự theo cùng một cách. Làm theo các mô hình tương tự giúp bộ não không phải đưa ra quá nhiều quyết định. Ví dụ, hãy nói về một người luôn hút thuốc trong khi họ đang lái xe. Khi một người lên xe, não của họ mong muốn họ tuân theo cùng một thói quen và châm thuốc. Do đó, lái xe có thể kích hoạt ham muốn hút thuốc, ngay cả khi người đó mong muốn bỏ thuốc lá. Ai đó có thể được kích hoạt ngay cả khi họ không tạo ra một kết nối có ý thức giữa hành vi của họ và môi trường xung quanh.
Trigger Warning - Cảnh báo trước yếu tố kích hoạt là gì?
Trigger Warning - là một cảnh báo trước yếu tố kích hoạt, nó là lưu ý về các yếu tố kích hoạt tiềm năng có thể có trong cuộc thảo luận hoặc nội dung bất kỳ nào đó (video, hình ảnh...). Mục đích là để cho những người có mối quan tâm về sức khỏe tinh thần tránh xa hoặc chuẩn bị trước cho các yếu tố kích hoạt. Không thể dự đoán hoặc tránh tất cả các yếu tố kích hoạt, vì nhiều yếu tố là duy nhất cho tình huống của riêng người đó, không ai giống ai. Cảnh báo thường được dành riêng cho các yếu tố kích hoạt phổ biến như hình ảnh bạo lực.
Gần đây, nhiều sinh viên đã yêu cầu cảnh báo trước các yếu tố kích hoạt trong lớp học. Đã có nhiều tranh luận công khai về việc liệu điều này có phù hợp với trường học hay không. Những người phản đối cảnh báo trước yếu tố kích hoạt thường tranh luận những cảnh báo này phục vụ cho các sinh viên quá nhạy cảm. Một số khác cho rằng cảnh báo trước yếu tố kích hoạt, là đang ủng hộ cho sự "kiểm duyệt". Những người khác thì tin rằng chúng sẽ hạn chế khả năng của giáo viên khi giảng dạy hay sử dụng tài liệu.
Những người ủng hộ thì đưa ra luận điểm rằng cảnh báo trước yếu tố kích hoạt là cần thiết cho tính bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Yếu tố kích hoạt có thể khơi gợi lên sự hồi tưởng và các cơn kích động hoảng loạn làm gián đoạn việc học. Theo Hiệp Hội Tâm Lý Mỹ (APA), các yếu tố kích hoạt thường gây đau khổ hơn nếu chúng đến một cách bất ngờ. Những người ủng hộ nói rằng cảnh báo trước yếu tố kích hoạt cho phép sinh viên bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) cảm thấy an toàn trong lớp học.
Nếu một học sinh nói rằng họ bị PTSD, việc cá nhân hóa (cảnh báo riêng cho từng người) các cảnh báo trước yếu tố kích hoạt là điều nên làm. Có rất ít nghiên cứu về hiệu quả của các cảnh báo trước yếu tố kích hoạt trong lớp học. Hiệp hội Tâm lý Mỹ APA cho biết các yếu tố kích hoạt cụ thể có thể khó dự đoán. Vì vậy, các cảnh báo chung chung cho nội dung lớp học có thể kém hiệu quả. Nếu một học sinh nói rằng mình bị PTSD, việc cá nhân hóa các cảnh báo trước yếu tố kích hoạt là điều nên làm.
Đạo luật dành cho người Mỹ khuyết tật (ADA - The Americans with Disabilities Act) và Đạo luật về người khuyết tật trong giáo dục (IDEA - Individuals with Disabilities Education Act) đã cấm phân biệt đối xử đối với người khuyết tật. Những luật này bao gồm cả những khuyết tật về sức khỏe tinh thần như PTSD. Luật liên bang yêu cầu các nhà giáo dục phải có chỗ ở hợp lý cho những cá nhân như vậy. Luật liên bang không đề cập cụ thể đến cảnh báo trước yếu tố kích hoạt. Tuy nhiên, APA cho thấy cảnh báo trước kích hoạt có thể được tính là hợp lý trong một số trường hợp. Cố tình kích động một người bị PTSD có thể là một hình thức phân biệt đối xử.
Tìm sự trợ giúp như thế nào khi có yếu tố kích hoạt trong tâm lý
Cảnh báo trước yếu tố kích hoạt là điều hữu ích trong một số trường hợp. Nhưng việc tránh các tác nhân kích hoạt của một người sẽ không được xem là chăm sóc sức khỏe tinh thần toàn diện. Nếu các tác nhân gây trở ngại cho cuộc sống hàng ngày của ai đó, người đó cần đi gặp nhà trị liệu.
Trong trị liệu, nhà trị liệu có thể xử lý cảm xúc liên quan đến quá khứ của những người bị tổn thương. Một số người có thể học các kỹ thuật thư giãn để đối phó với các cơn hoảng loạn. Những người khác có thể học cách tránh những hành vi không lành mạnh. Với thời gian và nỗ lực, một người có thể đối mặt với các yếu tố kích hoạt của họ với ít đau khổ hơn nhiều. (Tại Compassion.vn chúng tôi cung cấp một danh sách gợi ý các chuyên gia theo từng lĩnh vực, bạn có thể tham khảo để tìm sự trợ giúp tại đây: www.compassion.vn/support-list)
Các nguồn tham khảo được sử dụng trong bài gốc:
ADA know your rights: Returning service members with disabilities. (2010). U.S. Department of Justice. Retrieved from https://www.ada.gov/servicemembers_adainfo.html
Does research support classroom trigger warnings? (2017, July 27). APA Journals Article Spotlight. Retrieved from http://www.apa.org/pubs/highlights/spotlight/issue-97.aspx
Taming triggers for better mental health. (2017, March 31). American Psychiatric Association. Retrieved from https://www.psychiatry.org/news-room/apa-blogs/apa-blog/2017/03/taming-triggers-for-better-mental-health
What are PTSD triggers? (2017, February 14). Web MD. Retrieved from https://www.webmd.com/mental-health/what-are-ptsd-triggers#1
Nguồn bài dịch: https://www.goodtherapy.org/blog/psychpedia/trigger
Người dịch: Anh Đào Lê - Người Review: Phạm Đại Bàng
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing
Comments