top of page

Thả Lỏng Người Nằm Trò Chuyện - Biện Pháp Đơn Giản Tạo Không Gian An Toàn Để Sẻ Chia

Lời giới thiệu từ Compassion và người biên tập:

Trong các mối quan hệ để hiểu nhau cần phải mở lòng trò chuyện chia sẻ chân thành. Đôi khi chúng ta cảm thấy khó cởi mở bản thân và tấc lòng chỉ vì yếu tố thời gian và không gian không thích hợp. Tạo không gian an toàn về vật chất lẫn tâm lý là rất quan trọng khi cần tương tác, trò chuyện thấu hiểu nhau. Tạo không gian an toàn như thế có khó không?


Bài viết hôm nay Compassion chọn chuyển ngữ chia sẻ với bạn một trong những cách rất đơn giản nhưng vô cùng hữu hiệu để tạo không gian an toàn để trò chuyện tâm tình: thả lỏng người nằm trò chuyện. Tại sao không thử áp dụng cách thức đơn giản này để kết nối lại với những người bạn rất muốn hiểu và chia sẻ câu chuyện của mình trong hôm nay nhỉ?



Vào giai đoạn khi lĩnh vực Phân tâm học mới xuất hiện, nhà tâm lý học Sigmund Freud (1) đã khám phá ra một điều đáng chú ý đó là: có thể có một sự khác biệt rất lớn, giữa những gì mà ai đó nói với bạn khi họ đang ngồi trên ghế đối diện và nhìn vào mắt bạn, với những gì mà họ kể khi họ đang nằm ngửa, duỗi thẳng người và nhìn lên trần nhà.


Mục đích của Freud ban đầu (khi đặt các bệnh nhân nằm trên ghế dài trong những buổi chuyện trò trị liệu – ND) là làm sao để các bệnh nhân của ông hết sức thành thật với ông; khiến cho họ tiết lộ về con người thật của mình với càng ít sự e ngại càng tốt – bởi vì trong góc nhìn của ông, chính sự thiếu hiểu biết về bản thân và hay phủ nhận của họ là những nguyên nhân chủ yếu gây ra các vấn đề. Theo Freud, năng lực thành thật không chỉ đơn giản là làm cho người ta thấy dễ chịu mà nó có thể sẽ tạo ra sự khác biệt giữa tỉnh táo và tuyệt vọng.


Nhưng Freud cũng đã bắt đầu nhận ra sự hiện diện của chính ông có thể đã ảnh hưởng ở một mức độ nào, khi nó cản trở các bệnh nhân không thể kể lại những giấc mơ và những tưởng tượng của họ một cách trung thực. Điều gì đó về việc nhìn thấy mặt ông và cảm nhận ánh mắt ông đang nhìn đã dẫn đến việc các bệnh nhân có khuynh hướng che giấu một cách vô ích con người thật của họ, giữ kín những chi tiết xấu hổ hay nhạy cảm hơn trong cuộc đời họ và cố tỏ ra “bình thường” hơn những gì là đúng thật hoặc tốt cho họ. Freud đã nhận thấy người ta có thể có nhiều sự kháng cự khi nói chuyện một cách thẳng thắn về những chuyện loạn luân, về sở thích mặc trang phục khác giới, về triệt sản, sự bất lực, tập tục ăn thịt người, quan hệ tình dục qua đường hậu môn hay giết người… trong khi đang ngồi mặt đối mặt với người khác, như lúc ngồi trong một quán café phong cách Vienna (2), hay trong một phòng khám mặt đối mặt với bác sĩ. Vì thế mà quyết định của Freud vào năm 1980 về việc chuyển các bệnh nhân lên một chiếc ghế tựa dài (để tiến hành trị liệu – ND) ngay sau đó đã trở nên quen thuộc và phổ biến ở mọi phòng tư vấn tâm lý trị liệu trên khắp thế giới.



Việc nhìn thấy khuôn mặt của người khác có thể ngăn chúng ta thú nhận về điều gì đó ở mức độ nhiều hơn những gì mà chúng ta có thể nhận ra; chúng ta thay đổi sự bày tỏ chia sẻ của chính mình tùy theo các phản ứng của họ; chúng ta tránh đi vào những phần thú vị thật sự, những phần phức tạp và rắc rối (và vì thế mà nó quan trọng) của bản thân ta. Điều này xảy ra khi chúng ta ở trong các phòng tư vấn, nhưng nó cũng thường xuất hiện trong bối cảnh quen thuộc hơn nhiều của một bữa tiệc tối hay buổi tụ họp xã giao. Ở đây cũng vậy, mặc dù chúng ta đều đã đến có vẻ như là để thành thật với nhau và nói về cuộc đời mình bằng sự chân thành, chúng ta vẫn có thể không chịu nổi và đầu hàng nỗi sợ hãi chia sẻ về những gì thật sự đang diễn ra trong chúng ta. Cảm thấy có ánh mắt đang nhìn mình, chúng ta tránh để lộ ra sự thật về chúng ta. Chúng ta nao núng khi trì hoãn những thứ khác; chúng ta bám theo từng cử động trên môi họ và tự kiểm duyệt lời nói cho phù hợp với những gì mà ta tưởng tượng ra (thỉnh thoảng cũng hơi sai sự thật) về cơn thèm thuồng được phán xét và ghê tởm của họ lên chúng ta. Do đó, chúng ta có thể mất nhiều thời gian hơn bất kỳ ai trong chúng ta khi cứ muốn xoay vòng quanh câu chuyện đã xảy ra vào một kì nghỉ gần đây hay việc tân trang ngôi nhà đang diễn ra như thế nào – khi hẳn là còn rất nhiều thứ mà chúng ta có thể sẽ thích và cần sẻ chia hơn.


Dựa theo mô hình mẫu của Freud, chúng ta nên tiên phong thực hiện hoạt động nằm trò chuyện theo các kiểu của riêng ta. Sau khi dùng tráng miệng hoặc những khoảng thời gian nghỉ giữa giờ, chúng ta có thể đề nghị tất cả mọi người di chuyển và nằm xuống đâu đó trên sàn nhà. Chúng ta có thể nằm trên những tấm chăn hoặc trên thảm; có thể nằm trong nhà bếp hoặc ở sảnh. Việc tắt bớt ánh sáng trong phòng có thể giúp ta cảm thấy dễ chịu hơn.

Có thể đó sẽ là một cảm giác kì lạ, khi duỗi người trong bóng tối với những người khác – mà chúng ta có thể vẫn chưa biết rõ một vài người trong đó – với một lời mời kết giao tự do không có giới hạn về cuộc đời ta. Chúng ta có thể cùng yên lặng trong 2 phút để điều chỉnh cho bản thân thích nghi với tình huống. Trong những giây phút này, chúng ta sẽ nghĩ về những giai đoạn chính khái quát các năm tháng cuộc đời của ta: một thời khi chúng ta từng là những đứa bé sơ sinh, rồi trở thành những đứa trẻ chập chững tập đi. Chúng ta đến trường và cảm thấy như thể nó sẽ cứ tiếp diễn như thế mãi. Rồi chúng ta bắt đầu đi làm, đi du lịch, chúng ta có những mối quan hệ, phạm phải vài sai lầm lớn, cảm thấy sợ hãi và đôi khi tuyệt vọng – và rồi đến thời điểm của hiện tại. Chúng ta sẽ già đi và rốt cuộc – không xa lắm như chúng ta muốn – ta sẽ chết. Chúng ta bắt đầu có ý thức mới mẻ về những giọng nói, của chính chúng ta và của những người khác; chúng ta có thể nghe thấy nhiều sắc thái hơn nữa mà không cần phải nhìn, hoặc phải luôn để ý chắc chắn rằng biểu hiện của chúng ta đã không theo hướng trở nên ngu ngốc hay nhàm chán.


Trong bóng tối, việc người khác có thể nghĩ gì về chúng ta trở nên ít quan trọng hơn một chút. Chúng ta có thể tin tưởng hơn một chút vào bản thân – và trong quá trình đó, khi ngắm nghía những cái chụp đèn trong ánh sáng mờ ảo, chúng ta đem lại cho những người khác một đặc ân tối hậu mang tính xã hội: bằng cách để họ nhìn thấy tính dễ bị tổn thương và khác thường của chúng ta, và đó chính là thứ có thể làm dịu đi cảm giác kì quặc và cô đơn của chính họ.



Chúng ta có thể đề cập đến một vài đề tài nhạy cảm nhất:

  • Điều tôi sợ hãi đó là…

  • Một chuyện rắc rối trong thời thơ ấu của tôi là…

  • Trong công việc tôi có những khó khăn xoay quanh chuyện…

  • Tôi thấy cô đơn khi…

  • Tôi lấy làm hổ thẹn rằng…

  • Điều tôi yêu hơn tất thảy đó là…

  • Giá mà tôi đừng quá sợ hãi, tôi đã…

  • Nếu điều đó không có vẻ ích kỷ quá, thì tôi đã…

  • Nếu tôi không thất bại, tôi đã…


Bằng việc nằm xuống theo một cách khác thường trong bữa tối, chúng ta không ở trong cái thực tại đang cuốn ta đến sự lập dị. Chúng ta đang sử dụng một phương thức bất thường để làm điều gì đó thật nhạy cảm mà chúng ta có cảm hứng muốn thực hiện từ rất lâu: cuối cùng chính là để nói ra với những người khác về chuyện sẽ như thế nào khi là chính mình – và để nghe từ những người khác những sự thật về bản chất của việc được sống, những sự thật nếu riêng lẻ thì kì lạ nhưng kết hợp lại thì mang tính khai phóng đầy tự do và mạnh mẽ.


 

Chú thích của người dịch:

(1) Sigmund Schlomo Freud (1856-1939) nguyên là một bác sĩ về thần kinh và là nhà tâm lý học người Áo. Ông là người đặt nền móng và phát triển học thuyết phân tâm học. (theo Wikipedia: https://en.wikipedia.org/wiki/Sigmund_Freud )

(2) Ở Vienna (Áo) việc uống cà phê là một di sản văn hóa phi vật thể và quán cà phê phong cách Vienna hay còn được gọi là “Wiener Kaffeehauser” (ngôi nhà cà phê) là một nét đặc trưng và là một đặc sản tinh thần của người dân ở Vienna. (theo Wikipedia: https://en.wikipedia.org/wiki/Viennese_coffee_house)


 

Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vnđược thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).


 

Nguồn bài dịch: https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/on-talking-horizontally/ Người dịch: Trần Thị Ca Dao ; Người biên tập: Anh Đào Lê Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây



0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page