top of page

Logical Fallacy - Ngụy Biện Trong Lập Luận Là Gì? 10 Ví Dụ Thường Gặp Về Ngụy Biện

Đã cập nhật: 30 thg 11, 2020


Lời giới thiệu từ Compassion và người biên tập:
Khi lời ngụy biện được nói ra thì sự thật đã bị che mờ dưới con mắt nhận thức của người nói. Và nó có thể phủ bóng lên nhận thức của người nghe nếu như tư duy logic của họ không tìm ra được lỗi ngụy biện trong đó. Hãy giữ một cái đầu khôn ngoan và tỉnh táo nhận ra chân-giả trong hiện thực cuộc sống của chúng ta để không bị người khác dùng ngụy biện lừa mị và cũng không ngụy biện tự lừa gạt mình. Vượt qua được khu rừng ngụy biện và giữ cho tư duy sáng suốt sẽ giúp ta tránh mọi hành động sai lầm và chọn lối đi đúng đắn hướng đến mục đích của mỗi người. Xin đừng ngụy biện, hãy nhìn thẳng sự thật!


Bạn đã bao giờ phạm sai lầm trong công việc và sau đó nghĩ rằng bạn chắc chắn sẽ bị sa thải? Gần đây công việc của tôi đi vào ngõ cụt và sếp yêu cầu lên một cuộc họp với tôi vào sáng hôm sau. Tôi đinh ninh trong bụng rằng mình sẽ bị đuổi việc hoặc ít nhất là gặp rắc rối lớn rồi. Tôi lo lắng cả đêm về cuộc họp sẽ diễn ra như thế nào và tôi sẽ bảo vệ bản thân và công việc của mình như thế nào đây.


Hóa ra cuộc họp hoàn toàn không liên quan đến tình huống rối rắc khó xử nào, và thực sự đó không phải là một cuộc họp quan trọng gì cả. Sai lầm trong lý luận của tôi ở đây là một ví dụ về ngụy biện về mặt logic. Mặc dù ngụy biện thường được sử dụng để thuyết phục người khác, nhưng có thể có những trường hợp như ví dụ này, bạn thực ra đang thuyết phục chính mình.


Ngụy biện trong lập luận là một lỗi phổ biến trong lý luận thường xảy ra trong môi trường giảng dạy, trên các diễn đàn internet, và nhất là các cuộc tranh luận chính trị. Trong bài viết này, chúng ta sẽ nói về ngụy biện trong lập luận là gì và tại sao nó lại quan trọng để bạn có thể nhận ra khi ai đó đang sử dụng nó trong một cuộc trò chuyện. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét 10 ví dụ về ngụy biện là gì để bạn có ý tưởng tốt hơn về cách phát hiện ra chúng. Chúng ta hãy bắt đầu nào.

Logical Fallacy - Ngụy biện trong lập luận là gì?

Một ngụy biện là một lập luận thiếu chặt chẽ hoặc giả định sai lầm không chứng minh được cho bất cứ điều gì, mặc dù ban đầu nó có vẻ hợp lý trên bề mặt. Những tuyên bố sai lầm này thường rất thuyết phục đối với một người nghe thông thường, thế nên có thể nhận diện ngụy biện là một kỹ năng rất có giá trị, bởi nó có thể cho phép bạn đánh giá một cách hiệu quả sự biện luận của người khác.


Có một số loại ngụy biện trong lập luận, mỗi loại có một cách riêng biệt để lừa mọi người đồng ý với một cuộc tranh luận. Trong khi một số dường như biểu hiện ra không nhất quán trắng trợn, số khác thì không được chú ý, vì vậy chúng có thể lẻn vào cuộc trò chuyện hằng ngày mà không bị phát hiện. Đôi khi mọi người sử dụng ngụy biện một cách vô tình, tuy nhiên, họ thường sử dụng trong các cuộc tranh luận hoặc tranh cãi để dẫn dụ người khác suy nghĩ theo một cách nhất định nào đó.


Rất dễ dàng chính mình lại mắc lỗi ngụy biện nếu bạn có xúc cảm mạnh mẽ về một chủ đề nào đó. Khi một kết luận dường như hiển nhiên với bạn thì bạn cũng có vẻ như thừa nhận rằng điều đó đúng đắn và không tìm kiếm bằng chứng vững chắc chứng minh cho lời lập luận. Quan trọng là hãy nhận ra xu hướng này để giữ tính xác thực của sự tranh luận của bạn.

Tại sao việc nhận ra ngụy biện trong lập luận lại quan trọng?

Có thể phát hiện ra một ngụy biện sẽ giúp bạn tách các sự thực ra khỏi "hư cấu" được vẽ vời. Nó không chỉ giúp bạn có cái nhìn phê phán về những tranh luận của người khác, mà còn giúp bạn đưa ra những lập luận xác đáng hơn của riêng bạn.

Hãy thử xét ở góc độ chính trị, mà cụ thể là ở các cuộc tranh cử ở Mỹ. Có thể nhận ra những ngụy biện về mặt logic trong bầu không khí chính trị năm nay hay sắp tới, nơi sẽ có rất nhiều tranh luận của nhiều phía về các vấn đề chính trị. Để phát hiện chính xác những ngụy biện được tuyên bố trong các cuộc tranh luận chính trị, bạn không chỉ phải lắng nghe từ một quan điểm vô tư, mà bạn còn phải kiểm soát mọi cảm xúc có thể được gợi lên do các tuyên bố của ứng cử viên.


Bạn cũng cần đặt ý kiến của cá nhân mình về tính cách của một ứng cử viên sang một bên khi họ đang nói về một vấn đề chính trị bởi vì có thể dễ dàng tìm kiếm những ngụy biện trong những tranh luận do ai đó bạn không thích và tương tự, có thể dễ dàng bỏ qua và phớt lờ một lời ngụy biện được nói bởi một ứng cử viên mà bạn thích. Bạn phải có sự tự nhận thức để nhận ra khi nào ý kiến của bạn về một người đang che mờ phán xét của bạn về lời tuyên bố của họ. Nếu bạn giỏi phát hiện ra những ngụy biện trong lập luận, bạn sẽ thắng được xu hướng mắc lỗi này.

Một ngụy biện về mặt logic mà bạn có thể nhận ra từ các cuộc bầu cử tổng thống trong quá khứ là khi một ứng cử viên sử dụng các cuộc tấn công cá nhân chống lại người khác để làm mất uy tín một cuộc tranh cãi. Chẳng hạn, một ứng cử viên nói rằng "Kế hoạch của ngài X cho chăm sóc sức khỏe là vô lý. Một nhân viên chính phủ thì biết gì về cuộc đấu tranh mà mọi người phải đối mặt để có được sự chăm sóc sức khỏe tốt với chi phí hợp lý?" Trong ví dụ này, không có tranh luận nào được đưa ra chống lại kế hoạch chăm sóc sức khỏe được đề xuất. Thông tin duy nhất được đưa ra là người đề xuất kế hoạch có lẽ không phải đối mặt với cuộc đấu tranh để có được sự chăm sóc sức khỏe, mà không nói gì về chất lượng của đề xuất của họ. Hãy cùng xem một số ví dụ cụ thể về ngụy biện mà bạn có thể sẽ thấy quen thuộc, nhưng bạn có thể không nhận ra những tranh luận này có một cái tên riêng của chúng.

10 ví dụ về ngụy biện trong lập luận

1. Ngụy biện lòng vòng

Nếu ai đó đang cố gắng thuyết phục bạn về điều gì đó bằng cách sử dụng ngụy biện lòng vòng, thay vì đưa ra bằng chứng hoặc bất cứ điều gì để hỗ trợ lập luận của họ, họ chỉ lặp đi lặp lại quan điểm cuối cùng của họ. Ví dụ, "Thuốc phiện khiến mọi người buồn ngủ vì nó có thuộc tính thúc đẩy cơn buồn ngủ." Lập luận này không đưa ra một lý do cho việc bằng cách nào và tại sao thuốc phiện gây ngủ. Thay vào đó, về cơ bản nó nói rằng: Đó là bởi vì nó là như thế. Không có bằng chứng được đưa ra để xác minh thực tế ban đầu, điều này làm cho bất kỳ cuộc tranh luận nào sử dụng lý luận lòng vòng đều không có giá trị.


2. Ngụy biện khái quát hóa vội vàng

Một khái quát vội vàng là khi ai đó đi đến kết luận mà không kiểm tra tất cả các sự thật. Còn được gọi là khái quát hóa quá mức, đây là nơi mà sự thành kiến và phân biệt đối xử thường trở thành một yếu tố. Ví dụ như, bạn là người mới đến một thị trấn và nhóm người đầu tiên bạn nhìn thấy là trẻ em, bạn có thể cho rằng tất cả những người sống trong thị trấn đều là trẻ em. Tuy nhiên, kiến thức của bạn về thị trấn cho đến nay là vô cùng hạn chế và bạn không nhìn vào bất kỳ dữ liệu nào ngoài quan sát ban đầu của bạn để chứng minh kết luận của bạn theo cách khác. Để tránh việc khái quát hóa vội vàng, điều quan trọng là phải nghiên cứu bất kỳ chủ đề nào một cách đầy đủ và nhận ra nhiều sự thật và quan điểm khác nhau.


3. Ngụy biện "con dốc trơn trượt"

Ngụy biện con dốc trơn trượt là một kiểu lập luận sai lầm trong đó giả định rằng một cái gì đó thảm khốc sẽ xảy ra từ một sự kiện không đáng kể khi nhìn vào bức tranh lớn hơn. Nếu bạn liên hệ đến ví dụ đầu tiên được đưa ra trong bài viết này về giả định rằng bạn sẽ bị sa thải vì một lỗi nhỏ trong công việc, thì bạn có thể xác định đó thuộc loại ngụy biện con dốc trơn trượt này. Một ví dụ khác về điều này sẽ là một cuộc tranh luận cho thấy rằng nếu bạn không học tập mỗi ngày trong tuần, bạn sẽ không giành được thành tích học tập tốt ở trường. Và, nếu bạn không học giỏi, bạn sẽ không giành được một công việc tốt. Vì bạn sẽ sống mà không có một công việc tốt, bạn sẽ trở thành kẻ vô gia cư. Điều này cho thấy rằng việc không học tập mỗi ngày sẽ dẫn đến việc cuối cùng trở thành người vô gia cư. Đó là một ngụy biện. Tuy nhiên, lập luận này đang đưa ra rất nhiều giả định và đưa chúng đến một biện pháp cực đoan. Nó đang loại bỏ tất cả các yếu tố khác sẽ xảy ra dẫn đến việc một người trở thành vô gia cư.

4. Ngụy biện người rơm


Ngụy biện này sử dụng kỹ thuật làm méo mó trường hợp của người khác để làm cho việc bác bỏ dễ dàng hơn. Về cơ bản, người đang mắc vào ngụy biện người rơm đang tranh cãi với một điểm luận cứ mà người kia đã không cố gắng đưa ra.

Ví dụ: nếu một người tuyên bố không nên đưa ra các bài kiểm tra được tiêu chuẩn hóa cho sinh viên để đo lường thành tích của họ, thì ai đó đưa ra lập luận người rơm để đáp lại có thể nói, "Nếu chúng ta không thực hiện bất kỳ bài kiểm tra nào ở trường, sinh viên sẽ không chịu trách nhiệm cho việc học của mình và chúng sẽ không phát triển các kỹ năng cần thiết ở tuổi trưởng thành."

Phản hồi này nhằm mục đích làm suy yếu lập luận hợp lý của đối thủ bằng cách xuyên tạc người khác đang đưa ra một lời khẳng định mà họ không hề nói. Điều này có vẻ hiệu quả đối với người đang đưa ra ngụy biện người rơm và đối với khán giả chỉ đơn giản vì đối thủ được bảo rằng anh ta hoặc cô ta sai, tiếp theo là một tuyên bố sẽ hợp lý trong một bối cảnh khác.

5. Ngụy biện công kích cá nhân

Ví dụ được đưa ra ở phần trên của bài viết này về một cuộc tranh luận chính trị liên quan đến chăm sóc sức khỏe là một ngụy biện công kích cá nhân. Kiểu tranh luận này tấn công vào tính cách người khác trong một nỗ lực nhằm tung ra những mối nghi ngờ về lời tuyên bố của họ.

Ví dụ, các khuyến nghị của một bác sĩ nhi khoa có thể bị mất uy tín bởi một người mẹ cảm thấy rằng bác sĩ không thể hiểu được con mình vì anh ta chưa bao giờ làm mẹ. Bằng cách làm mất uy tín của bác sĩ theo cách này, người mẹ đang cố làm xói mòn ý kiến của bác sĩ mà không thực sự nói về nó hoặc thậm chí xem xét nó.


6. Ngụy biện lý lẽ chẻ đôi


Trong một cuộc tranh luận sử dụng ngụy biện lý lẽ chẻ đôi, chỉ có hai tùy chọn được trình bày cho đối thủ mà không có bất kỳ cân nhắc nào về các tùy chọn tiềm năng khác. Điều này có nghĩa là những cân nhắc khả dĩ đã bị thu hẹp chỉ trong các lựa chọn mà câu trả lời của họ có lợi cho người nói để tấn công đối thủ của họ.


Ví dụ: "Bạn hoàn toàn ủng hộ tôi hoặc bạn chống lại tôi". Hoặc, "Tôi đã nghĩ rằng bạn quan tâm đến người khác, nhưng bạn không quyên góp tiền từ thiện một cách thường xuyên". Hai ví dụ này không cung cấp bất kỳ tùy chọn nào khác, chẳng hạn như, "Tôi ủng hộ hầu hết các quyết định của bạn, nhưng không phải tất cả chúng". Hoặc, "Tôi trao tặng thời gian của mình, thường có giá trị hơn đóng góp tài chính".


7. Ngụy biện lợi dụng cảm xúc


Ngụy biện lợi dụng cảm xúc là khi ai đó cố gắng thuyết phục người khác bằng cách sử dụng ngôn ngữ thường liên quan đến cảm xúc.


Lập luận này thường xuất hiện dưới dạng, "Đây là sự thật, bởi vì nếu nó không đúng, bạn sẽ rất buồn." Vì vậy, "Em nên được có một cơ hội khác để viết bài tâp này vì tuần trước em rất bận rộn với công việc từ các lớp học khác, nghĩa vụ gia đình và người yêu đã bỏ rơi em." Trong khi một người nghe có thể cảm thấy rằng tình huống của người nói là bi đát và bất công, thì cái thực tế bạn sinh viên đó đã có một tuần tồi tệ không làm cho một cuộc tranh luận khách quan mạnh mẽ.


8. Ngụy biện lập lờ


Một cuộc tranh luận sử dụng ngụy biện lập lờ được thể hiện trong các thuật ngữ mơ hồ, dẫn đến một tuyên bố sai lệch. Các ví dụ về loại ngụy biện này thì có một chút hoang mang khó hiểu... "bởi vì chúng có nghĩa là như vậy".


"Ăn một cái hot dog tốt hơn là không có gì, nhưng không có gì tốt hơn là ăn một chiếc bánh hamburger. Điều này có nghĩa là những chiếc hot dog tốt hơn bánh hamburger". Thuật ngữ mập mờ trong lập luận này là từ "không có gì". Có phải người đó có ý là "ăn một cái hot dog tốt hơn là không ăn gì"? Hoặc, ý là "không có gì tốt hơn ăn một cái hot dog"? Họ thà không ăn gì còn hơn ăn hamburger? Hay một chiếc bánh hamburger là thực phẩm tốt nhất trên thế giới? Tuyên bố này có thể được giải thích cả hai cách.


9. Ngụy biện lợi dụng đám đông


Ngụy biện lợi dụng đám đông sử dụng áp lực ngang hàng để gây ảnh hưởng đến người khác để chấp nhận hoặc phản bác lập luận.


Ví dụ, "Rất nhiều người mua bảo hành mở rộng, vì vậy chắc là khôn ngoan để làm như vậy". Hoặc, "Cả gia đình tôi tin rằng X, Y và Z, vì vậy bất cứ ai không tin vào những điều này đều sai". Tuy nhiên, không có cơ sở thực tế nào được đưa ra về lý do tại sao các tuyên bố ban đầu là đúng. Các tuyên bố chỉ đơn giản dựa vào ý kiến của người khác.



10. Ngụy biện so sánh ẩu


Ngụy biện so sánh ẩu sử dụng lý do rằng bởi vì hai yếu tố không giống nhau có chung một điểm tương đồng, nên chúng thực sự phải giống nhau về bản chất.


Ví dụ, "Cả chó và người đều phản ứng tốt nhất với kỷ luật, vì vậy chúng phải giống nhau". Khi nhìn vào lập luận này một cách khách quan và xem xét tất cả sự khác biệt giữa người và chó, bạn có thể nhận ra rằng lập luận này là vô giá trị.

Những suy nghĩ cuối cùng về những ngụy biện trong lập luận

Biết cách phát hiện những ngụy biện về mặt logic có thể giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt hơn cả về chính trị và trong cuộc sống hàng ngày. Mặc dù danh sách này không đầy đủ, nhưng nó sẽ giúp bạn xác định những sai lầm trong logic thường được mọi người sử dụng để thuyết phục người khác về niềm tin của họ.


Nếu bạn muốn tự kiểm tra lỗi ngụy biện của chính mình, hãy bắt đầu bằng cách đóng vai "người đứng về phía quỷ dữ" để tranh luận. Có phần nào trong tranh luận của bạn có vẻ yếu không? Nếu vậy, hãy sửa lại những phần đó bằng cách làm cho phạm vi lập luận của bạn khớp với phạm vi tranh luận của bạn. Nếu bạn có thể tìm ra những loại ngụy biện nào mà bạn có xu hướng sử dụng, hãy đảm bảo soi ra cụ thể những lỗi ngụy biện này khi bạn tham gia vào một cuộc tranh luận. Ví dụ, tôi biết rằng mình có xu hướng đưa ra một cuộc tranh luận mắc lỗi ngụy biện con dốc trơn trượt, vì vậy tôi xem xét các lỗi lập luận như vậy trong các cuộc tranh luận của riêng tôi.


Cuối cùng, đừng quên chiêm nghiệm khách quan ý kiến của bạn về tính cách của người khác trước khi đồng ý hoặc không đồng ý với những gì họ nói. Ý kiến của bạn về ai đó có thể bị che khuất. Hãy ghi nhớ những ngụy biện về mặt logic này khi chúng ta tiến tới các cuộc tranh luận bầu cử. Làm như vậy có thể giúp bạn nhận ra quan điểm chính trị của mình không phải là chính xác như những gì bạn đã luôn giả định.


 

Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề


 
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết

Là con người, ai cũng trải qua các giai đoạn phát triển thể chất, lý trí, cảm xúc, tinh thần.

  • Về tâm trí, bạn nghĩ khi nào thì tư duy bạn ngừng phát triển?

  • Tư duy con người ở bên trong hộp sọ hay bên ngoài hộp sọ?

  • Nếu bạn đã đụng trần kính vô hình của khung tư duy thì làm sao để giải phóng cho tư duy tự do phát triển?

  • Công cụ nào giúp bạn cởi trói tư duy và tạo thêm nhiều góc nhìn đa chiều mới?

Hãy cùng Compassion khám phá lại vùng đất tư duy của chính mình và phát triển hoa trái ngọt lành của tư duy bằng công cụ Points Of You với Workshop Growth Mindset - Kiến Tạo Tư Duy Phát Triển:




 

Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).


 

Nguồn bài dịch: https://www.developgoodhabits.com/logical-fallacy/ Người dịch: Hải Yến ; Người biên tập: Anh Đào Lê Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page