Để có được cuộc sống tràn đầy hạnh phúc và thành tựu, trí tuệ xúc cảm (EQ) có vai trò không thua gì năng lực trí óc hay còn gọi là IQ. Trên thực tế, trí tuệ xúc cảm giúp bạn thiết lập nên những mối quan hệ có tính bền vững cao hơn, hỗ trợ bạn trong học tập và công việc và hoàn thành những mục tiêu đã đề ra, dù là trong sự nghiệp hay đời sống cá nhân. Xét về khía cạnh "thế giới bên trong", trí tuệ xúc cảm là cầu nối để hiểu về cảm xúc của bản thân, giải tỏa stress, là động lực thúc đẩy bạn biến dự định thành hành động và là lăng kính giúp bạn nhận ra những người, những việc thực sự quan trọng đối với mình. Do đó, điều cần làm đối với tất cả mọi người là hiểu được tầm quan trọng của trí tuệ xúc cảm và cách để chúng ta có thể nâng cao trí tuệ xúc cảm của mình theo thời gian.
Bài viết cung cấp cho bạn các kỹ năng quan trọng giúp bạn điều tiết cảm xúc và cải thiện các mối quan hệ.
Vậy trí tuệ xúc cảm (EQ) là gì?
Trí tuệ xúc cảm (thường được biết đến với tên gọi "emotional quotient"- EQ, chỉ số cảm xúc) là khả năng thấu hiểu và quản lí, sử dụng những cảm xúc của bản thân theo hướng tích cực, đem lại những lợi ích như giải tỏa stress, tăng hiệu quả trong giao tiếp, xoa dịu những xung đột cũng như giúp bạn vượt qua những khó khăn trên cả chặng đường dài. Bên cạnh đó, EQ còn là công cụ hữu hiệu trong việc nhận biết những dấu hiệu và hiểu được tâm trạng, cảm xúc của người khác.
Trí tuệ xúc cảm được tạo dựng nên bởi 4 yếu tố:
Kiểm soát bản thân - là khả năng khống chế cảm xúc và hành vi khi xúc động, bị kích thích; luôn duy trì trạng thái tinh thần, cảm xúc theo hướng lành mạnh; chủ động; cố gắng hoàn thành các cam kết và thích nghi với sự thay đổi.
Thấu hiểu bản thân - là năng lực tự nhìn nhận, đánh giá tâm trạng, cảm xúc của bản thân và ảnh hưởng của chúng lên tư duy và hành vi của mình. Người thấu hiểu bản thân luôn biết được đâu là điểm mạnh, đâu là điểm yếu của mình, và trên hết, họ có niềm tin vào chính mình.
Nhận thức về xã hội - là lòng cảm thông, là khả năng hiểu được tâm trạng, mong muốn hay mối quan tâm của người khác, là sự nhạy bén với các tín hiệu cảm xúc và là khả năng hòa nhập, đóng góp hết mình cho cộng đồng.
Quản lí các mối quan hệ - là cách bạn phát triển và đảm bảo cho các mối quan hệ hòa hợp; là cách thức ứng xử gọn gàng, khéo léo xử lí các xung đột; là phương thức hợp tác hiệu quả với các thành viên trong nhóm và không ngừng truyền cảm hứng và gây ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Tại sao trí tuệ xúc cảm lại quan trọng đến thế?
Người thông minh nhất chưa chắc đã là người thành công hay hạnh phúc nhất. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp những người học vấn chuyên môn cao nhưng lại kém hòa nhập, thiếu những kĩ năng xã hội cần thiết dẫn đến những trắc trở trong công việc và đời tư. Năng lực trí tuệ (thường được biết đến là "intelligence quotient"- IQ, chỉ số thông minh) mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để chúng ta có được một cuộc sống như mong muốn. Thử nghĩ xem, IQ có thể giúp bạn vào được đại học nhưng khi đứng trước những kì thi, bạn phải dựa vào EQ để cân bằng cảm xúc, tránh cho bản thân chịu quá nhiều áp lực. Chỉ khi bạn nâng cao đồng thời cả IQ và EQ, lấy chúng bổ trợ lẫn nhau, bạn mới có thể gặt hái được quả ngọt mà bạn muốn.
Những ảnh hưởng của trí tuệ xúc cảm:
Đối với học tập và công việc: Trí tuệ xúc cảm càng cao, bạn càng dễ xoay xở khi đối mặt với những phức tạp trong môi trường làm việc, bạn biết cách dẫn dắt và tạo động lực thúc đẩy cả nhóm và càng trở nên xuất sắc hơn trong công việc. Hiện nay, khi lựa chọn ứng cử viện cho những chức vụ quan trọng, có rất nhiều nhà tuyển dụng đánh giá trí tuệ xúc cảm cũng quan trọng không kém khả năng chuyên môn của ứng viên và đưa ra những bài kiểm tra EQ cho ứng viên của họ.
Đối với sức khỏe thể chất: Trong trường hợp bạn không thể kiểm soát cảm xúc của bản thân, bạn khó có thể đối phó với stress, và điều này dẫn đến hậu quả là những bệnh lí nghiêm trọng: huyết áp cao, suy giảm sức đề kháng, nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ, vô sinh và lão hóa sớm. Vậy nên, tránh cho bản thân những rắc rối về lâu về dài, hãy học cách đối phó với stress bằng cách nâng cao trí tuệ xúc cảm của mình.
Đối với sức khỏe tâm thần: Một khi stress và những cảm xúc tiêu cực vượt khỏi tầm kiểm soát, nguy cơ mắc gặp phải lo lắng và trầm cảm là càng cao. Nếu bạn không học cách nhìn nhận, hiểu và kiểm soát cảm xúc của mình, các mối quan hệ lâu dài và tốt lành càng khó để duy trì, bạn càng trở nên bơ vơ, lạc lõng và đứng trước nguy cơ làm trầm trọng thêm các vấn đề tâm thần mà bạn đang mắc phải.
Đối với các mối quan hệ: Khi cảm xúc của bản thân nằm trong tầm tay bạn, mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Bạn biết cách bộ lộ tình cảm, cảm xúc của mình và hiểu được điều mà người khác nghĩ và cảm nhận. Sẽ không còn những hiểu lầm, trong công việc hay trong đời sống, và như vậy, bạn có được những mối quan hệ bền vững có thể đi suốt cuộc đời còn lại.
Đối với hiểu biết về xã hội: Bằng cách nắm giữ tâm trạng, cảm xúc của mình, bạn học được cách gắn kết mình với thế giới xung quanh. Hiểu biết về xã hội giúp bạn nhận biết được ai là bạn ai là thù, cũng như đánh giá được thái độ của từng người xung quanh; giảm stress và tìm về điểm cân bằng khi được sống, được hòa mình vào thế giới, được yêu và được hạnh phúc.
Phát triển trí tuệ xúc cảm: 4 kỹ năng cần có để nâng cao EQ của bạn
Dù ở bất kì thời điểm nào trong cuộc đời, việc học cách phát triển trí tuệ xúc cảm đều là điều có thể và cần thiết. Tuy nhiên, bạn phải nhớ rằng có sự khác biệt lớn giữa việc biết một kĩ năng và vận dụng kĩ năng đó vào trong đời sống. Khi gặp phải những tình huống bất lợi, để có được những quyết định sáng suốt, hãy học cách vượt qua rào cản của stress và duy trì "một cái đầu lạnh".
1. Kỹ năng số 1: Kiểm soát bản thân
Trước tiên, khi gặp phải các tình huống bất lợi, hãy học cách điều hòa cảm xúc của mình và quyết định cách ứng xử có lợi cho bản thân. Hãy nhớ rằng, để mặc cho áp lực đè nén dễ dẫn đến những bùng nổ của cảm xúc tiêu cực và những hành vi bốc đồng đầy nguy hiểm.
Bạn có nhớ những lúc bạn bị stress nặng, phải chăng suy nghĩ của bạn vẫn duy trì rõ ràng và mạch lạc? Những quyết định bạn đưa ra lúc đó liệu đã chính xác? Tôi đoán là không phải hầu hết. Sự thật là khi chúng ta bị stress nặng, chúng ta mất đi khả năng tư duy mạch lạc logic và khả năng điều hòa cảm xúc của chính bản thân mình và đối phương.
Cảm xúc truyền tải đi những thông tin và thông điệp quan trọng về cả bạn và người đối diện, nhưng chỉ khi bạn giữ mình bình tĩnh và tự chủ, bạn mới đủ khả năng nhận ra những tín hiệu tiêu cực của cảm xúc thay vì để nó lên men và bùng nổ. Hãy nhớ rằng bạn hoàn toàn có khả năng kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình, hãy cố gắng, tích cực hướng đến những trạng thái cảm xúc lành mạnh, sống có trách nhiệm và sẵn sàng đổi mới!
2. Kỹ năng số 2: Thấu hiểu bản thân
Kiểm soát bản thân mới chỉ là bước đầu của quá trình phát triển EQ. Các nghiên cứu về thuyết gắn bó chỉ ra rằng đời sống cảm xúc của bạn ở thời điểm hiện tại phần nào phản ánh những gì bạn đã trải qua ở thời thơ ấu. Cách bạn kiểm soát những cảm xúc chủ đạo như tức giận, buồn rầu, sợ hãi và vui vẻ thường phụ thuộc vào chất lượng và tính nhất quán của những trải nghiệm cảm xúc mà bạn có từ những năm đầu. Nếu người chăm sóc chủ yếu của bạn khi còn là một đứa trẻ hiểu và coi trọng cảm nhận của bạn, khi bạn lớn lên, cảm xúc trở thành một trong những tài sản quý giá. Ngược lại, khi còn nhỏ, tuổi thơ của bạn trải qua trong sợ hãi, lo lắng, đau đớn, cảm xúc của bản thân trở thành gai nhọn ám ảnh mà bạn muốn tránh xa suốt quãng đời còn lại.
Bằng cách kết nối với cảm xúc của chính mình - dõi theo sự thay đổi của cảm xúc bên trong bạn - là chìa khóa mở ra cánh cửa của thấu hiểu bản thân, hiểu được những ảnh hưởng của đời sống cảm xúc lên suy nghĩ và hành vi của chính bạn.
Bạn có cảm nhận được dòng chảy của cảm xúc, nhấp mùi vị của từng xúc cảm khi chúng chuyển hóa trong bạn?
Cơ thể bạn có trỗi dậy khi cảm xúc xuất hiện, như sự nao nao, cồn cào trọng bụng, trong cổ họng, trong lồng ngực?
Bạn có bao giờ trải nghiệm những lúc trong bạn chỉ tồn tại duy nhất một cảm xúc, là tức giận, là buồn bã, là sợ hãi hay là hạnh phúc? Bạn có biểu lộ ra bên ngoài thông qua nét mặt không?
Cảm xúc của bạn có dữ dội đến mức cuốn cả bạn và đối phương vào nó không?
Bạn có bao giờ chú ý đến cảm xúc của bản thân? Liệu chúng có ảnh hưởng đến quyết định của bạn?
Nếu bạn không có câu trả lời cho bất kì câu hỏi nào ở bên trên, vậy thì có lẽ bạn đã hoặc đang tự tách biệt, cô lập cảm xúc của mình. Trong quá trình phát triển EQ cũng như đạt được sự khỏe mạnh về tâm lí, bạn nhất thiết phải gắn kết bản thân, tiếp nhận và sống thoải mái với các cung bậc cảm xúc chủ đạo. Bạn hoàn toàn có thể làm được thông qua "tỉnh thức".
"Tỉnh thức" hiểu một cách đơn giản là sự tập trung cao độ có mục đích vào thời điểm hiện tại mà không đưa ra những đánh giá. "Tỉnh thức" có bắt nguồn từ đạo Phật, nhưng nhìn chung bất kì một tôn giáo nào cũng đều chứa đựng những phương thức cầu nguyện và thiền tương tự như phương pháp này của đạo Phật. Thông qua "tỉnh thức", tâm trí chuyển dời sự tập trung từ những bộn bề, lo toan đến sự biết ơn của hiện tại, sự cảm nhận của cơ thể và nội tâm bên trong và một giác ngộ sâu sắc hơn về sinh mệnh. "Tỉnh thức" xoa dịu những cảm xúc tiêu cực và tập trung vào chính bạn, giúp bạn nhận thức bản thân một cách rõ nét.
Điều quan trọng là hãy học cách đối phó với stress trước. Đó là tiền đề để bạn cảm thấy thoải mái hơn trong việc kết nối lại với những cảm xúc dữ dội và không mấy dễ chịu và thay đổi cách bạn trải qua và đáp lại những tín hiệu bên trong. Bạn có thể phát triển khả năng thấu hiểu cảm xúc của bản thân thông qua thực hành "tỉnh thức" với Emotional Intelligence Toolkit.
3. Kỹ năng số 3: Nhận thức xã hội
Hiểu biết về xã hội giúp bạn đọc hiểu chính xác những tín hiệu mà đối phương sử dụng nhât quán trong khi giao tiếp. Những tín hiệu này bộc lộ cảm nhận thật của họ, quá trình chuyển hóa cảm xúc và điều mà họ mong muốn. Khi bạn gặp những người phát ra tín hiệu tương tự, từ kinh nghiệm trước đó, bạn giờ đây có thể hiểu những gì ẩn sau đó và chia sẻ cảm xúc với họ. Về cơ bản, bạn là người hòa đồng và giàu lòng đồng cảm.
"Tỉnh thức" là con đường thấu hiểu cảm xúc bản thân và thấu hiểu xã hội.
Trong quá trình nhận thức xã hội, "tỉnh thức" sẽ trở thành một mảnh ghép quan trọng. Thử tưởng tượng mà xem, khi bạn chỉ tập trung vào mình, nghĩ về vấn đề của bản thân, hay tập trung nhìn điện thoại, bạn chắc chắn không thể phát hiện đối phương đã cảm thấy gì. Để có được nhận thức xã hội, bạn cần "tồn tại" ở hiện tại. Mặc dù nhiều người trong chúng ta cảm thấy tự hào về khả năng "multitasks", sự thật là chúng ta mất nhiều hơn được khi bỏ qua cảm nhận của người khác và lỡ mất cơ hội hiểu về họ.
Bằng cách dẹp những trăn trở của mình sang bên, tập trung tương tác với đối phương sẽ là cách thức hiệu quả để đạt được mục đích giao tiếp.
Đáp lại những cảm nhận chia sẻ của người khác là cách chúng ta cho đi và nhận lại. Và để làm được điều đó hãy học cách khai thác những cảm xúc của bản thân trước nhất.
Việc bạn dành sự quan tâm cho cảm nhận của người khác không đồng nghĩa với việc bạn phải bớt quan tâm đến bản thân. Khi bạn dành thời gian lắng nghe người khác, bạn cũng có thể học thêm một chút về bản thân mình. Giả dụ như có những ý kiến bạn cảm thấy chưa đúng lắm, và qua đó bạn hiểu thêm một chút về bản thân.
4. Kỹ năng số 4: Quản lí các mối quan hệ
Để có thể làm việc hòa hợp với mọi người, trước hết hãy nâng cao khả năng nhận thức cảm xúc và năng lực đồng cảm với mọi người. Một khi bạn có được khả năng nhận thức cảm xúc, các mối quan hệ nơi công sở cũng dễ đạt được hiệu quả và thành công, cùng với đó, các kĩ năng khác cũng sẽ được trau dồi, mài giũa.
Hãy đảm bảo bạn sử dụng "giao tiếp phi ngôn ngữ" hiệu quả. Trong cuộc sống, đa phần thời gian bạn dùng các phương tiện phi ngôn ngữ để bộc lộ tâm trạng, cảm xúc của mình. Trên khuôn mặt của chúng ta có rất nhiều múi cơ, đặc biệt là ở vùng quanh mắt, mũi, miệng và trán, là những phương tiện truyền tải cảm xúc của chúng ta ra bên ngoài, và ngược lại, giúp chúng ta nhận biết được xúc cảm của người khác. Và dù bạn có lờ đi những tín hiệu não bộ phát ra, các cơ mặt thì không. Giao tiếp phi ngôn ngữ, vì vậy, trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng nhất trong xã hội.
Để giảm stress, hãy vui đùa nhiều hơn. Tiếng cười và những cuộc vui là liều thuốc hữu hiệu chống lại stress, làm giảm đi cảm giác nặng nề, giữ chúng ta suy nghĩ thông suốt và hơn cả là thấu hiểu.
Biến xung đột thành những cơ hội. Bất đồng quan điểm và xung đột là những điều không thể tránh khỏi trong các mối quan hệ Rất khó để chúng ta chia sẻ những nhu cầu, mong muốn, suy nghĩ giống hệt nhau. Nhưng chưa chắc như vậy đã là xấu. Giải quyết xung đột theo những cách lành mạnh, mang tính xây dựng có thể giúp củng cố niềm tin. Thêm nữa, khi xung đột không mang tính đe dọa hay trừng phạt, nó đem đến sự tự do, tính sáng tạo và sự đảm bảo bền vững cho các mối quan hệ.
Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề
Chip Conley và bộ công thức về "phương trình" cảm xúc, tình yêu và ý nghĩa cuộc sống
Cảm Xúc Tích Cực Và Tiêu Cực Là Gì? Liệu Chúng Ta Có Cần Cả Hai?
Thiết Lập Ranh Giới Cảm Xúc(Emotional Boundaries): Ngưng Chịu Trách Nhiệm Cho Cảm Xúc Của Người Khác
Khi người thân yêu của bạn đang đau khổ: Làm thế nào để thực tâm giúp đỡ?
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết
Sẽ đến lúc nào đó trong đời chúng ta sẽ chạm tới ngưỡng khủng hoảng bản sắc cá nhân. Bạn sẽ đứng trước câu hỏi lớn của cuộc đời:
Bây giờ tôi có phải là tôi không?
Nếu tôi không phải là tôi thì tôi là ai?
Nếu bạn đang ở ngay chính giai đoạn bị thách thức bởi những câu hỏi này thì xin chúc mừng bạn: Bạn đã khởi động hành trình chuyển hóa bản thân. Bạn đang khát khao tìm hiểu mình, muốn thay đổi phát triển bản thân, quyết tâm trở thành phiên bản mới phát tốt đẹp hơn của chính mình.
Bạn không lẻ loi đơn độc trong thách thức này vì đây là khát vọng cháy bỏng của tất cả mọi người - BECOMING ME. Hãy đến cùng Compassion và những bạn đồng hành cùng chung mục đích này trong chương trình workshop “Becoming Me - Hành Trình Trở Thành Chính Mình“
Về Bài Đăng:
Người dịch: Lê Nhung Người biên tập: Diệu Hiền
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comentários