top of page
Ảnh của tác giảHải Yến

Compassion Fatigue - Mất Dần Sự Thấu Cảm? Cách Để Chữa Lành Cho Sự Mệt Mỏi Trắc Ẩn

Đã cập nhật: 20 thg 7, 2020


Thế giới có đầy những đau khổ. Con người quyết tâm sẽ giúp đỡ những người khác - cả những giúp đỡ chuyên nghiệp về mặt sức khỏe tinh thần và y học, các nhà hoạt động, tình nguyện viên, và những người có khả năng đồng cảm cao - phải đối mặt không ngừng với nhiều mức độ đau khổ khác nhau. Sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) là một loại chấn thương gián tiếp xảy ra khi một người bị choáng ngợp quá mức do những tổn thương và đau khổ của người khác.


Trong giai đoạn đầu, sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) có thể khiến một người bị bận tâm đến sự bất công và mong muốn sửa chữa nó. Tuy nhiên khi sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) tăng lên, nó dẫn đến sự thờ ơ và kiệt sức. Điều này có khả năng hủy hoại các mối quan hệ và sự kết nối của một người đến với những người khác. Đối với những người đi giúp đỡ, sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) là một minh chứng cho thảm họa của sự chuyên nghiệp.


SỰ MỆT MỎI TRẮC ẨN LÀ GÌ?

Sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) giống với việc bị kiệt sức ở chỗ nó có thể làm hao mòn về mặt thể chất, cảm xúc và cả tinh thần của một người. Không giống với kiệt sức, nó chỉ xuất hiện trong bối cảnh khi một người cho đi sự hỗ trợ cảm xúc sâu rộng hay lao động về cảm xúc. Trong vài trường hợp, các biểu hiện của sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) giống với rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).


Một số điểm khác biệt giữa sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) kiệt sức như sau:

  • Kiệt sức xảy ra khi môi trường làm việc trở nên căng thẳng, trong khi đó sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) xảy ra khi một người tương tác với những người khác do đó làm mất dần sự dự trữ cảm xúc của họ.

  • Những người gặp phải sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) có thể bắt đầu tránh né những tình huống mà ở đó họ phải đối diện với sự đau khổ của người khác nhưng có thể sẽ không tránh né những việc khác.

  • Sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) có thể khiến một người đánh mất sự thấu cảm với người khác.

  • Những người gặp phải sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) có thể cảm thấy hoài nghi, thờ ơ, hoặc mất kết nối với người khác.

  • Kiệt sức có thể hồi phục khi người đó thoát ra khỏi tình cảnh khiến họ kiệt sức. Còn sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) thì vẫn còn cả sau đó.


AI SẼ GẶP PHẢI SỰ MỆT MỎI TRẮC ẨN?

Bất cứ ai dành thời gian đáng kể để giúp đỡ người khác hoặc suy nghĩ về sự đau khổ của người khác có thể gia tăng sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue). Một số người đặc biệt nhạy cảm với nó bao gồm:

  • Những người rất thấu cảm, có xu hướng luôn như một nhà trị liệu trong gia đình và kể cả với bạn bè của họ.

  • Người mắc chứng rối loạn chức năng nhưng lại liên tục hỗ trợ những người khác trong gia đình mà không tìm kiếm sự hỗ trợ cho chính bản thân.

  • Những người là chuyên gia trong lĩnh vực y học và sức khỏe tâm thần, đặc biệt là người làm việc với chấn thương, lạm dụng, hay người đã mất.

  • Những người làm việc trong lĩnh vực đối đầu với những bất công. Luật sư làm việc trong các vụ kiện đầy thách thức hoặc các vấn đề công bằng xã hội, các nhà hoạt động, những người làm công tác phòng chống lạm dụng trẻ em và những người làm việc để chấm dứt các vấn đề mang tính hệ thống đều có nguy cơ gặp phải. Công việc mà không phải là công việc được trả công. Ví dụ như một cố vấn tình nguyện cho khủng hoảng hiếp dâm, có thể dễ dàng gặp phải sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue).

  • Những người chuyên nghiệp thường xuyên can thiệp vào các tình huống sang chấn hoặc đe dọa đến tính mạng. Những người phản ứng đầu tiên như lính cứu hỏa, cảnh sát và các chuyên gia của EMS có thể gặp phải sang chấn gián tiếp hoặc sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue).

  • Những người chăm sóc cho những bệnh nhân mắc bệnh kinh niên. Một đứa trẻ trưởng thành chăm sóc cha mẹ bị chứng mất trí hoặc một căn bệnh nan y khác có thể cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) trở nên phổ biến hơn khi một người không nhận được sự hồ trợ đầy đủ cho công việc của họ. Một người chăm sóc cho người mắc chứng mất trí nhớ có thể dễ bị mệt mỏi hơn khi các thành viên khác trong gia đình từ chối giúp đỡ hoặc liên tục chỉ trích việc chăm sóc của họ.

CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA SỰ MỆT MỎI TRẮC ẨN

Các triệu chứng của sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) khác biệt giữa người này với người khác và có thể thay đổi theo thời gian. Chúng bao gồm:

  • Các triệu chứng giống với PTSD, chẳng hạn như hồi tưởng, tránh né, giấc mơ lộn xộn và ác mộng.

  • Không có khả năng thể hiện lòng trắc ẩn hoặc sự thấu cảm. Một bác sĩ chăm-sóc-một-lần có thể bắt đầu đổ lỗi cho bệnh nhân vì bệnh tật của họ, trong khi một nhân viên xã hội có thể mất hứng thú với việc giúp đỡ các gia đình đang gặp khó khăn.

  • Phẫn nộ và oán giận.

  • Trở nên mất kết nối xã hội.

  • Cảm thấy khó được thấu hiểu.

  • Có sự gia tăng khoảng cách giữa công việc và gia đình.

  • Giảm năng suất và hiệu quả.

  • Cảm thấy bị mắc kẹt.

  • Trầm cảm.


CÁC CHIẾN LƯỢC PHÒNG NGỪA SỰ MỆT MỎI TRẮC ẨN

Sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) là một cuộc vật lộn phổ biến, và không phải lúc nào cũng có thể ngăn chặn được. Nó thường xuất hiện đột ngột, ngay cả sau khi một người đã kiểm soát căng thẳng tốt trong nhiều năm. Tuy nhiên, một số chiến lược phòng ngừa dưới đây có thể làm giảm nguy cơ và giúp một người kiểm soát tốt hơn các triệu chứng của sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue):

  • Sắp xếp thời gian để tự chăm sóc bản thân, bao gồm ăn các bữa ăn lành mạnh, tập thể dục và dành thời gian cho những sở thích thú vị.

  • Hãy xác định ranh giới rõ ràng. Không ai cần phải trả lời các cuộc gọi 24 giờ mỗi ngày hoặc chăm sóc liên tục cho người khác.

  • Dành thời gian nghỉ ngơi thoát khỏi công việc hoặc lao động chăm sóc bất cứ khi nào có thể.

  • Dành thời gian với những người hỗ trợ và hiểu công việc bạn đang làm. Chẳng hạn, một luật sư về lợi ích công cộng có thể tìm thấy sự hỗ trợ và giúp đỡ từ các cuộc gặp gỡ hàng tuần với các luật sư trong các lĩnh vực tương tự.

  • Luyện tập chánh niệm. Sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) có thể khiến một người cảm thấy mất tập trung và choáng ngợp. Thiền và phương thức sống chánh niệm có thể chống lại những cảm giác này.

  • Tránh làm việc khi về nhà. Đừng đọc email khó chịu hoặc nghe thư thoại trong thời gian mệt mỏi. Những người làm việc liên quan đến chăm sóc hoặc hoạt động không được trả lương nên sắp xếp để có thời gian nghỉ ngơi.

  • Tìm kiếm sự giúp đỡ. Không một người nào có thể giải quyết các vấn đề của cả thế giới được cả. Người chăm sóc trong gia đình nên xem xét các lựa chọn chăm sóc có trả tiền hoặc nhờ các thành viên khác trong gia đình giúp đỡ. Người trợ giúp chuyên nghiệp nên tìm kiếm các tài nguyên bổ sung để giúp khách hàng của mình thay vì làm kiệt sức của chính họ.

  • Hãy tự thưởng cho bản thân sau khi hoàn thành những công việc khó khăn. Ví dụ, lên kế hoạch đi chơi với bạn bè sau cuộc họp với một khách hàng khó tính.

ĐIỀU TRỊ CHO SỰ MỆT MỎI TRẮC ẨN

Sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) là một phản ứng với căng thẳng mãn tính, không phải là một chẩn đoán sức khỏe tâm thần. Điều trị sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) đòi hỏi một người phải giảm bớt căng thẳng. Điều đó có nghĩa là:

  • Giảm khối lượng công việc của họ hoặc gặp ít khách hàng hơn.

  • Dành thời gian nghỉ ngơi, tránh xa công việc.

  • Thiết lập ranh giới cuộc sống - công việc rõ ràng.

  • Thay đổi cách tiếp cận để làm việc.

Trong một số ngành nghề, có thể rất khó để giảm căng thẳng. Ví dụ, một bác sĩ phòng cấp cứu điều trị cho những người trải qua việc bị bạo hành thì ít có thể kiểm soát được khối lượng công việc của họ, trong khi một luật sư tử hình lành nghề có thể là người duy nhất trong khu vực của họ có thể xử lý các trường hợp phức tạp như vậy. Những người trong những tình huống này có thể yêu cầu hỗ trợ liên tục, thuốc men để kiểm soát sự lo lắng và trầm cảm và được nghỉ ngơi thường xuyên.

Bất kể nguyên nhân của sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) là gì, một nhà trị liệu có thể giúp một người bằng cách:

  • Đánh giá ranh giới của họ. Trong một số trường hợp, một người gia tăng sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) vì họ cảm thấy có nghĩa vụ phải cứu sống tất cả mọi người.

  • Tạo ra sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn. Thời gian xa công việc, những sở thích có ý nghĩa, tập thể dục và tự chăm sóc bản thân có thể giúp giảm bớt sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue) và kiệt sức.

  • Hãy thư giãn. Xây dựng các chiến lược giúp thư giãn như thiền định và nuôi dưỡng chánh niệm trong từng giây phút.

  • Xác định các nguồn lực khác có thể giúp ích. Ví dụ, một bác sĩ có thể giảm bớt căng thẳng đáng kể bằng cách thuê một trợ lý văn phòng hoặc phụ thuộc nhiều hơn vào nhân viên điều dưỡng của họ.

  • Có được các kỹ năng mới. Các chiến lược mới để đối phó với các thách thức cá nhân hoặc nơi làm việc có thể giúp một người tránh được sự mệt mỏi trắc ẩn (compassion fatigue). Ví dụ, bằng cách học cách lắng nghe mà không đưa ra lời khuyên, cha mẹ có thể cung cấp sự hỗ trợ lớn hơn cho một đứa trẻ đang gặp khó khăn mà không cảm thấy quá mệt mỏi sau mỗi cuộc trò chuyện.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Compassion fatigue. (n.d.). The American Institute of Stress. Retrieved from https://www.stress.org/military/for-practitionersleaders/compassion-fatigue

  2. Compassion fatigue. (2017, August 23). American Bar Association. Retrieved from https://www.americanbar.org/groups/lawyer_assistance/resources/compassion_fatigue

  3. Gallagher, R. (2013). Compassion fatigue. Canadian Family Physician, 59(3), 265-268. Retrieved from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3596203

  4. Pfifferling, J., & Gilley, K. (2000). Overcoming compassion fatigue. Retrieved from https://www.aafp.org/fpm/2000/0400/p39.html

 

Người dịch: Hải Yến ; Người biên tập: Trang

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentarios

Obtuvo 0 de 5 estrellas.
Aún no hay calificaciones

Agrega una calificación

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page