top of page

Ecological Systems - Hệ Sinh Thái Hỗ Trợ Cá Nhân, Gia đình Thay Đổi Như Thế Nào Trong Đại Dịch

Những cánh tay hỗ trợ nào mà đại dịch đã phá hủy và chúng ta có thể làm gì?


Bạn cảm thấy gì hôm nay? Tuyệt vọng, sợ hãi, lo lắng, hoảng sợ, bối rối, bất lực, cô đơn, tức giận? Nhiều người trong chúng ta cảm thấy như thể chúng ta sắp vỡ òa, thậm chí đôi khi cảm thấy như vấn đề từ đại dịch (và những gì liên quan) cứ bám riết lấy chúng ta. Mãi không tha.


Trong thế giới hiện tại, chúng ta thường cảm thấy mất kết nối với cộng đồng và với thiên nhiên, với thế giới. Trong một xã hội thiền về chủ nghĩa cá nhân như hiện nay, đôi khi khó có thể nhận ra rằng: sự mất kết nối đi ngược lại với sự tiến hóa của loài người. Chúng ta đã tiến hóa để phát triển ngày càng hoàn thiện hơn khi: mỗi cá nhân được hỗ trợ trong một mạng lưới kết nối. Ở đây, chúng ta sẽ đề cập đến một thứ gọi là "thuyết hệ thống sinh thái" (ecological systems theory), giúp giải thích tại sao tất cả chúng ta đều khốn khổ như vậy và gợi ý cho những gì chúng ta có thể làm.


Về hệ thống sinh thái hỗ trợ (Ecological System of Supports)

Nhà tâm lý học phát triển nổi tiếng người gốc Nga, Urie Bronfenbrenner đã tiến hành nhiều nghiên cứu khác nhau và nhận thấy cộng đồng hỗ trợ đã giảm sút ở Hoa Kỳ (theo Bronfenbrenner, 1972). Sau đó, ông đã xây dựng một mô tả trở nên nổi tiếng hiện nay về các loại tác động của xã hội đối với sự phát triển của một đứa trẻ (Bronfenbrenner, 1979). Lý tưởng nhất là tất cả các cấp độ đều nhất quán trong thông điệp và sự hỗ trợ của đứa trẻ. Mặc dù ông ấy tập trung chủ yếu vào trẻ em, nhưng tất cả các cấp độ đều ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi.




1. Hệ thời đại (Chronosystem)

Hệ thời đại đề cập đến một thời đại thời gian cụ thể, ví như chiến tranh thế giới hoặc đại suy thoái làm ảnh hưởng đến hoạt động của một nền văn hóa và con người sống trong thời đại đó. Đại dịch Covid chỉ là một giai đoạn như thế trong lịch sử loài người. Hệ thời đại (ở thời điểm này là đại dịch Covid) có ảnh hưởng tổng thể đến mọi hệ thống khác. Đại dịch Covid, cùng với bất ổn xã hội do áp lực kinh tế, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thông tin sai lệch và bất ổn về khí hậu toàn cầu... khoảng thời gian chúng ta đang sống mang lại căng thẳng đối với hầu như tất cả mọi người.


Vậy chúng ta có thể làm gì? Chúng ta có thể làm gì khác ngoài những việc đương nhiên cần làm trong đại dịch, như tự tăng cường hệ thống miễn dịch của chính chúng ta, tham gia tiêm chủng, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách về thể chất với người khác? Ngoài những điều đó, chúng ta có thể nhìn nhận vai trò của thế giới hiện đại trong việc tạo ra bối cảnh cho các đại dịch (ví dụ: phá rừng) và thực hành tái tạo lại hệ sinh thái để không xảy ra nhiều đại dịch khác về sau.


2. Hệ vĩ mô (Macrosystem)

Hệ vĩ mô (xã hội, các hoạt động và giá trị của cộng đồng nhỏ và các cộng đồng văn hóa lớn hơn) ảnh hưởng đến hành vi nói chung, tương tự như khi một người nhập cư học các giá trị và hành vi của nền văn hóa mới. Các nền văn hóa lớn và cộng đồng văn hóa nhỏ khác nhau thì nhấn mạnh các khía cạnh khác nhau của cuộc sống, ví dụ, kỹ năng âm nhạc hoặc thể thao.


Trong thời kỳ đại dịch, các giá trị và hoạt động văn hóa nhấn mạnh tính độc lập, tự mình nuôi dạy con cái và tự vươn lên bằng chính nội lực của mình đã khiến nhiều người bị ràng buộc. Sự căng thẳng đối với các gia đình, đặc biệt là những người mẹ đang cố gắng cáng đáng các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, đang bị quá tải.


Chúng ta có thể làm gì? Chúng ta có thể chuyển sự hiểu biết của mình về quyền công dân và cộng đồng theo hướng tương trợ lẫn nhau thay vì bỏ mặc lòng nhân từ đối với người khác và chỉ lo thủ thân.


3. Hệ Ngoại Vi (Exosystem)

Hệ ngoại vi đại diện cho các thể chế mà đứa trẻ/cá nhân không trực tiếp trải nghiệm (ví dụ, nơi làm việc của cha mẹ và các mạng xã hội) nhưng ảnh hưởng gián tiếp đến hạnh phúc lành mạnh toàn diện (wellbeing). Truyền hình (và bây giờ là internet và phương tiện truyền thông xã hội) là một phần của hệ ngoại vi bởi vì chúng bắt nguồn từ bên ngoài gia đình. Bronfenbrenner đã viết về truyền hình vào những năm 1970 (khi truyền hình chiếu ít bạo lực hơn nhiều so với ngày nay):


“Giống như thầy phù thủy ngày xưa, chiếc tivi sử dụng phép thuật, đóng băng lời nói và hành động rồi biến người sống thành những bức tượng im lặng miễn là thứ bùa mê ấy còn kéo dài. Mối nguy hiểm chính của màn hình tivi không nằm ở chỗ hành vi nó tạo ra (chiếu hình ảnh) mà nằm ở hành vi mà nó ngăn cản ta làm — các cuộc nói chuyện, trò chơi, lễ hội gia đình và các cuộc tranh luận, qua đó phần lớn việc học hỏi của trẻ diễn ra và hình thành tính cách của trẻ” (theo Bronfenbrenner , 1979, trang 242).


Đại dịch đã khiến cho thời gian dành cho trực tuyến tăng lên, làm tăng cao tầm ảnh hưởng của màn hình đối với học tập và giải trí.


Chúng ta có thể làm gì? Lý tưởng nhất là các em bé (và cả người lớn) có thể được đưa ra ngoài để khám phá một thế giới tự nhiên phức tạp, hệ ngoại vi nguyên bản thực tế của loài người chúng ta và tự mình trải nghiệm học tập sâu sắc. Nếu điều này không thể được thực hiện mà không tạo thêm căng thẳng, mọi người có thể thử làm theo EcoAttachment Dance, gồm các hoạt động trong vòng 28 ngày để xây dựng kết nối với thiên nhiên.


4. Hệ tương tác (Mesosystem)

Hệ tương tác thể hiện mối tương quan của các giá trị và trải nghiệm giữa hai hoặc nhiều môi trường mà trẻ chủ động dành thời gian: ở nhà, trung tâm giữ trẻ, trường học, nhà thờ/đền chùa. Đứa trẻ chuyển từ bối cảnh này sang bối cảnh khác trong “quá trình chuyển đổi sinh thái” (theo Bronfenbrenner, 1979, trang 210). Lý tưởng nhất là các bối cảnh chia sẻ kiến ​​thức, thông tin liên lạc, thông qua các bên thứ ba. Càng nhiều liên kết giữa các bối cảnh càng tốt. Sự phát triển của trẻ được nâng cao nhờ một số lượng lớn hơn các trải nghiệm tương tác khó khăn khác nhau (ví dụ: với những người có xuất thân khác nhau) mà đứa trẻ có trong mỗi môi trường. Trải nghiệm tương tác với cùng một người trong các môi trường giúp tăng cường sự phát triển của trẻ.


Hạnh phúc toàn vẹn của người lớn cũng bị ảnh hưởng bởi hệ tương tác. Cha mẹ bị ảnh hưởng theo cách thức, ví dụ, y tá hoặc giáo viên, tiếp cận họ để hướng dẫn và hỗ trợ, thu hút cha mẹ vào một mạng lưới kết nối. Các bậc cha mẹ bận bịu đi làm được hưởng lợi từ lịch trình công việc linh hoạt và việc sắp xếp chăm sóc con cái thỏa đáng. Nghiên cứu của Bronfenbrenner chỉ ra rằng các bà mẹ nhận thấy công việc của họ là vấn đề thuộc về thành tựu cá nhân.


Ngược lại, theo tài liệu của Bronfenbrenner (1979) sự xa lánh của trẻ em và thanh thiếu niên là do “sự phá vỡ các mối liên hệ giữa các phần khác nhau trong cuộc sống của đứa trẻ — gia đình, trường học, nhóm bạn đồng lứa, hàng xóm, và các phương tiện mời gọi cám dỗ, hoặc tất cả môi trường này thường thờ ơ lạnh lùng hoặc phủ nhận trẻ, vì người lớn quay cuồng trong thế giới của công việc ”(tr. 231). Bronfenbrenner không bao gồm mạng xã hội trong này vì nó không tồn tại vào thời điểm đó, nhưng đây là một nguồn khác có thể gây ra sự xa lánh.


Bronfenbrenner (1979) đã thảo luận về trường hợp nhà dành cho người hưu trí bị đóng cửa và cư dân được chuyển đi. Một nghiên cứu cho thấy những người trở nên chán nản hoặc từ chối nỗi đau của chính mình có nhiều khả năng 'chết sớm' (so với mức trung bình dự kiến) hơn những người bày tỏ sự tức giận hoặc chấp nhận.


Đại dịch đã đóng cửa các lựa chọn thay thế cho 'ở nhà' như trường học, các đội thể thao, câu lạc bộ, nhà thờ/đền chùa. Đối với người lớn, nó thường bao gồm cả nơi làm việc trực tiếp.


Chúng ta có thể làm gì? Chúng ta có thể tìm ra những cách sáng tạo để nuôi dưỡng cảm giác cộng đồng thân thiết, chẳng hạn như bằng cách lên lịch cho các cuộc tụ họp cộng đồng ngoài trời (nếu vẫn còn được phép) hoặc những ngày vui chơi ngoài trời khiến chúng ta xa cách nhưng được kết nối. Hoặc như người Đan Mạch, chúng ta có thể cùng nhau tạo ra âm nhạc — hát cùng nhau trực tuyến hoặc bên ngoài trời. Trong thời gian xảy ra đại dịch, Hệ thống Phát thanh Truyền hình Đan Mạch đã sắp xếp các chương trình hát cùng nhau trong đó ⅕ người dân cả nước tham gia.


5. Hệ vi mô (Microsystem)

Hệ vi mô đề cập đến trải nghiệm trực tiếp của trẻ em trong gia đình, nhà trẻ hoặc trường học. Trọng tâm là một bối cảnh và những trải nghiệm trong đó — gồm các hoạt động, các mối quan hệ. Đối với một người trưởng thành cũng vậy, hệ vi mô đề cập đến các mối quan hệ trực tiếp.


Đại dịch đã đóng chặt cánh cửa hệ thống vi mô của tất cả mọi người, ảnh hưởng nặng nề nhất đến những bậc cha mẹ có con cái cần được quan tâm sâu rộng và những người không thể ở cùng bạn bè, các thành viên khác trong gia đình, tham gia các đội thể thao hoặc các hoạt động khác.


Chúng ta có thể làm gì? Chúng ta có thể tìm cách giúp đỡ những người mà chúng ta biết, những người đang phải gánh vác nhiều trách nhiệm đồng thời (công việc, giáo dục con cái tại nhà, chăm sóc người thân, nội trợ). Các gia đình trong những tình huống khó khăn này có thể tìm cách giúp bản thân bình tĩnh và sáng suốt hơn (ví dụ: thực hành 28 Ngày tự trấn tĩnh). Kích thích dây thần kinh phế vị, một hành động có lợi cho sức khỏe, có thể được thực hiện bằng cách hát một mình hoặc cùng nhau (thậm chí ngâm nga) và thở bằng bụng (rất nhiều video trên YouTube hướng dẫn về thực hành này) và cười to thoải mái từ bụng (tìm ra cách khiến các thành viên trong gia đình cười sảng khoái) .


6. Cá nhân

Sự phát triển của mỗi cá nhân là phần cuối cùng của câu đố: quỹ đạo của đứa trẻ được định hình như thế nào bởi di truyền, trải nghiệm, di truyền học biểu sinh (epigenetics) và nhiều yếu tố khác.


Kết luận

Hạnh phúc toàn vẹn của mọi người đều bị ảnh hưởng bởi các cấp độ không gian xã hội này, bất kể ở độ tuổi nào. Để duy trì sự lành mạnh cả thể chất và tinh thần, chúng ta tiến hóa cần sự hỗ trợ của những mối quan hệ xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đời thông qua không gian ‘chiếc tổ’ (hay ‘cái nôi’ nuôi dưỡng) đã tiến hóa, nhưng điều này vẫn tiếp tục trong suốt cuộc đời. Mọi thứ chúng ta có thể làm để thúc đẩy hạnh phúc toàn vẹn của nhau đều là mục tiêu tốt đẹp cho mỗi ngày.


Nhìn chung, đại dịch đã cho thấy sự hỗ trợ không đầy đủ cho các gia đình có trẻ em như thế nào. Chúng ta có thể làm gì? Chúng ta có thể tham gia nhiều hơn vào việc hình thành các chính sách, tác động đến các nhà lãnh đạo của mình để hỗ trợ gia đình và trẻ em tốt hơn, chẳng hạn như bằng cách gửi séc hàng tháng cho cha mẹ, cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ chất lượng nhưng không tốn kém — đặc biệt là ở nơi làm việc, cung cấp cho gia đình nghỉ phép có lương trong ít nhất một năm một đứa trẻ được sinh ra — những ý tưởng này hiện nay đang nảy nở khắp Washington DC.


 

Khuyến cáo về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây: www.compassion.vn/booking).


Thông Tin Về Bài Đăng:

Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Anh Đào Lê ; Người biên tập: Phạm Đại Bàng

Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing. Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page