top of page

Chuyển Hóa Quyền Lực Bằng Giao Tiếp Trắc Ẩn - Phần 1: 4 Loại Hình Quyền Lực

Đã cập nhật: 19 thg 3, 2022

“Tài nguyên là có hạn mà mong cầu là vô hạn. Con người thì ích kỷ.” Đó là hai giả định chính của những hệ thống đang bao trùm lên cuộc sống của đa số chúng ta. Từ hai giả định này, một loại quyền lực được sản sinh, gọi nôm na là quyền lực trên cơ. Còn những loại hình quyền lực khác, nhưng chúng đòi hỏi ta phải sử dụng những giả định khác. Giao tiếp trắc ẩn (GTTA) đòi hỏi một niềm tin sâu sắc rằng, con người vốn dĩ thích cho đi trong sự tự do. GTTA cũng đòi hỏi chúng ta trung kiên với việc coi sóc nhu cầu của người khác. Và khi mâu thuẫn xảy ra, chúng ta được kêu gọi mà đứng vững trong khả năng kết nối và sáng tạo của mình, để cùng nhau tìm ra những phương tiện mới, nhằm đáp ứng càng nhiều nhu cầu của các bên càng tốt. Khi chúng ta sử dụng và làm mẫu cách sống Giao tiếp trắc ẩn trong những hệ thống thống trị, nhiệm vụ của chúng ta là tưởng tượng ra và hiện thực hóa những mối quan hệ dựa trên loại hình quyền lực cùng nhau, bất kể những điều kiện của hệ thống có ra sao đi nữa


4 loại hình quyền lực

Có bốn loại biểu hiện quyền lực sau, theo Gaventa (2006):


(1) Quyền lực trên cơ (power-over) hay còn gọi là quyền lực phụ thuộc (dependent power):

Quyền lực trên cơ xuất hiện khi ta sử dụng sức ảnh hưởng của mình lên một vật hoặc một người nào đó. Hầu hết mọi người hiểu về quyền lực theo định nghĩa này. Họ cho rằng chỉ có một lượng quyền lực cố định, và nếu một người có thêm nhiều quyền lực thì những người khác sẽ phải có ít đi. Đây cũng là lý do mà nhiều người cho rằng quyền lực là xấu. (The Barefoot Collective 2009) Tuy vậy, chúng ta có nhiều ví dụ tích cực về việc sử dụng quyền lực trên. Một nhà điêu khắc sử dụng quyền lực của mình trên khối đá để tạo hình bức tượng. Một nhạc công thể hiện quyền lực trên nhạc cụ của mình để tiếng nhạc vang lên. Nhiều người sử dụng tầm ảnh hưởng của họ lên người khác để thúc đẩy lợi ích chung của xã hội như Nelson Mandela, Gandhi, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện, …


Chính khi con người lạm dụng quyền lực để áp chế người khác, chúng ta mới nhìn nhận quyền lực dưới góc độ tiêu cực. (Blau 1986; Rowlands 1997; Gaventa 2006) Quyền lực chỉ trở nên hủy diệt nếu một người sử dụng quyền lực một cách vô trách nhiệm, tước đoạt các nhu cầu cơ bản của người khác. Khi quyền lực trên cơ được có bằng cách giành lấy từ người khác, hoặc ngăn cản người khác thực hiện quyền lực của họ, nó kéo dài tình trạng bất bình đẳng, bất công và đói nghèo.



(2) Quyền lực nội tại (power-within) hay còn gọi là quyền lực độc lập (independent power):

Quyền lực nội tại là những niềm tin tích cực về lòng tự trọng, về bản thân (Gaventa 2006; The Barefoot Collective 2009). Quyền lực nội tại giúp ta tin rằng mình là người tháo vát, cuộc sống của mình có giá trị và tiếng nói của mình có giá trị (The Barefoot Collective 2017). Chúng ta cảm thấy mình có đầy đủ khả năng và khả năng thực hiện các hành động có chủ đích (Rowlands 1997; Chambers 2006). Quyền lực nội tại bắt nguồn từ ý thức chấp nhận và tôn trọng bản thân, từ đó chúng ta chấp nhận và tôn trọng người khác, coi nhau là bình đẳng (Williams và cộng sự 1994; Rowlands 1997; The Barefoot Collective 2009). Chúng ta có được quyền lực nội tại khi chúng ta phát triển những kiến thức, kỹ năng và sự tự tin bên trong mình, giúp ta cải thiện chất lượng cuộc sống.


(3) Quyền lực cộng hưởng (power-with) hay còn gọi là quyền lực tương thuộc (interdependent power):

Quyền lực cộng hưởng xuất hiện khi có một sự biến chuyển xảy ra: mọi người không chỉ làm việc chung với nhau mà chuyển sang làm việc cùng nhau để đóng góp cho mục tiêu tập thể (Gaventa 2006; Lukes 2005). Khi mọi người cùng nhau tập hợp nguồn lực để giải quyết vấn đề, thì sức mạnh tập thể sẽ lớn hơn sức mạnh của từng cá nhân cộng lại. Ở đây 1+1 > 2. (McKinney và Shanley 1985; Lukes 1986; Williams và cộng sự 1994; Rowlands 1997; Lukes 2005; The Barefoot Collective 2009). Quyền lực không còn là một trò chơi bắt buộc có kẻ thắng người thua nữa, và quyền lực cộng hưởng có thể giúp chuyển hóa quyền lực trên cơ (Eyben và cộng sự 2006).



(4) Quyền lực tiếp sức (power-to)

Quyền lực tiếp sức (hoặc “trao quyền” hay “nâng cao vị thế”, “nâng cao năng lực”) là sức mạnh để tạo ra sự thay đổi bằng cách phát triển kiến thức và kỹ năng. Theo quan điểm này, quyền lực được thể hiện qua ‘năng lực’, ‘điều kiện thuận lợi’ hoặc ‘khả năng’ (Lukes 2005). Khái niệm quyền lực tiếp sức dựa trên niềm tin vào tính biến động của quyền lực. Không chỉ có một lượng quyền lực cố định được phân bổ giữa người này với người khác, mà khi chúng ta nâng cao năng lực của mọi người thì quyền lực cũng sẽ được tạo ra thêm. (Rowlands 1997; Gaventa 2006).


Trên đây là 4 loại hình quyền lực hiện hữu đầy sống động và có những ảnh hưởng giao thoa trong các mối quan hệ quanh chúng ta, từ gia đình, tổ chức đến xã hội.


Vậy, bằng cách nào chúng ta có thể dịch chuyển, điều phối, trao quyền, và vận dụng "sức mạnh quyền lực" một cách lành mạnh, để cùng nhau nâng đỡ và phát triển?


Thương mời bạn đón đọc phần 2 của bài đăng với nội dung "Vận dụng Giao tiếp trắc ẩn để chuyển hóa quyền lực".


 

Bài đăng nằm trong chủ đề "Thấu tình đạt ý" - cũng là khóa học cơ bản và nền tảng về Giao Tiếp Trắc Ẩn (GTTA) – hướng tới việc trang bị những kiến thức và kỹ năng cốt lõi để bắt đầu áp dụng GTTA trong công việc và cuộc sống, do Giao tiếp trắc ẩn tổ chức, và Compassio bảo trợ truyền thông.


Đội ngũ sản xuất:

Dịch và tổng hợp: Khang Nguyễn

Minh họa: May L.

Phối hợp biên tập và truyền tải nội dung: Compassio. Ủng hộ kinh phí sản xuất nội dung cho ban biên tập tại: Ủng hộ


0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page