top of page
Ảnh của tác giảCompassio

Atlas Cảm Xúc: Về "Niềm Vui" & Những Câu Chuyện

Đã cập nhật: 2 thg 6, 2020

Tương Lai Hay Hiện Tại Đều Là Một Món Quà

Một vệt sáng kéo dài theo mắt cậu rồi mất hút hẳn ở nơi đuôi mắt. Tiếng nhạc nhè nhẹ phát ra từ chiếc radio nhà ai, có tiếng nói của người nào đó từ xa vọng lại rồi cũng nhanh chóng tan dần vào không trung. Cậu rảo bộ dọc theo con đường vốn dĩ rất đông đúc vào buổi sáng nhưng lúc này chỉ còn chiều xe thưa thớt để về nhà, ngay phía chung cư đối diện. Trên tay cầm một bịch đồ ăn mới mua được từ siêu thị, nghĩ bụng rằng tối nay sẽ nấu một món gì đó nóng ấm và ngon lành.


Bỗng từ xa, cậu nhìn thấy một thằng nhóc trạc mười tuổi hơn, đang nằm co ro trên băng ghế của trạm chờ xe buýt nọ. Cậu đi chầm chậm lại, càng lại gần, tim cậu càng đập nhanh hơn, cậu cảm nhận rõ hơn tiếng thở nhè nhẹ của nó, thân hình gầy gò và cánh mũi hơi phập phồng vì sương lạnh. Cậu đã đứng trước mặt cậu nhóc tự lúc nào. Không biết đó là cách nó vẫn hay làm để tránh ánh đèn xe cộ chiếu vào hay là do giấc ngủ thật sâu sau một ngày mỏi mệt, mà cậu thấy được ở cậu nhóc đôi mắt nhắm nghiền, thật chặt. Cậu nhè nhẹ mở túi đồ ăn ra, tìm những món có thể ăn đươc liền, rồi đặt lên băng ghế một cách cẩn thận.


"Thằng nhóc ốm quá..!" - cậu thầm nghĩ. Thế rồi, cậu quyết định mở chiếc áo khoác mình đang mặc ra rồi đắp lên người thằng nhóc. Cậu rời đi khi đã cảm thấy yên tâm và an lòng hơn. Bỗng cậu mỉm cười, một niềm vui nho nhỏ xuất hiện vào cuối ngày và len lỏi vào trong trái tim cậu - niềm vui khi "có thể mang đến cho người khác niềm vui". Ở băng ghế đá đó, cũng có một cậu bé sẽ mỉm cười hạnh phúc vì chiếc áo khoác của một người xa lạ tốt bụng nào đó đã giúp nó sưởi ấm qua đêm nay.


Một tiếng "ầm!" thật lớn kéo cậu thức dậy khỏi giấc ngủ chập choạng. Mơ tắt, ánh đèn cũng vụt tắt, tiếng còi xe cảnh sát từ xa vang lên dồn dập, tiếng xôn xao của đám người vãng du một lúc một lớn dần. Là vụ va chạm trên phố vừa xảy ra, ngay gần chỗ cậu nằm. Lẽ ra cậu sẽ rất hốt hoảng và lo sợ, nhưng chừng ấy thứ không thể ngăn lại cảm giác lâng lâng vừa xuất hiện trong cậu.


Thì ra cậu vừa mơ. Một giấc mơ của niềm vui và cảm giác hạnh phúc. Ở đó, cậu là một anh chàng thành công, có chút địa vị trong xã hội, và cậu bé nằm trên băng ghế đá ấy chính là cậu của hiện tại. “Nhưng mình của mười năm sau thì lại khác” - cậu thầm nghĩ. Đã rất lâu rồi cậu mới có cái cảm giác ấm áp như lúc nãy. Cậu nhoẻn miệng cười, nghĩ bụng phải tranh thủ ngủ thêm một chút trước khi ông bà chủ trong nhà mở cửa vào lúc 6 giờ sáng. "Mình sẽ mơ tiếp giấc mơ ban nãy" - cậu thầm nghĩ rồi thiếp đi khi nào chẳng hay.


Thì ra, cái cảm giác thật tuyệt đó, không phải chỉ những người đủ đầy và hạnh phúc mới có thể có được. Cậu ở hiện tại và cậu của một tương lai tươi sáng hơn - đều có quyền có cho mình những niềm vui khác nhau - niềm vui khi được giúp đỡ người khác và cảm giác hạnh phúc khi được người khác giúp đỡ, nhưng sau tất cả, nó vẫn được gọi chung với một cái tên - đó là niềm vui.



Trên đây là một mẩu chuyện nhỏ về niềm vui nho nhỏ của một cậu bé lang thang, với giấc mơ về tương lai tươi đẹp. Chúng ta, có lẽ cũng từng có những niềm vui tương tự, niềm vui từ việc "được người khác đồng cảm", niềm vui từ việc "cho đi lòng trắc ẩn với người khác". Có những giấc mơ với niềm vui mà chúng ta cứ muốn nhắm mắt lại mà mơ tiếp. Phải vậy không?


Nhưng niềm vui, nó thực sự là gì, nó đến từ đâu, vì sao chúng ta lại có nó, niềm vui có phải luôn là điều tích cực? Chúng ta cùng thử tìm hiểu những nội dung sau đây để hiểu sâu hơn về "Điều mà ai cũng biết là gì - Niềm Vui" nhé!


Hiểu Về Niềm Vui

Niềm vui (Joy) là một cảm xúc căn bản của con người, được hầu hết các nhà chuyên môn uy tín công nhận. Theo lý thuyết của Paul Ekman thì Niềm vui cùng với Sợ hãi, Tức giận, Nỗi buồn, Ghê tởm là 5 cảm xúc căn bản của con người, nhưng theo lý thuyết của Tiến Sĩ Robert Plutchik thì có tới 8 cảm xúc căn bản, mà Niềm vui là một trong số đó.

Chúng ta cảm thấy thích thú khi trải nghiệm sự mới lạ hoặc sự thoải mái. Mà theo một số lý thuyết phổ biến, cảm xúc được sinh ra vì mục đích ... sinh tồn. Mà chức năng quan trọng nhất của niềm vui chính là giúp con người "Thu lấy nguồn lực" - giúp ta sinh tồn và lớn mạnh. Khi chúng ta gặp một sự kiện kích thích "Có được một thứ gì đó có giá trị", nhận thức của chúng ta sẽ đánh giá "đây là thứ nên chiếm giữ", khi đó phản ứng của chúng ta là có cảm xúc "Vui", từ đó tạo ra hành vi "Giữ lấy" & "Tiếp tục lấy/tìm kiếm thứ có giá trị đó".



Vậy Điều Gì Tạo Ra (Trigger) Cảm Xúc Vui: 3 điều tạo ra cảm xúc, mà với mỗi người là hoàn toàn khác nhau, phụ thuộc vào cá nhân và hoàn cảnh

- Điều kiện tiền đề của cảm xúc: Hoàn cảnh & cảm giác hiện tại (ngay trước lúc xảy ra cảm xúc đó)

- Sự kiện: Sự kiện kích thích/xảy ra

- Dữ liệu nhận thức: Thế giới quan, thứ được ảnh hưởng bởi những trải nghiệm trước đó, lịch sử cá nhân và những kịch bản phổ biến được thừa hưởng về các sự kiện quan trọng trong cuộc sống.


Chúng ta có thể quay lại câu chuyện của cậu bé bên trên để hiểu về 3 điều này:

- Điều kiện tiền đề: Cậu bé đang nằm mơ

- Sự kiện: Sự kiện xảy ra trong giấc mơ của cậu, khi cậu được là một người "thành công, có chút địa vị trong xã hội" và cho đi lòng trắc ẩn cho chính mình ở hiện tại. Với cậu, đó là những điều "có giá trị" - đáng mơ ước.

- Dữ liệu nhận thức: Trong tiềm thức của cậu, những bữa ăn ấm nóng, những túi đồ ăn là những thứ cần thiết với cậu. Hình mẫu "thành đạt - có địa vị" là mơ ước đối với một đứa trẻ lang thang như cậu bây giờ.


Tín Hiệu - Thông Điệp Từ Niềm Vui

Niềm vui là một cảm xúc phổ quát của con người, nhưng để có thể hiểu và phân biệt được đâu là "niềm vui thực sự" đâu là "niềm vui giả tạo", hay "thông điệp" của nó là gì, để nắm được tâm lý của các đối tượng liên quan thật không dễ. Chúng ta cùng tìm hiểu về:

Tín hiệu của niềm vui

Tín hiệu vui bao gồm nụ cười Duchenne (nụ cười thực sự chứ không giả tạo), kích hoạt nụ cười (khóe môi kéo xiên lên) và kích hoạt cơ mắt thắt chặt mí mắt dưới và tạo thành nếp nhăn quanh góc ngoài của mắt (đặc biệt càng dễ thấy theo tuổi tác). Vui thích cũng bao gồm các tín hiệu âm thanh như âm thanh nhẹ nhõm (một tiếng thở dài hoặc thở ra) và âm thanh vui đùa (cười hoặc cười khúc khích).


Thông điệp từ niềm vui

Thông điệp về sự vui thích là "Điều này có cảm giác thật tuyệt". Nó khuyến khích tham gia vào tương tác xã hội. Để thực hiện chức năng thu lấy nguồn lực trong sinh tồn. Giúp con người sinh sản: Tiếp cận, cam kết, trao đổi gen (được kích hoạt bởi niềm vui và hài lòng).




Tâm Lý Học Về Niềm Vui

Tìm hiểu về khía cạnh tâm lý, cũng như những đặc điểm nhân cách của niềm vui. Chúng ta thường coi Niềm vui là một cảm xúc tích cực, nhưng như hai mặt của một đồng xu, niềm vui (cũng như những cảm xúc khác) cũng có mặt "tiêu cực của nó". Cùng tìm hiểu nhé:


Personality trait - Đặc điểm nhân cách của niềm vui

Một người vui vẻ thường được coi là người lạc quan. Người này nhìn thế giới theo hướng tích cực và có thể dễ dàng cười đùa và cảm thấy thích thú với mọi thứ.


Các vấn đề tâm lý xuất phát từ niềm vui

Không giống như những cảm xúc khác (như Giận - Sợ - Buồn...), thật khó để tưởng tượng những cảm xúc thú vị như niềm vui lại góp phần tạo ra những thách thức trong việc quản lý các mối quan hệ hàng ngày, công việc và khả năng đáp ứng nhu cầu cơ bản của chúng ta. Tuy nhiên, "bệnh lý" xuất phát từ niềm vui là khá nghiêm trọng; trạng thái hưởng thụ quá cao có thể gây ra ảo tưởng, ngoài việc cảm thấy tốt, có thể dẫn đến hành vi phá hoại. Ví dụ:


- Hưng Cảm - Mania/Manic Episode: Hưng cảm ở cực điểm của nó thường được đặc trưng bởi sự phấn khích điên cuồng, không thể kiểm soát (mà về cơ bản sự phấn khích này không có căn cứ trong thực tế). Thông thường thì, sự tự tin và lòng tự tôn (self-esteem) lúc này được thể hiện quá mức, và những ý tưởng lớn, ngông cuồng được thể hiện; điều này thường được gọi là sự vĩ cuồng. Hưng cảm thường là một phần của chứng rối loạn lưỡng cực.

- Rối loạn hưng cảm-trầm cảm mức độ nhẹ (Cyclothemia): Điều này được đặc trưng bởi tâm trạng thay đổi lên xuống một cách thất thường so với mức căn bản của một người. Người đó có thể cảm thấy "trên đỉnh thế giới" trong một thời gian, theo sau đó là một khoảng thời gian mà cảm giác của họ có phần buồn bã. Giữa các mức cao và thấp của chu kỳ, người ta có thể cảm thấy ổn định và có cảm giác tốt.



Giải Pháp Cho Một Niềm Vui Lành Mạnh

Các Trạng Thái/Mức Độ Của Niềm Vui: Niềm vui có nhiều mức độ và nhiều trạng thái khác nhau, biểu hiện ở nhiều điểm. Theo Atlas Of Emotions của Paul Ekman, niềm vui có các mức độ: Ngây ngất - Phấn khích - Ngạc nhiên - Hãnh diện - Hào hứng - Tự hào - Thanh thản - Bình an - "Vui sướng trên nỗi đau của người khác" - Hớn hở - Tiêu khiển - Trắc ẩn/niềm vui - Vui thú.


Trong đó, có những mức độ, khía cạnh của niềm vui có thể mang lại những điều không thực sự lành mạnh. Ý thức được điều đó và đưa ra một số giải pháp:

- "Vui sướng hả hê trên nỗi đau của người khác": Nhận thức khía cạnh phá hoại của nó và cố gắng khơi dậy lên lòng nhân từ đối với con người.

- Hãnh diện/Tự cao: Hãy khiêm tốn. Đặt mọi thứ vào bối cảnh rộng lớn và nhận ra rằng có nhiều người khác có phẩm chất tương tự hoặc thậm chí tốt hơn so với chính mình. Hiểu rằng một người có thể làm một điều gì đó không chỉ vì người đó quá đặc biệt, mà vì nhiều nguyên nhân và điều kiện phụ thuộc lẫn nhau mà còn có những người khác đã tham gia vào nữa.


 

Storyteller: Diệu Hiền

Editor: Phạm Đại Bàng

Dựa vào các thông tin từ: http://atlasofemotions.org & Wheel Of Emotions

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Bình luận

Đã xếp hạng 0/5 sao.
Chưa có xếp hạng

Thêm điểm xếp hạng

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page