top of page

Wheel of Emotions (Phần 1) - Bánh xe cảm xúc: Nó là gì và sử dụng như thế nào?

Đã cập nhật: 20 thg 3, 2022

Bạn có thể đoán được có bao nhiêu cảm xúc mà một con người có thể trải nghiệm?Câu trả lời có thể gây sốc cho bạn - đó là khoảng 34.000 cảm xúc! Với rất nhiều cảm xúc như vậy, làm thế nào người ta có thể làm chủ những dòng cảm xúc hỗn loạn với cường độ và tính chất khác nhau mà không bị "lạc trôi"?

Câu trả lời là – bạn chỉ cần có một “Bánh xe cảm xúc” (Wheel of Emotions) .


Photo by Malte Bickel on Unsplash

Qua nhiều năm nghiên cứu về cảm xúc, Tiến sĩ Robert Plutchik, một nhà tâm lý học người Mỹ, đã đề xuất rằng có tám loại cảm xúc chính làm nền tảng cho tất cả những sắc thái cảm xúc khác nhau bao gồm: vui, buồn, tin tưởng, ghê tởm, sợ hãi, giận dữ, ngạc nhiên và mong chờ (joy, sadness, acceptance, disgust, fear, anger, surprise and anticipation).

Điều này có nghĩa là, mặc dù không thể hiểu đầy đủ tất cả 34.000 cảm xúc khác nhau, việc học hỏi về cách xác định chính xác mỗi cảm xúc chính yếu được thể hiện trong bạn như thế nào có thể mang lại sức mạnh lớn lao. Nó đặc biệt hữu ích cho những khoảnh khắc cảm giác bị giằng xé mãnh liệt, khi tâm trí không thể duy trì bình tĩnh do tác động của nỗi ám ảnh xưa cũ để rồi ta đối phó với nó bằng phản ứng "chiến hay biến" (fight or flight response).


Bài viết này được chia thành 2 phần, gồm có những nội dung chính sau đây:


Phần 1:

  • Bánh xe cảm xúc của Plutchik là gì?

  • Cách sử dụng Bánh xe cảm xúc của Plutchik

Phần 2:

  • 3 Bảng mẫu về Bánh xe Cảm xúc

  • Sự khác biệt giữa Bánh xe Cảm xúc của Plutchik và Bánh xe Cảm xúc Geneva là gì?

  • Cách sử dụng Bánh xe Cảm xúc trong Tư vấn (Counseling)

  • Một thử nghiệm thú vị sử dụng Bánh xe cảm xúc của Plutchik: Bạn thực sự là ai theo như tính chất trong Bánh xe Cảm xúc?

  • Thông điệp mang về nhà cho bạn

  • Tài liệu tham khảo


Phần 1 - Bánh xe cảm xúc của Plutchik là gì?

Cảm xúc là gì?

Chúng ta hãy từ từ xem xét từng cảm xúc. Nhưng trước tiên, hãy bắt đầu với việc làm rõ định nghĩa cảm xúc là gì khi chúng ta sử dụng thuật ngữ gọi là: "cảm xúc". Nếu chúng ta xem xét các nghiên cứu trước đây, chúng ta sẽ thấy rằng các nhà nghiên cứu về cảm xúc xem cảm xúc như những chuỗi sự kiện được tạo ra bởi một số kích thích.


Cụ thể hơn, người ta định nghĩa như sau:

"Cảm xúc được định nghĩa là một tập hợp của những thay đổi liên quan đến nhau, xảy ra đồng thời, trong trạng thái của tất cả (hoặc hầu hết) năm hệ thống phụ (sub-system) của sinh vật, để đáp ứng việc đánh giá một sự kiện kích thích bên ngoài (hoặc bên trong) có liên quan đến mối quan tâm chính của sinh vật". (theo Emotion Researcher, 2015)

Trên đây là bảng - Ví dụ về các thành phần cảm xúc lấy từ "Cẩm nang quốc tế về Cảm xúc trong ngành giáo dục" cho thấy mối quan hệ giữa các yếu tố khác nhau và giữa các hệ thống phụ (sub-systems), cũng như các chức năng được cho là của chúng.


Các yếu tố bao gồm:

  1. Thành phần cảm xúc: Đây là yếu tố mà một cá nhân chỉ đơn giản là trải nghiệm cảm xúc. Đó là theo dõi vũ trụ bên trong nội tâm và nhận ra những gì đang được trải nghiệm tại thời điểm đó.

  2. Thành phần có xu hướng hành động: Một khi cảm xúc được xác định, cơ thể chuyển sang hành động. Cảm xúc sinh ra một số hành động nhất định thay vì những hành động khác, điều đó có nghĩa là trong khi một số cảm xúc nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta (và rất may là như vậy), như kéo tay bạn ra khỏi bàn ủi nóng, những cảm xúc khác thì nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, đối mặt với nỗi sợ hãi để tiếp tục bài phát biểu hoặc thuyết trình .

  3. Thành phần đánh giá: Bằng cách phân tích nhận thức cảm xúc, cá nhân có thể nhận ra các tình huống, hành động, môi trường hoặc cá nhân nào gây ra cảm xúc đó. Điều này hỗ trợ cá nhân trong việc theo dõi các tác nhân kích thích này ảnh hưởng đến sức khỏe của họ như thế nào. Nó cũng vô cùng hữu ích để giúp truyền đạt trạng thái của thế giới nội tâm của chúng ta với những người khác.

  4. Thành phần hành vi cử động: Đây là chức năng truyền đạt về cách chúng ta thể hiện những gì chúng ta đang trải qua (nét mặt, cử chỉ tay, cử động cơ thể, v.v.). Vì vậy, nó là cực kỳ quan trọng ở cấp độ giữa các cá nhân với nhau, cũng như của mỗi cá nhân.

  5. Thành phần sinh lý: Thành phần này hỗ trợ tất cả những thành phần khác và là phản ứng hóa học mà cơ thể chúng ta trải qua. Chẳng hạn, dòng máu chảy dồn đến tay khi người ta trải qua cảm xúc tức giận.

Mặc dù các thành phần của cảm xúc mà chúng ta cảm thấy có thể có ở tất cả các cá nhân, nhưng cường độ và biểu hiện của chúng khác nhau giữa người này với người khác.

Ví dụ, khi nghe những từ như: "Tôi sợ", "Tôi cảm thấy hốt hoảng", "Tôi không muốn ở đây" hay "Tôi chỉ không có đủ thời gian chuẩn bị cho bài thi cuối kỳ" là tất cả của những thành phần khác nhau của chỉ một cảm xúc.


Biểu hiện đầu tiên "Tôi sợ" mô tả một cảm giác chủ quan của sự sợ hãi. Biểu hiện thứ hai "Tôi cảm thấy hốt hoảng" đề cập đến thành phần sinh lý của một cảm xúc. Biểu hiện thứ ba "Tôi không muốn ở đây" chỉ ra xu hướng hành động tránh né, mà có thể hoặc không thể được người đó thực hiện. Biểu hiện thứ tư mô tả một số đánh giá về tình huống, bao gồm sự chống chế "Tôi chưa chuẩn bị" và thiếu năng lực (tôi không có đủ thời gian). Các cử chỉ có thể nhìn thấy được cũng liên kết với cảm xúc. Ví dụ, biểu hiện trên khuôn mặt, chẳng hạn như mỉm cười hoặc cau mày, các tư thế cơ thể, như mở cánh tay hoặc giơ nắm đấm, và thay đổi giọng nói, như lên cao giọng, có thể được quan sát trong các tình huống cảm xúc. (Theo Pekrun & Linnenbrink-Garica 2, 2014)


Bánh xe cảm xúc Plutchik

Bây giờ hệ thống cảm xúc phức tạp, và tất cả các thành phần của nó, đã rõ ràng hơn một chút, chúng ta có thể đi sâu vào "Bánh xe cảm xúc" của Plutchik (Pico, 2016). Tám cảm xúc chính mà ông xác định là cơ sở cho tất cả những cảm xúc khác, được nhóm lại thành các đối cực, như sau:

  • Vui đối cực với buồn (joy and sadness)

  • Tin tưởng đối cực với ghê tởm (acceptance and disgust)

  • Sợ hãi đối cực với tức giận (fear and anger)

  • Ngạc nhiên đối cực với mong chờ (surprise and anticipation)

Việt hóa bởi Compassio

Nền tảng của lý thuyết của ông bắt nguồn từ mười định đề sau: (Theo Changing Minds, 2016)

  • Động vật và con người Não giữa hay hệ thống limbic của con người khá giống với các loài động vật có vú. Điều này có nghĩa là động vật và con người trải nghiệm những cảm xúc cơ bản giống nhau.

  • Lịch sử tiến hóa Cảm xúc ra đời như một phần của quá trình tiến hóa, rất lâu trước khi có loài vượn hoặc loài người.

  • Vấn đề sống còn Vai trò ảnh hưởng nhất của cảm xúc là giúp chúng ta sống sót/sinh tồn.

  • Các mẫu hình Đây là các hình mẫu và các yếu tố có thể nhận dạng chung tạo nên mỗi cảm xúc.

  • Cảm xúc cơ bản Những cảm xúc cơ bản nhất là những cảm xúc chính: tin tưởng, sợ hãi, ngạc nhiên, buồn bã, ghê tởm, giận dữ, mong chờ và vui mừng (trust, fear, surprise, sadness, disgust, anger, anticipation and joy).

  • Sự kết hợp Việc thêm vào những cảm xúc chính khác nhau này sẽ tạo ra những cảm xúc mới. Chẳng hạn như: tình yêu = (niềm vui + tin tưởng); cảm giác tội lỗi = (niềm vui + nỗi sợ hãi); mừng rỡ = (niềm vui + ngạc nhiên)

  • Cấu trúc dựa trên giả thuyết Cảm xúc là cấu trúc, hoặc ý tưởng, giúp mô tả một trải nghiệm nhất định.

  • Đối lập Giống như nhiều thứ trong tự nhiên, có sự đối ngẫu trong cảm xúc, do đó mỗi người đều có thái cực đối lập: buồn là đối nghịch với niềm vui; tin tưởng đối lập với ghê tởm; sợ hãi đối nghịch với giận dữ; ngạc nhiên là trái ngược với mong chờ.

  • Tương tự Mức độ tương tự xác định cảm xúc nào có liên quan nhiều hơn và cảm xúc nào hoàn toàn trái ngược.

  • Cường độ Mức độ thay đổi trong cường độ, từ rất mạnh đến không mạnh lắm, tạo ra vô số cảm xúc đa dạng mà chúng ta có thể cảm nhận được. Chẳng hạn như: - tin tưởng chuyển từ chấp thuận sang ngưỡng mộ - sợ hãi chuyển từ sự e sợ sang kinh hãi - ngạc nhiên chuyển từ xao nhãng sang kinh ngạc - buồn bã từ ưu tư thành ra đau buồn - ghê tởm chuyển từ chán chường thành căm ghét - giận dữ từ bực mình thành thịnh nộ - mong chờ đi từ quan tâm đến cảnh giác - niềm vui đi từ an lạc đến ngây ngất.


Các yếu tố của Bánh xe cảm xúc

Nhìn vào bánh xe chúng ta có thể nhận thấy ba đặc điểm chính:

  • Màu sắc - Tám cảm xúc chính được sắp xếp theo màu sắc và thiết lập một tập hợp các cảm xúc tương tự. Những cảm xúc chính nằm ở vòng tròn thứ hai. Những cảm xúc có màu sắc nhạt hơn là sự pha trộn của hai cảm xúc chính.

Việt hóa bởi Compassio

  • Các sắc thái – Càng di chuyển đến trung tâm của vòng tròn thì cảm xúc càng mạnh lên, vì vậy màu sắc cũng tăng cường. Chẳng hạn, ở trung tâm của bánh xe, những cảm xúc chính thay đổi từ: tức giận sang thịnh nộ; mong chờ chuyển thành cảnh giác; niềm vui chuyển sang ngây ngất; tin tưởng đổi thành sự ngưỡng mộ; sợ hãi đổi sang kinh hãi; từ ngạc nhiên thành kinh ngạc; từ buồn bã chuyển sang đau buồn; từ ghê tởm chuyển thành căm ghét. Di chuyển ra các lớp bên ngoài, màu sắc trở nên ít bão hòa hơn và cường độ của cảm xúc giảm xuống.

  • Mối liên hệ của các cảm xúc - Những cảm xúc đối cực có thể được tìm thấy đối diện nhau. Khoảng trống ở giữa các cảm xúc thể hiện sự kết hợp chúng ta có được khi các cảm xúc chính trộn lẫn với nhau. Vì vậy, chúng ta thấy sự xuất hiện của những cảm xúc như yêu thương, lạc quan, hung hăng, khinh thường, hối hận, phản đối, kinh sợ và phục tùng (love, submission, optimism, aggressiveness, contempt, remorse, disapproval, awe, and submission).


Đọc tiếp phần 2 tại: www.compassio.info/article


 

Nguồn bài dịch: https://positivepsychologyprogram.com/emotion-wheel/ Người dịch: Anh Đào Lê Người biên tập: Phạm Đại Bàng Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng. Cộng tác sản xuất nội dung: tại đây (Với nguồn lực cộng đồng, bài đăng hoàn toàn miễn phí, không sử dụng bất cứ hình thức quảng cáo nào, do vậy nguồn lực tài chính chủ yếu đến từ Người Ủng Hộ: https://folksfoundation.info/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%99 - Độc giả có thể ủng hộ nguồn lực để duy trì các hoạt động sản xuất nội dung tại link trên)

 

Tài liệu tham khảo của bài viết gốc:

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page