top of page

Tê Liệt Cảm Xúc (Emotional Numbness) là gì? Cách Để Lấy Lại Cảm Xúc Sống Động

Tê liệt cảm xúc là một thứ mà hầu hết chúng ta đề trải nghiệm ít nhiều trong đời. Thường thì dạng cảm giác này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, đối với một số người, tê liệt cảm xúc lại trở thành một cách sống giúp bảo vệ họ khỏi đau đớn thêm về thể xác và tinh thần.


Nguồn: RelRules

Cảm xúc là một cấu phần then chốt trong quá trình vận hành đời sống của chúng ta. Trong thực tế, một nghiên cứu còn phát hiện ra rằng con người chúng ta trải nghiệm ít nhất một cảm xúc trong 90% tổng thời gian, trong đó tần suất cảm xúc tích cực ghi nhận được chỉ gấp khoảng 2,5 lần so với những cảm xúc tiêu cực.


Cảm xúc không chỉ mang đến một phản hồi tự động giúp bảo vệ an toàn cho bản thân bạn mà chúng còn tạo động lực giúp bạn hành động và thúc đẩy bạn ra quyết định.


Nhưng khi bạn bị quá tải hay cảm thấy bất lực, thì việc cảm xúc của bạn bị tê liệt cũng chẳng lấy gì làm lạ vì nó mang đến cho bạn một hàng rào bảo vệ. Mặc dù điều này giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm tức thời nhưng tập đối phó với những cảm xúc khó chịu theo cách này có thể để lại những hậu quả lâu dài.

Tê Liệt Cảm Xúc Là Gì?

“Tê liệt cảm xúc là tiến trình tâm lý và cảm xúc khi con người ta đóng lại hết những cảm nhận và chủ thể còn có thể rơi vào trạng thái thiếu hụt phản hồi hay phản ứng bằng cảm xúc”, theo lời giải thích của T.S Mayra Mendez, một nhà tâm lý trị liệu và điều phối chương trình tại Trung tâm Phát triển Gia Đình và Trẻ Em Providence Saint John.


Thường thì, tê liệt cảm xúc gây ra sự hạn chế nhất thời năng lực cảm nhận hoặc thể hiện cảm xúc của chủ thể.


“Mặc dù tê liệt cảm xúc ngăn chặn hoặc đóng chặt những cảm xúc và trải nghiệm tiêu cực, nhưng nó cũng chặn luôn cả khả năng trải nghiệm niềm vui, gắn kết trong những tương tác và hoạt động xã hội tích cực, và gây ảnh hưởng lên sự cởi mở, tiếp xúc thân mật, các mối quan tâm xã hội và kỹ năng giải quyết vấn đề”.


Điều không may ở đây là nó trở thành một công cụ đối phó định hình bằng sự né tránh, chối bỏ, thờ ơ và tách rời, từ đó gây cản trở năng lực đối diện, xử lý, giải quyết vấn đề và kiểm soát cảm xúc cùng những trải nghiệm. Những triệu chứng của tê liệt cảm xúc bao gồm:

  • Mất hứng thú vào những hoạt động quan trọng, tích cực mà vốn dĩ bạn đã từng rất thích thú.

  • Cảm thấy xa cách hoặc bị mọi người thờ ơ.

  • Không thể chạm tới cảm xúc của bản thân.

  • Cảm thấy “trơ lì”, cả thể chất và tinh thần.

  • Không thể toàn tâm toàn ý với cuộc sống.

  • Khó cảm nhận được cảm xúc tích cực như niềm hạnh phúc.

  • Thích thu mình cô độc hơn ở với người khác.

Nguyên Nhân Tê Liệt Cảm Xúc

Tê liệt cảm xúc có thể là kết quả của một nỗi đau đớn về thể xác hoặc tinh thần. Nhằm nỗ lực bảo vệ bản thân, không để lại bị tổn thương thêm lần nữa, chẳng lấy gì làm lạ khi người ta ngắt kết nối, thờ ơ hay trơ lỳ với những cảm cúc liên quan đến tình huống khiến họ khó chịu.

Nguồn: Cats, Kids, Chaos

Khi cảm xúc bạn tê liệt, bạn có thể tạm thời cảm thấy nhẹ nhõm, từ đó giúp bạn tiếp tục cuộc sống, nhưng dần dà, lá chắn bảo vệ này có thể “ngáng đường” bạn, không cho bạn kết nối với người khác và gắn kết với những cảm xúc cả tích cực lẫn tiêu cực.


Cách một người trải nghiệm tê liệt cảm xúc cũng khác hoàn toàn với cách bạn biểu hiện những triệu chứng của trạng thái này. Đó là vì con người ta trải nghiệm tình trạng tê liệt cảm xúc theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, bạn có thể khó kết nối với người khác hoặc mất đi khả năng cảm nhận nỗi buồn hay niềm vui khi phản ứng lại một số sự kiện nhất định. Có rất nhiều nguyên nhân lý giải việc bạn bị tê liệt cảm xúc.


Những nguyên nhân thường gặp:

  • Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)

  • Mất mát đau buồn.

  • Căng thẳng quá mức.

  • Trầm cảm.

  • Lạm dụng thể xác.

  • Lạm dụng tinh thần và cảm xúc.

  • Lạm dụng chất kích thích.

Bị tê liệt cảm xúc có thể cũng là một tác dụng phụ khi uống một số thuốc điều trị trầm cảm và lo âu. Nếu bạn đang uống thuốc chống trầm cảm và cảm thấy tê liệt cảm xúc, thì bạn cần phải phối hợp chặt chẽ với bác sĩ của mình. Họ có thể điều chỉnh liều hoặc thay đổi sang loại thuốc khác cho bạn.


Tê liệt cảm xúc thường xuất hiện nhiều nhất cùng với Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), là một rối loạn tâm lý xuất hiện sau khi người bệnh trải qua hay chứng kiến một sự kiện gây sang chấn nào đó. Khi đó, chủ thể thường có những suy nghĩ, cảm nhận mạnh mẽ và khó chịu liên quan đến sự kiện, có thể kéo dài cả tháng, thậm chí rất nhiều năm sau khi sự kiện kết thúc.


Để đối phó với sang chấn sau một sự kiện, một số người sẽ phải để cảm xúc của bản thân tê liệt hay né tránh dòng cảm xúc đó, như một cách để kiểm soát nỗi đau về thể chất và tinh thần này. Với những người mắc PTSD, điều này có thể thấy được trong những suy nghĩ, cảm xúc hay những đoạn hội thoại mang tính né tránh về sự kiện gây sang chấn, về con người hay nơi chốn làm họ nhớ lại sự kiện đó.


Những người được chẩn đoán mắc các rối loạn lo âu cũng có thể xuất hiện tình trạng tê liệt cảm xúc, như một cách họ phản hồi lại với căng thẳng cao độ, phản ứng lại nỗi sợ hoặc lo lắng quá mức. Trong thực tế, né tránh cả những cảm xúc tích cực và tiêu cực có liên đới với mức độ lo âu cao.


Ngoài ra, Mendez cũng chỉ ra rằng các giai đoạn trầm cảm có thể xuất hiện kèm với sự thiếu hòa hợp cảm xúc, cảm xúc mơ hồ và tê liệt cảm xúc. Bà cũng nói thêm, “Trầm cảm và rối loạn khí sắc cao mức độ nghiêm trọng sẽ có khả năng cao gây ra tê liệt cảm xúc.”

Điều Trị Tê Liệt Cảm Xúc

Có nhiều lựa chọn điều trị giúp bạn giảm được mức độ “trốn chạy”, tách rời và né tránh cảm xúc trong bạn.


Một khi bạn đã tìm được cho mình một nhà trị liệu hay một nhà tâm lý học cho bản thân thì bước đầu tiên trong tiến trình điều trị là giải mã nguyên nhân gây ra tình trạng tê liệt cảm xúc. Một nhà trị liệu có thể giúp bạn xác định những nguyên nhân đằng sau của chấn thương, và tìm ra những cách thức hiệu quả hơn đểc đối phó với những trải nghiệm và cảm xúc quá mức chịu đựng này.


Nguồn: QuotesGram

Mục tiêu chính của tâm lý trị liệu, theo Mendez, là để kích thích sự tìm hiểu làm rõ vấn để và tìm ra những cách thay thế giúp giải quyết vấn đề hiệu quả và khả thi. Hơn nữa, tham gia vào quá trình tâm lý trị liệu cũng giúp hỗ trợ quá trình học và áp dụng những công cụ đối phó hữu ích, như là cho phép cảm xúc được thể hiện ra bên ngoài và được xử lý trong một môi trường trị liệu an toàn, mang tính hỗ trợ cao.


Dù bạn chọn liệu pháp nào thì bản thân việc tìm kiếm sự giúp đỡ đã có thể giúp bạn tìm được một nơi chốn an toàn để bạn thể hiện và tiếp cận cảm xúc của bản thân. Trị liệu Nhận thức – Hành vi (Cognitive-Behavioral Therapy - CBT) tạo cơ hội cho bạn thể hiện và hiểu rõ cảm xúc của mình, cũng như kiểm tra những nguồn căn gây ra các phản ứng cảm xúc này. Nó cũng làm rõ làm thế nào mà một số suy nghĩ hay cách đánh giá vấn đề nhất định có thể góp phần hình thành cảm xúc trong bạn.


Mendez giải thích, “Học và thực hành các chiến lược nhận thức – hành vi trong kiểm soát căng thẳng, các trải nghiệm sang chấn, trầm cảm và lo âu có thể giúp “thuần hóa” những suy nghĩ tiêu cực và các dạng thức đối phó/phòng vệ thiếu hiệu quả và thiếu căn cứ trong xử lý cảm xúc và giải quyết vấn đề.”


Thay vì né tránh hoặc sử dụng những công cụ đối phó không hiệu quả (như làm tê liệt), mục đích của các giải pháp CBT là trao cho sức mạnh cho bạn, giúp bạn chuyển từ những suy nghĩ cho rằng mình bất lực sang có niềm tin về sức mạnh và năng lực xử lý cảm xúc của bản thân.


Liệu pháp chấp nhận và cam kết (ACT) là một dạng thức trị liệu hành vi khác, thường được áp dụng với hội chứng Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và những vấn đề sức khỏe tâm lý khác, có triệu chứng tê liệt và né tránh cảm xúc.


ACT sử dụng lối tiếp cận dựa trên tỉnh thức để giúp bạn nhận ra những nỗ lực đàn áp hoặc kiểm soát cảm xúc trong bạn. Mục tiêu của ACT là giúp bạn trải nghiệm những cảm xúc nội tại trong khi vẫn tập trung sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Điều Chỉnh Lối Sống

Ngoài tâm lý trị liệu, bác sĩ hoặc trị liệu viên cũng có thể giới thiệu cho bạn một số phương thức điều chỉnh lối sống giúp giảm bớt một số triệu chứng của tê liệt cảm xúc và hy vọng là cũng sẽ ngăn chặn được tần suất xuất hiện của hiện tượng này trong tương lai.


Mặc dù có thử có sai, nhưng chìa khóa thành công của điều chỉnh lối sống là tìm ra cái nào phù hợp với bạn nhất. Sau đây là một số ví dụ bạn có thể cân nhắc thử.


– Xây dựng một Hệ thống hỗ trợ

Mặc dù ban đầu việc tìm kiếm sự giúp đỡ người khác có thể rất khó khăn nhưng những hỗ trợ từ bạn bè và gia đình, những người bạn tin tưởng có thể mang đến cho bạn một cách thức an toàn để bạn bộc lộ cảm xúc của mình.


– Tham gia vào các hoạt động thể chất.

Tích cực tập luyện và tham gia vào các hoạt động thể chất mà bạn yêu thích không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe của bạn mà nó còn làm giảm các triệu chứng trầm cảm và lo âu. Hãy cố gắng dành thời gian tập luyện thể chất càng nhiều càng tốt trong tuần.


– Nghỉ ngơi hợp lý

Cả chất lượng và thời lượng nghỉ ngơi đều vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát các triệu chứng của bất kỳ vấn đề sức khỏe thể chất, cảm xúc và tinh thần nào. Điều này đặc biệt đúng với các vấn đề sức khỏe tâm lý vì thiếu ngủ có thể gây khó khăn hơn cho việc đối phó với những tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống.


Mặc dù thức dậy lúc nửa đêm là hiện tượng khá thường gặp mới những người mắc PTSD, trầm cảm, lo âu hay bất kỳ dạng sang chấn nào khác nhưng hãy cố ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm, đây là con số khuyến nghị cho người trưởng thành.


– Giảm căng thẳng

Những yếu tố gây căng thẳng thường nhật và sự căng thẳng quá mức là những nhân tố chính góp phần gây tê liệt cảm xúc. Tìm cách để kiểm soát căng thẳng tốt hơn chính là chìa khóa giúp giải quyết thái độ né tránh cảm xúc.


Thư giãn và các hoạt động tỉnh thức sẽ rất hữu ích giúp làm giảm ảnh hưởng của căng thẳng. Tham gia vào các bài tập thư giãn, đặc biệt là các bài gia tăng nhận thức về cơ thể, theo Mendez, có thể giúp đánh thức các giác quan, cảm giác và sự điều tiết của cảm xúc.


– Sử dụng các chiến lược tỉnh thức (Mindfulness)

Theo Mendez, “Tỉnh thức có thể cực kỳ hữu ích trong việc làm giảm tê liệt cảm xúc và làm tăng sức mạnh và năng lực cảm xúc nhằm kiểm soát các cảm giác căng thẳng. Hãy coi trọng việc công nhận những cảm xúc vì quá trình này sẽ làm rõ ràng những cảm xúc và cho phép chủ thể kiểm soát những suy nghĩ và cảm xúc quá tải và rối loạn.

Kết Luận

Học những phương thức mới trong đối phó với những sự kiện gây sang chấn, căng thẳng quá mức, trầm cảm, lo âu hay bất kỳ sự kiện nghiêm trọng nào trong đời sống là việc hoàn toàn khả thi. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ là bước đầu tiên giúp giải quyết tình trạng tê liệt cảm xúc. Họ có thể giúp bạn tìm một chuyên gia sức khỏe tâm lý lành nghề trong lĩnh vực này.


Bằng cách hình thành một mạng lưới hỗ trợ với bác sĩ, các chuyên gia sức khỏe tâm lý, gia đình và bạn bè, bạn có thể bắt đầu thay đổi cách bản thân đương đầu với sang chấn và học các cảm nhận cũng như trải nghiệm cảm xúc thực của chính mình.

Nguồn: YouTube
 

Đội ngũ sản xuất:

Người dịch: Như Trang

Người biên tập: Anh Đào Lê


 

Thông Tin Về Bài Đăng:

Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng. Cộng tác sản xuất nội dungtại đây. Ủng hộ kinh phí sản xuất nội dung cho ban biên tập tại:Ủng hộ

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Bình luận

Đã xếp hạng 0/5 sao.
Chưa có xếp hạng

Thêm điểm xếp hạng

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page