top of page

Nhận Biết, "Lên Tiếng" Khi Gặp Ngược Đãi & Làm Thế Nào Nếu Chính Bạn Đang Ngược Đãi Người Khác

Đã cập nhật: 22 thg 7, 2019

Thông tin từ Compassion.vn:

Compassion.vn đăng tải chuỗi bài về Abuse

Bài 1: Abuse (Ngược đãi - Bạo hành - Lạm dụng) Là Gì? Tác Động Tâm Lý & Nguồn Gốc Của Abuse (xem bài viết tại đây: https://bit.ly/2DbML9L)

Bài 2: Trợ Giúp Người Gặp Ngược Đãi (Xem bài viết tại đây)

Bài 3: Nhận Biết Và "Lên Tiếng" Khi Gặp Ngược Đãi (Xem bài viết tại đây)

Từ Abuse trong chuỗi bài này được hiểu theo nghĩa rộng là sự ngược đãi, lạm dụng hay bạo hành; tuy nhiên để thống nhất và ngắn gọn, chúng tôi sử dụng từ "ngược đãi" chung cho nghĩa tiếng Việt.

Việc ngược đãi thường không diễn ra công khai, nên rất khó để người ngoài có thể nhận ra được. Thậm chí, một người có biết về sự việc ngược đãi đi chăng nữa, cũng không biết làm cách nào để giúp đỡ. Điều này có thể gây ra những lo ngại nghiêm trọng.

Cách hành động như thế nào là tốt nhất thì lại tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể. Khi nạn nhân là một người trưởng thành có thể tự lập, các chuyên gia khuyên rằng họ nên hành động bằng cách làm theo sự chỉ dẫn của người khác. Khi nạn nhân của ngược đãi là một đứa trẻ hoặc người cao tuổi, người ngoài có thể báo lại cho các cơ quan chức năng. Nếu như một người nghi ngờ rằng họ đang có hành vi ngược đãi người khác, họ có thể tự tìm kiếm các phương pháp điều trị cho chính bản thân mình. Nếu bạn cảm thấy mạng sống của ai đó đang bị đe dọa nghiêm trọng, hãy gọi cho công an để được trợ giúp.


TRỢ GIÚP CHO NHỮNG NGƯỜI LỚN GẶP NGƯỢC ĐÃI

Nếu bạn biết một ai đó đang bị ngược đãi, bạn có thể sẽ cảm thấy bất lực khi phải chứng kiến tình cảnh mà họ đang gặp phải, đặc biệt là khi họ bảo rằng nếu bạn làm gì đó thì tình hình có thể sẽ càng tồi tệ và nguy hiểm hơn. Sẽ rất đau lòng khi phải nhìn người mà bạn quan tâm tiếp tục bị ngược đãi. Tuy nhiên, việc chọn thời điểm đúng lúc để hành động cũng là điều quan trọng đối với các nạn nhân đang bị ngược đãi.


Một trong những cách hữu ích nhất bạn có thể làm để giúp những nạn nhân bị ngược đãi đó là lắng nghe và ủng hộ họ mà không chút phán xét. Trấn an họ và nói rằng việc bị ngược đãi này không phải là lỗi của họ. Luôn nhắc họ nhớ rằng, mình luôn sẵn sàng giúp đỡ họ khi họ sẵn sàng.


Bạn cũng có thể giúp họ bằng cách xây dựng một kế hoạch để đảm bảo an toàn. Khi nào họ có ý định báo với cơ quan chức năng, rời bỏ người bạn đời, hoặc muốn an toàn hơn trong mối quan hệ, bạn đều có thể giúp họ chuẩn bị. Bằng cách:

  • Chắc chắn rằng họ có đầy đủ thông tin liên lạc đối với cơ quan chức năng địa phương hay các đường dây nóng 24/7.

  • Giúp họ luyện tập cách trốn thoát.

  • Tìm hiểu về những sự trợ giúp pháp lý ở địa phương.

  • Cung cấp cho họ thông tin về các yêu cầu được bảo vệ.

  • Đưa họ đi mua sắm những đồ thiết yếu để chuẩn bị hành lý sẵn sàng bỏ trốn.

  • Động viên họ thu thập các bằng chứng về việc bị ngược đãi, nếu như họ chưa có.


Chỉ có họ mới có thể xác định được khi nào mới là thời điểm an toàn nhất và thích hợp nhất để rời đi hay tìm kiếm sự trợ giúp. Vì vậy hãy nhớ rằng, trong khi họ chưa sẵn sàng, việc của bạn không phải là cố “giải cứu” họ hay can thiệp bằng mọi cách, hãy chỉ đưa ra cho họ những lời khuyên về mối quan hệ ngược đãi này.


THẾ NÀO LÀ ỦY QUYỀN TRÌNH BÁO?

Một giáo viên đã lắng nghe học sinh của mình kể lại câu chuyện.


Một số người có nghĩa vụ báo cáo với các cơ quan chức năng khi nghi ngờ một đứa trẻ đang bị ngược đãi hoặc bỏ mặc. Những người này được gọi là những người được ủy quyền trình báo. Ủy quyền trình báo cũng được áp dụng với những trường hợp ngược đãi với người cao tuổi và người khuyết tật.


Những người được phép ủy quyền trình báo thường tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ là nạn nhân của ngược đãi. Một số người, ví dụ như các nhà trị liệu, thường bị ràng buộc trong việc phải giữ kín các thông tin cá nhân của khách hàng. Nhưng với việc ủy quyền trình báo thì là trường hợp ngoại lệ.


Luật liên quan đến việc ủy quyền trình báo khác nhau giữa mỗi quốc gia và mỗi khu vực. Nhưng phần lớn ở các khu vực, những người có thể được ủy quyền trình báo thường là:

  • Chuyên viên y tế hoặc chuyên viên tâm thần.

  • Giáo viên và ban giám hiệu nhà trường.

  • Các dịch vụ xã hội, chăm sóc trẻ em hoặc nhân viên chăm sóc.

  • Lực lượng thực thi pháp luật hoặc nhân viên ứng phó khẩn cấp.

  • Nhân viên xã hội, nhà trị liệu và những ai làm việc với người cao tuổi hoặc người khuyết tật.

Một số khu vực còn yêu cầu những người sau trình báo:

  • Thành viên của các giáo sĩ hoặc các cá nhân làm việc ở trong các giáo hội.

  • Nhân viên hoặc tình nguyện viên của bất kỳ tổ chức nào mà cung cấp các hoạt động cho trẻ em (ví dụ như cố vấn trại, huấn luyện viên, v….v)

  • Luật sư, người hòa giải, người giám hộ hoặc những người bào chữa đặc biệt do tòa chỉ định.

Ngoài ra, tại 18 tiểu bang và Puerto Rico ở Mỹ, tất cả những người trưởng thành mà sống cùng với một người dưới 18 tuổi thì có nghĩa vụ ủy quyền trình báo.


Tất cả các tiểu bang đều khuyến khích việc trình báo, điều này cũng có nghĩa là một vụ ngược đãi có thể được trình báo mà không cần phải có yêu cầu của luật pháp. Bất kỳ cá nhân nào cũng đều có quyền được trình báo nếu họ tin rằng một người khác đang phải chịu sự ngược đãi hoặc đang trong tình huống nguy hiểm.


Những người nhìn thấy một vụ ngược đãi có thể thông báo đến cho các tổ chức có liên quan như dịch vụ bảo vệ trẻ em. Họ cũng có thể nhờ sự trợ giúp của các lực lượng thi hành luật pháp. Người trình báo không cần đưa ra bằng chứng cho bất kỳ một dạng ngược đãi nào khi thông báo với các cơ quan chức năng. Việc trình báo là nhằm mục đích tốt, danh tính của những người trình báo cũng sẽ được bảo vệ. Người trình báo cũng sẽ không có trách nhiệm đưa lời khai nếu như sự việc chưa được xác minh chính xác.


LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN BIẾT MỘT VỤ NGƯỢC ĐÃI TRẺ EM?

Thông thường, trẻ nhỏ, vốn nhạy cảm, có thể dễ dàng nhận thức việc mình bị ngược đãi. Nhưng khi đứa trẻ lớn hơn, các bé thường dễ bị kẻ bạo hành mình làm cho tin rằng các em đáng bị đối xử như vậy. Và cũng bởi vì kẻ đã ngược đãi (lạm dụng) các em thường là những người quen, thậm chí gắn bó thân thiết, các bé không dám tìm kiếm sự giúp đỡ. Đặc biêt là đối với những đứa trẻ từng bị lạm dụng tình dục, các bé sẽ cố gắng phòng vệ bằng cách giữ im lặng.


Nhưng cho dù đứa trẻ có không nói về việc bị ngược đãi, thì chúng vẫn có những biểu hiện nhất định. Những biểu hiện thường thấy sau đây là dấu hiệu để nhận biết một đứa trẻ đang bị ngược đãi, dù là về tình cảm, tình dục hay là thể chất:

  • Trở nên hoảng loạn khi gặp một người (hoặc một vài người) cụ thể hoặc đến những nơi nhất định.

  • Trở nên lo lắng và bám người nhiều hơn.

  • Tè dầm dù đã qua độ tuổi thích hợp.

  • Gặp ác mộng và mất ngủ.

  • Có các hành vi tình dục bất thường.

  • Có những biểu hiện ngược đãi với động vật hoặc các em bé khác.

  • Thiếu đi những kĩ năng xã hội cơ bản.

  • Có các hành vi tự hại (self-harm).


Không phải tất cả các hành vi trên đều là bằng chứng chắc chắn của việc ngược đãi. Một đứa trẻ sống trong một môi trường lành mạnh vẫn có thể gặp ác mộng. Tương tự như vậy, một đứa trẻ bị ngược đãi cũng có thể không thể hiện bất kỳ hành vi bất thường nào. Nhưng nếu một đứa trẻ có nhiều triệu chứng cùng một lúc, hoặc hành vi của chúng thay đổi liên tục, thì chúng ta cũng cần phải quan tâm đến.


Nếu bạn nghĩ một đứa trẻ nào đó đang bị ngược đãi, hãy gọi đến Tổ chức bảo vệ trẻ em của bang để hỗ trợ điều tra. Bạn cũng có thể gọi đến Đường dây nóng của Tổ chức hỗ trợ giúp đỡ trẻ bị ngược đãi quốc gia.


NHẬN BIẾT MỘT VỤ NGƯỢC ĐÃI NGƯỜI CAO TUỔI HOẶC NGƯỜI TÀN TẬT

Một người con đang trò chuyện với mẹ.


Một người trường thành dễ tổn thương là người đã qua 18 tuổi gặp khó khăn trong việc chăm sóc các nhu cầu của chính họ. Những khó khăn này có thể là do tuổi tác hoặc do họ có các khiếm khuyết nào đó. Những người trưởng thành dễ tổn thương có nguy cơ cao hơn trong việc gặp phải các vấn đề như bị ngược đãi, bị bỏ mặc hoặc bị chiếm đoạt tài sản do họ không có khả năng bảo vệ hay chống lại những điều đó.


Số lượng người cao tuổi trên tổng dân số đang ngày càng tăng lên. Các nghiên cứu cho thấy các trường hợp ngược đãi đối với người cao tuổi cũng tăng lên qua mỗi năm. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phần lớn các trường hợp ngược đãi của người cao tuổi lại không được trình báo. Trong năm 2011, Nghiên cứu về tỷ lệ ngược đãi người cao tuổi tại New York báo cáo, trên tổng số các trường hợp được phát hiện thông qua các chương trình và các cơ quan, có 24 vụ là không được trình báo.


Nếu bạn làm việc với một người cao tuổi hoặc một người dễ bị tổn thương, bạn có thể giúp họ bằng cách theo dõi các dấu hiệu báo động. Các dấu hiệu này có thể nhận biết thông qua việc người chịu ngược đãi:

  • Đưa ra những lời bình luận hoặc gợi ý rằng họ đang bị ngược đãi.

  • Không được đáp ứng các nhu cầu cơ bản (thức ăn, nước uống, quần áo đầy đủ …)

  • Không nhận được sự giám sát trong một khoảng thời gian dài hoặc không thấy sự xuất hiện của người chăm sóc.

  • Thiếu các thiết bị y tế như kính, răng giả, xe tập đi, thuốc hoặc máy trợ thính.

  • Không nhận được các tiện nghi hoặc các nhu yếu phẩm cơ bản khi mà người chăm sóc kiểm soát tài chính của họ.

  • Thể hiện những thay đổi trong tính cách hoặc có các hành vi bất thường.

  • Đột nhiên tránh né tiếp xúc với người khác hoặc bởi vì người chăm sóc đang kiểm soát sự tương tác của họ với người khác.

  • Có vết bầm tím, vết trầy xước, vết bỏng hoặc bất kỳ vết bất thương nào khác mà họ không giải thích được hay chỉ ra tai nạn mà họ đã gặp phải.

  • Là nạn nhân của lừa đảo, giả mạo, trộm cắp hoặc các tội phạm tài chính khác.


Chỉ có bạn mới biết điều gì là bình thường khi liên quan đến một người cụ thể. Nếu có việc gì đó đáng nghi, việc quan trọng là cần phải thông báo đến các cá nhân hoặc tổ chức có chức trách và khả năng bảo vệ những ngưởi trưởng thành dễ bị tổn thương. Cho dù những vụ đó không phải là ngược đãi đi chăng nữa, sẽ không có bất kì hình phạt nào cả vì bạn trình báo với mục đích tốt.


Những người cung cấp dịch vụ cho người lớn tuổi hoặc người khuyết tật là những người được ủy quyền trình báo. Các kênh thông báo về các vụ việc này bao gồm lực lượng thực thi pháp luật, dịch vụ bảo vệ người trưởng thành hoặc các dịch vụ chăm sóc tại nhà khác.


LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT BẠN ĐANG NGƯỢC ĐÃI NGƯỜI KHÁC?

Không ai muốn thừa nhận rằng họ là người có hành vi ngược đãi (người khác). Tuy nhiên cho dù vì bất cứ lý do gì, hoàn cảnh cuộc sống, trải nghiệm thời thơ ấu, hoặc lý do nào đó khác, một người hoàn toàn có khả năng bị thôi thúc và điều khiển thực hiện những hành vi lạm dụng, ngược đãi.


Nếu bạn lo lắng rằng mình đang ngược đãi một người khác, hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau:

  1. Bạn có cảm thấy ghen tuông hay thôi thúc chiếm hữu một cá nhân nào đó khi họ dành thời gian cho người khác ngoài bạn?

  2. Bạn có theo dõi một người khác mà không có sự hay biết của họ? (lén đọc thư, đọc tin nhắn, kiểm tra định vị họ qua GPS, v..v)

  3. Bạn có yêu cầu người đó phải xin phép bạn trước khi hành động hoặc mua bán?

  4. Bạn có thường xuyên "giận cá chém thớt", đem stress và sự bực tức của bạn đổ lên người khác?

  5. Bạn có cảm thấy mình cần phải thắng trong mọi cuộc tranh cãi, bất kể lớn nhỏ?

  6. Bạn có dùng sự đe dọa hay bạo lực để có được thứ bạn muốn?

  7. Bạn có đang viện cớ sử dụng chất kích thích như ma túy và rượu để bào chữa cho hành vi sai trái của mình?

  8. Bạn có đổ lỗi cho người khác vì họ đã làm bạn tổn thương trước không?


Nếu như bạn trả lời “Có” cho phần lớn các câu hỏi, bạn có lẽ sẽ cần phải xem xét lại kỹ hơn về hành vi của mình. Không có lời bào chữa hay biện minh nào cho hành vi ngược đãi cả. Thực tế, những lời bào chữa còn là một dấu hiệu cho thấy ở mức nào đó, bạn đang hành động sai rồi.


Những cảm xúc hoặc căng thẳng ở sức khỏe tâm thần có thể tác động đến các hành vi của bạn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Có thể có nhiều yếu tố dẫn đến một người có hành vi ngược đãi, nhưng nguyên nhân cuối cùng và trực tiếp nhất là bạn đã đầu hàng và để cho hành vi ngược đãi của mình diễn ra.


Nếu bạn thấy bất kỳ dấu hiệu của ngược đãi nào trong cuộc sống của bạn, bạn luôn có thể tìm kiếm sự trợ giúp. Thông qua trị liệu, bạn sẽ học được cách thể hiện cảm xúc và giải tỏa căng thẳng theo cách lành mạnh. Theo thời gian, bạn sẽ nâng cao được các hành vi của mình để không gây hại đến bản thân và cho người khác.


 

Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).

 

Người dịch: Trang Nguyen Người biên tập: Nhung Le

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page