top of page

Abuse (Ngược đãi - Bạo hành - Lạm dụng) Là Gì? Tác Động Tâm Lý & Nguồn Gốc Của Abuse

Đã cập nhật: 22 thg 7, 2019

Thông tin từ Compassion.vn:

Compassion.vn đăng tải chuỗi bài về Abuse

Bài 1: Abuse (Ngược đãi - Bạo hành - Lạm dụng) Là Gì? Tác Động Tâm Lý & Nguồn Gốc Của Abuse (xem bài viết tại đây)

Bài 2: Trợ Giúp Người Gặp Ngược Đãi (Xem bài viết tại đây)

Bài 3: Nhận Biết Và "Lên Tiếng" Khi Gặp Ngược Đãi (Xem bài viết tại đây)

Từ Abuse trong chuỗi bài này được hiểu theo nghĩa rộng là sự ngược đãi, lạm dụng hay bạo hành; tuy nhiên để thống nhất và ngắn gọn, chúng tôi sử dụng từ "ngược đãi" chung cho nghĩa tiếng Việt.


1. ABUSE (Ngược đãi - Bạo hành - Lạm dụng) LÀ GÌ

Ngược đãi là hành vi sử dụng sai sức mạnh nhằm cố ý làm hại hay kiểm soát một người khác. Sự ngược đãi này có thể bằng cơ thể, bằng lời nói hay bằng cảm xúc. Tất cả các hình thức ngược đãi này đều có thể gây ra đau đớn và những sang chấn tâm lý cho nạn nhân.

Ngược đãi có thể để lại những vết thương tâm lý khó lành hơn những chấn thương trên cơ thể. Nạn nhân của ngược đãi thường bị căng thẳng và có những cảm xúc tiêu cực kéo dài rất lâu sau thời điểm bị ngược đãi đó. Họ cảm thấy lo lắng, bất an, hay hồi tưởng lại sự việc đã xảy ra và gặp vấn đề trong việc tin tưởng người khác. Ngược đãi còn ảnh hưởng lớn đến nạn nhân trong việc xây dựng các mối quan hệ cũng như tìm kiếm hạnh phúc.



Tuy nhiên thì ảnh hưởng của ngược đãi cũng không phải là vĩnh viễn. Một nhà trị liệu có thể giúp các nạn nhân bị ngược đãi vượt qua giai đoạn khó khăn và xử lý các di chứng đó. Trị liệu còn giúp cho người có hành vi ngược đãi dừng lại những hành động gây hại cho người khác, nếu họ thực sự muốn thay đổi.


2. CÁC DẠNG NGƯỢC ĐÃI

Có rất nhiều dạng ngược đãi. Chúng có thể được phân chia theo hình thức hoặc theo phạm vi ngược đãi.


PHÂN CHIA NGƯỢC ĐÃI THEO HÌNH THỨC:

- Ngược đãi thể chất (Physical Abuse): là khi một người cố tình gây những tổn hại về mặt thể chất đối với một người khác. Hình thức này bao gồm những hành vi như đấm đá hoặc đánh đập. Ngoài ra còn bao gồm cả những hành động gây ra bệnh tật hoặc khuyết tật cho người khác, ví dụ như đầu độc.

- Ngược đãi tình dục (Sexual Abuse): bao gồm tất cả các hình thức tiếp xúc tình dục được thực hiện khi không có sự đồng thuận của cả 2 bên. Dạng này bao gồm các hành vi như hiếp dâm, lạm dụng tình dục trẻ em, loạn luân hay các hình thức bạo lực tình dục khác.

- Ngược đãi tâm lý (Emotional/Psychological Abuse): là một kiểu dạng thao túng tâm lý (manipulation) trong thời gian dài nhằm kiểm soát một người khác. Được thực hiện thông qua việc tấn công bằng lời nói, cô lập, làm nhục hay đe dọa người đó. Một người có thể sử dụng thông tin bị bóp méo (gaslighting) để khiến nạn nhân hoang mang, nghi ngờ về hiện thực, về những gì đã xảy ra với họ.



- Ngược đãi tài chính (Financial Abuse): là khi một người sử dụng tiền bạc để kiểm soát một người khác. Họ có thể chiếm đoạt tài khoản ngân hàng hay sử dụng danh tính của người khác để vay nợ. Bán hay tự ý lấy tài sản của người khác mà không được phép cũng được coi là hành vi ngược đãi.

PHÂN CHIA NGƯỢC ĐÃI THEO PHẠM VI:

Ngược đãi có thể xảy ra ở bất cứ mối quan hệ nào, cho dù đó là mối quan hệ trong gia đình, công việc hay xã hội. Nó cũng có thể xảy ra giữa những người lạ mặt với nhau, mặc dù điều này thì hiếm gặp hơn. Các phạm vi mà ngược đãi có thể diễn ra gồm:

- Ngược đãi gia đình (Domestic Abuse): Còn được gọi là bạo lực trong mối quan hệ thân mật hay ngược đãi trong hôn nhân. Bất cứ một hình thức ngược đãi nào xảy ra trong một mối quan hệ thân mật đều được tính là ngược đãi gia đình. Mối quan hệ có thể của người dị tính, đồng tính, một vợ một chồng, đa phu đa thê… Ở Mỹ, trung bình có khoảng 20,000 cuộc gọi mỗi ngày đến đường dây nóng để trình báo về bạo lực gia đình.

- Ngược đãi người cao tuổi (Elder Abuse): là khi một người có hành vi làm hại, lợi dụng hoặc bỏ mặc, bỏ bê một người cao tuổi. Người ngược đãi thường là người có trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi đó, như là các thành viên trong gia đình hay nhân viên điều dưỡng trong viện dưỡng lão. Ở Mỹ, cứ 10 người hơn 60 tuổi thì có 1 người bị ngược đãi.

- Ngược đãi trẻ em (Child Abuse): là khi một người có hành vi làm hại, lợi dụng hoặc bỏ mặc, bỏ bê một trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi). Ước tính cứ 4 trẻ em Mỹ thì có 1 bé bị bỏ mặc hoặc bị ngược đãi.

- Ngược đãi trong các nghi lễ (Ritual Abuse): là hành vi ngược đãi, hành hạ cơ thể được xem là một phần trong nghi lễ của giáo phái, tôn giáo nào đó. Vào những năm 1980 và 1990, đã có những lời buộc tội rộng rãi đối với giáo phái Satanic vì hành vi ngược đãi đối với trẻ em Mỹ. Phần lớn những lời buộc tội này đã bị bác bỏ. Bên cạnh đó cũng có những ghi chép về việc ngược đãi diễn ra ở trong các nghi lễ của các giáo phái như Branch Davidians. Tuy nhiên thì cho đến nay, những hành vi ngược đãi trong nghi lễ thì không thường thấy trong các nền văn hóa phổ biến.

Một người có thể bị ngược đãi bởi nhiều hơn một dạng. Ví dụ như, một người bị ngược đãi tâm lý cũng có thể phải chịu đựng cả ngược đãi về thể chất. Trên thực tế, khi ngược đãi tâm lý xảy ra sẽ thường dẫn đến bạo lực về thể chất.

3. CÁC TÁC ĐỘNG ĐẾN TÂM LÝ CỦA VIỆC NGƯỢC ĐÃI

Dù ngược đãi được diễn ra dưới hình thức hay phạm vi nào thì cũng đều gây hại cho một cá nhân khác. Ngay cả khi việc ngược đãi đó đã chấm dứt, thì nạn nhân vẫn phải tiếp tục phải chịu những đau khổ mà nó gây ra. Những nạn nhân của ngược đãi có nguy cơ cao hơn mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Họ có thể gặp một hoặc nhiều vấn đề sau:

- Lo âu, bất an: Nạn nhân bị ngược đãi có thể cảm thấy sợ những người hoặc những tình huống khiến họ nhớ lại quá khứ đã bị ngược đãi trước đây. Họ có thể cảm thấy sợ người lạ, sợ bị cô độc hay sợ gần gũi về thể xác, phụ thuộc vào việc họ đã bị ngược đãi như thế nào. Các triệu chứng của lo âu thường thấy là mất ngủ, giấc ngủ bị gián đoạn, hoảng loạn.

- Tức giận: Những nạn nhân bị ngược đãi có thể cảm thấy căm hận những kẻ đã ngược đãi họ. Họ còn có thể cảm thấy phẫn uất, oán giận cả những người ngoài cuộc, những người biết về việc họ bị ngược đãi nhưng lại không làm gì để can thiệp. Họ thậm chí còn thấy tức giận với chính bản thân họ vì đã để mình bị ngược đãi, họ tin rằng họ đã có thể hay nên làm gì đó để chấm dứt việc đó lại. Tức giận là phản ứng tự nhiên khi bị ngược đãi. Các nạn nhân cần học cách kiểm soát cơn giận của mình theo những cách mà giúp thúc đẩy quá trình chữa lành.



- Trầm cảm: Có cảm giác buồn bã và trống rỗng là điều thường thấy ở những nạn nhân đã từng bị ngược đãi. Họ gặp phải khó khăn trong việc tận hưởng những hoạt động mà họ đã từng yêu thích, đặc biệt là những hoạt động nhắc họ nhớ đến kẻ đã ngược đãi.

- Tự chia tách: Cảm thấy bị tê liệt, hoang mang, nhầm lẫn và tự cảm thấy mình tách biệt ra khỏi cơ thể như một người khác quan sát bản thân trong lúc bị ngược đãi hay cả sau lúc đó nữa. Việc tự tách biệt này giúp cho nạn nhân tránh được đau đớn và sợ hãi khi bị ngược đãi. Trong một số trường hợp hiếm hoi, những ký ức về ngược đãi bị khóa lại. Một số nạn nhân còn bị mất những ký ức về việc bị ngược đãi.

- Các vấn đề về tâm trạng: Các nạn nhân bị ngược đãi dễ cáu kỉnh và thay đổi tâm trạng liên tục.

- Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (Posttraumatic Stress - PTSD): Những triệu chứng thường thấy của một người mắc phải PTSD là hay gặp ác mộng, mất ngủ, hồi tưởng lại các ký ức… Nạn nhân thường cố tránh khỏi những tình huống mà sẽ khiến họ phải sống lại những ký ức đã bị ngược đãi đó.

- Xấu hổ: Các nạn nhân bị ngược đãi thường cảm thấy tội lỗi và nhục nhã, xấu hổ. Họ tin rằng mình đáng bị ngược đãi như vậy, việc đó xảy ra là do họ, và họ không thể ngăn cản được việc đó. Bằng việc thay đổi những niềm tin này khi trị liệu có thể giúp các nạn nhân chuyển hóa được những cảm xúc tủi hổ.

- Các hành vi tự hại: Có rất nhiều dạng của việc tự hại. Một số nạn nhân sẽ sử dụng thuốc hoặc các chất kích thích như rượu, bia. Một số khác thì tự hại bản thân như đốt hay tự cắt chính họ. Họ có thể bỏ mặc việc chăm sóc bản thân hay phá hủy những cơ hội để đạt được thành công trong cuộc sống. Những hành vi này thường thể hiện một người có lòng tự tôn thấp (low self-esteem).

- Vấn đề về lòng tin: Sẽ rất khó để các nạn có thể đặt lòng tin vào người khác sau khi bị ngược đãi. Nạn nhân đã trải qua ngược đãi hay gặp khó khăn trong việc gần gũi và thân mật về thể xác với người khác.

Mặc dù, ngược đãi có thể dẫn đến những vấn đề về sức khỏe tinh thần, nhưng không phải tất cả các trường hợp đều để lại đau khổ nặng nề. Mức độ nghiêm trọng của hậu quả thường tùy thuộc vào từng trường hợp. Chẳng hạn, một người bị ngược đãi bởi bố mẹ, lại cảm thấy khác khi bị một người lạ ngược đãi. Cho dù là người thân khi nhận ra và xóa bỏ được sự ngược đãi thì khi đó nạn nhân cũng đã phải chịu một tác động lớn.

Các yếu tố nhân khẩu học cũng tác động đến cách một người đáp trả lại sự ngược đãi. Ví dụ như một người từ nhỏ đã quan tâm phát triển về sức khỏe tâm thần. Vai trò về giới có thể ảnh hưởng đến cách một người đáp trả lại với ngược đãi tình dục. Hay tình trạng kinh tế xã hội có thể quyết định một người có được tiếp nhận điều trị đầy đủ hay không.

4. TÁC ĐỘNG CỦA NGƯỢC ĐÃI TRẺ EM

Ở Mỹ, cứ mỗi 10 giây, Cơ quan bảo vệ trẻ em lại nhận được trình báo về việc ngược đãi trẻ em. Theo phát biểu của tổ chức này, trong năm 2014:

- Có 702,000 trẻ em bị ngược đãi hoặc bị bỏ mặc.

- Trong đó, có 1,580 em đã tử vong.

- Hơn 70% số bé bị tử vong dưới 2 tuổi.

- 80% các trường hợp tử vong này có thủ phạm là bố hoặc mẹ của bé.



Những trường hợp phải chịu ngược đãi khi còn nhỏ thường sẽ gặp các vấn đề về tâm lý và dính líu đến luật pháp khi trưởng thành.

- Một nghiên cứu chỉ ra rằng 80% những người 21 tuổi đã bị ngược đãi đều được chẩn đoán mắc các vấn đề về sức khoẻ tâm thần.

- Nạn nhân của ngược đãi trẻ em có khả năng lạm dụng thuốc cao hơn 1.5 lần khi trưởng thành.

- Ngược đãi trẻ em làm tăng khả năng có các hành vi phạm tội hơn 28% ở người trưởng thành.

- Một nghiên cứu của Bộ tư pháp Hoa Kỳ năm 1999 cho thấy những tù nhân trong tù có khả năng bị ngược đãi gấp đôi so với trẻ em.

Ngược đãi trẻ em có thể tạo ra một hiệu ứng lan truyền đối với nạn nhân, chạm vào tất cả các mặt trong đời sống của đứa trẻ. Nó có thể cản trở thành tích học tập hay các kỹ năng xã hội của trẻ. Thiếu các cột mốc phát triển có thể tạo thành hiệu ứng domino lên niềm vui sống của đứa trẻ. Một nghiên cứu năm 2014 chỉ ra rằng ngược đãi trẻ em có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng thần kinh ở não trẻ. Những ảnh hưởng của ngược đãi trẻ em có thể kéo dài đến suốt đời.

5. TẠI SAO LẠI CÓ HÀNH VI NGƯỢC ĐÃI

Ngược đãi là sự lựa chọn. Có nhiều yếu tố có thể khiến một người dễ ngược đãi một người khác. Tuy nhiên những ảnh hưởng của nó không trực tiếp tạo ra hành vi ngược đãi. Chúng chỉ đơn thuần là để giải thích cho các hành vi đó.

Những kẻ ngược đãi thường có quyền lực hơn các nạn nhân của họ. Những quyền lực này có thể là địa vị xã hội, sức mạnh thể chất, tiền bạc hoặc các hình thức ảnh hưởng khác. Tùy theo mức độ sức mạnh, mà kẻ ngược đãi tự cho mình được phép đối xử với người khác theo ý của họ.

Một người đàn ông hét lên với một người khác. Một số người ngược đãi người khác để bù đắp lại một phần nào đó trong cuộc sống của họ. Ví dụ, một người bị đuổi việc có thể về nhà mà quát tháo vợ/chồng của họ để giải tỏa căng thẳng. Lòng tự tôn thấp cùng với mất kiểm soát cơn giận là điều thường thấy ở những kẻ ngược đãi. Họ cố gắng kiểm soát người khác để ngăn chặn người đó sẽ “bỏ rơi” họ trước.

Các vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng góp phần gây ra ngược đãi. Tính cách ái kỷ (Narcissistic personality) và chống đối xã hội (antisocial personality) là nhân tố mạnh mẽ dẫn đến các hành vi ngược đãi. Trầm cảm hoặc lạm dụng chất kích thích cũng thường thấy ở những kẻ ngược đãi. Tuy nhiên, không phải tất cả những người có vấn đề trên thì sẽ ngược đãi người khác, nhưng đây là những đặc điểm thường gặp ở những kẻ ngược đãi.

Yếu tố lớn nhất để dự đoán một người có hành vi ngược đãi đó là người đó có từng bị ngược đãi hay không. Một người bị ngược đãi khi còn nhỏ có thể dễ bắt chước những hành vi ngược đãi của những người chăm sóc họ. Thay vì học cách trao đổi và chia sẻ, thì họ chỉ biết cách dùng sức mạnh để đạt được thứ họ muốn. Một số kẻ ngược đãi còn không nhận thức được hành vi của họ là bất thường.

Trong một số trường hợp, tòa án có thể ra lệnh thực hiện điều trị đối với kẻ ngược đãi. Trị liệu đạt hiệu quả tốt nhất khi người đó thật sự muốn chấm dứt hành vi ngược đãi người khác. Một nhà trị liệu tâm lý có thể giúp người đó hiểu được tại sao họ lại có những hành vi ngược đãi và làm cách nào để ngừng chúng lại. Việc trị liệu cần được thực hiện bí mật, nơi mà người đó có thể nhận được giúp đỡ mà không bị phán xét.

6. NGUỒN HỖ TRỢ CHO CÁC NẠN NHÂN BỊ NGƯỢC ĐÃI

Trị liệu có thể giúp các nạn nhân thoát khỏi các mối quan hệ không lành mạnh hay chữa lành những tổn thương của họ. Tuy nhiên, đôi lúc có những tình huống ngược đãi nghiêm trọng đe dọa đến cả tính mạng. Nếu bạn, hoặc người thân gặp nguy hiểm, hãy gọi ngay đến cơ quan công an gần nhất.

Nguồn tham khảo bài viết gốc:

 

Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).


 

Về Bài Đăng:

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page