top of page

ĐỪNG LÀM CHO MỘT STARTUP KHI MỚI TỐT NGHIỆP - LONG PHAM

Một số bạn có thể đã đọc bài viết trước của tôi “Tại sao bạn NÊN chọn làm cho một startup, cho công việc đầu tiên của bạn” tại: http://bit.ly/2IKgxDE. Một số bạn có thể tìm thấy lợi ích trong việc lựa chọn công việc của chính mình, và nếu đúng, thật tuyệt vời, tôi rất vui vì có thể giúp bạn qua một vài quan điểm.


Nếu bạn muốn tìm việc ở một công ty startup ở Mỹ, bạn có thể truy cập website: https://angel.co - Trang web này cung cấp một danh sách những startup tại Mỹ đang trên đà phát triển và họ mong muốn tìm kiếm những tài năng trẻ, đầy tham vọng.

Nhưng đây không phải mục đích của tôi trong bài viết lần này. Hôm nay, tôi muốn nói về lý do tại sao bạn KHÔNG NÊN làm việc cho một startup ngay sau khi bạn vừa mới tốt nghiệp. 

—-

Tôi nhớ công việc full-time đầu tiên của tôi là ở FASTPORT. Nó thực sự điên rồ: Giờ làm việc kéo dài tưởng như không bao giờ kết thúc, các dự án mới dồn dập mỗi tuần. Mỗi ngày tôi đều phải học cách xây dựng những thứ mới, do tính chất công việc của các dự án. Tôi học rất nhanh đến nỗi thỉnh thoảng tôi phải quay lại và xem lại cái mà tôi đã làm, do đó tôi không thể quên chúng. Khởi đầu chỉ là một nhân viên phát triển web tầm thường, tôi sớm được rèn luyện cả việc lập trình phát triển ứng dụng cho điện thoại, lập trình web (backend developer), thậm chí là quản trị dữ liệu hệ thống (databases). Đó là khoảng thời gian thú vị. Tôi học được rất nhiều kiến thức về các mảng khác nhau của phát triển web/mobile hơn bất kỳ một gã lập trình mới nào mới bắt đầu công việc trong năm đầu tiên.


Trớ trêu thay, đó cũng chính là sự thấy bại của tôi. Tôi học mọi thứ rất nhanh đến nỗi tôi không thực sự có thời gian để điều chỉnh các kỹ năng lập trình của mình. Lập trình của tôi luộm thuộm, hại não, và nghiêm trọng nhất là: nó không có tính hệ thống. Tôi xác định các tham số mà tôi không bao giờ sử dụng sau đó, viết hàng trăm dòng mã thiết lập chức năng không cần thiết, điều mà có thể hoàn thành dễ dàng với chỉ một hoặc hai dòng jQuery, tôi lạm dụng phép triệu hồi bất cứ khi nào tôi có cơ hội… Về cơ bản, tôi quẳng tất cả những chương trình thực hành lập trình tốt và biện pháp phòng ngừa ra ngoài cửa sổ khi tôi lập trình. Tôi là một nhân viên nhanh nhẹn (thậm chí, khá nhanh nhẹn), nhưng là một lập trình viên tồi. Tôi thực sự nghĩ rằng nếu người tuyển dụng nhìn vào phần lập trình của tôi một năm trước, họ sẽ không bao giờ tuyển tôi.

May mắn thay, tôi có thể kết thúc được những thói quen và việc lập trình kinh khủng này. Khi tôi giao lưu với những lập trình viên khác trong lĩnh vực, tôi dần nhận ra rằng những gì tôi làm thực sự vô nghĩa, không hiệu quả và phi truyền thống. Tôi dành hàng giờ liền vào việc phát triển nền tảng (coding platform), tỉ mỉ thậm chí với cả những đoạn mã đơn giản nhất. Tôi cần một sự khởi động mới mẻ cho nghề lập trình của tôi và tôi muốn tránh xa các rắc rối này mãi mãi. Tôi tham dự rất nhiều các sự kiện dành cho lập trình viên, cố gắng nói chuyện với nhiều người, và học hỏi kinh nghiệm từ họ. Những dịp này thực sự có hiệu quả. Không lâu sau, phần lập trình của tôi dần trở nên sáng sủa và trang nhã hơn; các dự án có tính tổ chức hơn và các ứng dụng tôi viết có hiệu suất cao hơn.

Nhưng đó không phải là tất cả. Thời gian cống hiến cho startup ảnh hưởng khá lớn tới cuộc sống cá nhân của tôi. Một cách chậm rãi, tôi trở nên bị cô lập với cuộc sống thực. Trong suốt năm đầu tiên, tôi nghĩ tôi đã ra ngoài khoảng…3 lần. Bạn bè liên tục gọi tôi, rủ tôi đi chơi, thậm chí nài nỉ dù chỉ một lần. Mỗi lần như thế tôi đều trả lời “Tao vẫn còn vài việc cần làm”. Tôi làm việc 15-16 tiếng một ngày, tuần nào cũng như thế cho tới khi tôi bị suy sụp tinh thần nghiêm trọng và phải tới gặp nhà tâm lý. Thời điểm này, tâm trí tôi thực sự điên rồ, tôi luôn nghĩ đến việc làm tổn thương chính bản thân mình và bắt đầu quay lưng lại với đồng nghiệp và bạn bè mình. Có lần tôi đã chửi rủa sếp của mình ngay trước mặt mọi người trong công ty, tôi bỏ bê công việc hàng tuần liền và xa lánh nơi làm việc. Tôi không quan hệ với hầu hết bạn bè và đặc biệt cắt đứt quan hệ với một người bạn. (Nhìn lại sự cố đó, tôi đoán chúng tôi đã cùng bị cuốn vào rắc rối đó, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy hối tiếc về việc đã xảy ra. Cô ấy rất tốt bụng và là một người bạn tốt.)


May mắn cho tôi, Tôi đã không bị sa thải và đánh mất nhiều hơn một người bạn. Sếp của tôi hiểu rằng tôi đang phải trải qua thời kỳ khó khăn về mặt tinh thần và khuyến khích tôi gặp một nhà trị liệu trong một thời gian nhất định. Những người bạn thân của tôi đều hỗ trợ tôi trong khoảng thời gian này. Bạn cùng phòng cũ của tôi, một nhà nghiên cứu y khoa tại bệnh viện nhi Boston, đã hết lòng nói chuyện với tôi về vấn đề này và đẩy tôi đi tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức. Một người bạn khác của tôi, người mà tôi không gặp nhiều lắm nhưng luôn ở bên tôi mỗi khi tôi cần cô ấy nhất, cô ấy từ Nevada trở về Boston và dành thời gian cho tôi. Cô ấy liên tục nhắc tôi về cuộc sống này có ý nghĩa hơn tôi nghĩ, và thôi thúc tôi tiếp tục chiến đấu. Và cả những người khác, những người đã luôn bên tôi, trong cả những ngày tốt và xấu. Ngày hôm nay, tôi cảm thấy biết ơn rất nhiều vì đã có mọi người cùng sát cánh trong khoảng thời gian khó khăn nhất của quãng đời trưởng thành của mình.

Tôi không nói rằng làm việc cho một startup là lý do duy nhất đằng sau những thiếu sót cá nhân và thiếu sót liên quan tới công việc của mình. Rất nhiều nghề nghiệp và lựa chọn công việc khác có thể rất tốt như: Ngân hàng, Dược, Tài chính, … cũng dẫn tới kết quả tương tự. Những lý do tương tự: căng thẳng, giờ làm việc dài, thiếu tương tác xã hội, v.v.. Và lý do cũng có thể nằm trong chính chúng ta. Chứng rối loạn tâm thần không xảy ra một cách hoàn toàn bất ngờ. Cũng Không phải do sự thiếu chuyên nghiệp. Để tôi lấy ví dụ. Tôi là một lập trình viên tồi, một phần bởi vì tôi đã không cố gắng đủ để tốt hơn cho những cái tôi đã làm. Tôi bị suy nhược tinh thần một phần bởi vì tôi luôn cảm thấy bị mắc kẹt trong tâm trí.


Tuy nhiên, làm việc cho một startup, đặc biệt nếu là công việc đầu tiên của bạn, có điểm nguy hiểm của nó. Nó đưa cho bạn rất nhiều sự liều lĩnh và cảm giác mạnh, nó đẩy bạn lên đỉnh chỉ để bạn nhận ra rằng bạn đang đứng ở rìa của một vách đá và có thể rơi xuống bất kỳ lúc nào. Sự phấn khích mà bạn nhận được từ công việc có thể quay lại và tấn công bạn, hướng bạn tới sự bất thường của tâm tính và tiềm ẩn việc giết chết bạn cả về thể chất và tinh thần.

So với bài trước (http://bit.ly/2IKgxDE), bài này thực sự là một điều đáng buồn. Tôi hiểu điều đó. Tuy nhiên, như hầu hết mọi điều trong cuộc sống, lựa chọn công việc nào cũng có hai mặt của nó. Một mặt thật tuyệt vời, nó đem đến cho bạn những cơ hội để làm những điều tuyệt vời và học những thứ tốt nhất, nhưng một mặt khác nó cũng được mô tả như trong bài viết này: như một cây leo bám vào bạn và đang dần phá hủy bạn một cách chuyên nghiệp và âm thầm.

Có một điều tôi muốn làm rõ trước khi kết thúc bài viết này. Tôi chưa bao giờ, trong khoảnh khắc, hối tiếc về lựa chọn công việc này. Có những thăng, trầm, nhưng tôi đã bắt đầu học được cách tận hưởng những cái mới và nắm bắt những thay đổi mới, những con người mới trong cuộc đời tôi. Cũng như, khi kết nối lại với con người cũ, tôi học được từ những lỗi lầm trong quá khứ, và không lặp lại chúng thêm lần nào nữa.


Để kết thúc, tôi muốn chia sẻ một câu nói của tác giả mà tôi thích, Haruki Murakami: 

Để hiểu tình trạng của bản thân không phải vấn đề đơn giản, cũng giống như một người không thể nhìn trực tiếp vào gương mặt của họ với chính đôi mắt của họ. Họ không có lựa chọn nào ngoài việc nhìn vào chính sự phản chiếu của họ trong gương. Tuy nhiên, qua trải nghiệm, chúng ta sẽ hướng tới viêc tin tưởng chính hình ảnh mà chúng ta thấy là đúng, nhưng đó là tất cả. — Haruki Murakami, The Wind-Up Bird Chronicle

—-

Thông tin về bài viết:

- Bản gốc tiếng Anh: http://bit.ly/2GbpNm5

- Đăng tải công khai tại group mở: https://www.facebook.com/groups/compassvietnam

- Người dịch: Trang Dương 

- Thông tin về hoạt động dịch chuỗi bài “Làm thế nào có công việc tại Mỹ”: bit.ly/compassduandichbai

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page