top of page

Wheel of Emotions (Phần 2) - Bánh xe cảm xúc: Sử dụng thế nào và các ứng dụng liên quan

Đã cập nhật: 20 thg 3, 2022


Bài viết này được chia thành 2 phần, gồm có những nội dung chính sau đây: Phần 1:

  • Bánh xe cảm xúc của Plutchik là gì?

  • Cách sử dụng Bánh xe cảm xúc của Plutchik

Phần 2:

  • 3 Bảng mẫu về Bánh xe Cảm xúc

  • Sự khác biệt giữa Bánh xe Cảm xúc của Plutchik và Bánh xe Cảm xúc Geneva là gì?

  • Cách sử dụng Bánh xe Cảm xúc trong Tư vấn (Counseling)

  • Một thử nghiệm thú vị sử dụng Bánh xe cảm xúc của Plutchik: Bạn thực sự là ai theo như tính chất trong Bánh xe Cảm xúc?

  • Thông điệp mang về nhà cho bạn

  • Tài liệu tham khảo


Điều tuyệt vời của công cụ này nằm ở khả năng đơn giản hóa các khái niệm rất phức tạp. Thấu hiểu thường là bước đầu tiên để giải quyết một vấn đề nan giải. Nhưng, khi đụng đến vấn đề liên quan đến cảm xúc của chúng ta, mà quá trình của nó xảy ra ở cấp độ tiềm thức, việc xác định và diễn đạt mọi thứ thành lời khó khăn hơn rất nhiều. Đây là lý do tại sao công cụ Bánh xe cảm xúc rất hữu ích. Nó cho phép người dùng hình dung được cảm xúc của họ, và do đó hiểu được sự kết hợp những cảm xúc nào đã tạo ra cảm nghiệm này. Một khi chúng ta nhìn thấu và hiểu được cảm xúc, chúng ta có thể nắm bắt được chúng, và tập trung hướng về cảm xúc nào mà chúng ta thực sự muốn cảm nhận.

Photo by Sharon Pittaway on Unsplash

Có hai cách để sử dụng Bánh xe cảm xúc, ở dạng hình tròn hai chiều (2D) hoặc hình elip ba chiều (3D). Sử dụng nó như một vòng tròn hai chiều cho phép cá nhân thực sự đi sâu vào bánh xe cảm xúc và khám phá những cảm xúc chính mà họ đang cảm nhận, và cách họ kết hợp để tạo ra cảm xúc thứ cấp khác (kinh khiếp, hối hận, gây hấn, lạc quan, v.v.).

Khi sử dụng nó như một hình elip ba chiều, cá nhân có thể thấy được cường độ cảm xúc của cảm xúc chính và thứ cấp. (Theo Roeckelein, 2006)


Theo Mô hình diễn tiến cảm xúc của Plutchik (Plutchik’s Sequential Model), cảm xúc được kích hoạt do các kích thích cụ thể, đặt ra các mô hình hành vi nhất định (Theo Krohn, 2007).

Ông đã xác định các hành vi sinh tồn sau đây thúc đẩy hành động của chúng ta:

  • Bảo vệ: Rút lui, phong tỏa (được kích hoạt bởi nỗi sợ hãi và kinh hãi)

  • Phá hủy: Phá bỏ rào cản đối với sự thỏa mãn nhu cầu (được kích hoạt bởi sự tức giận và thịnh nộ)

  • Hợp tác: Dung nạp sự nuôi dưỡng (được kích hoạt bởi sự chấp nhận)

  • Từ chối: Phản ứng đào thải điều có hại (được kích hoạt bởi sự ghê tởm)

  • Sinh sản: Tiếp cận, cam kết, trao đổi gen (được kích hoạt bởi niềm vui và hài lòng)

  • Tái hòa nhập: Phản ứng đối với việc mất mát điều đang cấp dưỡng cho chúng ta (được kích hoạt bởi sự buồn bã và buồn rầu)

  • Khám phá: Thăm dò khai phá về môi trường chúng ta đang sống (được kích hoạt bởi sự tò mò và chơi đùa)

  • Định hướng: Phản ứng lại khi tiếp xúc với vật thể lạ (được kích hoạt do bất ngờ) (Theo Screenr, 2017)

Điều này có nghĩa là khi cảm xúc của chúng ta được kích hoạt, chúng được thực thi để gợi mở ra một trong những hành vi sinh tồn. Tất nhiên, tất cả những điều này xảy ra ở cấp độ tiềm thức.

3 bảng mẫu về Bánh xe Cảm xúc

Để hiểu sâu hơn về tâm trí và tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của những cảm xúc bên trong này, đây là một số bảng mẫu để hỗ trợ trong suốt quá trình:

  • Tài liệu “Khái quát về cảm xúc”: link Cung cấp một cái nhìn thoáng qua về cảm xúc và cách chúng được khắc sâu trong tâm trí. Phác thảo các cấp độ sắc thái cảm xúc của chúng ta phát triển ra sao. Và nhằm để chúng ta trở nên thông minh về mặt cảm xúc.

  • Bánh xe cảm xúc dạng biểu tượng: link Đôi khi nó giúp ta hình dung ra một cách giải thích trực quan của một từ hoặc khái niệm. Nếu bạn muốn biết các biểu hiện phổ biến trên khuôn mặt liên quan đến từng cảm xúc nào, thì bảng biểu sau là dành cho bạn. Duyệt qua và xác định cảm xúc bằng cách kết hợp biểu hiện của họ.

  • Cảm xúc trong kinh doanh: link Những người kiếm thu nhập bằng cách trở thành một doanh nhân, thì bảng biểu này đáng để xem qua. Nó giải thích những trải nghiệm và cảm xúc mà khách hàng của bạn muốn cảm nhận, và môi trường nào bạn có thể tạo ra để nuôi dưỡng những cảm xúc này.


Sự khác biệt giữa Bánh xe Cảm xúc của Plutchik và Bánh xe Cảm xúc Geneva là gì?

Bánh xe của Plutchik không phải là công cụ hiện có duy nhất để hiểu và tương tác với cảm xúc. Có những Bánh xe cảm xúc khác mà người ta có thể sử dụng để hiểu rõ hơn và phát hiện những cảm xúc này, chẳng hạn như Bánh xe Cảm xúc Geneva (GEW). (Theo Affective Sciences, 2017)


Trong khi cả hai bánh xe cảm xúc đều tập trung vào cảm xúc và cường độ của chúng, GEW chọn một cách tiếp cận khác hẳn. Đầu tiên là không có cảm xúc chính, thay vào đó là một bộ gồm 20 cảm xúc được đánh giá bằng hai bộ tham số đối cực (phiên bản 2.0 có 20 cảm xúc, trong khi mô hình đầu tiên liệt kê chỉ có 16 cảm xúc). Hai tham số là: hóa trị của cảm xúc (mô tả một tình huống là khó chịu hoặc thú vị) và kiểm soát/ sức mạnh (xem xét liệu cá nhân đó có kiểm soát cao hay thấp đối với tình huống đó không, và kết quả của nó).


Một sự khác biệt lớn giữa hai người là cường độ của các cảm xúc. Bánh xe cảm xúc Geneva (GEW) đã đảo ngược cường độ của nó, với những cảm xúc mạnh nhất được thể hiện bằng các vòng tròn lớn hơn ở các lớp bên ngoài, và giảm kích thước vòng tròn khi chúng tiếp cận trung tâm.


Một trong những khác biệt lớn nhất giữa các công cụ này là Bánh xe Cảm xúc Geneva mang đến cho cá nhân khả năng lựa chọn các tùy chọn 'không cảm xúc' hoặc 'cảm xúc khác". Đó là bởi vì nó mang lại cho người sử dụng nhiều tự do để thể hiện bản thân. Điều quan trọng là lưu ý rằng một định dạng câu trả lời hoàn toàn tự do như thế có thể bất lợi vì có sự khác biệt lớn về cách thức và mức độ người sử dụng thể hiện cảm xúc của chính họ bằng lời nói (Theo Gohm & Clore, 2000) và khả năng biến thiên kết quả trong các phép đo giữa các cá nhân và tình huống có thể làm giảm độ tin cậy của phép đo. (Theo Sacharin, Schlegel, & Scherer, 2012)


Một điểm khác biệt lớn nữa là Bánh xe cảm xúc của Plutchik không thể hiện cảm xúc như niềm tự hào và sự xấu hổ, điều mà Bánh xe cảm xúc Geneva (GEW) làm. Bên cạnh đó, cả hai công cụ đều cung cấp một điểm khởi đầu tuyệt vời để phân định cảm xúc của một người.



Cách sử dụng Bánh xe cảm xúc trong Tư vấn

Sự phát triển của con người bao gồm trải qua các giai đoạn tự nhận thức. Dưới đây là một video tuyệt vời giải thích chi tiết tại sao hiểu biết về những gì chúng ta cảm thấy rất quan trọng.


Như Tiến sĩ Watkins giải thích, hầu hết các cá nhân bị mắc kẹt trong trạng thái ý thức của một đứa trẻ chín tuổi, do bộ quy tắc mà hệ thống giáo dục, xã hội và thế giới doanh nghiệp áp đặt.


Vì vậy, phải đến khi khủng hoảng xảy ra với cuộc sống của chúng ta hoặc một sự kiện dữ dội nào đó, chúng ta mới bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi hơn về vai trò của mình trên thế giới và bắt đầu chú ý đến cảm xúc, và những thông điệp gửi cho bản thân và những người khác.


Khi mọi người sẵn sàng đối mặt với cảm xúc của họ (dù tiêu cực hay tích cực), sự mơ hồ và không có khả năng diễn đạt bằng lời có thể làm cho quá trình phát triển trở nên khó khăn hơn. Do đó, khi gặp đau khổ hoặc đối mặt với sự mông lung mơ hồ, sử dụng các công cụ cảm xúc này có thể cực kỳ hữu ích.


Điều này xảy ra khi các cá nhân bắt đầu ý thức điều tiết cảm xúc của họ, hiểu những sự kiện và kích thích nào kích hoạt những cảm xúc này và kết quả dẫn đến là gì. Và bởi vì cảm xúc là dấu chỉ của sức khỏe, hiệu suất làm việc, hạnh phúc, động lực, cảm giác thành tựu và xác định khả năng đưa ra quyết định hiệu quả, cho nên quả thật là vô giá khi ta có thể hiểu và điều tiết cảm xúc .


Không có khả năng hiểu và kiểm soát cảm xúc, các cá nhân không có tâm thế vững chãi và định tĩnh để hành động. Điều này kéo họ ra khỏi vị thế làm chủ nội tâm và khiến họ vỡ mộng. Một cá nhân biết làm chủ nội tâm sẽ giữ "niềm tin rằng các sự kiện trong cuộc sống của một người, dù tốt hay xấu, là do các yếu tố có thể kiểm soát được như thái độ, sự chuẩn bị và nỗ lực của chính họ". (Grinnell, 2016)

Bánh xe cảm xúc trong Tư vấn

Những công cụ này vô cùng có giá trị đối với các cá nhân trong các buổi tư vấn khi có nhu cầu hoặc mong muốn xác định chính xác cảm xúc (từ danh sách vô số cảm xúc) và hiểu cách thức cảm xúc được tạo ra. Những câu trả lời như vậy làm rõ cảm xúc của người cần tư vấn, rất cần thiết để giúp họ tập trung vào các giải pháp, thay vì cứ nhắm vào các vấn đề đang gây ra tình trạng khó xử và cảm giác giằng xé.

Dưới đây là biểu đồ về sự kết hợp cảm xúc khi người ta hòa trộn các cảm xúc chính. (Anderson, 2017)


Một khi các cá nhân đã xác định chính xác những gì họ đang cảm nhận và tại sao họ cảm thấy như vậy, đã đến lúc đi sâu vào tiềm thức và hiểu được những gì không hoạt động đúng chức năng.

Đó là nơi công cụ này thể hiện vai trò hữu ích. Nó giúp:

  • Đơn giản hóa cảm xúc

Lẩn quẩn với một tâm trí đầy bối rối và mơ hồ sẽ khiến bất cứ ai thấy nặng nề. Điều này đặc biệt đúng với các khách hàng và cá nhân đang tìm kiếm một sự hiểu biết mới nhưng không chắc chắn mình nên bắt đầu từ đâu. Với bánh xe cảm xúc, khách hàng có thể tra duyệt các cảm xúc khác nhau và xác định chính xác những cảm xúc mà họ đang trải nghiệm.

  • Phác thảo mô hình diễn tiến cảm xúc cá nhân

Bằng cách kiểm tra các cảm xúc chính, người ta có thể bắt đầu xác định những gì gây ra kích thích, cách thức mà các cảm xúc thể hiện ra ngoài (về khía cạnh thể chất và tinh thần), cũng như các hành động mà nó thúc đẩy ta làm. Bằng cách phác thảo biểu đồ của các sự kiện kích thích, đánh giá nhận thức, phản ứng chủ quan, phản ứng hành vi và chức năng, một cá nhân có thể đào sâu tâm trí và nhận thức rõ hơn về thói quen và hành vi của chính họ. Điều này cũng có thể được thực hiện bằng cách duy trì một quyển nhật ký cảm xúc, nơi người ta viết về những gì họ cảm thấy trong suốt cả ngày và những gì gây ra nó.

  • Tạo cơ hội chia sẻ

Khi ai đó chia sẻ cảm xúc và cảm nhận nội tâm sâu lắng của mình với người khác, nó sẽ tự động tạo ra một môi trường tin tưởng và cởi mở. Thông qua hình thức chia sẻ này, khách hàng có thể cởi mở và bắt đầu thực hiện công việc chuyên sâu cần thiết để thay đổi và tự cải thiện bản thân. Về phía chuyên gia trợ giúp, họ có thể hỗ trợ khách hàng bằng chính nhu cầu của họ, cũng như thiết lập mối quan hệ tích cực.

  • Trao quyền cho cá nhân

Đồng cảm với những gì một người đang cảm thấy và làm tức là trao quyền cho họ. Thay vì cố gắng kìm nén, từ chối hoặc lờ đi cảm xúc, chúng ta sẽ giải phóng mình khi học hỏi cách thức làm sao để thể hiện và chia sẻ cảm xúc có tính xây dựng, cũng như phân tích vai trò của chúng trong cuộc sống. Giành quyền kiểm soát trong lĩnh vực này sẽ cung cấp cho khách hàng khả năng tự làm chủ những thứ họ muốn, những kết quả mà họ quan tâm và trạng thái cảm xúc sẽ giúp họ đạt được mục tiêu. (Theo Minter, 2014)


Photo by Denise Chan on Unsplash
Một thử nghiệm thú vị sử dụng Bánh xe cảm xúc của Plutchik: Bạn thực sự là ai, theo như các tính chất trong Bánh xe Cảm xúc?

Những người tò mò muốn xem những gì cảm xúc của họ tiết lộ gì về họ, và nó ảnh hưởng đến tính cách của họ như thế nào có thể thực hiện bài kiểm tra nhanh và dễ dàng này.

Kiến thức về chính bản thân mình mang lại sự minh triết và hiểu biết, đó là sự cần thiết cho sự phát triển và trưởng thành. Nó mở rộng nhận thức của một người, điều rất quan trọng để phán xét, đánh giá, giải quyết vấn đề, tư duy cấp cao, lập kế hoạch, trí tưởng tượng, nhận thức và nhiều hơn nữa.


Thật ra: "cách thức chủ yếu trong đó nhận thức và cảm xúc được liên kết là thông qua sự thẩm định, đánh giá. Khi bất cứ điều gì xảy ra, chúng ta nhận định ý nghĩa của nó cũng như tầm quan trọng của nó đối với chúng ta - đây là sự đánh giá cảm xúc, hoặc sự đánh giá dẫn đến phản ứng cảm xúc. Những đánh giá này được cho là sẽ giúp chúng ta tạo ra sự khác biệt tốt hơn về trải nghiệm cảm xúc hoặc trong việc xác định mức độ hoặc cường độ của cảm xúc". (Ogelk, 2017)

Lần tới khi trải qua những cảm xúc nhất định (là năng lượng đang chuyển động), cá nhân có khả năng sử dụng tất cả thông tin thu thập được và tự hiểu biết của mình, để tìm ra con đường dẫn đến kết quả mà họ mong muốn.

Những người muốn mở rộng kiến thức về cảm xúc có thể xem các tài nguyên tham khảo thêm: bao gồm một ứng dụng, tham khảo những phương thức dạy cho trẻ em nhận biết cảm xúc của chính mình và video giải thích tại sao kìm nén cảm xúc là một ý tưởng tồi.

  • Ứng dụng Vũ trụ Cảm xúc: link

Ứng dụng này cho phép người dùng tra duyệt cả một vũ trụ cảm xúc gồm 2.000 cảm xúc khác nhau. Trong quá trình đó, họ có thể làm quen với các trạng thái cảm xúc tương tự khác, và thậm chí chia sẻ hành trình của họ với bạn bè. Bạn có thể khám phá vũ trụ cảm xúc này và xem bạn đang ở hành tinh nào. (Complete Coherence, 2017)

Ngoài ra, nó cho phép các cá nhân theo dõi tiến trình cảm xúc của họ và bắt đầu thực hiện từng bước để cải thiện nó. Điều này làm tăng trí tuệ cảm xúc của người đó và cho phép họ hiểu rõ hơn về bản thân và người khác.

  • Những phương thức dạy cho trẻ em nhận biết cảm xúc của chính mình

Có một số công cụ có thể được sử dụng để giúp trẻ hiểu cảm xúc của chúng. Với việc phát hành bộ phim hoạt hình của Pixar "Inside Out"- câu chuyện về những cảm xúc mà chúng ta cảm thấy bên trong mình, có rất nhiều tài liệu có sẵn để chúng ta bắt đầu những cuộc trò chuyện như vậy với những đứa trẻ.


Những công cụ này bao gồm các bảng biểu như: trò chơi trên bàn (boardgame), nhật ký kỉ niệm, cũng như các ý tưởng để trẻ có thể vẽ ra và chia sẻ cảm xúc của mình với người khác tốt hơn, bao gồm cha mẹ, giáo viên và những người chăm sóc khác. (Mehlomakulu, 2015)

  • Một video hoạt hình về cảm xúc

Video này giải thích tại sao cố gắng kìm nén hoặc phớt lờ cảm xúc có thể dẫn đến nhiều vấn đề hơn là giải pháp. Mặc dù đúng là có nhiều cảm xúc tiêu cực (xấu hổ, sợ hãi, buồn bã, tức giận, ghê tởm) hơn những cảm xúc tích cực (hạnh phúc, bất ngờ/ thích thú), cả hai đều quan trọng cho sự sống còn của chúng ta.


Đó là bởi vì cảm xúc thực sự của chúng ta giúp chúng ta đạt được những gì chúng ta thực sự muốn. Và bằng cách lắng nghe những cảm xúc mà chúng ta đang vướng mắc nhưng cố phớt lờ nó, chúng ta có thể giải phóng những thứ trì trệ và nhường chỗ cho những cái mới.

Thông điệp "mang về nhà" dành cho bạn

Các nội dung lấy từ video trên có thể thực sự giúp tóm tắt tính hữu dụng của Bánh xe cảm xúc của Plutchik và các công cụ tương tự khác.

Những quy tắc vàng là:

  • Học cách xuôi theo cảm xúc của bạn

  • Trở nên tò mò và kiên nhẫn với cảm xúc của chính mình

  • Nói ra và thể hiện cảm xúc thực của bạn với người khác

  • Học cách chấp nhận có những cảm xúc khác nhau

  • Thay đổi cảm xúc của bạn bằng những cảm xúc khác

Với bánh xe cảm xúc và các quy tắc vàng trong tay, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên dễ dàng nắm bắt hơn.

 

Nguồn bài dịch: https://positivepsychologyprogram.com/emotion-wheel/ Người dịch: Anh Đào Lê ; Người biên tập: Phạm Đại Bàng Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng, Cộng tác sản xuất nội dung tại đây: www.compassio.info/crowdsourcing


(Với nguồn lực cộng đồng, bài đăng hoàn toàn miễn phí, không sử dụng bất cứ hình thức quảng cáo nào, do vậy nguồn lực tài chính chủ yếu đến từ Người Ủng Hộ: https://folksfoundation.info/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%99 - Độc giả có thể ủng hộ nguồn lực để duy trì các hoạt động sản xuất nội dung tại link trên)

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page