Mang trong mình tính nhạy cảm quá mức có thể vừa là một phúc lành đồng thời cũng là một lời nguyền.
Bạn có hay cảm thấy như thể bạn được sinh ra với năng lực cảm nhận được những thứ mà người khác không cảm nhận được? Hoặc bạn có thấy mình thiếu một "lớp vỏ" để bảo vệ bản thân trong khi những người khác thì lại có nó một cách tự nhiên?
Bạn có phải là người nhạy cảm về cảm xúc?
Có lẽ “quá nhạy cảm” không phải là một thuật ngữ phù hợp nhất bởi vì đó là một sự phán xét. Nó ám chỉ rằng mức độ nhạy cảm của bạn là "quá nhiều", hay là không thể chấp nhận được.
Còn có những thuật ngữ khác như là “nhạy cảm về mặt cảm xúc”, hay một thuật ngữ thời thượng như một “thương hiệu cá nhân” là “người nhạy cảm cao”.
Là một người nhạy cảm về cảm xúc, bạn có thể có những biểu hiện sau:
Bạn sẽ bỏ trốn hoặc khóc nếu có ai đó lớn tiếng với bạn
Những bộ phim buồn và bạo lực sẽ làm bạn khóc hoặc cảm thấy cực kỳ khó chịu
Bạn hay tránh những người hoặc các tình huống làm bạn bực bội
Những thứ như âm nhạc, nghệ thuật, và thiên nhiên làm bạn lay động hơn cả
Những cảm giác do tác động ngoại lực (như tiếng ồn, ánh sáng, mùi) có thể làm bạn quá sức
Bạn cần dành thời gian nghỉ ngơi trong sự tĩnh lặng hay những nơi bình yên
Bạn chịu đựng những cơn trầm cảm gián đoạn
Liệu tôi có bị chẩn đoán là một người quá nhạy cảm hay không?
Người ta đã hơi cường điệu quanh vấn đề là một "người nhạy cảm cao” trong vài năm gần đây.
Đó là cú hích được tạo ra bởi nhà tâm lý học người Mỹ Elaine Aron - người đã đặt ra cụm từ này trong loạt sách rất thành công của mình. Bài nghiên cứu chính của Aron đã xem xét các phân tích trên động vật. Sau đó những phân tích này được liên kết với nghiên cứu thực hiện trên các nét tính cách con người, để cho rằng “nhạy cảm” có lẽ là một đặc tính đã được sinh ra cùng với chúng ta.
“Thật là một giả thuyết thú vị. Nhưng nó thật sự chỉ có vậy, và nó đã dựa vào nghiên cứu của những người khác về điều đó. Vẫn còn rất nhiều những yếu tố khác để có thể khẳng định về việc chúng ta vốn đã nhạy cảm bẩm sinh”
Aron tự thừa nhận điều này trong bài nghiên cứu chính của cô. Ở đó nói rằng, “những khác biệt tính cách con người có thể liên quan đến nhiều yếu tố, dĩ nhiên, bao gồm cả thể chất và môi trường xã hội, sự phát triển của những kĩ năng chuyên biệt thông qua trải nghiệm sử dụng chúng, và nó còn là một hiệu ứng phụ của các đặc điểm di truyền khác, như là tốc độ tăng trưởng ở động vật không phải người, kích thước của cơ thể hay sức mạnh trong những người hướng ngoại.”
Và giả thuyết của việc “Tôi sinh ra đã rất nhạy cảm” có một khía cạnh nguy hiểm. Nó có thể có nghĩa là ai đó không dành thời gian để xem xét các yếu tố có ảnh hưởng khác mà có thể thật sự được nghiên cứu một cách có hiệu quả.
Điều gì có thể gây ra sự nhạy cảm quá mức về cảm xúc?
Trước khi bỏ đi sự nhạy cảm quá mức của bạn như một thứ đã có sẵn khi bạn sinh ra và không thể thay đổi, hãy cân nhắc những yếu tố có ảnh hưởng khả dĩ khác dưới đây:
Chấn thương tuổi thơ là yếu tố góp phần chủ đạo cho sự nhạy cảm quá mức cảm xúc.
Đó có thể là về thể chất, cảm xúc, hoặc lạm dụng tình dục. Chấn thương tuổi thơ ném một đứa trẻ vào một dạng rối loạn căng thẳng sau chấn thương dài hạn khiến chúng luôn ở trong trạng thái kích động. Điều này có thể gây ra sự nhạy cảm quá mức về cảm xúc.
Những khiếm khuyết trong cách nuôi dạy của cha mẹ đối với con cái cũng có thể gây nên sự nhạy cảm quá mức về cảm xúc này.
Thuyết gắn bó cho rằng, là một đứa trẻ bạn sẽ cần có ít nhất một người chăm sóc, người sẽ cho bạn một tình yêu vô điều kiện và đáng tin tưởng. Ngược lại nếu người chăm sóc chính cho bạn không đáng tin, nếu họ chỉ thương bạn khi bạn “tốt” - ví dụ vậy, hoặc nếu như họ có bệnh về mặt tâm thần hoặc là người vô cảm, thì bạn sẽ lớn lên với cái gọi là sự gắn bó đầy bất an. Điều này sẽ tạo ra trong bạn sự ám ảnh và phản ứng quá mức với những hành động của mọi người xung quanh.
Điều quan trọng nhất phải nhắc đến ở đây là cả chấn thương thời thơ ấu lẫn những thất bại trong việc nuôi dạy con của các bậc cha mẹ đều là những vấn đề có thể điều trị có hiệu quả bằng liệu pháp trò chuyện.
Nhạy cảm quá mức về cảm xúc và các rối loạn tâm lý
Mặc dù “nhạy cảm cao” không phải là một chứng bệnh chính thức, một vài kiểu nhạy cảm quá mức về cảm xúc lại phù hợp với các chứng bệnh như:
Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder) : thường liên quan tới lạm dụng tình dục thời thơ ấu, biểu hiện ở những phản ứng cảm xúc mạnh và không kiểm soát trong các mối quan hệ.
Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention Dificit Hyperactivity Disorder) : gây nên sự bốc đồng, có thể bao gồm cả sự bốc đồng về cảm xúc.
Trầm cảm nghiêm trọng (Major Depression) : sự trầm cảm tạo ra những chu kỳ các suy nghĩ tiêu cực khiến cho người bệnh tự suy diễn về mọi thứ như chống lại mình, và sau đó là những phản ứng cảm xúc mạnh hơn cách mọi người xung quanh hiểu về chuyện đó.
Sợ xã hội (Social anxiety) : sự bất an gây ra những suy nghĩ quá mức, và điều này có nghĩa là người bệnh có thể đã quá nhạy cảm.
Kết luận
Nếu việc tự xem mình là một người nhạy cảm cao (HSP) giúp bạn hiểu bản thân, và góp phần làm cho cuộc sống dễ dàng và đầy đủ hơn, thì điều đó thật tuyệt. Và sẽ càng tốt hơn nữa nếu bạn tập trung dùng sự nhạy cảm của mình vào những mặt hữu ích như tính sáng tạo và năng lực cảm thông.
Nhưng nếu bạn thấy mình đang sử dụng tính quá nhạy cảm như một lời biện hộ, thì không hay lắm. Nếu bạn đang từ chối các mối quan hệ, giả sử vậy, hoặc không theo đuổi nghề nghiệp mà bạn muốn chỉ vì bạn quá nhạy cảm, thì sự nhạy cảm đó trong bạn sẽ không giúp ích gì.
Và nếu bạn nghi ngờ rằng bạn đã có những chấn thương tuổi thơ hoặc đã không nhận được tình yêu và sự quan tâm bạn cần khi còn nhỏ, thì lúc này việc chìa tay ra để được giúp đỡ sẽ là một ý tưởng khôn ngoan.
Thời thơ ấu khó khăn không nhất thiết phải là một bản án chung thân của cuộc đời bạn. Có rất nhiều loại biện pháp trị liệu tâm lý để giúp bạn. Bạn sẽ có được những cách suy nghĩ mới và khi làm được như thế, bạn chẳng những không còn bị điều khiển bởi sự nhạy cảm của bản thân mà còn có thể sử dụng chúng theo những cách có lợi cho mình.
Người dịch: Trần Thị Ca Dao ; Người biên tập: Phạm Đại Bàng
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Commentaires