top of page
Ảnh của tác giảDuyên Trương

ACT - Ứng Dụng Tỉnh Thức Chánh Niệm Và Làm Rõ Giá Trị Bản Thân Trong Liệu Pháp Chấp Nhận & Cam Kết

Đã cập nhật: 7 thg 12, 2020

Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Compassion.vn

Có đôi khi những gì khiến chúng ta không thể vượt thoát và tiến lên trong một vấn đề lại không nằm ở năng lực bản thân mà vì ta cố chấp về mặt tâm lý hoặc chưa định vị được điều gì là tối quan trọng với mình. Thật khó chấp nhận được điều-không-thể-chấp-nhận khi ta cứ dính mắc vào các giới hạn của suy nghĩ, cảm xúc, quan điểm, niềm tin cố hữu. Nếu có thể tỉnh táo nhận ra điều gì đang cố níu kéo chân mình và chấp nhận nó là như thế thì chúng ta đã đưa bản thân về “số không”, về với phút giây hiện tại - bình an, điềm tĩnh ngay trong nội tâm. Mặt khác để cuộc sống chúng ta tiến về phía trước thì chúng ta phải tự định vị và cam kết hành động vì giá trị và mục tiêu mình theo đuổi trong mọi khoảnh khắc.


Do đó, liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (Acceptance and Commitment Therapy - ACT) là một liệu pháp hữu ích giúp chúng ta trong vấn đề này. Mời các bạn cùng Compassion tìm hiểu liệu pháp Chấp nhận và Cam kết trong bài viết này nha.


 

“Chạy trốn mọi vấn đề chỉ làm tăng khoảng cách với giải pháp. Cách dễ nhất để thoát khỏi vấn đề là giải quyết nó.”


Liệu Pháp Chấp Nhận Và Cam Kết (ACT - Acceptance and Commitment Therapy) Là Gì?

Theo Steven C. Hayes, người sáng lập liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (Acceptance and Commitment Therapy - ACT) định nghĩa:

“ Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết là một can thiệp tâm lý dựa trên tâm lý học hành vi hiện đại, bao gồm Lý thuyết khung quan hệ (Relational Frame Theory), áp dụng các quy trình chánh niệm và chấp nhận, cũng như các quy trình cam kết và thay đổi hành vi để tạo ra sự linh hoạt về tâm lý” (Hayes, “Sáu quy trình cốt lõi của ACT”).

  • Sự chấp nhận – về những đau khổ, thất bại và bệnh tật.

  • Cam kết – thay đổi để tốt hơn và tuân theo chuỗi hành động đúng đắn.

Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết khuyến khích mọi người chấp nhận những suy nghĩ và cảm xúc của họ hơn là chiến đấu hoặc cảm thấy tội lỗi vì chúng.



Lý Thuyết Liệu Pháp Chấp Nhận Và Cam Kết (ACT )

Lý thuyết Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT) không định nghĩa những trải nghiệm cảm xúc không mong muốn là triệu chứng hoặc vấn đề. Thay vào đó, Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết hoạt động với hai mục đích. Thứ nhất giải quyết xu hướng cho rằng những người tìm kiếm liệu pháp là bị tổn thương hoặc thiếu sót. Thứ hai là giúp mọi người nhận ra sự đủ đầy và sức sống mãnh liệt của chính cuộc sống. Tuy nhiên sự đủ đầy này bao gồm nhiều trải nghiệm của con người, trong đó có cả nỗi đau.


Chấp nhận mọi thứ khi chúng xảy đến, mà không đánh giá hoặc cố gắng thay đổi chúng, là một kỹ năng được phát triển thông qua các bài tập chánh niệm trong và ngoài phiên làm việc. Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT) không cố gắng trực tiếp thay đổi hoặc ngăn chặn những suy nghĩ hoặc cảm giác không mong muốn (như Liệu pháp Nhận thức Hành vi CBT - Cognitive Behavioral Therapy) mà thay vào đó khuyến khích mọi người phát triển một mối quan hệ mới và giàu lòng trắc ẩn với chính những trải nghiệm đó. Sự thay đổi này có thể giải phóng mọi người khỏi những khó khăn khi cố gắng kiểm soát trải nghiệm của họ và giúp họ cởi mở hơn với các hành động phù hợp với giá trị của họ, làm rõ giá trị hướng đến và định nghĩa các mục tiêu dựa trên giá trị cũng là những thành phần chính của Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT).

Sáu Quy Trình Cốt Lõi Của Liệu Pháp Chấp Nhận Và Cam Kết (ACT)

Mục tiêu chính của ACT là tính linh hoạt về tâm lý, thường xuất hiện thông qua một số quy trình cốt lõi.


1. Sự chấp nhận

Sự chấp nhận, trái ngược với sự né tránh, bao gồm sự công nhận và nhận thức đầy đủ về cảm xúc của chúng ta mà không cần cố gắng thay đổi chúng. Ví dụ, một người có những suy nghĩ ám ảnh sẽ cần học cách chấp nhận chúng như những thứ tồn tại trong tâm trí của mình, mặc dù chúng vô lý và đau đớn.


Thay vì cố gắng kiểm soát hoặc cưỡng ép thay đổi suy nghĩ của mình, ban đầu Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT) cho phép chúng ta chấp nhận chúng và sau đó thay thế những cảm giác đau khổ này một cách có ý thức bằng những cảm giác tích cực và hạnh phúc hơn.


2. Sự phân tách nhận thức

Phân tách nhận thức làm thay đổi cách những suy nghĩ của chúng ta ảnh hưởng đến chính mình. Bằng cách sử dụng quy trình này, Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT) làm giảm tác động của những niềm tin không mong muốn và hạn chế gây ra căng thẳng. Ví dụ, điều phối viên Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT) có thể khuyến khích thân chủ của họ thực hành các phương pháp như nói to suy nghĩ, gọi tên và dán nhãn cho chúng cho đến khi nó không còn hiệu quả nữa.


Lý thuyết Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT) tin rằng thay vì thay đổi những gì chúng ta nghĩ, việc thay đổi cách chúng ta cảm nhận về những gì chúng ta tin tưởng sẽ tự nhiên hơn và hiệu quả hơn.


3. Tỉnh thức chánh niệm

Sự chấp nhận (cơ sở của Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết - ACT) nằm ở việc hiện diện trong 'Hiện Tại' và tỉnh táo với những gì đang xảy ra vào chính khoảnh khắc lúc này.

Mục tiêu của Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT) là thúc đẩy sự chú tâm vào nhận thức ở mỗi cá nhân bằng cách làm cho suy nghĩ và hành động của họ nhất quán và hợp nhất với hiện tại hơn.


4. Bản thân (self) là bối cảnh, khái niệm và quá trình

Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT) nhìn bản thân từ ba khía cạnh:

  • Bản thân như là bối cảnh - là một khung quan hệ của 'tôi với bạn', 'bây giờ với sau đó' 'của tôi so với của họ', v.v.

  • Bản thân như là một khái niệm - có một khung hiện sinh và những niềm tin sâu xa về 'tôi là ai', 'tôi nghĩ gì', 'tôi cảm thấy gì’, v.v.

  • Bản thân là một quá trình - có khung thời gian và bao gồm các ý tưởng về hiện tại, quá khứ và tương lai.

Các lý thuyết gia về Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT) cho rằng việc tạo ra sự cân bằng giữa tất cả các khía cạnh của bản thân có thể là một giải pháp nhanh chóng cho nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần như Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), trầm cảm và ám ảnh. Khi chúng ta nhận thức được trải nghiệm của mình và có thể nhìn chúng từ một góc nhìn khách quan, chúng ta có thể xử lý dòng cảm xúc một cách hiệu quả hơn.


5. Giá trị

Một thành phần quan trọng của Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT) là giá trị cá nhân và sự đánh giá. Liệu pháp kết hợp nhiều phương pháp thực hành và các công cụ phát triển bản thân cho phép các cá nhân lựa chọn mục tiêu sống của mình đồng thời hiểu được các hệ thống giá trị cơ bản hướng dẫn lựa chọn của họ.


6. Các hành động cam kết

Giống như các liệu pháp hành vi truyền thống, Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT) có một quy trình là đạt được những đặc điểm, kỹ năng và kiến thức mong muốn. Quy trình này nhấn mạnh hành vi nhất quán và hướng tới mục tiêu.

Các phương pháp và thực hành của Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT) nhằm mục đích thay đổi các mô hình hành vi không thích hợp tạo ra các rào cản tâm lý. Các can thiệp tập trung vào việc rèn luyện người tham gia tuân thủ nhất quán các hành động giúp nâng cao cảm giác tích cực (Hayes, 2012).


Vai Trò Của Tỉnh Thức Chánh Niệm Và Làm Rõ Giá Trị Trong Liệu Pháp Chấp Nhận Và Cam Kết (ACT)

1. Tỉnh thức chánh niệm và Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT)

Tỉnh thức chánh niệm có thể được mô tả là duy trì kết nối với khoảnh khắc hiện tại mà không dạt trôi vào các suy nghĩ, cảm giác chạy tự động mông lung không hồi kết. Chánh niệm cho phép một cá nhân kết nối với bản thân quan sát (the observing self), phần nhận thức được nhưng tách biệt khỏi bản thân suy nghĩ (the thinking self). Các kỹ thuật tỉnh thức chánh niệm thường giúp mọi người tăng cường nhận thức về năm giác quan cũng như suy nghĩ và cảm xúc của họ.


Tỉnh thức chánh niệm cũng làm tăng khả năng tách khỏi dòng suy nghĩ. Đầu tiên, những thử thách liên quan đến cảm giác đau đớn, sự thúc giục hoặc các trạng thái thường được giảm bớt trước tiên và cuối cùng được chấp nhận. Chấp nhận là khả năng cho phép trải nghiệm bên trong và bên ngoài xảy ra thay vì chiến đấu hoặc né tránh. Nếu ai đó nghĩ, "Tôi là một kẻ tồi tệ", thay vào đó, người đó có thể được yêu cầu nói, "Tôi đang có ý nghĩ rằng tôi là một người tồi tệ." Điều này có hiệu quả tách rời con người với nhận thức, từ đó loại bỏ sự tiêu cực.


Khi một người trải qua những cảm xúc đau đớn, chẳng hạn như lo lắng, họ có thể được hướng dẫn để mở lòng, hít thở hoặc tạo khoảng trống cho cảm giác lo lắng về thể chất và cho phép nó ở đó, như nó đang là, mà không làm trầm trọng thêm hoặc giảm thiểu nó.



2. Làm rõ giá trị và Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT)


Việc làm rõ các giá trị có thể giúp mọi người xác định điều gì là quan trọng nhất - hay nói cách khác là giá trị của họ - và thực hiện hành động hiệu quả được hướng dẫn bởi các giá trị đó. Một chuyên gia sức khỏe tâm thần thường sẽ sử dụng nhiều bài tập khác nhau để giúp những thân chủ xác định các giá trị đã chọn. Những giá trị này thường hoạt động như một la bàn trong việc định hướng hành vi có chủ đích và hiệu quả.


Việc dò xét những cảm xúc đau đớn hoặc suy nghĩ quá nhiều về một vấn đề có thể cản trở khả năng lựa chọn hành động có mục đích và hướng đến giá trị của một người. Thông qua việc giải phóng tâm trí khỏi thử thách này, Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT) có thể giúp mọi người hành động phù hợp hơn với các giá trị của họ và sống theo cách cảm thấy tự nhiên và đủ đầy.

Một Số Bài Tập Dựa Trên Sáu Quy Trình Cốt Lõi Của Liệu Pháp Chấp Nhận Và Cam Kết (ACT)

1. Chiến lược xác định sự né tránh cảm xúc

- Bắt đầu bằng cách nhớ lại một số trải nghiệm trước đây mà bạn đã né tránh cảm giác, sự kiện hoặc ký ức không mong muốn hơn là thừa nhận hoặc kết nối với chúng.

- Hãy nghĩ đến các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống của bạn,chẳng hạn như tại nơi làm việc, với gia đình của bạn hoặc với bạn bè.

- Dù bạn nhớ lại điều đó là gì, hãy ghi lại câu trả lời của bạn khi bạn suy ngẫm về ba điều:

· Những cảm giác mà trải nghiệm đó gợi lên (những cảm xúc khó điều tiết);

· Bạn đã cố gắng né tránh những cảm xúc đó như thế nào, trong suy nghĩ hoặc thông qua một số hành vi nhất định (Chiến lược né tránh cảm xúc);

· Mức độ hữu ích của việc né tránh đó (Kết quả/Hiệu quả).


2. Năm giác quan

Bài tập năm giác quan này đưa ra một trình tự thực hành đơn giản khuyến khích bạn nâng cao nhận thức của mình về những gì ở ngay đây, ngay bây giờ.

- Đầu tiên, bằng cách chú ý vào năm thứ mà bạn nhìn thấy. Thay vì bị cuốn vào những cảm xúc hoặc kiểu suy nghĩ có vẻ quá sức, hãy cố gắng điều chỉnh bằng hình dung - cái gì ở đây, bên ngoài tâm trí bạn?

- Thứ hai, bằng cách chuyển nhận thức của bạn sang bốn thứ mà bạn có thể cảm nhận được. Nhẹ nhàng thu hút sự tập trung của bạn ra khỏi các suy nghĩ và bắt đầu nhận thấy những âm thanh mà bạn có thể không chú ý đến. Khi bạn ngày càng bước nhiều hơn vào trạng thái tỉnh thức chánh niệm, bạn có thể tách rời khỏi suy nghĩ tiêu cực hoặc cảm xúc đau thương.

- Hãy thử để ý ba thứ bạn có thể nghe được.

- Hai thứ bạn có thể ngửi thấy.

- Cuối cùng, hãy tập trung vào một thứ mà bạn có thể nếm thử vào đúng thời điểm này. Khi bạn kết thúc bài tập nhỏ này một cách nhẹ nhàng, hãy cố gắng nhớ lại cảm giác của trạng thái chánh niệm tỉnh thức này bất cứ khi nào bạn cảm thấy mình luẩn quẩn trong một suy nghĩ hoặc cảm xúc trong suốt cả ngày.


3. Chuyển từ sự hợp nhất nhận thức sang phân tách nhận thức

Các bài tập phân tách nhận thức (cognitive defusion) được tạo ra để giải quyết sự tin cậy mặc định (đôi khi lấn át) về nhận thức và cảm giác đau đớn. Việc mang những suy nghĩ như “Tôi thật tồi tệ” hoặc “Tôi vô dụng” khiến chúng ta khó nhìn nhận chúng đúng như bản chất của chúng — coi những suy nghĩ là những suy nghĩ.


- Bắt đầu bằng cách xác định những lời tự chê trách vô ích hoặc độc hại mà bạn muốn gỡ bỏ, chẳng hạn như “Tôi là một người vô tâm”. Ban đầu có thể khó nói rõ, nhưng hãy thử rút gọn nó thành một câu thực sự đi vào trọng tâm của vấn đề.

- Hãy để bản thân thực sự kết nối với suy nghĩ đó. Có thể hữu ích hơn nếu bạn đọc thành tiếng câu mà bạn đã cắm rễ hoặc lặp lại nó trong tâm trí.


- Sau đó, nói lại câu đó nhưng thêm vào trước cụm từ này “Tôi đang có suy nghĩ rằng… ”, vì vậy câu của bạn sẽ trở thành “Tôi đang có suy nghĩ rằng tôi là một người vô tâm”.

- Để tiếp tục tháo gỡ suy nghĩ này, chúng ta lùi lại một bước nữa. Lần này hãy thêm vào "Tôi nhận thấy tôi đang có ý nghĩ rằng .... "; vì vậy, "Tôi nhận thấy tôi đang có suy nghĩ rằng tôi là một người vô tâm".

- Hãy cho bản thân cơ hội để suy ngẫm về sự thay đổi tinh thần có thể xảy ra, hoặc ít nhất là bắt đầu xảy ra. Bạn sẽ mô tả trải nghiệm như thế nào khi bạn chuyển từ 'dính mắc với' sang 'phân tách khỏi' những suy nghĩ?


4. Người quan sát

Bài tập này giúp bạn học cách trở thành người quan sát bản thân và nhìn mọi thứ một cách khách quan hơn.

- Suy ngẫm về những vai trò mà bạn đóng hàng ngày — bạn có phải là một người mẹ không? Một nhà lãnh đạo trong công việc? Đôi khi là một cầu thủ trong đội? Con gái? Một người chăm sóc? Ngay cả khi chúng ta không chấp nhận một cách có ý thức vai trò của mình trong thế giới xung quanh, chúng ta vẫn đang làm như vậy. Tuy nhiên, một phần trong chúng ta vẫn không đổi mặc dù vai trò này đang thay đổi.

- Người quan sát chính mình có nghĩa là không xác định mình bằng bất cứ vai trò nào; mà chỉ là người đang quan sát những thay đổi đang diễn ra. Người quan sát trải nghiệm những gì bạn đang làm, suy nghĩ và cảm nhận, và chỉ đơn giản là quan sát.

- Với tư cách là Người quan sát của chính mình, hãy quan sát, lắng nghe và để ý bất kỳ sự hỗn loạn nào mà bạn có thể cho đó là mình. Lưu ý rằng những trải nghiệm này liên tục thay đổi và hãy thử buông bỏ. Nhận ra rằng 'bạn' vẫn không thay đổi.


5. Giá trị và vấn đề

Sử dụng bốn mục sau đây, hãy suy ngẫm và viết ra suy nghĩ của bạn.

- Cảm xúc và suy nghĩ về vấn đề bạn gặp phải : Những lời tự chê trách, lo lắng, suy nghĩ, sợ hãi, ký ức hoặc những suy nghĩ khác có xu hướng khiến bạn bận tâm? Liệt kê một số cảm giác hoặc cảm xúc mà bạn cảm thấy khó để đối mặt.

- Hành vi đối phó với vấn đề bạn gặp phải: Mô tả một số hành động có hại mà bạn làm — những điều như:

· tiêu hao năng lượng, thời gian hoặc tài chính của bạn;

· ngăn cản bạn tiến lên trong cuộc sống;

· ngăn bạn khỏi những việc bạn muốn làm;

· có tác động bất lợi đến sức khỏe?


- Giá trị: Liệt kê một số điều quan trọng đối với bạn về lâu dài. Bạn muốn xây dựng điểm mạnh và phẩm chất nào? Bạn (hoặc bạn muốn) đại diện cho điều gì? Bạn hy vọng sẽ vươn xa hơn bằng cách giải quyết vấn đề của mình theo những cách nào? Một số cách bạn muốn cải thiện hoặc thúc đẩy mối quan hệ của mình là gì?


- Mục tiêu và Hành động: Liệt kê một số hành động và hành vi hiện tại bạn tạo ra để nâng cao cuộc sống của mình về lâu dài. Một số điều bạn muốn làm nhiều hơn hoặc những điều mới bạn muốn bắt đầu là gì? Bạn có thể nghĩ ra một số bước bạn muốn thực hiện để cải thiện cuộc sống của mình không? Kỹ năng nào bạn muốn xây dựng thêm?


6. Giá trị

Bài tập này có thể sử dụng để khám phá và chiêm nghiệm các giá trị cá nhân của bạn. Ngoài việc giúp bạn hiểu rõ mình hơn, chúng còn kích thích suy nghĩ về các mục tiêu cuộc sống tiềm năng trong mười lĩnh vực khác nhau (Wilson & Murrell, 2004).


Các danh mục và một số câu hỏi ví dụ là:

- Mối quan hệ lãng mạn - Bạn muốn trở thành một người vợ/chồng như thế nào? Bạn mô tả mối quan hệ lý tưởng của mình như thế nào? Bạn muốn thể hiện những hành vi nào đối với người thương?

- Giải trí và vui vẻ - Những loại hoạt động giải trí nào thu hút bạn? Làm thế nào bạn tận hưởng thời gian chết? Điều gì thú vị với bạn? Bạn thư giãn như thế nào?

- Công việc/sự nghiệp - Mục tiêu nghề nghiệp nào quan trọng đối với bạn? Những loại việc làm nào bạn muốn đảm trách? Bạn có khao khát những phẩm chất cụ thể của một người đang lao động trong ngành nghề nào đó không? Bạn muốn phát triển những mối quan hệ nghề nghiệp nào?

- Bạn bè - Những mối quan hệ xã hội nào bạn cho là quan trọng để phát triển? Bạn coi một cuộc sống xã hội quan trọng phải có những gì? Bạn muốn bạn bè nhìn nhận mình là người như thế nào?

- Làm cha mẹ - Bạn khao khát trở thành người cha hoặc người mẹ như thế nào? Có những phẩm chất cụ thể nào mà bạn muốn trở thành hình mẫu cho con mình không? Bạn mô tả mối quan hệ lý tưởng của mình với con như thế nào?

- Sức khỏe và thể chất - Những câu hỏi này sẽ dựa trên các mục tiêu, nguyện vọng về thể chất, cũng như tầm quan trọng của sức khỏe cá nhân, thể chất và chăm sóc cá nhân.

- Quyền công dân xã hội/Trách nhiệm với môi trường sống nói chung - Hạng mục này nói về việc trở thành một phần của cộng đồng, khát vọng đóng góp cho môi trường sống nói chung và có thể bao gồm công việc tình nguyện.

- Mối quan hệ gia đình - Giống như tình cha mẹ ở trên, những giá trị này liên quan đến những người thân như anh chị em, đại gia đình, v.v.

- Tâm linh - Các câu hỏi liên quan ở đây sẽ liên quan đến tôn giáo, niềm tin cá nhân về bất cứ điều gì có ý nghĩa ở cấp độ sâu hơn hoặc lớn hơn.

- Sự phát triển và trưởng thành của cá nhân - Những chiêm nghiệm trong mục này phải liên quan đến năng lực, kỹ năng, kiến ​​thức và sự phát triển của cá nhân.



7. Cam kết, trở ngại và chiến lược

Cam kết là về việc duy trì động lực để tiếp tục theo đuổi các mục tiêu cuộc sống lâu dài theo thời gian. Do đó, dựa trên lý thuyết thiết lập mục tiêu, khi có những mục tiêu rõ ràng, cụ thể cho những mục tiêu 'tiếp cận' theo hướng tích cực sẽ giúp ích cho chúng ta (Locke, 1968; Locke & Latham, 2002).

Chúng ta có thể xây dựng một bảng có ba cột như sau:

- Cam kết: Mục tiêu thích hợp với giá trị cá nhân của bạn

- Trở ngại: Trở ngại có thể ngăn bạn theo đuổi mục tiêu

- Chiến lược: Bạn có thể làm gì để giải quyết những trở ngại này

Đôi lời nhắn nhủ

Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT) với sáu quy trình cốt lõi giúp người áp dụng liệu pháp này mở rộng độ linh hoạt về tâm lý hơn. Ngay trong tên của liệu pháp chúng ta thấy rõ hai hành động quan trọng giúp chúng ta vượt thoát các rào cảm tâm lý và dần trở nên linh hoạt về tâm lý đó là: Chấp nhận và Cam kết. Khi chúng ta có thể chấp nhận mọi việc đang xảy ra, mọi suy nghĩ và cảm xúc đang trỗi lên với sự điềm tĩnh, chánh niệm tỉnh thức sẽ giúp ta giải phóng mọi rào cản, trở ngại trong tâm trí. Và tiếp theo, ta sẽ cần hành động với sự cam kết cao độ hướng theo đúng giá trị và mục đích của chính mình. Các bài tập được gợi ý trong phần cuối bài viết sẽ giúp các bạn tự thực hành phần nào đó liệu pháp này. Hãy chọn một bài tập bạn thấy cần thiết và hào hứng muốn làm ngay lúc này để trải nghiệm lợi ích của Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT).


 

Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề


 
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết

Sẽ đến lúc nào đó trong đời chúng ta sẽ chạm tới ngưỡng khủng hoảng bản sắc cá nhân. Bạn sẽ đứng trước câu hỏi lớn của cuộc đời:

  • Bây giờ tôi có phải là tôi không?

  • Nếu tôi không phải là tôi thì tôi là ai?

Nếu có lúc nào đó bạn thấy mình KHÔNG-LÀ-AI-CẢ thì hãy nhìn vào những dấu vân tay trên đôi bàn tay mình, và cả những đường chỉ tay trong lòng bàn tay. Nơi đây đã ghi dấu ấn rành rành, không thể chối cãi về bản sắc riêng biệt của bạn mà không bất cứ ai trên đời này sở hữu giống y chang bạn. Hãy tự tin giơ tay khẳng định “Tôi là chính tôi!”


Hãy đến cùng Compassion làm nên dấu ấn của riêng mình trong chương trình “Becoming Me - Hành Trình Trở Thành Chính Mình“



 

Khuyến cáo về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây:www.compassion.vn/booking).


 

Thông Tin Về Bài Đăng: 

Nguồn bài dịch từ trang gốc (Bài gốc tiếng Anh):

Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Duyên Trương ; Người biên tập: Anh Đào Lê

Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentarios

Obtuvo 0 de 5 estrellas.
Aún no hay calificaciones

Agrega una calificación

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page