top of page

Cognitive Behavioral Therapy - CBT - Tìm Hiểu Về Liệu Pháp Nhận Thức - Hành Vi

Đã cập nhật: 7 thg 12, 2020

Liệu pháp Nhận thức - Hành vi (CBT) là một liệu pháp ngắn hạn, giúp người được trị liệu giải quyết các vấn đề của họ. Bên cạnh đó, liệu pháp Nhận thức - Hành vi còn giúp chỉ ra các mối liên hệ giữa niềm tin, suy nghĩ, cảm xúc và những hành vi đi kèm. Thông qua liệu pháp này, mỗi người sẽ thấy được sự ảnh hưởng trực tiếp của nhận thức đến sự lựa chọn hành vi trong mỗi tình huống cụ thể.


Liệu pháp Nhận thức - Hành vi thực chất là một thuật ngữ chung, chỉ tập hợp các liệu pháp có nhiều điểm tương đồng trong phương pháp trị liệu, bao gồm có Rational Emotive Behavior Therapy - REBT (Tạm dịch: Liệu pháp Xúc cảm hợp lí), Cognitive Therapy - CT (tạm dịch: Liệu pháp Nhận thức) và Dialectical Behavior Therapy - DBT (tạm dịch: Liệu pháp Hành vi biện chứng).


Source: www.csgjusticecenter.org

Nguyên lý của Liệu pháp Nhận thức - Hành vi (CBT)


Ý tưởng cơ bản của Liệu pháp Nhận thức - Hành vi là: cách nhìn nhận của một người về sự vật, hiện tượng sẽ quyết định hành vi ứng xử của người đó đối với sự vật, hiện tượng đó; bản thân sự vật, hiện tượng không tạo nên cách xử sự hay cảm xúc của mỗi người. Lấy ví dụ, khi một người tràn ngập lo âu, anh ta có xu hướng tin rằng: "Hôm nay mọi thứ sẽ càng trở nên tệ hơn thôi".


Chính những suy nghĩ bi quan này sẽ khiến cho anh ta chỉ nhận thấy những điều tồi tệ diễn ra. Và khi có bất kì một hành động nào đi ngược lại với niềm tin rằng “mọi thứ đều tệ", anh ta sẽ lảng tránh và ngăn chặn bản thân nghĩ về nó. Và sau một ngày khi mà dường như chả có gì tốt đẹp xảy ra, anh ấy trở nên càng lo âu hơn ngày hôm trước, củng cố niềm tin tiêu cực của mình càng thêm vững chắc: "Mọi thứ đều tệ hại", mắc kẹt trong vòng tuần hoàn dai dẳng và nguy hiểm của lo âu và suy nghĩ tiêu cực.


Các nhà trị liệu theo phương pháp Nhận thức - hành vi tin rằng mọi người đều có khả năng thay đổi nhận thức của mình, sau đó là thay đổi cảm xúc và hành vi của bản thân. Quá trình này còn được gọi là Tái cấu trúc Nhận thức (Cognitive Restructuring). Nhà tâm thần học Aaron T.Beck được coi là cha đẻ của Liệu pháp Nhận thức. Ông tin rằng, lối suy nghĩ của một người có thể được hình thành ngay từ thời thơ ấu. Beck nhận ra rằng một số "điểm mù" trong nhận thức có thể dẫn đến tác nhân trầm cảm hoặc thậm chí những nhận thức sai lệch.

Dưới đây là những "điểm mù" phổ biến trong nhận thức và những nhận thức sai lệch đi kèm:

  • Tự tham chiếu (Self-references) : "Mọi người luôn chú ý đến tôi, đặc biệt khi tôi thất bại"

  • Phản ánh có chọn lọc: "Chỉ có những thất bại của tôi mới được quan tâm. Tôi được đánh giá dựa trên những thất bại của mình"

  • Khái quát hóa quá mức: "Nếu điều đó đúng trong trường hợp này, nó sẽ đúng trong mọi trường hợp còn lại"

  • Ôm đồm trách nhiệm: "Tất cả mọi thất bại, mọi điều tồi tệ xảy ra đều là lỗi của tôi"

  • Tư duy phân cực: Mọi thứ đều là tuyệt đối, như đen và trắng, tốt và xấu, không có gì là ở giữa cả


Liệu pháp Nhận thức - Hành vi được tiến hành dựa trên mô hình giáo dục. Người được trị liệu học cách loại bỏ những suy nghĩ, hành vi tiêu cực và thay vào đó học cách suy nghĩ, ứng xử theo hướng tích cực hơn khi đối mặt với thực tế. Đối với những vấn đề tưởng chừng quá khả năng, liệu pháp cũng giúp mọi người học cách chia tách vấn đề thành những phần nhỏ để dễ dàng xử lý. Các nhà trị liệu sẽ trợ giúp người tiếp nhận đặt ra và thực hiện những mục tiêu trong ngắn hạn, từ đó dần dần thay đổi lối suy nghĩ, cảm xúc và cả hành vi ứng xử theo hướng có lợi cho chính bản thân người nhận trị liệu, đặc biệt là khi gặp phải những tình huống trắc trở.


Source: www.ft.com

Kỹ thuật điều trị của Liệu pháp Nhận thức - Hành vi (CBT)

Liệu pháp Nhận thức – Hành vi không đơn thuần là bàn về những gì xảy đến với tâm trí, mà là một cách tiếp cận có tổ chức. Ở đó, mỗi buổi trị liệu đều có một mục tiêu cụ thể nhằm đảm bảo tính hiệu quả và một mối quan hệ tương hỗ về lợi ích. Người được trị liệu có thể giãi bày các vấn đề cá nhân mà không sợ phán xét, còn các nhà trị liệu thì có thể nắm được vấn đề trong tay. Tuy nhiên, người được trị liệu không được yêu cầu phải đưa ra một quyết định cụ thể nào trong phạm vi buổi trị liệu.


Kỹ thuật trị liệu CBT sử dụng nhiều công cụ giúp người được trị liệu có thể phỏng đoán về các hình mẫu và trạng thái của cảm xúc mình. Các nhà trị liệu CBT có thể sử dụng các kỹ thuật phổ biến như:

Viết nhật ký

Thách thức niềm tin (Challenging beliefs)

Luyện tập Chánh niệm (mindfulness)

Thư giãn

Những bài tập về thể chất, tư duy, xã giao (những điều này có thể giúp người được trị liệu nhận thức được cảm xúc và các hình mẫu ứng xử của họ).


Photo by Sean Stratton on Unsplash

Để tăng cường hiệu quả của việc trị liệu, những “bài tập về nhà” bao gồm việc thực hành, đọc, viết luận được xem là cần thiết vì điều này đảm bảo sự tự giác chữa trị của người được trị liệu ngay cả khi quá trình trị liệu đã kết thúc.

Hầu hết quá trình CBT trải qua trung bình khoảng 16 phiên trị liệu, với 1 giờ mỗi buổi. Sau quá trình điều trị, người được trị liệu phát triển niềm tin và hành vi tích cực hơn, thậm chí họ còn có thể giải quyết những vấn đề dài hạn trong cuộc sống của mình.

Những vấn về tâm lý có thể điều tri với CBT


Năng lực giải quyết vấn đề cụ thể và tính chất rõ ràng về mục tiêu trị liệu khiến CBT là một sự lựa chọn tốt đối với nhiều hội chứng và bệnh lý dưới đây.


• Trầm cảm

• Lo âu

• Những vấn đề liên quan đến tâm trạng (Mood issues)

• Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)

• Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

• Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS)

• Sự phụ thuộc vào các chất kích thích

• Những chứng ám sợ (Phobias)

• Rối loạn ăn uống

• Đau mãn tính

• Rối loạn giấc ngủ

• Rối loạn liên quan đến tình dục

• Vấn đề liên quan đến kiểm soát sự giận dữ


Và như mọi phương pháp khác chỉ có hiệu quả chỉ khi người được trị liệu tham gia trọn vẹn vào quy trình điều trị.

Lịch sử hình thành của liệu pháp Nhận thức – Hành vi (CBT)


Tiến sĩ Albert Ellis trình bày cách tiếp cận của ông đối với việc trị liệu lần đầu tiên tại hội nghị Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ năm 1957. Ông đã học và thực hành nhiều hình thức điều trị phân tâm học trước đây, nhưng Ellis ngày càng không hài lòng với sự thiếu hiệu quả lối phân tích cổ điển. Ellis đồng ý với Freud rằng các lực lượng phi lý trí có thể có tác động đáng kể đến suy nghĩ và hành vi, nhưng lại không cho rằng những lực lượng này hình thành từ xung đột vô thức thời thơ ấu. Ellis nhận thấy nhiều người trị liệu vẫn gặp khó khăn dù họ hiểu được những trải nghiệm và xung đột vô thức thời thơ ấu của mình.

Với suy nghĩ này, Ellis đã đưa ra ý tưởng tưởng chừng phi lý: ông khuyến khích người được trị liệu chống lại niềm tin vô thức của chính họ.


Cùng thời gian đó, Aaron Beck đang phát triển phương pháp trị liệu của riêng mình. Giống như Ellis, Beck là một học trò của phương pháp phân tâm học. Nhưng bằng chứng từ công việc của ông về những giấc mơ và tư tưởng khác đã khiến Beck tránh xa phân tâm học. Ông xây dựng một “Lý thuyết nhận thức” của mình.


Beck phát hiện ra rằng ông có thể hướng dẫn mọi người tự phân tích và kiểm tra những nhận thức không đúng đắn của họ. Ông học được rằng làm như vậy có thể cải thiện thái độ và cảm xúc của họ. Liệu pháp này thu hút sự chú ý trên toàn thế giới và là cơ sở cho những nghiên cứu sâu rỗng về sau. Cách tiếp cận kết hợp các yếu tố hành vi khác nhau, do đó nó được biết đến rộng rãi với tên gọi Liệu pháp Hành vi - Nhận thức.

Ngoài Ellis và Beck, những người khác đã đóng góp cho sự phát triển và công nhận toàn cầu của CBT, bao gồm Maxie Maultsby, Michael Mahoney, Donald Meichenbaum, David Burns, Marsha Linehan và Arthur Freeman.

Những quan điểm về sự hạn chế của liệu pháp Nhận thức – Hành vi (CBT)


CBT không phải là một giải pháp “mì ăn liền” cho các vấn đề hành vi và sức khỏe tinh thần. Ngoài việc nhà trị liệu phải có một trình độ chuyên môn tốt, người được điều trị cũng phải có sự hợp tác toàn diện trong cả quy trình để có được kết quả tốt nhất. Đặc biệt, những người có tình trạng sức khỏe tinh thần phức tạp có thể không giải quyết được ngay bằng CBT. Điều này có thể gặp phải ở những người có chấn thương nghiêm trọng, hoặc trong một số trường hợp, các vấn đề về cảm xúc phải được giải quyết trước khi quá trình trị liệu bắt đầu.

Trong một số trường hợp khác, người tham gia điều trị chỉ ghi nhận một cảm giác mơ hồ về sự bất hạnh và không có một triệu chứng được xác định rõ ràng cũng sẽ không đạt được nhiều kết quả với CBT. Những người phải đối mặt với hội chứng ruột kích thích hoặc mệt mỏi mãn tính có thể áp dụng CBT để cải thiện tình hình, tuy nhiên các triệu chứng của bệnh lý này không thể chữa khỏi với Liệu pháp Nhận thức – Hành vi.

Cuối cùng, CBT giúp mọi người phát triển một nhận thức và hành vi tích cực, tuy nhiên để có thể nhận biết được bản chất tâm lý và cảm xúc của hành vi, người tham gia trị liệu vẫn cần đến những phương pháp điều trị truyền thống.


Những hoạt động về Liệu Pháp Nhận Thức - Hành Vi (CBT) ở Việt Nam

 
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết

Sẽ đến lúc nào đó trong đời chúng ta sẽ chạm tới ngưỡng khủng hoảng bản sắc cá nhân. Bạn sẽ đứng trước câu hỏi lớn của cuộc đời:

  • Bây giờ tôi có phải là tôi không?

  • Nếu tôi không phải là tôi thì tôi là ai?

Nếu có lúc nào đó bạn thấy mình KHÔNG-LÀ-AI-CẢ thì hãy nhìn vào những dấu vân tay trên đôi bàn tay mình, và cả những đường chỉ tay trong lòng bàn tay. Nơi đây đã ghi dấu ấn rành rành, không thể chối cãi về bản sắc riêng biệt của bạn mà không bất cứ ai trên đời này sở hữu giống y chang bạn. Hãy tự tin giơ tay khẳng định “Tôi là chính tôi!”

Hãy đến cùng Compassion làm nên dấu ấn của riêng mình trong chương trình “Becoming Me - Hành Trình Trở Thành Chính Mình“



 

Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).

 

Người dịch: Nguyễn Sỹ Hùng & Nhung Lê Người biên tập: Phạm Đại Bàng

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page