top of page

Tư Duy Chánh Niệm: Ngừng Suy Nhiều Nghĩ Quẩn Để Tâm Trí Thông Thoáng

Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Compassion.vn

Có đôi khi chúng ta tràn ngập trong đầu quá nhiều suy nghĩ rối rắm và luẩn quẩn. Chúng ta như lạc vào mê cung tâm trí do chính mình dựng nên và cứ gào thét hoặc chạy mải miết đi tìm lối thoát trong vô vọng. Hãy ngừng lại việc suy nghĩ vô ích này! Thay vào đó thực hành lối tư duy chánh niệm để làm tâm trí mình thông thoáng, sáng suốt và bình an hơn.

Mời bạn tham khảo bài viết sau để hiểu và giải tỏa vòng lặp suy nghĩ tiêu cực nha!


 

Vòng lặp suy nghĩ … kiểu hành vi không lành mạnh khi chúng ta liên tục nghĩ về điều gì đó đã xảy ra trong quá khứ, đến mức ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta.


Tại một số thời điểm trong đời, bạn có thể đã phải đối mặt với thói quen không lành mạnh này, hoặc một thói quen nào đó gần giống như vậy. Lo lắng một cách ám ảnh hoặc bị mắc kẹt trong những suy nghĩ lặp đi lặp lại đến mức nó ảnh hưởng đến mọi thứ xung quanh bạn.


Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách định nghĩa vòng lặp suy nghĩ và xem xét những cách mà chúng ta có thể làm để chấm dứt kiểu hành vi này, khi:

  • Mắc chứng lo âu và trầm cảm

  • Vào ban đêm

  • Và trong công việc

Để ngừng thực hiện các hành vi này, chúng ta sẽ khám phá một số kỹ thuật hữu ích, trong đó hiệu quả nhất là các bài tập tư duy chánh niệm, thiền định và lòng tự thương (self-compassion).


Bài viết này bao gồm:

  1. Định nghĩa vòng lặp suy nghĩ là gì?

  2. 8 cách để ngừng vòng lặp suy nghĩ

  3. Ngừng vòng lặp suy nghĩ trong lo âu và trầm cảm

  4. 4 worksheet hữu ích

  5. Thiền định để giải tỏa vòng lặp suy nghĩ

  6. Vòng lặp suy nghĩ vào ban đêm và bốn cách để kiểm soát

  7. 5 kỹ thuật để ngăn chặn suy nghĩ quá nhiều

  8. Kiểm soát suy nghĩ quá nhiều liên quan đến công việc

  9. Lời nhắn nhủ cho bạn

Định nghĩa vòng lặp suy nghĩ là gì?

Nhiều định nghĩa khác nhau về vòng lặp suy nghĩ đã được đưa ra. Ví dụ, theo Mandall, Siegle, Shutt, Feldmiller và Thase định nghĩa vòng lặp suy nghĩ là “khuynh hướng suy nghĩ liên tục, lặp đi lặp lại về các chủ đề tiêu cực” (theo Mandell và cộng sự, 2014, tr.35).



Nolen-Hoeksema (1991, 2000) đã mở rộng định nghĩa này bao gồm hậu quả của hành vi và cảm xúc của chúng ta, đồng thời thu hẹp định nghĩa để nó chỉ giới hạn ở chứng trầm cảm.


Cụ thể, Nolen-Hoeksema định nghĩa vòng lặp suy nghĩ là “sự tập trung lặp đi lặp lại vào vấn đề một người nào đó bị trầm cảm; về các triệu chứng và nguyên nhân, ý nghĩa, hậu quả của các triệu chứng trầm cảm ” (theo Nolen-Hoeksema, 1991, tr.569).


Mặc dù có những khác biệt, các định nghĩa đều tập trung vào tiền đề rằng vòng lặp suy nghĩ là một hành vi hoặc kiểu suy nghĩ lặp đi lặp lại, thường liên quan đến cảm giác tiêu cực hoặc các sự kiện dẫn đến những cảm giác tiêu cực này và có thể mở rộng đến các hậu quả trong tương lai.


Một số ví dụ về vòng lặp suy nghĩ bao gồm:

  • Khi cảm thấy buồn bực về hiệu quả công việc, chúng ta nhớ lại những cảm giác này và những suy nghĩ liên quan đến chúng.

  • Sau khi tranh luận với một người bạn hoặc người thân, chúng ta hồi tưởng lại (tức là cứ nhai đi nhai lại suy nghĩ) cuộc tranh luận đó nhiều lần và suy ngẫm về nó.

  • Sau khi bị chỉ trích về công việc của mình, chúng ta tưởng tượng đến việc sẽ bị chỉ trích giống như vậy trong tương lai.

Mặc dù vòng lặp suy nghĩ và ám ảnh đều liên quan đến các hành vi lặp đi lặp lại, nhưng chúng không giống nhau. Những ám ảnh thường xoay quanh các chủ đề đen tối (so với những chủ đề khác), có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau (ví dụ: hình ảnh hoặc suy nghĩ) và được xem như hành vi bị động. Tuy nhiên, vòng lặp suy nghĩ thường biểu hiện bằng lời nói nhiều hơn và có liên quan đến các hành vi (hoặc sự kiện) trong quá khứ (theo Turner, Beidel & Stanley, 1992).


Có nhiều sự khác biệt giữa hai khái niệm này nhưng đặc biệt, vòng lặp suy nghĩ thường đi kèm các chứng lo âu và trầm cảm (theo Clark & Watson, 1991; Brown & Barlow, 1992). Sự khác biệt giữa lo lắng và vòng lặp suy nghĩ: Lo lắng có xu hướng tập trung vào tương lai, trong khi vòng lặp suy nghĩ lại có xu hướng tập trung vào quá khứ.


8 cách để ngừng vòng lặp suy nghĩ

Có bằng chứng cho thấy chánh niệm có thể giúp hạn chế vòng lặp suy nghĩ (ví dụ theo Hawley và cộng sự, 2014). Cụ thể, Segal, Wiliams và Teasdale (2002, theo Hawley và cộng sự, 2014) nhận thấy rằng trong tám tuần, các kỹ thuật chánh niệm chính thống có hiệu quả hơn trong việc giảm vòng lặp suy nghĩ so với các kỹ thuật không chính thống khác. Hawley và cộng sự cũng ủng hộ vai trò của các phương pháp thực hành chánh niệm trong việc giảm thiểu các triệu chứng trầm cảm.


Làm thế nào để chánh niệm có thể giúp chúng ta ngừng vòng lặp suy nghĩ? Câu trả lời rất phức tạp, nhưng dưới đây là tóm tắt về cách thức mà chánh niệm giúp chúng ta làm giảm vòng lặp suy nghĩ.


1. Chánh niệm hướng sự chú ý của chúng ta đến những gì ta đang làm trong hiện tại. Nhờ vậy giúp chúng ta ngừng hành vi vòng lặp suy nghĩ.


2. Chánh niệm tập trung vào các hành vi như chấp nhận, trắc ẩn và cởi mở. Những phẩm chất này giúp chống lại những lời tự đánh giá tiêu cực về bản thân được xúi giục bởi vòng lặp suy nghĩ.


Vòng lặp suy nghĩ xúi giục chúng ta phản ứng thái quá với những cảm giác và trạng thái tâm lý tiêu cực. Ngược lại, thiền định phát triển nhận thức về tư duy và trạng thái tâm lý của chúng ta, đồng thời thực hiện vai trò bảo vệ chống lại những trạng thái tiêu cực này.


Tóm lại, chánh niệm củng cố khả năng của chúng ta để:

  • Chuyển sự chú ý của chúng ta (tức là làm chúng ta tách khỏi sự vòng lặp suy nghĩ),

  • Làm cho chúng ta nhận thức được hành vi và suy nghĩ của mình

  • Gắn kết (nhưng không khuyến khích) với những suy nghĩ tiêu cực của chúng ta mà không phán xét.

Do đó, biết được điều này, chúng tôi đã tạo ra một danh sách các cách mà bạn có thể sử dụng để ngừng vòng lặp suy nghĩ. Các kỹ thuật này là sự kết hợp của các kỹ thuật chính thức và không chính thức được sử dụng trong Bảng câu hỏi thực hành bài tập về chánh niệm (theo HPQ; Hawley và cộng sự, 2014), cũng như Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (Mindfulness-Based Stress Reduction - MBSR; Kabat-Zinn, 2013) và Liệu pháp Nhận thức dựa trên Chánh niệm (Mindfulness-Based Cognitive Therapy - MBCT; Segal và cộng sự, 2013).


Đầu tiên, hãy dành ra một khoảng thời gian thường xuyên cho các bài tập chánh niệm. Cố gắng thực hiện các bài tập này ít nhất sáu ngày mỗi tuần. Các bài tập bao gồm:

  • Nhận thức về hơi thở: Nhận biết được hơi thở của bạn và cảm giác hít vào thở ra.

  • Quán sát cơ thể: Tập trung lần lượt vào từng bộ phận cơ thể của bạn và nhận biết cảm giác của bộ phận đó.

  • Tập yoga chánh niệm.

  • Tập yoga ngồi.

  • Thực hiện bài tập thở đều đặn trong khi bạn suy ngẫm về cảm xúc, suy nghĩ và tập trung vào nhịp thở. Không cần quá lâu - ba đến năm phút là đủ.

Ngoài khoảng thời gian thông thường mà bạn dành cho các bài tập chánh niệm, hãy thực hành những điều sau:

  • Chú ý đến các hoạt động thường ngày của bạn. Hãy chú tâm đến việc bạn đang làm và lý do bạn thực hiện chúng, chẳng hạn như ăn trong chánh niệm.

  • Thực hành đi bộ trong chánh niệm khi bạn tập trung vào hơi thở khi đi bộ.

  • Nếu bạn cảm thấy căng thẳng, lo lắng hoặc bạn nhận thức được rằng bạn đang trong trạng thái vòng lặp suy nghĩ, hãy dành thời gian cho không gian thở - trong ba đến năm phút, ngồi ở một nơi yên tĩnh, cố gắng giải tỏa tâm trí và chỉ tập trung vào hơi thở.

Nếu chưa quen với các bài tập chánh niệm, có thể bạn sẽ thấy khó thực hiện các bài tập này. Tuy nhiên, đừng bỏ cuộc! Cố gắng thực hiện các bài tập này với thời lượng ngắn hơn và từ từ tăng thời gian cho đến khi bạn đạt được 45 - 60 phút. Sẽ dễ dàng hơn nếu bạn thực sự thực hành đúng cách các bài tập này, và nó sẽ giúp giảm vòng lặp suy nghĩ. Tuy nhiên, đừng chỉ tập trung vào thời gian: chất lượng quan trọng hơn số lượng (theo Lloyd, White, Eames và Crane, 2017).


Ngừng vòng lặp suy nghĩ trong lo âu và trầm cảm

Vòng lặp suy nghĩ có ảnh hưởng tiêu cực đến cả lo âu và trầm cảm. Những bệnh nhân ở trong trạng thái vòng lặp suy nghĩ cho thấy có tỷ lệ triệu chứng trầm cảm cao hơn, thậm chí có người vẫn còn nghĩ đi nghĩ lại về biến cố của mình trong suốt 18 tháng sau đó (theo Nolen-Hoeksema, 2000).


Một số cũng cho rằng họ ít nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè và gia đình; một lời giải thích có thể thông cảm được cho thái độ này là những người xung quanh cho rằng những bệnh nhân này thay vì “gặm nhấm” nỗi đau, đáng lẽ họ nên ‘làm lành’ hoặc hồi phục sau biến cố. (theo Nolen-Hoeksema, 2000).


Bên cạnh việc làm tăng nguy cơ trầm cảm và giảm hỗ trợ xã hội, vòng lặp suy nghĩ cũng có những tác động sau đây đối với chứng trầm cảm (theo Olatunji, Naragon-Gainey, & Wolitzky-Taylor, 2013):

  • Làm tăng cảm giác bất hạnh

  • Giảm khả năng giải quyết vấn đề

  • Giảm động lực

Một phân tích tổng hợp của 39 nghiên cứu (số mẫu n = 1140) đã xác nhận lợi ích và hiệu quả của các liệu pháp kết hợp các bài tập chánh niệm: Khi kết thúc điều trị, những người mắc chứng lo âu và trầm cảm được chẩn đoán cho thấy sự cải thiện rõ rệt tâm trạng và các triệu chứng lo âu so với lúc đầu (theo Hofmann, Sawyer, Witt & Oh, 2010).


Sự cải thiện - tức là sự khác biệt về các triệu chứng ở cuối đợt điều trị so với lúc bắt đầu điều trị - có tầm ảnh hưởng vừa phải và sự khác biệt hoàn toàn rõ rệt. Cuối cùng, bởi vòng lặp suy nghĩ, bệnh nhân dễ bị tái phát các giai đoạn trầm cảm hơn (theo Nolen-Hoeksema, 2000). Vì vậy, việc giúp những bệnh nhân bị lo âu và trầm cảm tách khỏi các hành vi “gặm nhấm” nỗi đau là hết sức quan trọng.


Thiền định để giải tỏa vòng lặp suy nghĩ

Chúng tôi đã đề cập đến vai trò có lợi của thiền định đối với vòng lặp suy nghĩ ở trên khi chúng tôi nêu ra tám cách để ngừng vòng lặp suy nghĩ. Thiền là một phương pháp thực hành thường xuyên (tốt nhất là hàng ngày), trong đó một người thực hành nhận thức mà không phán xét về hơi thở, cảm xúc, suy nghĩ và trạng thái cơ thể của họ.



Trong số các nghiên cứu gần đây tìm hiểu tác động của thiền đối với vòng lặp suy nghĩ, phần lớn các nghiên cứu đã sử dụng các biện pháp can thiệp bằng thiền chánh niệm (theo Campbell, Labelle, Bacon, Faris, & Carlson, 2011).


Thông qua loại thiền này, chúng ta có thể phát triển chánh niệm - công cụ hữu ích để chống lại vòng lặp suy nghĩ (theo Campbell và cộng sự, 2011). Thiền cũng đã được chứng minh là làm giảm các triệu chứng trầm cảm và vòng lặp suy nghĩ ở những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư (theo Zainal, Booth & Huppert, 2013) và huyết áp cao (theo Campbell, et al., 2011).


Các phương pháp mới khác có thể được sử dụng để chống lại vòng lặp suy nghĩ trong thiền định thông qua việc bổ sung các bài tập thể dục nhịp điệu. Alderman, Olson, Brush và Shors (2016) đã chọn ra hai nhóm bệnh nhân: Một nhóm bệnh nhân ‘khỏe mạnh’ và một nhóm khác bị trầm cảm được chẩn đoán lâm sàng. Cả hai nhóm đều tham gia các bài tập thiền trong đó họ thực hiện thiền tọa, sau đó thiền hành, tiếp theo là bài tập tim mạch cường độ trung bình trong 30 phút (ví dụ: chạy).


Những người tham gia đã thực hiện các nhiệm vụ này trong tám tuần. Sau tám tuần, Alderman et al. nhận thấy rằng cả hai nhóm người đều có ít triệu chứng trầm cảm lâm sàng hơn so với ban đầu (ít hơn tới 40%). Hơn nữa, cả hai nhóm đều nói rằng họ có ít triệu chứng vòng lặp suy nghĩ vào cuối chương trình hơn so với ban đầu.


Những thay đổi tích cực từ chương trình không chỉ giới hạn ở mức độ tự đo lường vòng lặp suy nghĩ. Nhóm trầm cảm cũng cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong hoạt động thần kinh đối với các dấu hiệu liên quan đến việc theo dõi điều tiết xung đột và kiểm soát nhận thức, đến mức hoạt động thần kinh của họ bắt đầu giống với nhóm khỏe mạnh. Những kết quả này cho thấy thiền định (kết hợp với tập thể dục) vừa làm giảm các hành vi vòng lặp suy nghĩ vừa tăng các hoạt động thần kinh cho phép theo dõi điều tiết xung đột và kiểm soát nhận thức tốt hơn.


Chúng ta cũng nên đề cập rằng các nhà nghiên cứu không phân ra một nhóm chỉ tham gia thiền định và chỉ tập thể dục. Do đó, vẫn chưa rõ tác dụng của thiền và tập thể dục đối với việc giảm vòng lặp suy nghĩ. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn đầy hứa hẹn.


Vòng lặp suy nghĩ vào ban đêm và bốn cách để kiểm soát

Vòng lặp suy nghĩ không chỉ liên quan đến lo lắng và trầm cảm; có bằng chứng cho thấy việc “gặm nhấm” suy nghĩ có liên quan đến chất lượng giấc ngủ kém (ví dụ theo Thomsen, Mehlsen, Christensen & Zachariae, 2003). Ngoài ra, vòng lặp suy nghĩ sẽ làm trì hoãn việc thư giãn đầu óc để chìm vào giấc ngủ từ nguyên nhân khách quan và chủ quan (theo Zoccola, Dickerson, & Lam, 2009).


Chất lượng giấc ngủ kém làm tăng khả năng mắc trầm cảm và cũng có liên quan đến các bệnh khác (ví dụ: bệnh tiểu đường; theo Âkerstedt, 2006). Hơn nữa, một khi ở trong trạng thái vòng lặp suy nghĩ, chúng ta có thể nảy sinh lo lắng về việc mất ngủ (ví dụ: “Khi nào tôi sẽ ngủ?”; “Ngày mai tôi có cuộc họp và tôi cần phải ngủ”; theo Jansson & Linton, 2007) - những lo ngại này dẫn đến một chu kỳ tiêu cực, rằng chúng ta nghĩ đi nghĩ lại về những lo lắng, hồi hộp, không thể ngủ được, điều này càng làm tăng sự kích động nhận thức của chúng ta.


Vòng lặp suy nghĩ là một hình thức kích thích nhận thức (ví dụ: đầu óc của bạn đang chạy đua, bạn không thể ngừng suy nghĩ) và một số thứ khác sẽ kích động bạn nhiều hơn nữa. Ngoài ra, việc sử dụng các thiết bị điện tử sẽ khiến bạn tiếp xúc với ánh sáng xanh, có thể làm giảm melatonin (hormone khiến bạn cảm thấy buồn ngủ).


Do đó, chúng tôi không khuyến khích bạn thực hiện bất kỳ hành động nào sau đây trước khi ngủ:

  • Không đọc trên điện thoại thông minh của bạn.

  • Không xem tivi.

  • Không làm việc.

  • Cuối cùng, đừng cố gắng kìm nén những lo lắng của bạn trước khi đi ngủ: Ức chế suy nghĩ có tác dụng boomerang không mong muốn là làm tăng sự hưng phấn về mặt nhận thức (theo Harvey & Greenall, 2003).

Nếu bạn nhận thấy mình đang trong trạng thái vòng lặp suy nghĩ vào ban đêm, hãy thử một số kỹ thuật sau:

  • Đánh lạc hướng bản thân bằng một công việc thư giãn (ví dụ: đọc sách)

  • Rời khỏi phòng ngủ và đến một nơi nào đó yên tĩnh để thiền.

  • Thực hiện bài tập thở trong ba phút như đã nêu trong phần 'Tám cách để ngừng vòng lặp suy nghĩ’.

  • Thực hiện quán sát cơ thể (body scan).

  • Thực hành những bài tập yoga chánh niệm hoặc căng giãn cơ đơn giản.

5 kỹ thuật để ngăn suy nghĩ quá nhiều

Vòng lặp suy nghĩ không chỉ liên quan đến công việc, trầm cảm hoặc lo lắng; thay vào đó, những người xem trọng chủ nghĩa hoàn hảo hoặc những người có nhiều đặc điểm của chủ nghĩa hoàn hảo cũng có khả năng mắc vòng lặp suy nghĩ (theo Flett, Nepon, & Hewitt, 2015; van der Kaap-Deeder, Soenens, Boone, Vandenkerckhove, Stemgée, & Vansteenkiste , 2016; Nepon và cộng sự, 2011).


Một số người theo chủ nghĩa hoàn hảo đặc biệt xem trọng sự đánh giá, đặt ra những mục tiêu không khả thi, thường nghi ngờ về khả năng của bản thân và thiếu tự tin. Khi những người theo chủ nghĩa hoàn hảo “thất bại” trong một việc, họ có thể có xu hướng nghĩ đi nghĩ lại về những sai lầm của mình, do đó làm tăng cảm giác tiêu cực mà họ trải qua.



Để dừng việc suy đi nghĩ lại về những sai lầm trong quá khứ, hãy tham gia vào các hành vi sau (theo Barnard & Curry, 2011; van der Kaap-Deeder và cộng sự, 2016):

  • Nhận ra rằng giá trị bản thân không phụ thuộc vào việc bạn thành công hay thất bại.

  • Thực hành lòng tự thương:

  • Đối xử tốt với chính mình,

  • Chấp nhận bản thân vô điều kiện,

  • Nhận ra rằng những thất bại của bạn tạo nên con người bạn và cho phép bạn kết nối với những người khác,

  • Thực hành chánh niệm khi bạn nhận ra rằng bạn đang phán xét hoặc suy nghĩ tiêu cực về bản thân.

Kiểm soát việc suy nghĩ quá mức trong công việc

Có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng căng thẳng nghề nghiệp thường là kết quả của công việc được mô tả là (theo Karasek & Theorell, 1990):

  • rất khắt khe, đòi hỏi cao,

  • có ít cơ hội để ra quyết định

  • người lao động có ít quyền kiểm soát về cách thức thực hiện công việc.

Không thể 'thư giãn' sau giờ làm việc là một trong những biểu hiện của căng thẳng liên quan đến công việc (theo Cropley & Millward Purvis, 2003). Đây là một điều phổ biến mà tất cả chúng ta đều đã trải qua ở một số giai đoạn trong cuộc đời: Sau khi hoàn thành một ngày làm việc, chúng ta vẫn ở trong "chế độ làm việc" và chúng ta không thể "tắt" tư duy làm việc của mình. Đôi khi, căng thẳng nghề nghiệp cũng có thể dẫn đến vòng lặp suy nghĩ (theo Cropley & Millward Purvis, 2003) hoặc lo lắng vào ban đêm (theo Rodríguez-Muñoz, Notelaers, & Moreno-Jiménez, 2011).


Vậy làm thế nào chúng ta có thể chống lại suy nghĩ quá mức về công việc? Chúng ta có thể sử dụng một số kỹ thuật mà chúng tôi đã nêu trong bài đăng này, ví dụ:

  • Thiền

  • Quán sát cơ thể

  • Bài tập thở

  • Yoga chánh niệm và căng giãn cơ.

Đảm bảo dành thời gian cho những bài tập này mỗi ngày, tốt nhất là sau khi bạn đi làm về, để phân ra thời gian nghỉ ngơi rõ ràng giữa công việc và cuộc sống ở nhà.


Một công cụ khác có thể hữu ích đó là xác định điều gì đang kích động vòng lặp suy nghĩ của bạn vào ban đêm. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng bằng cách phát triển nhận thức và nhận biết yếu tố kích hoạt (trigger), bạn sẽ không phải nghĩ đi nghĩ lại về nó nữa. Mục tiêu của bạn là thực hành nhận thức chánh niệm nơi bạn xác định cảm xúc, xác định suy nghĩ, nhưng không phán xét chúng.


Lời nhắn nhủ cho bạn

Vòng lặp suy nghĩ là một quá trình suy nghĩ tiêu cực trong đó chúng ta liên tục ngẫm và nghĩ về các hành vi trong quá khứ, đồng thời có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng lo âu và trầm cảm.


Vòng lặp suy nghĩ không gói gọn trong bất cứ đối tượng nào và có thể biểu hiện rõ ở những người bị lo lắng, trầm cảm, làm việc quá sức hoặc có xu hướng cầu toàn cao. Một trong những cách hiệu quả nhất để chống lại vòng lặp suy nghĩ là thông qua các liệu pháp dựa trên tâm trí, cũng như các bài tập trí óc. Các bài tập về trí óc cũng giúp chống lại các tình trạng rối loạn tiềm tàng mà vòng lặp suy nghĩ là một triệu chứng (bao gồm lo âu và chủ nghĩa hoàn hảo, nhưng không chỉ giới hạn ở đây).


Lợi ích của các bài tập chánh niệm là bệnh nhân học được cách đánh lạc hướng bản thân khỏi thói quen suy đi nghĩ lại bằng cách thay đổi hành vi, nhận thức về hành động và suy nghĩ của họ, cũng như kết nối mạnh (nhưng không quá phấn khích) với hành vi và suy nghĩ mà không phán xét chúng.


 

Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề

 
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết

Với Compassion “Viết Là Hành Trình Hạnh Phúc” và luôn sẵn sàng đồng hành cùng tất cả mọi người trong chuyến đi trải nghiệm thế giới tuyệt đẹp của ngôn từ. Mỗi tuần Compassion sẽ đều đặn mở rộng cửa chào đón các bạn trải nghiệm thực hành viết - “Trial Session: Happiness Writing - Khởi Hành Viết Để Hạnh Phúc”.


Chúng ta sẽ dành cho nhau 120 phút để thực hành viết giúp khơi gợi và vun trồng hạnh phúc trong chính mình. Compassion hy vọng hạt mầm hạnh phúc viết lách sẽ được bạn tiếp tục dưỡng nuôi và lan tỏa cho mọi người xung quanh sau buổi thực hành trải nghiệm này.


Khi Viết bạn sẽ tìm thấy Hạnh Phúc muôn màu

Khi Hạnh Phúc bạn muốn Viết ra để chia sẻ



 

Khuyến cáo về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây: www.compassion.vn/booking).


 

Thông Tin Về Bài Đăng:

Nguồn bài dịch (Bài gốc tiếng Anh): https://positivepsychology.com/mindful-thinking

Đội ngũ sản xuất:

Người dịch: Duyên Trương ; Người biên tập: Anh Đào Lê

Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing. Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.


0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page