top of page

Trị Liệu Viết Biểu Đạt Là Gì? Phương Thức Trị Liệu Bằng Nghệ Thuật Để Vượt Qua Chấn Thương Tâm Lý

Đã cập nhật: 29 thg 2, 2020

Lời giới thiệu từ Compassion:


Con người sinh ra đều được trao cho khả năng để nảy sinh suy nghĩ trong đầu và trải nghiệm cảm xúc trong lòng. Và ông trời cũng không quên ban cho mỗi một con người trong chúng ta khả năng diễn đạt tất cả nghĩ suy, cảm xúc vô hình bằng một hình thức hữu hình nào đó với chính cơ thể này. Chúng ta có thể diễn đạt tâm tư, tình cảm của mình bằng nhiều hình thức ca hát, nhảy múa, vẽ vời, chơi đàn, diễn kịch… Trong đó viết lách cũng là một hình thức biểu đạt tâm trí và cảm xúc hiệu quả, đặc biệt đối với những người có trí thông minh ngôn ngữ hay ưa thích diễn đạt bằng từ ngữ hơn lời nói.


Ngày nay các môn nghệ thuật được ứng dụng để trở thành phương thức trị liệu tâm lý. Nó như một công cụ giúp người nhận điều trị tâm lý biểu đạt, thể hiện những suy nghĩ, cảm xúc của họ trong vô thức hay tiềm thức để từ đó ghi nhận, hóa giải các nguyên nhân sâu xa của các chấn thương tâm lý. Nếu như hằng ngày chúng ta đều đặn viết nhật ký hay thực hành viết lách theo sở thích thì đó chính là một biện pháp khá dễ dàng để ghi nhận và diễn đạt suy nghĩ, cảm xúc trong tâm trí. Thiết nghĩ đây cũng là cách thức hữu ích để giải tỏa căng thẳng, lo lắng và phòng ngừa các hội chứng tâm lý.


Chúng ta sẽ có một cái nhìn sơ khởi về trị liệu viết biểu đạt là gì cũng như lợi ích của phương pháp trị liệu này ra sao qua bài viết sau. Trước khi đến với loạt bài viết về 'writing therapy' nói riêng và 'art therapy' nói chung. Mời các bạn đọc đầy đủ bài viết ở dưới đây.



Nhiều nhà tâm lý học và trị liệu khuyến khích thân chủ thực hành viết và ghi nhật ký như một phần của quá trình trị liệu. Đối với một số người, ghi chép là cách chia sẻ cảm xúc và trải nghiệm nhanh chóng, hiệu quả hơn chỉ giao tiếp bằng lời nói đơn thuần. Cách này cho phép họ chọn ngôn từ theo cách riêng của mình mà không phải lưỡng lự cố tìm cho bằng được đúng từ cần diễn đạt trong buổi tham vấn.


Trong những năm gần đây, nhiều chuyên gia sức khỏe tâm thần đề cao phương pháp viết trị liệu, một số học để trở thành nhà trị liệu nghệ thuật biểu đạt có chứng nhận.

Lợi ích của trị liệu viết biểu đạt

Đối với một số người, viết là một việc rất tự nhiên, số khác thì ngần ngại chuyện viết lách. Một số người ưa thích cách giao tiếp này. Trong thời đại người ta thường giới hạn việc giao tiếp của mình trong 280 ký tự, nhiều người vẫn thích dùng ngôn từ để khám phá những ngóc ngách sâu thẳm trong trải nghiệm của con người.


Giới trẻ thường viết dễ hơn do họ quen với việc viết lách ở trường hoặc ghi nhật ký trong độ tuổi vị thành niên. Thực hành viết hàng ngày không chỉ lưu giữ ký ức thời gian mà còn giúp diễn giải những cảm xúc rối như tơ vò. Khi thời kỳ vị thành niên tiến lên thời kỳ trưởng thành, khả năng tư duy trừu tượng cho phép con người vẽ nên bức tranh cảm giác phong phú hơn bằng ngôn từ nếu thấy khó có thể trò chuyện tâm sự bằng lời.


Nếu trị liệu nghệ thuật thỉnh thoảng cho phép diễn dịch nhiều tầng nghĩa, viết trị liệu cho thấy ý nghĩa rõ ràng hơn về trạng thái tâm lý và niềm tin của một người. Kể cả văn phong của người viết (phô trương, tự do, thâm trầm, châm biếm) cho thấy phần nào cách họ nhìn nhận bản thân và người khác.

Bằng chứng về hiệu quả của trị liệu viết biểu đạt

Bằng chứng khoa học cho thấy thực hành viết có thể cải thiện tâm trạng và trí nhớ. Một nghiên cứu năm 2011 đăng trên Journal of Affective Disorder (tạm dịch: Tạp chí về Rối loạn Xúc cảm) kết luận rằng người rối loạn tâm trạng cải thiện các triệu chứng thể lý và cảm xúc trong ít nhất bốn tháng sau khi hoàn thành bốn buổi thực hành viết, với thời lượng 20 phút/buổi.


Một trong những yếu tố đánh giá chính là bảng câu hỏi đánh giá có tên Mức độ căng thẳng, lo âu, trầm cảm (Depression Anxiety Stress Scale, viết tắt: DASS). Theo các nhà nghiên cứu, văn phong của người viết cho biết mức độ đáp ứng của họ đối với quá trình trị liệu. Ví dụ, những thân chủ biểu đạt nhiều cảm giác qua bài viết hoặc thể hiện tích cực, lạc quan có xu hướng đạt kết quả tốt nhất. Kể cả những người có cách viết kiểm soát (lưu ý đến cấu trúc nhiều hơn biểu đạt) giảm được căng thẳng, trầm cảm và lo âu. Tuy nhiên, người biểu đạt nhiều và tích cực trong bài viết của họ lại có điểm DASS rất thấp. Các nhà nghiên cứu thấy rằng những người mang văn phong viết này có xu hướng bộc lộ cảm xúc quá mức, được gọi là "viết cảm xúc". Những hiểu biết như vậy cho phép nhà trị liệu nhận ra các thân chủ có các biểu hiện chấn thương cảm xúc khác. Đây là vài ví dụ:

  • Một nghiên cứu năm 2016 trên Cancer Nursing (Thực hành điều dưỡng cho bệnh ung thư) cho biết bốn đợt thực hành viết biểu đạt với bệnh nhân ung thư vú giúp “giảm căng thẳng tâm trí và cảm xúc”, dẫn đến cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm mệt mỏi và căng thẳng sau chấn thương.

  • Theo một nghiên cứu khác vào năm 2012 trên Traumatology (Khoa Chấn thương), ba buổi thực hành viết với thời lượng 15 phút/buổi giúp người bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn hay Hậu chấn tâm lý (post-traumatic stress disorder, viết tắt: PTSD) cải thiện khả năng ứng phó so với những người có cùng chẩn đoán nhưng không thực hành viết. Như đã nói, không có nhóm nào cải thiện tình trạng suy nghĩ buồn bực nhiễu loạn hoặc các hành vi né tránh, những đặc điểm của chứng căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

Làm sao để theo đuổi nghề này?

Nếu bạn có bằng sau đại học về tâm lý hay công tác xã hội và có khả năng giúp người khác kể chuyện, bạn có thể trở thành nhà trị liệu biểu đạt tốt. Nhà trị liệu biểu đạt giúp người khác vượt qua những vấn đề phức tạp và xây dựng câu chuyện cá nhân, giúp họ ý thức rõ ràng về bản thân, đây là một hình thức tự chữa lành.



Để trở thành nhà trị liệu nghệ thuật biểu đạt được đăng ký (registered expressive arts therapist, viết tắt: REAT), bạn có thể đăng ký chứng nhận qua Hiệp hội Trị liệu Nghệ thuật Biểu đạt Quốc tế (International Expressive Arts Therapy Association, viết tắt: IEATA). Chứng chỉ được cấp cho những ai có bằng cao học ngành tâm lý học, tâm lý học giáo dục, tham vấn, công tác xã hội hoặc những ngành liên quan đến sức khỏe tâm thần. Thêm vào đó, bạn phải hoàn thành chương trình thực hành do IEATA chứng nhận.

Chứng chỉ IEATA yêu cầu 500 giờ thực tập lâm sàng có giám sát nếu trường bạn học không có chuyên ngành nghệ thuật biểu đạt. Hoặc bạn có thể hoàn thành 200 giờ thực tập lâm sàng có giám sát trong trường hợp bạn đã học chuyên ngành tâm lý học, tâm lý học giáo dục, tham vấn, công tác xã hội hoặc những ngành liên quan đến sức khỏe tâm thần.


Lesley University ở Cambridge, Massachusettes và the Calfornia Institute of Integral Studies ở San Francisco là các trường có chương trình cấp bằng nghệ thuật biểu đạt. Các lựa chọn khác là chương trình cấp chứng chỉ sau đại học ngành trị liệu nghệ thuật của trường Appalachian State University in Boone, North Dakota. Bạn sẽ cần hoàn tất chương trình sau đại học và 18 giờ học trên lớp.

Bạn không nhất thiết phải có chứng chỉ IEEAT nhưng chắc chắn chứng chỉ này cho bạn uy tín và đồng thời yêu cầu thường xuyên cập nhật kỹ năng tham vấn của mình.


 

Bài viết tham khảo cùng chủ đề:

 

Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).


 

Người dịch: Loan Trương ; Người biên tập: Anh Đào Lê

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây



0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page