top of page

Flow At Work - Dòng Chảy Trong Công Việc: Khoa Học Về Sự Gắn Kết Và Tối Ưu Hiệu Suất (P2)

Đã cập nhật: 9 thg 12, 2020

Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Compassion.vn

Chúng ta đã biết rằng trạng thái Flow - dòng chảy giúp ta tối ưu hoá hiệu suất công việc, tạo nên sự gắn kết sâu sắc với chính công việc và môi trường làm việc. Nếu có thể thường xuyên tạo ra và duy trì trạng thái dòng chảy trong khi làm việc và ngay cả trong các hoạt động khác trong đời sống thì chúng ta cũng song song đó tạo ra niềm hạnh phúc vô bờ bến cho bản thân và thế giới.



Trong phần 2 của bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu điều gì sẽ ngăn trở ta hoà nhập vào trạng thái dòng chảy, làm sao để tạo trạng thái dòng chảy chung cho nhóm làm việc và cuối cùng bài viết cung cấp các nguồn tham khảo hữu ích thêm cho chúng ta. Mời các bạn đọc nội dung đầy đủ bài viết ngay dưới đây nha.


Bài viết được đăng tải thành 02 phần, gồm các mục như sau:

Phần 1:

  1. Nhân viên hạnh phúc cảm thấy được gắn kết

  2. Nhà tuyển dụng có thể làm gì để tạo môi trường làm việc tối ưu và có tính gắn kết

  3. Lý thuyết về Dòng Chảy (Flow Theory) và sự gắn kết mang tính cá nhân

  4. Các cá nhân có thể trau dồi Dòng Chảy tại nơi làm việc bằng cách nào

  5. Đo lường và đánh giá tính Dòng Chảy trong công việc

Phần 2:

  1. Điều gì ngăn cản Dòng Chảy trong công việc: căng thẳng và sự đa nhiệm

  2. Dòng Chảy trong làm việc nhóm

  3. 9 cuốn sách hay nhất về Dòng Chảy và môi trường làm việc tối ưu

  4. 9 Trích dẫn về Dòng Chảy và công việc

  5. Các bài nói chuyện và video TEDTalks về Dòng Chảy và công việc

  6. Thông điệp nhắn gửi bạn đọc

  7. Thông tin tham khảo

 
Điều gì ngăn cản dòng chảy trong công việc: Căng thẳng và đa nhiệm

Dữ liệu do Giáo sư Csíkszentmihályi thu thập cho thấy, hầu hết mọi người đều cảm thấy buồn chán hoặc căng thẳng trong công việc, nơi mà “15% người lao động không bao giờ rơi vào trạng thái Flow trôi chảy vào một ngày bình thường và chỉ 20% trong số họ hòa nhập được vào trạng thái Flow dòng chảy trong công việc ít nhất một lần mỗi ngày” (Goleman, 2013). Những số liệu thống kê này có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy sự gắn bó trong công việc, đặc biệt vì nhiều nghiên cứu cho thấy rằng sự gắn bó của nhân viên gắn liền trực tiếp với năng suất và sự hài lòng trong công việc. Hai rào cản quan trọng nhất để trải nghiệm dòng chảy là làm việc đa nhiệm và căng thẳng.



Làm việc đa nhiệm là một điều hoang đường


Trải nghiệm dòng chảy trong công việc không giống như làm việc đa nhiệm. Năng suất không đến từ sự bận rộn. Nếu không tập trung, chúng ta sẽ không phát huy hết tiềm năng của mình. Đa nhiệm đã ăn sâu vào văn hóa của chúng ta nhưng chính điều đó làm tăng khả năng khiến công việc chậm lại, không còn hấp dẫn và phản trực quan. Nguồn lực tinh thần của chúng ta có hạn, và việc thường xuyên chuyển đổi giữa các nhiệm vụ khiến chúng ta tiêu tốn trung bình khoảng 40% năng suất (Weinberg, 1992).


Giáo sư Csíkszentmihályi nhắc nhở chúng ta rằng ta nên quan tâm hơn đến việc đặt sự chú ý của mình vào đâu. Vì xu hướng lặp đi lặp lại và để mặc công việc đến đâu thì đến là thứ ngăn chúng ta đi vào dòng chảy (1997). Khi chúng ta tính đến các nhân tố ảnh hưởng của những người khác trong môi trường làm việc và sự nghiện ngập của chúng ta đối với thiết bị điện tử và mạng xã hội, thì danh sách những trở ngại đối với việc tìm kiếm dòng chảy sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, sự hiện diện của điện thoại di động trong tầm nhìn khiến chúng ta ít tập trung hơn (Przybylski, & Weinstein, 2012).


Những gì chúng ta muốn là điều chỉnh sự chú ý (năng lượng tinh thần), thời gian và thói quen và sử dụng các giá trị của chúng ta như một bản chỉ dẫn trong việc đầu tư năng lượng của chúng ta. Trước khi có thể định hướng cuộc sống một cách có ý thức, chúng ta cần có khả năng hướng sự chú ý của mình một cách có ý thức.


Niềm vui hay nỗi đau, sự quan tâm hay buồn chán được thể hiện trong tâm trí dưới dạng thông tin. Những gì chúng ta tập trung vào hiện thực sẽ được thu nhận để bổ sung vào nội dung và chất lượng của ý thức và cuộc sống. Một lý do khác tại sao sự tập trung lại quan trọng đối với Giáo sư Csíkszentmihályi đó là mức độ căng thẳng mà chúng ta trải qua có thể kiểm soát được sự chú ý (1997).


Căng thẳng có thể là điều tích cực


Không phải tất cả căng thẳng đều có hại và gây ra trải nghiệm tiêu cực. Trong đánh giá gần đây của Øystein Saksvik về sự căng thẳng mang tính xây dựng, ông lập luận rằng không chỉ ‘căng thẳng tốt’ là cần thiết cho hiệu suất của cả cá nhân và tập thể, mà căng thẳng nói chung phải hiện diện trong cuộc sống của chúng ta như một động lực (2017).


Điều quan trọng là:

  • Hiểu sự khác biệt giữa căng thẳng có tính phá hoại và mang tính xây dựng,

  • Có thể chung sống với cả hai (bởi vì chúng ta cần những thử thách và phản lực để tiến bộ, vượt qua gian khổ và phát triển tính kiên trì)

  • Học cách chuyển quan điểm của một người từ tiêu cực sang tích cực, cả với tư cách cá nhân cũng như trong tổ chức.

Chúng ta không thể tránh khỏi những thách thức, nhưng cách chúng ta đối mặt với chúng mới làm nên sự khác biệt. Tiến sĩ Kelly McGonigal của Đại học Stanford lập luận rằng, chúng ta trở nên ít có động lực cố gắng vì chúng ta lựa chọn tránh căng thẳng hơn là đương đầu với nó để hướng tới những mục đích có ý nghĩa và coi căng thẳng là cơ hội để vươn lên (2015).


Căng thẳng tích cực và căng thẳng tiêu cực


Mô hình về căng thẳng được gọi là định luật Yerkes – Dodson xác định căng thẳng tích cực (eustress) và căng thẳng tiêu cực (distress) và mối quan hệ đường cong của chúng. Trong đó, ở một đầu của đường cong, yêu cầu công việc thấp và không mang tính thách thức gây ra nhiều đau khổ.


Ở đầu kia của đường cong, sự khó khăn được đặc trưng bởi các nhiệm vụ quá thách thức và yêu cầu công việc quá cao. Đỉnh của đường cong là nơi mà nhu cầu công việc vừa phải và các nhiệm vụ khó khăn vừa phải gây ra sự hưng phấn tối đa (Saksvik, 2017). Đây thực chất là một cách khác để thể hiện sự cân bằng giữa thử thách và kỹ năng cần thiết để trải nghiệm trạng thái dòng chảy.


Jeffrey Alan Dahlke từ Đại học Bang Minnesota định nghĩa, trạng thái dòng chảy là một cấu trúc tâm lý có thể được coi là tương tự như căng thẳng tiêu cực hoặc tích cực. Ví dụ: khi nói về nhu cầu công việc, ông ấy phân biệt giữa những trở ngại và thách thức. Trong đó, một bên dẫn đến trải nghiệm nhu cầu công việc là căng thẳng, còn bên kia có thể trở thành yếu tố kích hoạt để đi vào trạng thái Flow trôi chảy khi tập trung sự chú ý của một người vào nhiệm vụ (2018).


Khi những đòi hỏi trong công việc được xem là trải nghiệm căng thẳng, khả năng kiệt sức sẽ cao hơn. Do đó, phải có đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu công việc cần trải nghiệm như một thách thức đáng hoan nghênh. Như Cal Newport giải thích: Kiệt sức không phải do quá nhiều việc mà là do quá ít việc có ý nghĩa”.


Những thách thức phù hợp cùng với nguồn lực đầy đủ tạo ra mức độ tương tác cao. Nghiên cứu của Dahlke cho thấy, khối lượng công việc cao hơn tạo ra nhiều trải nghiệm trạng thái Flow dòng chảy hơn và giúp ngăn chặn tình trạng kiệt sức khi có đủ nguồn lực (2018). Một nghiên cứu khác của các tổ chức Thụy Điển đã dự báo nguồn lực công việc liên quan đến trạng thái dòng chảy khi môi trường học tập đổi mới và vốn xã hội được xác định (Fagerlind, Gustavsson, Johansson, & Ekberg, 2013).


Øystein Saksvik gợi ý thêm rằng, cả căng thẳng tích cực và tiêu cực đều tồn tại song song với nhau nhưng do các tác nhân kích thích khác nhau gây ra (2017). Một nghiên cứu gần đây của Tozman và Peifer đã chỉ ra rằng phản ứng chiến hay biến (fight and flight) không giống như sự kích thích được tạo ra bởi cảm giác thử thách khi chúng ta trải qua sự tăng vọt hormon adrenaline nhằm huy động năng lượng tinh thần của chúng ta vào một nỗ lực tập trung. Các đối tượng của họ cho thấy sự khác biệt về nhịp tim giữa những người nỗ lực trí óc để hướng tới một nhiệm vụ có ý nghĩa và những người cảm thấy bị đe dọa và buộc phải hành động vì sợ hãi hoặc trốn tránh hậu quả (2016).


Sự trưởng thành và phát triển của chúng ta trong môi trường làm việc rộng mở được thúc đẩy bởi sự căng thẳng mang tính xây dựng. Nhưng ở một mức độ nào đó, khó khăn áp lực cũng nhằm mục đích hữu ích trong đó. Từ góc độ này, căng thẳng được xem như một động lực cần thiết, mặc dù nó có thể khiến bạn khó chịu. Saksvik lập luận rằng cả hai loại căng thẳng đều cần thiết trong những bối cảnh cụ thể để thúc đẩy hành động, để phát triển nhận thức cho phép chúng ta phân biệt giữa các loại căng thẳng khác nhau và cuối cùng là phát triển khả năng phục hồi (Saksvik, 2017). Và không ai diễn đạt điều đó tốt hơn William James khi ông viết rằng: "Vũ khí tốt nhất của chúng tôi để chống lại căng thẳng là chọn nhất một suy nghĩ để át chế suy nghĩ khác."


Nhận thức được các kiểu phản ứng của một người đối với căng thẳng là rất quan trọng để thành công trong quá trình thay đổi tổ chức. Từ góc độ lãnh đạo, một sự điều chỉnh thay đổi hiệu quả và giúp ngăn ngừa căng thẳng nghề nghiệp khi chúng ta quản lý tốt xung đột và làm rõ vai trò cũng như xác định các mục tiêu của tổ chức và cá nhân (Saksvik, 2017). Xây dựng các mối quan hệ xã hội tin cậy thông qua việc vun đắp các mối quan hệ chất lượng cao cũng là một cách tuyệt vời để đẩy khả năng phục hồi của cá nhân và nhóm đối với căng thẳng.


Rodriguez và các đồng nghiệp của cô đã giải quyết vấn đề đối phó với căng thẳng thông qua các chiến lược tập thể. Nghiên cứu của họ trong một công ty đa quốc gia cho thấy, sự tồn tại của những nỗ lực hợp tác để thấu hiểu tình huống căng thẳng, nỗ lực chung để giải quyết cảm giác tiêu cực và các chiến lược để cùng nhau học hỏi và tìm ra câu trả lời (2018).


Điều này cho phép họ kết luận rằng các chiến lược đối phó, cũng giống như trải nghiệm căng thẳng, mang tính chất tập thể trong môi trường nghề nghiệp. Và chúng có thể được điều chỉnh bởi một nền văn hóa coi căng thẳng là thách thức chung cần được giải quyết, đó cũng là một phần bình thường của môi trường tổ chức (Rodriguez, Kozusznik, Peiro và Tordera, 2018).

Trạng thái dòng chảy trong làm việc nhóm (Team Flow)

Số lượng các nghiên cứu thảo luận về khái niệm trạng thái dòng chảy nhóm tại nơi làm việc là rất hiếm. Một bài báo hội nghị năm 2018 được viết bởi Magyaródi so sánh trạng thái dòng chảy trong các hoạt động tập thể và hoạt động đơn độc đã phát hiện ra rằng, trải nghiệm dòng chảy trong tương tác nhóm có cường độ cao hơn.


Trải nghiệm sâu sắc và mạnh mẽ hơn về trạng thái dòng chảy trong các hoạt động chia sẻ và hợp tác được giải thích là do sự thỏa mãn nhu cầu tâm lý cơ bản về sự kết nối tương giao cũng như các yếu tố an sinh khác bao gồm sự phát triển các kỹ năng xã hội và cải thiện các mối quan hệ (Magyaródi, 2018).


Nhà nghiên cứu R. Keith Sawyer, người đã nghiên cứu Dòng chảy nhóm, nhận thấy rằng hầu hết các nhóm kinh doanh hiệu quả đều cân bằng căng thẳng theo cách một ban nhạc jazz hoặc một đoàn hài kịch sẽ làm:

  • Lắng nghe sâu

  • Tập trung vào nhiệm vụ

  • Giao tiếp cởi mở để mọi người nhận được phản hồi ngay lập tức

  • Tin tưởng rằng thiên tài sẽ xuất hiện từ đội nhóm, không phải từ bất kỳ thành viên nào (2012).

Một mô hình có thể kiểm tra và toàn diện hơn về quy trình nhóm đã được các thành viên của Mạng lưới các nhà nghiên cứu về dòng chảy châu Âu công bố vào năm ngoái và liệt kê một số điều kiện cần thiết để kết hợp kinh nghiệm quy trình cá nhân với tập thể. Nó liệt kê 7 điều kiện tiên quyết cần phải có để quy trình nhóm xuất hiện:

  • Tham vọng tập thể

  • Mục tiêu cá nhân được điều chỉnh

  • Mục tiêu chung

  • Tích hợp kỹ năng cao

  • Giao tiếp cởi mở

  • Sự an toàn

  • Cam kết chung

Khi các điều kiện tiên quyết được đưa ra, các đặc điểm sau của cấu trúc trạng thái dòng chảy nhóm có thể xuất hiện và kết hợp với các điều kiện trên thiết lập sự hiện diện của dòng chảy nhóm:

  • Ý thức về sự hợp nhất đoàn kết

  • Ý thức về sự tiến bộ chung

  • Tin cậy lẫn nhau

  • Tập trung toàn diện

Theo Jef van den Hout và các đồng nghiệp của ông, 11 yếu tố này cùng nhau biểu thị rằng các thành viên trong nhóm đang trải qua dòng chảy riêng lẻ và cùng nhau, hoặc chúng ta có thể hiểu trạng thái dòng chảy nhóm theo như nghiên cứu định nghĩa rằng:

“Trạng thái dòng chảy nhóm là những gì sẽ xảy ra, khi tất cả các thành viên trải nghiệm trạng thái dòng chảy bắt nguồn từ một động lực chung và là nơi các thành viên chia sẻ cảm giác hòa hợp và đầy sức mạnh (2017).”



9 cuốn sách hay nhất về trạng thái dòng chảy và môi trường làm việc tối ưu

Những cuốn sách dưới đây được liệt kê theo thứ tự phù hợp với chủ đề dòng chảy và môi trường làm việc tối ưu. Một số đi sâu hơn vào lý thuyết, một số khác mở rộng về thực hành trong khi những người khác giải thích trạng thái dòng chảy dưới một cái tên khác:

  • Good Business: Leadership, Flow, and the Making of Meaning - Mihály Csíkszentmihályi (tạm dịch: Kinh doanh chân chính: Lãnh đạo, Dòng chảy và Ý nghĩa)

  • Deep Work: Rules for Focused Success in a Distracted World - Cal Newport (tạm dịch: Làm việc tận tâm: Các quy tắc để tập trung thành công trong một thế giới bị phân tâm)

  • The Culture Code: The Secrets of Highly Successful Groups by Dan Coyle (tạm dịch: Mật mã văn hóa: Bí mật của các nhóm thành công vượt trội)

  • Flow: the Psychology of Optimal Experience by Mihályi Csíkszenmihályi (tạm dịch: Trạng thái dòng chảy: Tâm lý của Trải nghiệm Tối ưu)

  • The Rise of Superman: Decoding the Science of Ultimate Human Performance by Steven Kotler (tạm dịch: Sự trỗi dậy của con người ưu việt: Giải mã khoa học về hiệu suất đỉnh cao của con người)

  • The Evolving Self: A Psychology for the Third Millennium by Mihály Csíkszentmihályi (tạm dịch: Bản thể tiến hóa: Tâm lý học cho thiên niên kỷ thứ ba)

  • Focus: The Hidden Driver of Excellence by Daniel Goleman (tạm dịch: Tập trung: Động lực tiềm ẩn của sự xuất sắc)

  • The Best Place to Work: The Art and Science of Creating an Extraordinary Workplace by Ron Friedman Ph.D. (tạm dịch: Môi trường tốt nhất để làm việc: Nghệ thuật và Khoa học tạo ra một không gian làm việc tối ưu)

  • Inner Game of Stress: Outsmart Life’s Challenges and Fulfill Your Potential by Tim Gallwey (tạm dịch: Trò chơi căng thẳng bên trong: Vượt qua những thách thức trong cuộc sống và hoàn thiện tiềm năng của bạn)

9 Trích dẫn về trạng thái dòng chảy và công việc

“Những người hạnh phúc nhất dành nhiều thời gian trong trạng thái trôi chảy - trạng thái mà mọi người tham gia vào một hoạt động mà dường như không có gì khác quan trọng hơn nữa. Bản thân trải nghiệm thú vị đến mức mọi người sẽ làm điều đó ngay cả với chi phí lớn, vì lợi ích tuyệt đối của trạng thái làm việc này"

Mihály Csíkszentmihályi


"Tình yêu và công việc là nền tảng của con người chúng ta"

Sigmund Freud


“Trải nghiệm tối ưu có thể được coi là “la bàn tinh thần” định hướng tâm lý lựa chọn và hỗ trợ quỹ đạo phát triển mà mỗi cá nhân tự xây dựng và tuân theo trong suốt cuộc đời”

Massimini và Delle Fave


“May mắn thay cho ai đã tìm được công việc của đời mình, đừng xin điều may mắn nào khác”

Thomas Carlyle


"Dù tốt hơn hay tệ hơn, tương lai của chúng ta sẽ được quyết định một phần lớn bởi những giấc mơ của chúng ta và bằng cuộc đấu tranh để biến chúng thành hiện thực"

Mihály Csíkszentmihályi


“Trạng thái dòng chảy thúc đẩy ảnh hưởng tích cực, sự sáng tạo, sự tập trung, học hỏi, ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống cũng như cảm giác siêu việt hoặc kết nối với một tổng thể lớn hơn”

David, Boniwell, & Ayers


“Trái ngược với những gì chúng ta thường tin, những khoảnh khắc trong trạng thái dòng chảy, những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong cuộc đời chúng ta, không hề là những khoảng thời gian thụ động, dễ chịu, thư giãn — mặc dù những trải nghiệm như vậy cũng có thể thú vị nếu chúng ta làm việc chăm chỉ để đạt được chúng”

Mihály Csíkszentmihályi


"Nếu bạn dự định trở thành bất cứ điều gì kém hơn khả năng của bản thân, bạn có thể sẽ bất hạnh suốt cả cuộc đời"


Abraham Maslow

“Trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc, các giải pháp cục bộ không hiệu quả”

Mihály Csíkszentmihályi


Các bài nói chuyện TEDTalks và video về dòng chảy và công việc

Giáo sư Mihaly Csíkszentmihályi: Dòng chảy - Bí mật để Hạnh phúc

Giáo sư Mihaly Csíkszentmihályi nêu lên hỏi "Điều gì làm nên một cuộc đời đáng sống?". Nhận thấy rằng tiền không thể khiến chúng ta hạnh phúc, ông ấy hướng đến những người tìm thấy niềm vui và sự hài lòng lâu dài trong các hoạt động mang lại trạng thái “dòng chảy”.


Big Think: Hóa chất thần kinh của trạng thái dòng chảy

Steven Kotler của Dự án Bộ gen Dòng chảy (Flow Genome Project) giải thích những thay đổi hóa chất thần kinh trong các trạng thái dòng chảy giúp tăng cường động lực, sự sáng tạo và học tập. “Bộ não tạo ra một dòng hóa chất thần kinh khổng lồ. Bạn nhận được norepinephrine, dopamine, anandamide, serotonin và endorphin. Tất cả năm trong số này đều là hóa chất thần kinh giúp nâng cao hiệu suất". Kotler thảo luận về cách mỗi thứ khuếch đại hiệu suất trí tuệ và nhận thức của con người nói chung.



Chuỗi bài TEDTalks: Cách chúng ta làm việc

Có 3 tỷ người đang làm việc trên hành tinh này. Chỉ 40% cho biết họ hài lòng trong công việc. Hãy xem để biết điều gì khiến họ hài lòng.



Tiến sĩ Daniel Goleman: Sự tập trung, trạng thái dòng chảy và sự căng thẳng mệt mỏi

Tiến sĩ Daniel Goleman là tác giả bán chạy nhất của nhiều cuốn sách, bao gồm quyển “Trí tuệ cảm xúc” và gần đây là cuốn “Tập trung: Động lực tiềm ẩn của sự xuất sắc”. Trong video này, ông ấy giải thích mối quan hệ giữa tập trung, trạng thái dòng chảy và sự căng thẳng mệt mỏi, cung cấp thêm thông tin chi tiết về các điều kiện thúc đẩy trạng thái dòng chảy.



Thông điệp nhắn gửi bạn đọc

Giáo sư Mihály Csíkszentmihályi lập luận rằng, bí quyết để có một cuộc sống hạnh phúc là học cách tham gia gắn kết sâu vào càng nhiều việc chúng ta làm mỗi ngày càng tốt. Nếu công việc và cuộc sống trở thành mục đích nội tại thì không có gì là lãng phí trong cuộc sống, và mọi thứ chúng ta làm đều đáng làm vì lợi ích của chính công việc đó (2004).


Chúng ta không nên cho rằng công việc không thể mang lại hạnh phúc. Một số ngành nghề được xây dựng để trải nghiệm dòng chảy dàng hơn, nhưng tất cả chúng ta không thể là bác sĩ phẫu thuật hay vận động viên. Vì vậy chúng ta cần tìm những nhiệm vụ đầy thử thách và ý nghĩa phù hợp với kỹ năng của chúng ta, cũng như tính chất công việc có sự đa dạng, có mục tiêu rõ ràng và cung cấp phản hồi trong suốt quá trình. Chúng ta phải có khả năng tập trung và có thể hạn chế sự phân tâm, cả bên ngoài lẫn bên trong. Công việc nên được thiết kế lại để tương đồng với các hoạt động trong trạng thái dòng chảy và chúng ta nên hướng dẫn mọi người phát triển tính cách cá nhân hành động vì mục đích nội tại bằng cách đào tạo họ nhận ra cơ hội hành động, trau dồi kỹ năng và đặt ra các mục tiêu có thể đạt được.


Dưới đây là danh sách kiểm tra những gì chúng ta nên xem xét nếu muốn trải nghiệm thái dòng chảy trong công việc:

  • Hãy tìm một nhiệm vụ chúng ta yêu thích vì nỗi sợ hãi sẽ ngăn cản chúng ta tham gia sâu

  • Làm cho nhiệm vụ trở nên đáng giá vì nó tiếp thêm động lực

  • Hãy tạo tính thử thách nhưng không quá nhiều nếu không chúng ta sẽ bị căng thẳng

  • Tìm thời gian khi chúng ta có đầy đủ năng lượng và có thể tập trung

  • Loại bỏ sự lộn xộn, bất an và gạt đi mọi phiền nhiễu

  • Bắt đầu từng bước nhỏ nhưng cố gắng tập trung càng lâu càng tốt

  • Tiếp tục thực hành, học hỏi những gì hiệu quả và đúc kết kinh nghiệm và nhận ra sự khác biệt (Biggs, 2011).

Những môi trường mà công việc có thể trôi chảy là những doanh nghiệp sở hữu đội ngũ nhân viên trải nghiệm tính gắn bó sâu sắc và phát triển theo hướng phức tạp hơn. Theo Csíkszentmihályi, các tổ chức có sản phẩm và dịch vụ đóng góp vào sự phát triển tích cực của con người là ví dụ về những yếu tố cấu thành nên doanh nghiệp chân chính tử tế. Trong những môi trường độc đáo này, nhân viên được tạo cơ hội để làm những gì họ làm tốt nhất và tổ chức thu được lợi ích từ năng suất cao hơn và doanh thu thấp hơn nhưng lợi nhuận lớn hơn, tăng sự hài lòng của khách hàng và không gian cởi mở an toàn tại nơi làm việc.


Mức độ gắn bó, sự tham gia hoặc mức độ mà nhân viên ngày càng phát triển tích cực góp phần vào trải nghiệm hạnh phúc tại nơi làm việc (Csíkszentmihályi, 2004).


 

Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề


 
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết

Trong thế giới nghề nghiệp, kinh doanh ngày nay con người không chỉ lao động, kinh doanh nhằm mục đích duy nhất là kiếm tiền nữa. Đã có một bước nhảy lượng tử về nhận thức trong mỗi người, chúng ta như bị bản năng tự nhiên quan tâm những thứ quan trọng khác ngoài tiền bạc, thành công, danh tiếng, địa vị.


Những thứ mới mà ta quan tâm đó là ý nghĩa công việc mang lại, một cộng đồng thế giới lớn hơn, những mối quan hệ chất lượng, niềm hạnh phúc trọn vẹn trong mối quan hệ công việc và cuộc sống cá nhân.


Nếu bạn cũng có mối quan tâm và mục đích tạo ra môi trường làm việc hiệu suất cao, đầy ý nghĩa, hạnh phúc thì hãy cùng đến và chia sẻ với Compassion trong buổi chia sẻ Bupsyness - Mang Tâm Lý Học Vào Quản Trị Kinh Doanh



 

Khuyến cáo về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây: www.compassion.vn/booking).


 

Thông Tin Về Bài Đăng:

Nguồn bài dịch từ trang gốc (Bài gốc tiếng Anh): https://positivepsychology.com/flow-at-work/

Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Thiên Ý ; Người biên tập: Anh Đào Lê ; Người hiệu đính: Phạm Đại Bàng

Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page