top of page

Thơ Ca Có Thể Chữa Lành Vết Thương Lòng Hay Không? Sáng Tác Thơ Để Thẩm Thấu Và Đi Xuyên Qua Nỗi Đau

Đã cập nhật: 4 thg 3, 2020

Lời giới thiệu từ Compassion và người dịch:


Chúng ta có thể từng nghe đến hình thức trị liệu nghệ thuật (art therapy), đó là liệu pháp vận dụng nghệ thuật để trị liệu tâm lý và hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Các bạn đều đã có thể trải nghiệm việc ca hát, nhảy múa, vẽ tranh, chơi đàn... hay đơn giản nhất là viết nhật ký cũng là một trong những hình thức giải tỏa cảm xúc và mang đến sự an yên hạnh phúc trong lòng rồi phải không? Các nhà tâm lý học hiển nhiên cũng nhận ra tác dụng chữa lành của nghệ thuật và mang nó ứng dụng vào ngành tâm lý học để hình thành nên liệu pháp trị liệu tâm lý bằng nghệ thuật.


Vừa qua Compassion đã đăng tải bài viết Trị Liệu Viết Biểu Đạt Là Gì? Phương Thức Trị Liệu Bằng Nghệ Thuật Để Vượt Qua Chấn Thương Tâm Lý. Hôm nay, chúng ta sẽ đi tìm hiểu sâu hơn một hình thức trị liệu thông qua viết lách đó là chữa lành tổn thương tâm lý bằng thơ ca. Khi nghe đến thơ, có lẽ trong chúng ta hơi chùn bước và ngần ngại vì có thể trong đầu chúng ta hình dung thơ ca chỉ dành cho những người văn vẻ, cực kỳ bay bổng lãng mạn. Thật may tiếng Việt của chúng ta có đến năm thanh điệu và ngay trong bản chất của tiếng Việt đã có sẵn độ trầm bổng đầy chất thơ. Hơn nữa mục đích chính yếu khi làm thơ của chúng ta trong liệu pháp này nhằm để thấu hiểu và chữa lành bản thân chứ không phải sáng tác nên những vần thơ bất hủ nên chúng ta hãy cứ mạnh dạn thử nghiệm liệu pháp thơ ca này.


Mạn phép các bạn mình làm thử làm bài thơ “con cóc” khái quát lại bài viết này để các bạn có thêm chút động lực thử liệu pháp mới mẻ này nha:

Khi nỗi đau tràn trong tâm trí

Ta hãy cùng chấp bút làm thơ

Một vần thơ không hay chẳng dở

Ấy thế mà ngấm ngầm xuyên thấu

Một niềm đau đáu ở trong tâm.


Trong những năm hành nghề trị liệu, tôi lấy làm ngạc nhiên với mức độ thường xuyên viết thơ của các thân chủ đến trị liệu với tôi. Tuy nhiên, điều này chẳng có bất ngờ gì mấy. Bởi vì theo Hoffman và Granger (2015) đã viết: ”Trước khi tâm lý trị liệu xuất hiện, thì thơ văn đã có từ lâu rồi. Thơ ca đã được xem như một trong những nghệ thuật chữa lành cổ xưa nhất, đã được biết bao nền văn hóa khác nhau sử dụng trong suốt chiều dài lịch sử.”

Những khi con người sầu khổ, sẽ có thơ văn ra đời. Nhưng tại sao con người lại viết ra những vần thơ khi họ đau khổ, tổn thương? Như tôi sẽ thảo luận dưới đây, có nhiều cách thơ tương tự với việc trị liệu truyền thống. Ngay cả khi bạn chưa làm thơ trước đây bao giờ hoặc là không hề cảm thấy mình là một nhà thơ tài năng thì bạn cũng có thể nhận được sự chữa lành và lợi ích tăng trưởng khi bền bỉ thực hành viết thơ văn.

Thả lỏng thư giãn

Một trong những lý do trị liệu hiệu quả là do nó mang lại một sự giải tỏa cảm xúc. Khi những cảm xúc bị kìm nén lại, chúng không đi đâu hết và có thể gây tác động đến bản thân mỗi người hơn mức chúng ta nhận ra. Chúng ta thường sẽ nghe thấy những người tham gia trị liệu sẽ nói lại rằng họ cảm thấy khuây khỏa hay thậm chí nhẹ nhõm sau một phiên trị liệu. Phần lớn điều này có liên quan đến việc thư giãn thả lỏng.

Thơ ca thường được viết nên trong những khoảng thời gian khi người ta đang cảm thấy cao hứng và có nhiều cảm xúc. Thật ra, cảm xúc thường khơi gợi cảm hứng cho người ta làm thơ. Khá giống với cuộc trò chuyện ăn ý hay phiên trị liệu, thơ ca có thể khiến ta thả lỏng và buông thư. Mặc dù điều quan trọng là không nhầm lẫn giữa việc cảm xúc được thả lỏng, giải tỏa với việc vấn đề đã được giải quyết xong xuôi. Dù cho thư giãn có thể giúp ích trong việc tạo một khoảng trống để ta nhìn nhận và trải nghiệm vấn đề một cách khác đi, thế nhưng cảm thấy thư thái nhẹ nhõm hiếm khi giải quyết triệt để vấn đề.

Điều tiết cảm xúc

Các nhà trị liệu ưa thích nói về “điều tiết cảm xúc”, nhưng đến ngay cả chính nhà trị liệu cũng thường đánh vật mỗi khi phải giải thích rõ họ ngụ ý gì khi nói về điều này. Nhà trị liệu bậc thầy James Bugental (1987) đã mô tả việc điều tiết cảm xúc giống như việc thâm nhập và bước ra khỏi trải nghiệm cảm xúc trong khi gắn kết điều này với ý nghĩa hoặc thấu hiểu cảm xúc. Trong khái niệm này, có hai phần của việc điều tiết cảm xúc. Đầu tiên, quan trọng là cảm nhận hay trải nghiệm cảm xúc. Thứ hai, điều quan trọng tiếp theo là hãy suy ngẫm về các cảm xúc và hiểu ra ý nghĩa của chính trải nghiệm cảm xúc đó.

Điều này cũng gần tương tự với trải nghiệm của nhiều người khi sáng tác thơ văn, đặc biệt là khi bài thơ bắt nguồn từ một kinh nghiệm đau thương. Các bài thơ thường trỗi dậy giữa những cơn sóng cảm xúc mãnh liệt. Mặc dù một phần của những gì bài thơ làm là mô tả trải nghiệm đau đớn một cách sống động và sáng tạo, nhưng thường có một phần nào đó cố gắng hiểu ý nghĩa của trải nghiệm thông qua việc hiểu nó đầy đủ hơn hoặc thông qua việc tìm ra ý nghĩa trong đau khổ. Khi thành tố thứ hai này là một phần của quá trình viết ra bài thơ hay phản chiếu lại trong chính bài thơ, thì điều này gần giống như việc trải qua trị liệu.

Nhận thức và Thấu hiểu

Điều tiết cảm xúc thường dẫn đến việc tự nhận thức tốt hơn và có những hiểu biết sâu sắc mới mẻ. Có nhiều cách thức thơ ca có thể mang lại sự thấu hiểu mới. Ví dụ như, khi tôi viết một bài thơ xuất phát từ một trải nghiệm xúc cảm mạnh mẽ, tôi thường cố gắng để nó sang một bên trong ít nhất từ một đến hai ngày và sau đó mới trở lại với nó. Thường là đến khi tôi quay lại, tôi khám phá ra những nhân tố mới của bài thơ mà ngay từ ban đầu tôi chưa nhận ra. Thí dụ, tôi có thể phản chiếu ra nhiều hơn về một lựa chọn từ ngữ hay một biểu tượng mà nó tự nhiên trỗi lên trong quá trình sáng tạo. Thông qua đó, tôi có thể nhận ra ý nghĩa mới trong trải nghiệm của tôi.

Tương tự như thế, chia sẻ một bài thơ với một người bạn thân thiết hoặc nhà trị liệu có thể đưa đường dẫn lối đến sự phản hồi mà có thể nảy sinh những phát kiến, thấu hiểu mới. Mỗi khi chia sẻ một bài thơ đã được viết với chủ đích nhằm để chữa lành, ta không hướng đến việc tìm kiếm phản hồi bình luận về tính nghệ thuật hay chất lượng bài thơ, mà khác hơn là, ta hướng đến mục đích khám phá tầng sâu ý nghĩa và tầm quan trọng của bài thơ đối với cuộc sống của người đó.

Vận dụng thơ ca để chữa lành và trưởng thành

Có nhiều phương thức cá nhân mỗi người sử dụng thơ văn hướng đến mục đích chữa lành và trưởng thành. Có những nhà trị liệu chuyên biệt trong phương pháp trị liệu bằng thơ ca, đó là phương thức sử dụng thơ ca hướng đến việc chữa lành. Tuy nhiên, kể cả khi thơ văn không nhằm chủ đích trị liệu thì nó cũng có thể bổ sung vào trong tiến trình điều trị nếu nhà trị liệu có cái nhìn cởi mở với liệu pháp này.



Thơ ca cũng có thể được vận dụng hướng đến việc chữa lành và trưởng thành do bởi bản thân mỗi người vì lợi ích của chính mình. Sau đây là vài đề xuất cho những ai muốn sử dụng thơ ca thi phú để chữa lành và trưởng thành:

Không cần lo ngại về chất lượng bài thơ hay dở ra sao. Nếu mục tiêu của bạn nhằm để sáng tạo những vần thơ xuất chúng bất hủ, thì điều này có thể cản trở chất lượng chữa lành của bài thơ.

Hãy nỗ lực hòa nhập sâu với những cảm xúc của bạn khi bắt đầu đặt bút viết nên bài thơ. Hãy để cho bài thơ tự trỗi dậy từ không gian cảm xúc. Đây có thể là cách tuyệt vời nhất mời gọi các xúc cảm đến trong khoảnh khắc hiện tại của cuộc đời bạn ngay phút giây này đây mà không phán xét chỉ trích bất kỳ cảm xúc nào cả.

Cố gắng viết ra bằng các văn phong, thể loại thơ ca khác nhau. Bạn có thể thử những quyển sách thơ khác nhau dành cho việc chữa lành và trải nghiệm hết tất cả những thể loại thơ khác nhau mà bạn tìm thấy trong những quyển sách này.

Khám phá những điều bạn biểu đạt, bộc bạch qua bài thơ với người khác. Bạn có thể chia sẻ những bài thơ của mình với một người bạn đáng tin cậy hay nhà trị liệu của bạn, mời gọi những phản hồi của họ về mặt ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của bài thơ.

Viết đi viết lại một bài thơ hết lần này đến lần khác. Nếu bạn lưu giữ những phiên bản khác nhau thì bạn có thể so sánh chúng lẫn nhau và nhìn thấy được các phiên bản phản ánh những điểm khác nhau trên hành trình của bạn như thế nào với vấn đề bạn đang tranh đấu, vướng mắc.


 

Tham Khảo:

  • Bugental, J. F. T. (1987). The art of the psychotherapist: How to develop the skills that take psychotherapy beyond science. New York, NY: Norton & Company.

  • Hoffman, L., & Granger, N., Jr. (2015). Introduction. In L. Hoffman, & N. Granger, Jr. (Eds.), Stay awhile: Poetic narratives and multiculturalism and diversity (9-17). Colorado Springs, CO: University Professors Press.


 

Bài viết tham khảo cùng chủ đề:


 

Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).

 

Người dịch: Anh Đào Lê ; Người biên tập: Anh Đào Lê - Phạm Đại Bàng

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page