Social comparison - So sánh xã hội là một hành vi thông thường mà chúng ta tìm cách tìm hiểu rõ hơn về 'trạng thái' của mình - cho dù liên quan đến khả năng, quan điểm, phản ứng về cảm xúc, v.v - bằng cách so sánh bản thân với người khác.
So sánh xã hội có thể hữu ích bởi nó cung cấp cho chúng ta một cách để quyết định xem liệu chúng ta có đang 'đi đúng hướng'... nhưng cũng có nguy cơ là nó có thể cực kì có hại và dẫn đến những hành vi hay suy nghĩ tiêu cực.
Thay vì hiệu quả mong muốn là chúng ta có thể đánh giá khả năng và ý kiến của mình dựa trên tiêu chẩn thực tế, có thể đạt được (hay hình mẫu), so sánh xã hội có thể dẫn đến kết quả trái ngược, khi chúng ta so sánh hành vi của mình với một tiêu chẩn phi thực tế và sau đó phát triển sự tự ti (tự tôn thấp - low self-esteem).
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về thuyết so sánh xã hội - social comparison theory và làm thế nào mà việc so sánh xã hội của chúng ta dẫn đến những cảm xúc tích cực và tiêu cực. Chúng ta sẽ được biết về các loại thuyết so sánh xã hội khác nhau và cách các sự so sánh khác nhau dẫn đến những trạng thái cảm xúc khác nhau. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét mối liên hệ giữa trầm cảm và so sánh xã hội, cũng như mạng xã hội và so sánh xã hội.
Tóm lại, chúng tôi sẽ đưa ra một chiến lược tốt hơn mà chúng tôi nghĩ sẽ thay thế các hành vi so sánh xã hội và có hiệu quả hơn; chiến lược này là để khuyến khích lòng biết ơn.
Bài viết này bao gồm:
Phần 1: Link đọc Thuyết So Sánh Xã Hội: Một Vòng Xoáy Tích Cực Hoặc Tiêu Cực Không Thể Tránh Khỏi (P1)
Phần 2: Đang cập nhật
Sự tương phản vs. Sự đồng hóa
12 ví dụ thực tế
Đo lường so sánh xã hội: Thang đo
So sánh xã hội và trầm cảm
Mối liên hệ giữa mạng xã hội và lòng tự tôn
Cách tiếp cận tốt hơn: Lòng biết ơn
Thông điệp về nhà
Tài liệu tham khảo
Định nghĩa thuyết so sánh xã hội
Đã bao nhiêu lần bạn so sánh bản thân với bạn bè hoặc đồng nghiệp của bạn về những điều mà bạn cho là đáng mơ ước, ví dụ như tiền bạc hoặc thành công? Theo lý thuyết, so sánh này được gọi là so sánh xã hội - social comparison.
So sánh xã hội có liên quan đến hành vi mà chúng ta so sánh các khía cạnh nhất định của bản thân (hành vi, quan điểm, địa vị, và thành công của bản thân) với người khác để chúng ta có nhìn nhận tốt hơn về bản thân (Buunk & Gibbons, 2007).
Ban đầu, thuyết so sánh xã hội - social comparison theory chỉ gồm sự so sánh các ý kiến và khả năng (xem phần tiếp theo của chúng tôi để biết thêm thông tin; Festinger, 1954), nhưng sau đó, học thuyết đã mở rộng ra cả các khía cạnh khác (Gibbons & Buunks; ví dụ như cảm xúc; Schachter, 1959).
Festinger (1954) là người đã đề xuất rằng so sánh xã hội được thúc đẩy bởi nhu cầu đánh giá bản thân để chúng ta có thêm thông tin về bản thân; Tuy nhiên, học thuyết gần đây đề xuất rằng so sánh xã hội được thúc đẩy bởi ba yếu tố (Gibbons & Buunk, 1999):
Tự đánh giá - self-evaluation (tương tự như lý luận của Festinger),
Tự cải thiện - self-improvement
Tự đề cao - self-enhancement
Do đó, khái niệm so sánh xã hội đã được mở rộng đáng kể từ một học thuyết hạn chế chỉ đề cập đến các quan điểm và khả năng để bao gồm các khái niệm trừu tượng hơn như sự hài lòng với công việc và thành công tổng thể trong cuộc sống.
Lịch sử của thuyết so sánh xã hội - Social Comparison Theory
Khái niệm của so sánh xã hội được đặt tên lần đầu tiên và phát triển bởi Festinger (1954), người đã đưa ra giả thuyết rằng chúng ta không thể tự đánh giá chính xác các ý kiến và khả năng của bản thân, và thay vào đó dựa vào việc so sánh bản thân với người khác để đánh giá.
Những sự đánh giá này được tạo ra thông qua việc so sánh với người khác được gọi là so sánh xã hội. Ông lập luận rằng:
chúng ta được định hướng để đánh giá các khả năng và quan điểm của bản thân để xác định liệu chúng ta có đủ tốt hoặc đúng hay không
đặt ra một tiêu chuẩn cho mục tiêu của bản thân.
Tiêu chuẩn này được gọi là mức độ của nguyện vọng - level of aspiration.
Tóm tắt về thuyết so sánh xã hội của Festinger
Trong bài viết nghiên cứu của ông năm 1954, Festinger đưa ra chín giả thuyết về hành vi của chúng ta và những động cơ của chúng ta khi áp dụng so sánh xã hội trong các tình huống khác nhau. Dưới đây là tóm tắt ngắn gọn về các giả thuyết này; tuy nhiên, bạn nên đọc bài viết nghiên cứu gốc vì nó sẽ chi tiết hơn.
Lập luận của Festinger bắt đầu với giả thuyết ban đầu rằng việc đánh giá các kĩ năng và suy nghĩ của chúng ta là vô cùng quan trọng đối với sự sống còn của bản thân. Các ví dụ điển hình về hành vi và niềm tin liên quan đến sinh tồn bao gồm: chạy thật nhanh (để bạn có thể chạy nhanh hơn sư tử) hay có ý kiến về cách ăn thức ăn mới được tìm ra. Bởi điều đó quyết định đến việc sống còn của chúng ta trong quá trình sinh tồn.
Các cách nhìn và hành vi này không phù hợp với cuộc sống hiện đại hiện nay, nhưng chúng ta có thể dễ dàng liên tưởng đến những ví dụ về hành vi và suy nghĩ vẫn quan trọng, chẳng hạn, làm thế nào bạn biết được mình đã làm việc đủ số giờ trong ngày hay chưa? Hoặc làm thế nào bạn biết rằng suy nghĩ của mình về biến đổi khí hậu là đúng?
Số liệu chủ quan vs số liệu khách quan (Subjective versus Objective Metrics)
Đối với một vài sự so sánh, chúng ta có thể dễ dàng khiến những so sánh này trở nên tin cậy bằng cách sử dụng số liệu khách quan - Objective Metrics, ví dụ, chúng ta có thể đánh giá khách quan thành tích thể thao của mình dựa trên thời gian chạy một dặm, số cân mà chúng ta có thể nâng, hoặc số lần chúng ta dành chiến thắng trước đối thủ của mình. Tuy nhiên đối với những so sánh khác, không dễ dàng như vậy, vì số liệu khách quan không tồn tại.
Chẳng hạn, điều gì sẽ khiến cho một quan điểm chính trị trở nên 'đúng đắn'? Làm thế nào để biết tôi có phải là người 'trung thực' hơn những người khác hay không? Đối với những so sánh này, chúng ta cần dựa trên số liệu chủ quan - Subjective Metrics nhiều hơn.
Festinger quan tâm nhiều hơn đến các so sánh sử dụng số liệu khách quan; tuy nhiên, ông nhận ra rằng đa số các so sánh trong đời thực là sự kết hợp giữa số liệu khách quan và chủ quan.
Trong trường hợp không tồn tại chỉ số khách quan, chúng ta có thể dựa vào đánh giá của bản thân hoặc đánh giá của xã hội. Tuy nhiên, hai kiểu đánh giá này không hữu ích như nhau.
Tự đánh giá - Self-evaluations, là vô cùng mơ hồ bởi vì đánh giá của bạn về kĩ năng và suy nghĩ của bản thân không ổn định và không đáng tin cậy. Sự không ổn định trong việc tự đánh giá của chúng ta là do tiêu chuẩn do chúng ta tự đặt ra dễ thay đổi. Ví dụ, tiêu chuẩn mà tôi đặt cho mình hôm nay để trở nên 'hiệu suất' có thể khác với tiêu chuẩn của tôi vào ngày mai. Kết quả là, sự tự đánh giá của tôi về mức hiệu suất của mình liên tục thay đổi. Ngược lại, các đánh giá xã hội (tương quan với người khác) ổn định, nhiều thông tin hơn, và chúng ta có xu hướng dùng chúng hơn là tự đánh giá chính mình.
Các kiểu đánh giá xã hội khác nhau
Không phải mọi đánh giá xã hội đều giống nhau. Khi đưa ra một đánh giá xã hội, chúng ta khó có thể so sánh mình với một cá nhân được chọn ngẫu nhiên; thay vào đó, chúng ta có xu hướng so sánh với những cá nhân có khả năng hoặc quan điểm mà chúng ta đánh giá là gần giống với bản thân.
Ví dụ, tôi sẽ cần chọn một người so sánh phù hợp khi đưa ra một đánh giá có ý nghĩa về hiệu suất làm việc hàng ngày của tôi. Một số người nào đó tương tự như tôi sẽ là một ví dụ tốt (ví dụ: xấp xỉ bằng tuổi và trình độ học vấn, không có con), và tôi sẽ không so sánh bản thân với một người không có hoàn cảnh giống mình (ví dụ: một phụ huynh đang cố gắng làm việc trong khi phải để mắt đến con cái).
Những kiểu so sánh với những cá nhân tương tự này mang lại những đánh giá hữu ích, đáng tin cậy hơn.
Nhưng chúng ta sẽ làm gì nếu cá nhân có kĩ năng tương tự không tồn tại để so sánh? Nếu lựa chọn khác duy nhất là so sánh bản thân với một người có trình độ kĩ năng hoặc quan điểm khác biệt với bản thân, thì chúng ta nên tránh thực hiện so sánh đó.
Festinger lập luận rằng mức độ nguyện vọng - level of aspiration mà chúng ta dùng sẽ ổn định hơn khi chúng ta dùng những cá nhân có kĩ năng tương tự để so sánh so với khi chúng ta so sánh bản thân với các cá nhân có kĩ năng/quan điểm khác biệt rõ rệt với chúng ta.
Kết quả của sự khác biệt giữa chúng ta và những người khác
Nếu chúng ta thấy rằng khả năng/quan điểm của bản thân rất giống với tiêu chuẩn của các cá nhân được cho là tương đồng, thì chúng ta sẽ cảm thấy bạo dạn và tự tin hơn về khả năng/quan điểm của mình.
Nếu sự đánh giá cho thấy rõ rằng chúng ta đang làm rất tệ, thì có thể đưa ra hai kết luận:
Thứ nhất, chúng ta có thể hướng đến việc cải thiện hành vi của mình để chúng ta giống với các cá nhân khác hơn.
Thứ hai, chúng ta có thể cố gắng tác động đến các cá nhân khác để họ trở nên giống với chúng ta hơn (Chúng ta nên lưu ý rằng phương pháp này phù hợp hơn khi cố gắng thay đổi quan điểm hơn là khả năng).
Ví dụ, nếu quan điểm của tôi khác biệt quá nhiều với các cá nhân tương tự như tôi, thì tôi sẽ thay đổi quan điểm của mình để phù hợp hơn với họ, hoặc tôi sẽ cố gắng thay đổi quan điểm của họ để phù hợp hơn với tôi.
Dù bằng cách nào, kết quả cuối cùng là các thành viên trong nhóm - tức là tôi và những người mà tôi đang so sánh với bản thân - trở nên giống nhau hơn.
Động lực nhóm - Group Dynamics
Không phải tất cả các thành viên trong nhóm đều được đưa vào so sánh. Trong một nhóm, có thể có một cá nhân có khả năng hoặc quan điểm khác biệt rõ ràng so với những thành viên khác.
Trong những trường hợp như vậy, cá nhân này không còn được xem là một so sánh khả thi và không còn được đưa vào so sánh. Festinger lập luận rằng kết quả thậm chí còn nghiêm trọng hơn trong trường hợp chúng ta đang so sánh quan điểm, bởi vì cá nhân khác biệt này giống như một mối đe dọa đối với việc đánh giá quan điểm của chúng ta khiến chúng ta coi họ như đã bị loại khỏi nhóm, và chúng ta sẽ không nói chuyện với họ nữa.
Tư cách thành viên nhóm đóng một vai trò thiết yếu trong các đánh giá. Khi tư cách thành viên nhóm (và phù hợp với tiêu chuẩn của nhóm) là mong muốn, thì chúng ta có nhiều khả năng từ chối các thành viên khác biệt so với chúng ta; những thành viên này không còn được đưa vào so sánh xã hội của chúng ta. Nếu chúng ta cảm thấy rằng chất lượng đang được so sánh quan trọng, thì chúng ta cũng có động lực để tuân thủ các hành vi và quan điểm của nhóm.
Hơn nữa, các thành viên càng giống với tiêu chuẩn của nhóm thì càng ít có động lực nhất để thay đổi khỏi tiêu chuẩn đã được chấp nhận (ví dụ như thay đổi hành vi hay quan điểm của họ), thay vào đó họ có động lực hơn để thay đổi hành vi và quan điểm của các thành viên khác trong nhóm.
Khi một cá nhân có quan điểm hay khả năng khác biệt hẳn so với nhóm, thì cá nhân đó có thể bị buộc phải rời nhóm để chuyển sang nhóm khác, hoặc nhóm ban đầu có thể tách thành một nhóm nhỏ.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu nhóm so sánh thứ hai không tồn tại, hoặc nếu nhóm ban đầu là một nhóm rất đáng mong đợi? Trong số các kết quả có thể xảy ra mà Ferdinger đã trình bày, điều thú vị nhất là những điều sau:
Thứ nhất, nếu cá nhân và nhóm khác nhau về quan điểm, thì rất có thể quan điểm của cá nhân sẽ thay đổi và phù hợp với quan điểm của nhóm.
Thứ hai, nếu cá nhân và nhóm khác nhau về khả năng, thì không chắc rằng cấp độ khả năng sẽ thay đổi - thay vào đó, cá nhân sẽ nảy sinh cảm giác tự ti.
Cần phải thấy ngay rằng nguồn gốc của thuyết so sánh xã hội khá phức tạp. So sánh xã hội đã phát triển nhanh chóng trong 50 năm qua, và đã có rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm về tác động của các loại so sánh khác nhau. Chúng ta sẽ tìm hiểu điều này trong các phần tiếp theo.
Các xu hướng so sánh xã hội
So sánh xã hội có thể hướng lên hoặc hướng xuống.
Khi chúng ta thực hiện so sánh xã hội hướng lên, chúng ta so sánh bản thân đối với người (được coi là hay đang thể hiện) tốt hơn chúng ta.
Ngược lại, khi chúng ta thực hiện so sánh xã hội hướng xuống, chúng ta so sánh bản thân với người (được coi là hay đang thể hiện) tệ hơn chúng ta.
Hướng của so sánh không đảm bảo hướng của kết quả: Cả hai kiểu so sánh xã hội đều có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực và tích cực.
So sánh xã hội hướng lên
"Anh ấy hạnh phúc và thành công hơn tôi rất nhiều."
Các so sánh xã hội có thể hướng lên, khi chúng ta so sánh bản thân với các cá nhân khác được cho là đang thể hiện tốt hơn chúng ta. Xu hướng điển hình là so sánh đi lên: Khi được hỏi ai là người các cá nhân muốn so sánh với bản thân, phần lớn họ chọn so sánh với người đạt được điểm cao hơn (Wheeler, 1966).
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên: Đa số chúng ta đều muốn biết chúng ta đang thể hiện như thế nào so với những người khác có vẻ làm tốt hơn. Sự so sánh đi lên này cũng được gọi là động lực hướng lên (Festinger, 1954).
Tác động của so sánh xã hội hướng lên có thể thay đổi. Đôi khi so sánh xã hội hướng lên có thể trở thành động lực rất lớn; ví dụ, chúng ta có thể khao khát đi theo bước chân của hình mẫu lý tưởng. Các nhân tố sau đây làm giảm đi sức mạnh của động lực hướng lên:
Động lực hướng lên có sức ảnh hưởng hơn khi sự so sánh được thực hiện một cách không công khai hơn là công khai. Ví dụ, tôi có động lực để cải thiện khả năng/kĩ năng của mình hơn khi tôi có thể so sánh một cách riêng tư. Nhưng tôi ít có động lực hơn nếu tôi phải trực tiếp thực hiện các so sánh này bằng cách tiếp xúc với người được so sánh.
Động lực hướng lên mạnh hơn khi cá nhân không có nguy cơ bị đánh giá hay phán xét bởi là kém hơn. Ví dụ, tôi có động lực hơn để cải thiện khả năng/kĩ năng của mình khi tôi không cảm thấy người so sánh sẽ đối xử tệ với tôi hoặc cảm thấy tôi là người kém cỏi. Tôi ít có động lực hơn khi người so sánh đối xử tệ với tôi.
Động lực hướng lên mạnh hơn khi cá nhân được đầu tư vào điểm nổi bật hoặc khả năng. Ví dụ, động lực hướng lên của tôi mạnh hơn trong những chủ đề mà tôi quan tâm. Nhưng tôi có ít động lực hướng lên trong các chủ đề mà tôi không quan tâm.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có động lực để cải thiện khả năng/kỹ năng/quan điểm của bản thân sau khi so sánh xã hội hướng lên, và so sánh xã hội hướng xuống có thể có những tác động bất lợi. Dưới đây là một số ví dụ về so sánh xã hội hướng lên không hiệu quả và thay vào đó dẫn đến các hành vi tiêu cực:
Festinger (1954) gợi ý rằng khi người so sánh được coi là rất giỏi hoặc rất khác biệt với chúng ta, thì chúng ta có thể coi họ không phải là một so sánh khả thi;
Trong những ví dụ tiêu cực hơn, chúng ta thậm chí có thể loại trừ các cá nhân này khỏi nhóm xã hội của mình (Festinger, 1954);
Hoặc chúng ta có thể tách bản thân khỏi những người khác (Teser, 1988);
Đôi khi chúng ta có thể chọn làm khó bản thân bằng cách chọn một số người vô cùng giỏi (Shepperd & Taylor, 1999);
Chúng ta có thể phá hoại nỗ lực của người khác khiến họ thể hiện kém đi (Pemberton & Sedikides, 2001).
Chúng ta có thể nảy sinh cảm giác mặc cảm tự ti, bởi vì chúng ta được nhắc nhở rằng chúng ta kém cỏi, và dẫn đến những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như trầm cảm (ví dụ: Marsh & Parker, 1984).
So sánh xã hội hướng xuống
"Ít nhất thì tôi đã không làm mình xấu hổ trước mặt mọi người như cô gái đó."
Trong các so sánh xã hội hướng xuống, chúng ta so sánh bản thân với những người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Đây là một trải nghiệm phổ biến, và tất cả chúng ta đều từng có trải nghiệm 'đó' khi chúng ta tự trấn an về hành vi của bản thân bằng cách so sánh bản thân với người khác. Mặc dù so sánh xã hội hướng xuống có thể xem là bước đi tạm thời để để làm tăng sự tự tin của bản thân, nhưng tác động của các so sánh xã hội hướng xuống hay thay đổi và cũng có thể dẫn đến kết quả tiêu cực.
Chúng ta thường tiến hành các so sánh xã hội hướng xuống trong các tình huống mà ý thức về bản thân và mức độ hạnh phúc của chúng ta đang bị đe dọa; những so sánh xã hội hướng xuống này khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn về bản thân (Wills, 1981).
Các so sánh xã hội hướng xuống cũng dẫn đến nhiều kết quả tích cực khác (ví dụ: Amoroso & Walters, 1969; Gibbons, 1986; xem chi tiết phần tìm kiếm đánh giá Buunk & Gibbons, 2007) như:
Tăng cường lòng tự tôn (self-esteem)
Trải nghiệm những cảm xúc tích cực, chẳng hạn như hạnh phúc
Giảm sự lo lắng
Một số nhà nghiên cứu đã lập luận rằng tác động của các so sánh xã hội - hướng lên hoặc hướng xuống - phụ thuộc vào từng cá nhân. Hướng so sánh xã hội không thể chắc chắn chỉ có kết quả tiêu cực hoặc tích cực.
Với các so sánh xã hội hướng lên, chúng ta có thể có động lực để phấn đấu tới những thành tựu mới bởi vì 'ai đó như chúng ta' cũng đã đạt được những thành tựu này; tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thường xuyên được nhắc nhở rằng chúng ta thua kém người khác.
Thuyết so sánh xã hội đưa ra giả thuyết rằng những so sánh xã hội hướng xuống sẽ nâng cao cảm giác của chúng về địa vị hiện tại của mình, và chúng ta có thể thoải mái khi biết rằng chúng ta có thể kém cỏi.
Tuy nhiên, các so sánh xã hội hướng xuống có thể khiến chúng ta khổ sở, bởi vì chúng ta được nhắc nhở rằng tình hình luôn có khả năng xấu đi, hoặc chúng ta có thể cảm thấy không vui khi biết tình trạng có thể trở nên tệ hơn.
Ví dụ, khi những bệnh nhân ung thư gặp những bệnh nhân khác đã ở giai đoạn nặng hơn, họ nói rằng họ cảm thấy bị đe dọa. Giải thích cho những phát hiện trái ngược này là những bệnh nhân khác, những người có tình trạng kém hơn, là một lời nhắc nhở rằng sức khỏe của họ có thể xấu đi (Wood và cộng sự, 1985). Hết phần 1! ---------------------------
Nguồn bài dịch: https://positivepsychology.com/social-comparison/
Người dịch: Selena
Người biên tập: Phạm Đại Bàng
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comments