top of page

Từ Các Thiên Kiến Chủng Tộc Của Cảnh Sát Với Người Da Đen - Tìm Hiểu Cách Thiên Kiến Được Hình Thành

Đã cập nhật: 5 thg 6, 2020

Trong một cảnh của bộ phim truyền hình The Hate U Give (đạo diễn George Tillman Jr., biên kịch Audrey Wells, dựa trên quyển tiểu thuyết cùng tên dành cho thanh thiếu niên của Angie Thomas), nhân vật chính, Starr – một thiếu nữ da đen, đã chứng kiến cảnh người bạn thời thơ ấu của cô, Khalil – cũng là một người da đen, bị bắn chết bởi một sĩ quan cảnh sát da trắng, chỉ vì người sĩ quan này đã nhầm tưởng Khalil đang cầm một khẩu súng trong khi đó chỉ là một chiếc lược vô hại bình thường. Starr sau đó đã tham gia vào các hoạt động nhằm lên tiếng chống lại những hành xử bạo lực của cảnh sát, đặc biệt là khi tòa án đã không thể kết tội viên cảnh sát bắn chết Khalil.


Ngoài đời thật, tòa án quận Dallas, bang Texas (Mỹ) vào đầu tháng 10 vừa qua đã tuyên án 10 năm tù giam dành cho cựu sĩ quan cảnh sát Amber Guyger vì tội sát hại Botham Jean – một thanh niên người da đen sống cùng khu chung cư với cô. Guyger đã bắn chết Jean vì tưởng anh là kẻ đột nhập và có hành vi gây đe dọa, trong khi sự thật là cô đã vào nhầm phòng của Jean, và Jean thật ra chỉ đang cầm trên tay một cái muỗng bạc chứ không phải là vũ khí khi Guyger bắt đầu giương súng và bóp cò.


Theo Jennifer Eberhardt - Giáo sư Tâm lý học Đại học Stanford đồng thời là người đạt giải thưởng “Genius” của Chương trình Nghiên cứu sinh MacArthur năm 2014 – những phản ứng của các sĩ quan cảnh sát trong các tình huống tương tự thật ra xuất phát từ một dạng thiên kiến ngầm, một sự thiên vị tồn tại vô thức trong mỗi chúng ta và ảnh hưởng đến việc ra quyết định hay hành động của chúng ta; mà cụ thể ở đây là thiên kiến liên quan đến vấn đề sắc tộc, đặc biệt là giữa lực lượng cảnh sát da trắng với cộng đồng người da đen ở Hoa Kỳ. Sau gần 30 năm nghiên cứu về cơ chế và ảnh hưởng của thiên kiến chủng tộc trong đời sống, đồng thời là người tư vấn trong các chương trình huấn luyện cho lực lượng cảnh sát ở nhiều nơi trên cả nước, vào tháng 3 năm 2019 Eberhardt đã cho xuất bản quyển sách đầu tiên của cô, Biased: Uncovering the Hidden Prejudice that Shapes What We, See, Think, Do, một tác phẩm mới khám phá các nguồn gốc về mặt thần kinh học của sự thiên vị và các cách để chống lại tác động của nó đối với xã hội.



Theo Eberhardt, “Bạn không cần phải là một kẻ cuồng tín mới có xu hướng suy nghĩ và hành xử thiên vị. Bạn không nhất thiết phải là một người xấu. Những thiên kiến này bên trong bạn có thể được kích hoạt và có những tác động tàn phá thật sự bất chấp ý định và mong muốn của bạn là gì.” Cô lập luận rằng, điều quan trọng là chúng ta có ý thức về các tình huống mà sự thiên kiến làm chúng ta tổn thương và có hành động để giảm thiểu các yếu tố đó, bằng cách hiểu vì sao bộ não của chúng ta khuyến khích sự thiên vịlàm cách nào để sống chung với những thiên kiến đó. Bài viết dưới đây của Tiến sĩ Tâm lý học Jill Suttie - biên tập viên, nhà phê bình sách của tạp chí Greater Good sẽ giới thiệu với chúng ta về những điểm chính của quyển sách này.


Trong phần Mở Đầu của quyển sách, Biased - Thiên kiến, tác giả - nhà nghiên cứu Jennifer Eberhardt kể lại câu chuyện trên một chuyến bay của cô với cậu con trai lúc đó mới 5 tuổi. Khi cậu bé chỉ cho cô thấy một vị hành khách da đen trên chuyến bay và lớn tiếng thắc mắc liệu người đàn ông đó có thể lấy cắp thứ gì của người khác hay không, câu nói của thằng bé khiến cô sững người.


“Sao con lại nói thế?” cô hỏi, không phải để trách mắng mà là tò mò; và cậu bé trả lời, “Con không biết tại sao. Không biết sao con lại nghĩ như vậy nữa.”

Câu chuyện này minh họa một cách khéo léo cho một trong những chủ đề chính trong quyển sách của cô: không ai có thể tránh khỏi sự thiên kiến. Kể cả đứa con trai da đen của cô cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng của những thông điệp mang tính văn hóa đánh đồng “đàn ông da đen” với “sự nguy hiểm” này. Thiên kiến không phải là biểu hiện độc quyền của những kẻ phân biệt chủng tộc hay những người hay gây rối, Eberhardt viết, mà đó là một phần thâm căn cố đế nằm sâu trong cái cách mà chúng ta tương tác với thế giới xung quanh.


Kết hợp kể chuyện cùng với một sự phân tích sâu vào khía cạnh khoa học của thiên kiến tiềm ẩn, Eberhardt giải thích cách mà sự thiên vị và định kiến hình thành – và cô mô tả những ảnh hưởng nguy hại của chúng lên tất cả chúng ta. Nhưng cô không dừng lại ở đó: Quyển sách này chiếu rọi vào những gì chúng ta có thể làm để chống lại thiên kiến ở cấp độ cá nhân và thể chế.

“Ở gốc rễ của nó, sự thiên kiến không phải là một nỗi khổ có thể loại bỏ hay chữa lành,” Eberhardt viết. “Đó là một tình trạng của con người mà chúng ta phải hiểu và sống chung với nó”.


Vì sao bộ não của chúng ta khuyến khích sự thiên vị

Thiên kiến – hay sự thiên vị, là một “sản phẩm phụ” được sinh ra một cách tự nhiên trong quá trình làm việc của bộ não, Eberhardt viết.


Trước hết, một cách tự nhiên trẻ sơ sinh sẽ học được cách phân biệt những gương mặt trong cùng nhóm sắc tộc với chúng tốt hơn những gương mặt thuộc nhóm khác, do sự nhận thức của trẻ vốn được định hình bởi những gì chúng thấy thường xuyên nhất. Trí óc của chúng ta cũng phân loại các vật thể trong thế giới xung quanh, giúp ta bỏ qua hoặc xem những thứ đã quen thuộc là hiển nhiên và chú ý đến những gì mới lạ. Năng lực này cho phép chúng ta hiểu ý nghĩa của mọi thông tin đi qua các giác quan của chúng ta và phân biệt được những gì an toàn hoặc không an toàn.


“Những kinh nghiệm mà con người có được trong thế giới này thấm vào bộ não của chúng ta qua thời gian, và chúng sẽ âm mưu định hình lại hoạt động của trí óc chúng ta mà chúng ta không hề hay biết,” cô viết. Vấn đề nằm ở chỗ làm cách nào điều này có thể dẫn đến việc xếp loại con người là “tốt,” “an toàn” hay là “xấu” và “nguy hiểm,” chỉ dựa trên sự quen thuộc. Cùng với những kì thị xã hội đang vây quanh các nhóm người khác nhau, xu hướng này là một công thức để tạo nên sự định kiến.


Eberhardt theo đuổi một chuỗi các nghiên cứu cho thấy thiên kiến liên quan đến chủng tộc hiện diện trong mọi mặt: từ cách các giáo viên đối xử với học sinh cho đến cách các công ty đưa ra các quyết định tuyển dụng, hay những cộng đồng địa phương mà ở đó người ta có thể tìm thấy một nơi để sống. Ví dụ như ở Mỹ, những thành kiến rập khuôn về “những người đàn ông da đen nóng tính” có thể khiến người ta hiểu sai những biểu cảm trên khuôn mặt họ, và cho đó là biểu hiện của một cơn giận hay sự đe dọa mà không thật sự tồn tại. Thêm nữa, có những cử chỉ hay biểu hiện mặc dù không rõ ràng, nhưng nếu đó là do một người da đen thực hiện thì sẽ dễ bị cho là mang tính bạo lực, hơn là khi nó được thực hiện bởi một người da trắng.


Thậm chí khi chúng ta gặp phải một thông tin sai có thể dẫn đến một sự định kiến, Eberhardt nói, chúng ta vẫn có xu hướng bỏ qua hoặc xua đi thông tin đó, bởi chúng ta sẽ thấy thoải mái hơn khi giữ những niềm tin sắt đá thay vì thay đổi cách nghĩ của chúng ta.


“Bất kể là tốt hay xấu, bất kể có hợp lý hay không, niềm tin và thái độ của chúng ta có thể sẽ liên kết rất mạnh mẽ với sự phân loại đã được khởi sự một cách tự động, ảnh hưởng đến cách cư xử và cách ra quyết định của chúng ta,” cô viết.

Trẻ con nhạy cảm một cách đặc biệt với cách mà những người lớn xung quanh chúng cư xử với nhau – những cách cư xử có liên quan đến sự tương tác giữa các chủng tộc. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu các bậc cha mẹ có định kiến ghét người da đen thì trẻ con cũng sẽ bắt được các tín hiệu không lời đó và làm cho chúng có nhiều khả năng bị thiên kiến.



Những hệ lụy của thiên kiến ngầm

Mặc dù các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy những “đường gân nổi” của thiên kiến là rất hấp dẫn và nhỏ bé, hậu quả trong thế giới thật lại rất thảm khốc. Như trong hệ thống tư pháp hình sự, thiên kiến sẽ ảnh hưởng đến việc cảnh sát cư xử lịch sự với các nghi phạm như thế nào, họ có sử dụng vũ lực hay không, và ai đó sẽ có khả năng bị kết tội ra sao.


Cảnh sát cũng bị ảnh hưởng bởi những thiên kiến giống như tất cả chúng ta, Eberhardt nói. Nghiên cứu đã từng cho thấy rằng khi chuẩn bị sẵn sàng để nghĩ về tội ác, các sĩ quan cảnh sát được cho xem cùng lúc một khuôn mặt da trắng và một khuôn mặt da đen sẽ tập trung hướng chú ý của họ vào gương mặt da đen do những liên tưởng rập khuôn giữa “có tội” và “đen”. Cảnh sát cũng có khuynh hướng đánh giá đàn ông da đen là cao hơn, nặng hơn, và khỏe hơn đàn ông da trắng có cùng tầm vóc; điều này khiến đàn ông da đen bị xem là nguy hiểm hơn đàn ông da trắng và thôi thúc các sĩ quan sẵn sàng sử dụng vũ lực để khuất phục họ hơn.


“Mỗi cuộc đụng độ giữa các sĩ quan cảnh sát và người dân địa phương diễn ra trong một bối cảnh xã hội lớn hơn và bối cảnh đó định hình cách phản ứng của mỗi bên,” Eberhardt viết.


Trong những tình huống không rõ ràng, cảnh sát sẽ dễ nhầm lẫn một vật vô hại với một khẩu súng hơn, nếu vật đó được cầm giữ bởi một người da đen so với khi đó là một người da trắng – và điều này chắc chắn gắn liền với những cái chết oan. Mặc dù việc đào tạo có thể sẽ giúp hạn chế sự thiên vị, Everhardt thừa nhận rằng đôi khi cô vẫn còn nghi ngờ việc người ta có thể chế ngự được nó hoàn toàn.


“Tôi đã lo lắng (và tôi vẫn còn lo) rằng người ta sẽ đặt quá nhiều tin tưởng vào sức mạnh của những khóa tập huấn này, những khóa tập huấn chỉ có thể rèn luyện chứ không triệt tận gốc những tác động khiến các sĩ quan luôn phải đối mặt với rắc rối và khiến các cộng đồng luôn căng thẳng,” cô viết.


Những hành xử có yếu tố thiên vị không chỉ xảy ra trong các tình huống liên quan đến cảnh sát, mà kể cả - trong môi trường học đường và công sở, thiên kiến cũng rất thường hay diễn ra.


Nghiên cứu đã từng chỉ ra rằng các giáo viên hay có thiên kiếm ngầm đối với các sinh viên da đen hơn so với cách họ đối xử với các sinh viên da trắng: họ mong chờ các sinh viên da đen cư xử sai và ban ra các hình phạt khắt nghiệt hơn khi phát hiện các sinh viên này có vi phạm. Tương tự, các ông chủ thường đưa ra những quyết định vô thức quanh việc không cân nhắc các ứng viên da đen, bắt một vài người da màu “làm trắng” bản lý lịch của họ - hay nói cách khác là lấy ra những thông tin có thể thể hiện các chủng tộc khác nhau. Sự phân biệt đối xử có thể dẫn đến việc các công nhân da đen bị đánh giá và trả công thấp hơn, cũng như không khuyến khích sự thành công của họ.

Tin tốt là…

Thật khó để tìm thấy những điểm tươi sáng trong quyển sách của Eberhardt; cô đưa ra những ghi chép theo trình tự thời gian về tất cả những bất công mà người Mỹ da đen phải chịu, cùng hàng loạt những sự kiện cảnh sát giết chết người da đen không vũ trang. Nhưng cô cũng chỉ ra một vài cách mà chúng ta có thể thực hiện để giảm thiểu sự thiên kiến trong bản thân chúng ta và trong các cơ quan tổ chức của chúng ta.


Đầu tiên và trên hết, cô đề nghị chúng ta tự mình tìm hiểu nguồn cơn của sự phân biệt đối xử và cách chúng nuôi dưỡng sự thiên kiến như thế nào, như thế chúng ta có thể nhận thức rõ hơn về tác động của chúng đến cuộc sống hàng ngày. Rất thường xuyên, người ta sẽ không muốn thừa nhận là bản thân mình có thiên kiến, đặc biệt nếu họ là những người ủng hộ bình đẳng xã hội mạnh mẽ. Nhưng việc không nhận ra những tác động lan rộng của thiên kiến sẽ khiến cho chúng ta phải đương đầu với những hành xử kém của cảnh sát mà không có sự chuẩn bị, hay sẽ gặp phải vụ việc như những cuộc tấn công có động cơ phân biệt chủng tộc ở Charlottesville (*) .


Có một số bằng chứng cho thấy rằng nhận thức được sự thiên vị sẽ giúp làm giảm sự ảnh hưởng của nó. Nghiên cứu đề xuất rằng: việc hiểu ra rằng các thói nết của con người thật ra là thứ dễ uốn nắn chứ không cố định – hiểu được cách cư xử của con người ở mức độ nào đó là phụ thuộc vào các điều kiện tình cảnh của môi trường – sẽ giúp làm giảm sự rập khuôn trong cách nghĩ và nhận định của chúng ta. Và một chuỗi các nghiên cứu cho thấy, việc gia tăng giao tiếp tích cực giữa các nhóm nơi mà các mối quan hệ cá nhân có thể phát triển giữa các cá nhân của các nhóm xã hội khác nhau cũng có thể làm giảm sự thiên vị, miễn là những người liên quan có địa vị bình đẳng và có thiện chí.


Tất cả chúng ta có khuynh hướng dựa vào sự thiên kiến của mình khi bị buộc phải đưa ra những quyết định vội vã và không có đủ thông tin, Eberhardt nói. Đó là lý do tại sao các sở cảnh sát đang tái xem xét các quy tắc xoay quanh cách thức truy đuổi nghi phạm và thiết lập các chính sách mới nhằm làm chậm lại quy trình hành động và có tính đến sự giúp đỡ từ các đơn vị hỗ trợ. Điều này có thể có khả năng ngăn chặn được những cái chết không mong muốn bằng cách giảm bớt việc ra những quyết định chủ quan dưới áp lực của một cuộc truy bắt.


Quyển sách của Eberhardt chứa đầy các nghiên cứu, và cũng rất quyết liệt. Bản thân cô đã từng bị cảnh sát đánh đập sau một lần bị chặn lại kiểm tra như thường lệ, và bị bắt giữ mà không có lý do hợp lý – một câu chuyện góp phần làm cho công trình của cô thêm cấp thiết. Ngoài ra, là mẹ của một đứa trẻ da đen, cô lo lắng về việc cậu bé sống trong một thế giới nơi sự rập khuôn có thể gây nguy hiểm cho nó. Dù vậy, cô không từ bỏ hy vọng rằng những người có thiện chí sẽ đến và cùng nhau có thể tạo nên những thứ có tính chất xây dựng để chống lại sự thiên kiến.

“Bằng sự nhận thức về cách thiên kiến vận hành, chúng ta sẽ đánh đổi sự ngây thơ của mình đổi lấy sự bảo vệ,” cô viết. “Chúng ta mở rộng tâm trí cho sự phát triển cá nhân đi cùng với tính đa dạng. Và mỗi ngày sẽ đem lại cho chúng ta cơ hội mới để thực hành việc trở thành những phiên bản tốt hơn của bản thân ta.”


(*) Sự kiện Charlottesville tháng 8 năm 2017:

Vào ngày 11 và 12 tháng 8 năm 2017, tại thành phố Charlottesville, bang Virgina (Mỹ) đã diễn ra các cuộc tuần hành của các nhóm theo chủ trương "Người da trắng thượng đẳng" và "Chủ nghĩa Tân Quốc Xã". Ngày 12 tháng 8, khi những người diễu hành tụ tập tại công viên Emancipation, thì cùng lúc đó cũng có nhiều người khác đã tập hợp lại để phản đối các nhóm cực đoan này. Vào lúc 1:45 phút chiều, một chiếc xe đã lao vào đám đông những người phản đối các nhóm tuần hành ở tốc độ cao, khiến 1 người chết và 28 người bị thương. James Alex Fields Jr., người lái xe, vốn là một tín đồ của chủ nghĩa "Người da trắng thượng đẳng", sau đó đã bị kết án tại tòa án bang với 2 bản án chung thân cộng thêm 419 năm tù giam vì nhiều tội danh (theo Wikipedia: Charlottesville car attack).


 
 

Nguồn tham khảo và lươc dịch bổ sung:


 

Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).

 

Người dịch: Trần Thị Ca Dao ; Người biên tập: Hải Yến

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây

1 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page