top of page
  • Ảnh của tác giảTrang

Smiling Depression - Trầm Cảm Tươi Cười: Lý Do Một Người Che Giấu Chứng Trầm Cảm Đằng Sau Nụ Cười

Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Compassion.vn

Một gương mặt tươi vui, hạnh phúc luôn khiến người xung quanh thấy rạng ngời vui vẻ lây. Trầm cảm thì luôn ủ ê với nỗi buồn thăm thẳm. Hai điều này thì hiển nhiên trái ngược nhau. Tuy nhiên chúng có thể kết hợp lại trong một người khi thể hiện mặt nạ bề ngoài vui vẻ, tươi cười nhưng bên trong nội tâm lại buồn rầu, ủ ê. Và đó chính là một dạng trầm cảm phải rất tinh tế mới nhận ra: Smiling Depression - Trầm cảm tươi cười. Khi biểu hiện càng trái ngược với nội tâm bên trong thì càng làm rối loạn, lệch lạc hoạt động tâm trí, cảm xúc của một người. Khi có thể cảm nhận và thể hiện cảm xúc thật của mình thì mọi thứ sẽ như nước chảy xuôi. Hãy cứ thả trôi theo dòng mọi nỗi buồn, trầm cảm hay mọi xúc cảm, bạn nhé!


 

Mặc dù Smiling Depression - 'Trầm cảm tươi cười' không phải là một chẩn đoán lâm sàng, nhưng đối với nhiều người, đó là một vấn đề thực sự. Thông thường, trầm cảm tươi cười xảy ra khi những người đang trải qua trầm cảm che giấu các triệu chứng của họ. Họ dùng nụ cười để thuyết phục người khác rằng họ đang vui vẻ, hạnh phúc.


Do đó, loại trầm cảm này thường không bị phát hiện vì khi hầu hết mọi người tưởng tượng về một người bị trầm cảm, họ sẽ nghĩ đến một người trông thực sự buồn rầu hoặc khóc rất nhiều. Và mặc dù đúng là nỗi buồn và những lần khóc không thể giải thích được là những đặc điểm chung của bệnh trầm cảm, nhưng không phải ai cũng trông buồn khi bị trầm cảm.


Những người mắc chứng trầm cảm tươi cười thường vui vẻ, hớn hở với thế giới bên ngoài và giữ bí mật về chứng trầm cảm của họ.



Dấu hiệu và triệu chứng

Cho dù bạn là người cố gắng để giả vờ rằng mình đang hạnh phúc khi không phải như vậy, hay bạn có một người thân yêu mà bạn nghi ngờ có thể họ đang che giấu nỗi đau của họ, hiểu về trầm cảm tươi cười có thể giúp bạn có hành động tích cực. Dưới đây là tổng quan về các dấu hiệu và triệu chứng của trầm cảm tươi cười.


Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng gần 265 triệu người trên thế giới mắc chứng trầm cảm. Những người mắc chứng trầm cảm tươi cười có thể trải qua nhiều triệu chứng trầm cảm điển hình bao gồm buồn bã, lòng tự tôn thấp và những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày của họ. Những triệu chứng này có thể quan sát được đối với một số người, trong khi các triệu chứng khác có thể được giữ kín.


Không có gì lạ khi những người mắc chứng trầm cảm tươi cười phải cực kỳ cố gắng để che giấu các triệu chứng của họ. Vì lý do này, điều quan trọng là phải tìm những dấu hiệu khác ít rõ ràng hơn cho thấy có điều gì đó không ổn như thay đổi trong thói quen của họ, sự mệt mỏi và mất hứng thú với những thứ họ từng yêu thích.


Dưới đây là danh sách các dấu hiệu có thể xảy ra:

  • Thay đổi cảm giác ngon miệng: Trong khi một số người ăn quá nhiều khi họ bị trầm cảm, thì có những người lại chán ăn. Thay đổi về cân nặng là điều phổ biến với bất kỳ loại trầm cảm nào.

  • Thay đổi về giấc ngủ: Một số người gặp khó khăn để rời khỏi giường khi chán nản vì họ luôn muốn ngủ. Những người khác không thể ngủ và họ bị mất ngủ hoặc có những thay đổi lớn trong thói quen ngủ của họ, chẳng hạn như thức suốt vào ban đêm và ngủ vùi vào ban ngày.

  • Cảm giác vô vọng: Cảm giác tội lỗi, vô giá trị và cảm giác vô vọng thường rất phổ biến

  • Mất hứng thú với các hoạt động: Những người mắc chứng trầm cảm tươi cười có thể không còn hứng thú với các hoạt động mà họ thường yêu thích.

Cho dù có những dấu hiệu và triệu chứng này, những người mắc chứng trầm cảm tươi cười vẫn có khả năng làm tốt mọi thứ. Họ có thể giữ một công việc ổn định và tiếp tục duy trì một cuộc sống xã hội năng động. Họ thậm chí có thể tỏ ra vui vẻ và lạc quan. Vì lý do này, điều quan trọng là phải nói chuyện về các vấn đề sức khỏe tâm thần một cách cởi mở. Làm như vậy có thể cho họ can đảm để mở lòng về cảm xúc của họ.


Lý do người ta che giấu chứng trầm cảm của chính mình

Không có gì lạ khi mọi người giữ kín căn bệnh trầm cảm của mình. Từ việc muốn bảo vệ sự riêng tư của mình cho đến việc sợ người khác đánh giá, có rất nhiều lý do cá nhân và cả lý do vì công việc khiến mọi người che giấu các triệu chứng trầm cảm của mình. Dưới đây là một cái nhìn sâu hơn về lý do tại sao họ lại giữ bí mật về chứng trầm cảm.


Để tránh tạo gánh nặng cho người khác

Trầm cảm và cảm giác tội lỗi có xu hướng song hành với nhau. Do đó, nhiều người không muốn tạo gánh nặng cho bất kỳ ai khác về những đấu tranh mà họ đang chịu đựng. Sự thật này có thể đặc biệt đúng đối với những người quen chăm sóc người khác hơn là để người khác chăm sóc họ. Đơn giản là họ không biết cách yêu cầu sự giúp đỡ và do đó luôn cố gắng đấu tranh một mình.


Sự xấu hổ

Một số người tin rằng trầm cảm là một khuyết điểm của tính cách hoặc một dấu hiệu của sự yếu đuối. Họ thậm chí có thể tin vào lời nói dối rằng họ sẽ có thể "thoát khỏi nó". Khi họ không thể, họ nghĩ rằng có điều gì đó không ổn với mình. Vậy nên, họ có thể cảm thấy xấu hổ về việc mắc bệnh trầm cảm vì họ nghĩ rằng chính mình phải nên tự giải quyết nó.


Trầm cảm tươi cười có thể xuất phát từ việc một người phủ nhận rằng họ cảm thấy chán nản, u uất. Họ có thể nghĩ rằng miễn là họ tươi cười, họ sẽ không bị trầm cảm. Nhiều người không thể thừa nhận rằng có thể có vấn đề gì đó với họ. Dễ dàng hơn với họ nếu giả vờ ổn thay vì cởi mở trải nghiệm cảm giác thực sự của chính họ.


Sợ phản ứng mạnh từ người khác

Đôi khi mọi người lo lắng về sự tách biệt giữa việc cá nhân và công việc khi mắc bệnh trầm cảm. Ví dụ, một diễn viên hài hoặc luật sư có thể lo ngại rằng thân chủ hay sếp sẽ nghi ngờ khả năng làm việc của họ. Hoặc, một người có thể lo lắng rằng nửa kia sẽ rời bỏ họ nếu họ nói ra việc mình bị trầm cảm. Vì vậy, thay vì mạo hiểm bị đánh giá hoặc trừng phạt vì bị trầm cảm, họ giấu chúng đằng sau nụ cười.


Lo ngại về vẻ ngoài trông mong manh yếu đuối

Những người bị trầm cảm tươi cười thường sợ rằng người khác sẽ lợi dụng mình nếu họ tiết lộ rằng họ bị trầm cảm. Họ không chỉ lo lắng rằng người khác sẽ thấy họ yếu đuối và dễ bị tổn thương, mà họ còn lo lắng rằng những người khác sẽ sử dụng chứng trầm cảm của họ làm đòn bẩy để chống lại họ. Họ thà khoác lên mình vẻ ngoài cứng rắn hơn là thừa nhận rằng họ cần giúp đỡ.


Cảm thấy tội lỗi

Bởi vì cảm giác tội lỗi có xu hướng đi kèm với trầm cảm, đôi khi mọi người cảm thấy mình không nên trầm cảm. Họ có thể nghĩ rằng họ có một cuộc sống tốt và không nên cảm thấy tồi tệ. Họ cũng cảm thấy như họ đang làm điều gì đó sai trái hoặc họ bằng cách nào đó bị đổ lỗi vì bị trầm cảm. Do đó, họ cảm thấy tội lỗi và thậm chí đôi khi xấu hổ vì chứng trầm cảm của mình. Vì vậy, họ giấu chúng đằng sau nụ cười.


Quan điểm không thực tế về hạnh phúc

Phương tiện truyền thông xã hội miêu tả hạnh phúc một cách không thực tế. Nhiều người lướt qua mạng xã hội và chỉ thấy hình ảnh của những người đang hạnh phúc. Do đó, họ ngày càng tin rằng chỉ riêng mình là người duy nhất phải vật lộn với các vấn đề sức khỏe tâm thần. Họ có thể cảm thấy bị cô lập hơn bao giờ hết và điều đó có thể khiến họ phải che giấu những cuộc đấu tranh của mình.


Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường là chuyên gia trong việc làm thế nào để trông thật hoàn hảo. Và, đối với nhiều người, điều đó có nghĩa là ngụy trang cho bất kỳ nỗi đau hoặc vấn đề nào họ đang gặp phải. Kết quả là, thừa nhận trầm cảm sẽ có nghĩa là cuộc sống của họ kém hoàn hảo và họ không thể làm được điều đó.


Nguy cơ tự tử của trầm cảm

Trầm cảm thường gây ra suy nghĩ về cái chết và tự tử. Nhưng đôi khi, những người bị trầm cảm lâm sàng thiếu năng lượng để tạo ra một kế hoạch và thực hiện việc tự sát. Trong khi bất kỳ ai bị trầm cảm đều có nguy cơ tự tử, những người bị trầm cảm tươi cười có thể có nguy cơ đặc biệt cao vì họ vẫn đang làm tốt mọi thứ.


Những người mắc chứng trầm cảm tươi cười thường có đủ năng lượng để tiếp tục suy nghĩ về việc tự tử của họ. Hơn nữa, những người mắc chứng trầm cảm tươi cười cũng thường không được điều trị. Và chứng trầm cảm không được điều trị có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian và làm tăng khả năng tự tử.


Điều trị trầm cảm tươi cười

Một người mắc chứng trầm cảm tươi cười có thể chính thức được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm với các đặc điểm không điển hình. Ví dụ: trông bề ngoài hạnh phúc không phải là đặc trưng của một người trầm cảm .


Nhưng cũng giống như các loại trầm cảm khác, trầm cảm tươi cười có thể điều trị được. Điều trị có thể bao gồm thuốc, liệu pháp trò chuyện (talk therapy) và thay đổi lối sống như chế độ ăn uống và tập thể dục. Nếu bạn cho rằng mình có thể bị trầm cảm, hãy đi thăm khám và nói cho bác sĩ biết. Giải thích rằng gần đây bạn cảm thấy lạc lõng mơ hồ với chính mình và mô tả một số triệu chứng mà bạn đang gặp phải.


Bác sĩ của bạn có thể loại trừ các vấn đề sức khỏe thể chất có thể góp phần vào các triệu chứng của bạn và có thể hỗ trợ giới thiệu đến các nhà cung cấp dịch vụ điều trị khác, chẳng hạn như nhà trị liệu tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần.

Làm thế nào để giúp đỡ người mắc chứng trầm cảm tươi cười?

Nếu bạn nghĩ ai đó bạn biết bị trầm cảm tươi cười, hãy chia sẻ những lo lắng của bạn. Bình thường hóa các vấn đề sức khỏe tâm thần và nói chuyện với họ về cách họ có thể nhận được sự giúp đỡ. Và, cung cấp sự hỗ trợ tinh thần cũng như hỗ trợ thiết thực khác.


Ví dụ: bạn có thể đề nghị đưa đón họ đến một cuộc hẹn khám bệnh hoặc tùy thuộc vào bản chất của mối quan hệ của bạn, bạn thậm chí có thể đề nghị tham gia một cuộc hẹn đó với họ. Hướng họ đến các nguồn lực của cộng đồng. Cho họ biết về các dịch vụ sức khỏe tâm thần có thể có sẵn cho họ.


Nếu người thân từ chối nhận sự giúp đỡ, bạn có thể tự mình nói chuyện với bác sĩ trị liệu. Trò chuyện với ai đó có thể giúp bạn kiểm soát căng thẳng của chính mình đồng thời củng cố các chiến lược mà bạn có thể sử dụng để giúp đỡ người mà bạn quan tâm.


Đôi lời nhắn nhủ cùng bạn

Những người mắc chứng trầm cảm tươi cười thường che giấu nỗi buồn của họ bằng một nụ cười và hình thức bên ngoài, được thiết kế để che giấu sự bất ổn và đau khổ bên trong của họ. Nếu bạn hoặc người thân đang trải qua các triệu chứng của bệnh trầm cảm nhưng lại giấu chuyện này với mọi người, bạn cần biết rằng luôn có sự giúp đỡ và có hy vọng cho tình trạng này.

Hãy đi bước đầu tiên và tìm kiếm sự trợ giúp. Với phương pháp điều trị và hỗ trợ phù hợp, nụ cười bên ngoài của bạn sẽ sớm hòa hợp với cảm giác bên trong bạn.

 

Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề


 
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết

Sẽ đến lúc nào đó trong đời chúng ta sẽ chạm tới ngưỡng khủng hoảng bản sắc cá nhân. Bạn sẽ đứng trước câu hỏi lớn của cuộc đời:

  • Bây giờ tôi có phải là tôi không?

  • Nếu tôi không phải là tôi thì tôi là ai?

Nếu có lúc nào đó bạn thấy mình KHÔNG-LÀ-AI-CẢ thì hãy nhìn vào những dấu vân tay trên đôi bàn tay mình, và cả những đường chỉ tay trong lòng bàn tay. Nơi đây đã ghi dấu ấn rành rành, không thể chối cãi về bản sắc riêng biệt của bạn mà không bất cứ ai trên đời này sở hữu giống y chang bạn. Hãy tự tin giơ tay khẳng định “Tôi là chính tôi!”

Hãy đến cùng Compassion làm nên dấu ấn của riêng mình trong chương trình “Becoming Me - Hành Trình Trở Thành Chính Mình“



 

Khuyến cáo về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây: www.compassion.vn/booking).

 

Thông Tin Về Bài Đăng:

Nguồn bài dịch từ trang gốc (Bài gốc tiếng Anh): https://www.verywellmind.com/what-is-smiling-depression-4775918

Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Trang ; Người biên tập: Anh Đào Lê

Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing. Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page