top of page

Quả óc chó bị lỗi trong hộp sọ của chúng ta

Bộ não của chúng ta là những bộ máy thông minh, có khả năng suy luận, tổng hợp, ghi nhớ và tưởng tượng ở một tốc độ và mức độ phi thường. Chúng ta tin tưởng bộ não của mình ngay lập tức và theo một cách bản năng – và chúng ta cũng có nhiều lý do để hết sức tự hào về chúng.



Tuy nhiên, những bộ não này – hãy gọi chúng là những quả óc chó (1) để tôn vinh vẻ bề ngoài của chúng – cũng là những cỗ máy bị lỗi một cách rất tinh vi và nguy hiểm; chúng khiếm khuyết trong những cách mà bình thường chúng ta không thể tự nhận thấy, và do đó ta không biết làm thế nào để cảnh giác với cách thức bộ não dùng để xử lý các hoạt động nhận thức và tư duy. Người ta cho rằng, hầu hết các thiếu sót của bộ não mang dáng hình quả óc chó này đã hình thành từ chính cái cách mà bộ não tiến hóa qua hàng triệu năm. Chúng xuất hiện để giúp ta đối phó với các mối đe dọa – mà một số trong đó đến nay đã không còn tồn tại – và đồng thời, bộ não đã không có cơ hội để phát triển các phản ứng phù hợp, với vô số các thử thách được tạo ra bởi các xã hội phức tạp của chúng ta. Chúng ta nên cảm thấy tội nghiệp cho tình cảnh của bộ não, và cảm thông cho chính bản thân mình.


Nỗ lực sống còn đòi hỏi chúng ta phải tiếp nhận một sự hoài nghi liên tục và tập trung đối với vô vàn các ý tưởng, âm mưu, những kế hoạch và cảm xúc được tạo ra bởi cái quả óc chó bị lỗi nằm trên đỉnh cột sống này. Dưới đây chỉ là một vài trong số rất nhiều điều mà chúng ta cần phải cẩn thận xem chừng đối với cái cách mà nó hoạt động:


Bộ não bị ảnh hưởng bởi cơ thể đang chứa nó, đến một mức độ mà nó không nhận ra

Bộ não vô cùng kém trong việc lý giải tại sao nó lại có vài suy nghĩ này hay vài ý tưởng kia. Nó luôn có khuynh hướng gán các suy nghĩ và ý tưởng đó ra bên ngoài cho những điều kiện khách quan và hợp lý của thế giới, thay vì thấy được rằng những suy nghĩ và ý tưởng này có thể bắt nguồn từ tác động của cơ thể lên các quá trình tư duy. Nó không thường hay nhận thấy các cấp độ của giấc ngủ, lượng đường, nội tiết tố và các yếu tố sinh lý khác có vai trò tác động lên sự hình thành các ý tưởng như thế nào.


Bộ não bám vào cách hiểu theo khía cạnh tâm lý của các ý định và các tình thế, mà về cơ bản thường chỉ đơn thuần là vấn đề về mặt sinh lý. Vậy nên trong một tình huống nào đó, người ta có thể cảm thấy chắc chắn rằng câu trả lời đúng đó là hãy ly dị hay rời bỏ công việc, thay vì chỉ cần ngủ thêm một giấc để làm dịu cảm xúc hay ăn thứ gì đó để giữ trí não linh hoạt và tỉnh táo hơn.

Bộ não bị ảnh hưởng bởi quá khứ của nó, nhưng không thể thấy được sự phóng chiếu này của chính mình

Bộ não tin rằng nó đang đánh giá mỗi tình huống mới theo những giá trị riêng của nó, nhưng nó không thể tránh khỏi việc vẽ lên đó những hoa văn của những hành động và cảm xúc đã được hình thành từ các năm trước đây. Điều này tiết kiệm thời gian cho quá trình tư duy, và có những lợi thế thật sự về mặt tiến hóa; ngoại trừ việc nhiều tình huống ở hiện tại trên thực tế là lừa dối, có vẻ như những thông tin của quá khứ chỉ đủ để khởi động một phản ứng ứng phó quen thuộc, trong khi thực tế là có nhiều điểm độc đáo đã bị bỏ qua.


Ở những thời điểm không rõ ràng, bộ não có thể nhảy đến một vài kết luận thảm họa. Chẳng hạn như, người ta có thể quy kết rằng bất kì một người đàn ông lớn tuổi nào mà nói một cách quả quyết, thì có nghĩa là người đó đang cố làm bẽ mặt họ, trong khi thật ra đó chỉ là một người đàn ông bình thường - người cha của họ - nguời đã làm thế trước đây. Hay chẳng hạn như, người ta sẽ thấy khó có thể gần gũi với mọi phụ nữ, bởi vì một người phụ nữ cụ thể nào đó đã vô tình gây cho họ những chấn thương tâm lý khi họ còn là một đứa bé chưa lên mười. Điều này có thể hiểu được một cách sâu sắc, nhưng vô cùng đáng tiếc.

Bộ não không muốn dừng lại và suy nghĩ

Bộ não đã tiến hóa để có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và theo bản năng, và nó có khoảng thời gian khó khăn trầm trọng khi phải lùi lại để chú tâm đến cái mà chúng ta có thể gọi là những-câu-hỏi-lớn-đầu-tiên. Bộ não sẽ luôn hăm hở để thực hiện điều gì đó hơn là suy ngẫm, để hành động hơn là phân tích. Hãy nhớ rằng, lịch sử triết học cùng lắm cũng chỉ mới 2000 năm tuổi. Chúng ta thích tiếp tục một công việc kinh doanh theo cách nó vẫn luôn được vận hành, hơn là dừng lại và hỏi: có thể có nghĩa gì khi giúp các khách hàng của công ty đúng cách? Chúng ta vội vã đặt kì nghỉ, thay vì dừng lại và suy nghĩ về điều chúng ta đã thật sự thích thú về những chuyến đi trước đây. Chúng ta tạo ra một tham vọng để thâm nhập vào lĩnh vực báo chí, vì chúng ta thích sáng tạo hơn là phân tích các phần cấu thành những mối quan tâm của chúng ta. Chúng ta do đó bỏ lỡ sự mơ hồ, bối rối và không nhất quán của chính mình.


Thật tệ là lúc bộ não suy nghĩ, nó thường cần một bộ não khác ở gần đó để giúp nó suốt quá trình. Việc suy nghĩ khiến nó lo lắng và ước muốn chạy nhanh theo hướng ngược lại, do những sự thật khó khăn mà bộ não có thể khai quật ra. Nhưng với sự hiện diện của bộ não khác, chúng ta không thể dễ dàng lao đi rồi quay lại với mạng lưới. Đó là lý do vì sao triết học bắt đầu từ một cuộc đối thoại, và phân tâm học thì dựa trên việc hai người bóc tách những suy nghĩ và sự liên tưởng của nhau (2).


Buồn thay, chúng ta hiếm khi dựa vào những bộ não khác để giúp chúng ta phân tích, mà mỗi ngày của chúng ta trôi qua với những bộ não tán gẫu một cách lười biếng về thể thao hay vụ bê bối mới nhất của người nổi tiếng. Nói một cách ngắn gọn, bộ não thì giỏi trong việc nhìn thấy ý định của những bộ não khác, nhưng lại thấy cực kì khó khăn để hiểu sâu hơn bên trong chính mình. Nó có thể mất ba mươi năm để dần thấu cảm hơn với những gì mà, nếu là với người lạ thì hiển nhiên chỉ mất không đầy hai phút. Bộ não dường như là một cỗ máy vốn không được thiết kế để nhìn vào bản thân nó (như đôi mắt của chúng ta không thể nhìn thấy được khoảng giữa của lưng ta).



Bộ não không giỏi tự kiểm soát, chúng e sợ đồng thời cũng thấy đam mê đối với những thứ sai trái

Bộ não lúc nào cũng hào hứng đối với những thứ không tốt cho nó: như đường, muối và tình dục với người lạ là những thứ có thể kể đến đầu tiên. Quảng cáo biết làm cách nào để khai thác điểm yếu nhận thức này đến hoàn hảo. Sự bối rối của ta nhìn chung có thể dễ dàng bị truy ngược về các mục tiêu có thể đã từng quan trọng và phù hợp để chúng ta tập trung vào. Những ước muốn của ta đã từng đáng tin trong những môi trường đơn giản hơn, nhưng trong những điều kiện phức tạp của thời hiện đại, chúng lại gây ra các hỗn loạn.


Điều tương tự cũng đúng với những nỗi sợ hãi của chúng ta: thời xa xưa, những nỗi sợ đơn giản gắn liền với những thứ có thể giết chết chúng ta. Sợ hãi là một ý niệm tốt để cứu ta khỏi những hiểm nguy thật sự. Nhưng ngày nay, có rất nhiều thứ kích thích cơ chế sợ hãi của ta mà không cần có bất kì mối đe dọa có thật nào ở đó. Chúng ta có những cơn hoảng loạn trước khi phát biểu trước đám đông mà không có lý do hợp lý – trong khi đó, những mối nguy thực tế và tinh tế hơn của xã hội hiện đại (như sự ấm lên toàn cầu hay một vấn đề khác là khủng hoảng tài chính nợ dưới chuẩn (3)) lại hoàn toàn nằm ngoài vùng phát hiện của bộ não chúng ta.


Bộ não lấy cái tôi làm trung tâm chứ không đa cực

Bộ não được trang bị để nhìn vào các vấn đề từ góc nhìn của riêng nó. Nó đơn giản là không thể tin rằng có những cách khác để xem xét một vấn đề. Kết quả là bộ não thấy những người khác có thể có vẻ như là ngoan cố hay kinh khủng với nó – khiến nó phẫn nộ hay tự thương hại bản thân. Chỉ trong giây cuối cùng, từ một góc nhìn tiến hóa, bộ não đã bắt đầu cố gắng hình dung nó có thể giống cái gì nếu trở thành một ai đó khác (một dấu hiệu của việc này là nó đã được học để tìm thấy niềm vui trong những thứ lạ thường). Nhưng đó vẫn còn là một năng lực đồng cảm mỏng manh dễ vỡ, là thứ dễ bị sụp đổ, đặc biệt khi bộ não mệt mỏi và khi ai đó cố thuyết phục nó một ý tưởng nghe lạ lùng.



Bộ não khắt khe một cách thông minh

Bộ não không thích những thông tin khó chịu. Nó không muốn nghe về các vấn đề. Nó sẽ tìm ra những thông tin nào có thể xác nhận lại những thiên kiến và lựa chọn của nó. Nó ghét đóng vai kẻ phản biện nghiêm khắc. Nó thích sự thoải mái ngắn hạn hơn là sự trưởng thành và tiến hóa về lâu dài. Nếu bị đối mặt với một sự thật đáng lo ngại, nó sẽ có khuynh hướng kiềm nén hoặc đi vòng qua. Bộ não đặt phương pháp tự vệ lên trên sự thật.


Bộ não không phải là một kẻ tư duy độc lập

Để tồn tại, bộ não phát triển phụ thuộc vào tâm trạng của bộ tộc hay nhóm cộng đồng xung quanh. Nó do đó được trang bị kĩ để vừa vặn với những quan điểm phổ biến và lợi ích chung. Nó nhìn chung không thích là nguồn của những dữ liệu hay tâm ý độc lập nguyên bản. Đối với nó, những quan điểm của người khác là vô cùng quan trọng bất kể họ có thể ngu ngốc hay thật sự thông thái đến mức nào. Vì chúng ta đến từ các nhóm nhỏ, một hay hai lời khen ngợi sẽ có thể khiến ta vui vẻ, trong khi một lời chỉ trích lại có thể gieo mầm hoảng loạn. Điều này càng phức tạp hơn trong thời đại của mạng xã hội như Twitter. Chúng ta quá nhạy cảm với những thứ mà một số ít đến mức phi lý những người khác tin tưởng.



Bộ não hiểu sai về quan hệ nhân quả

Bộ não từng nghĩ nó có thể chịu trách nhiệm cho những tia sét trên bầu trời, và động đất là kết quả của những ý nghĩ và việc làm tồi tệ của nó. Phải mất nhiều năm tiến hóa để nó vượt qua những góc nhìn lệch lạc này. Nhưng bộ não vẫn phóng chiếu các động lực mang tính cá nhân, và tạo ra quá nhiều những nguyên tắc chung dựa trên những thứ từng xảy ra với nó: nó vẫn bị kẹt bởi trải nghiệm cá nhân hơn là các kinh nghiệm khách quan và có tính thống kê.




KẾT LUẬN


Cảnh giác hơn với những khiếm khuyết trong bộ não của chúng ta sẽ đem lại cho ta một loạt những thuận lợi quan trọng:

  • Chúng ta cảm thấy tốt hơn khi phát hiện sự tiềm tàng của những thiếu sót trong các đánh giá của bản thân – và do đó chúng ta có cơ hội cao hơn để tránh được các sai sót đó. Chúng ta chỉ có thể bắt đầu tránh các sai sót khi chúng ta biết sai sót là một khả năng luôn có thể xảy ra.

  • Khi giao tiếp với những người khác, chúng ta có thể tự hỏi liệu những hành động của họ có phải là do khiếm khuyết của bộ não mà họ không hề hay biết hay không. Điều này sẽ khiến chúng ta vừa mạnh dạn thể hiện sự bất đồng quan điểm hơn với họ, vừa tử tế và rộng lượng hơn khi đối mặt với những hành xử kém nhạy cảm hơn của họ.

  • Khi giao tiếp với các nhóm đông người, chúng ta có thể nhận thức rằng bộ não làm những thứ rất khác thường "mang tính bầy đàn" – nhưng hãy hiểu rằng không có vấn đề gì và cũng không có lý do gì để hốt hoảng, nếu chúng ta thấy các ý tưởng của bản thân đang gặp phải sự chống đối.

Trong thâm tâm, để bù đắp cho cái công cụ bị lỗi này mà tự nhiên đã giao cho chúng ta những nhiệm vụ mà ta gọi là: giáo dục, văn hóa và nền văn minh.

Những khiếm khuyết của quả óc chó trong hộp sọ của ta cũng là thứ buộc ta phải cố gắng hành động với sự tử tế và chịu đựng: chúng ta nên luôn luôn nhẹ nhàng với bản thân và người khác, do chúng ta đang cố làm vài thứ rất khó khăn quanh nhau bằng cách sử dụng một công cụ đầy rắc rối và chỉ chính xác đôi khi.


Chú thích của người dịch:

(1) Cách nói hoán dụ. Trên thực tế quả óc chó có hình dạng trông giống như bộ não người, chúng có các nếp gấp giống như vỏ não, có sự chia đôi nửa trái và nửa phải, thậm chí hạt óc chó được chứa trong một lớp vỏ cứng giống như hộp sọ của chúng ta.

(2) Ở đây ám chỉ đến phương pháp nghiên cứu triết học thông qua đối thoại. Các triết gia của lịch sử triết học như Socrates, Plato, Descartes, Rousseau v.v… đều sử dụng các dạng hội thoại khác nhau (đối thoại trực tiếp, tự thoại, thêm vào các phê bình, v.v…) để thể hiện các vấn đề triết học. Đối thoại là cách các quá trình tự biện và tranh luận, hỏi – tự hỏi và trả lời các câu hỏi diễn ra để qua đó từng bước xác định và loại bỏ các giả thuyết, giải quyết các mâu thuẫn.

Phân tâm học là tập hợp những lý thuyết và phương pháp tâm lý học có mục đích tìm hiểu những mối quan hệ vô thức của con người qua tiến trình liên tưởng, được khởi thảo bởi một bác sĩ người Áo, Sigmund Freud. Liệu pháp phân tâm học là một hình thức trị liệu nói chuyện chuyên sâu nhằm tìm ra những suy nghĩ và cảm xúc vô thức hoặc chôn sâu vào tâm trí có ý thức, để những kinh nghiệm và cảm xúc bị kìm nén thường là từ thời thơ ấu có thể được đưa lên bề mặt và kiểm tra.

(3) Subprime mortgage financial crisis – khủng hoảng nợ dưới chuẩn hay khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp, là bắt nguồn cho cuộc khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ 2007-2009 trên nhiều lĩnh vực (tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán), và là nguồn gốc trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

--------------------

Người dịch: Trần Thị Ca Dao ; Người biên tập: Hải Yến

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page