top of page

Nỗ Lực Để Lười Biếng - Ý Nghĩa Của Việc "Không Làm Gì Cả"

Có đôi lúc chẳng hiểu vì sao chúng ta trôi tuột vào trong tâm trạng hoàn toàn "lười biếng". Chúng ta đơn giản là không thể viết ra nổi thứ gì đó mới mẻ hay chuẩn bị thêm bất cứ cuộc hội họp gặp gỡ nào nữa. Chúng ta không muốn lau dọn tủ lạnh hoặc ra ngoài kết nối với những "khách hàng tiềm năng". Tất cả những điều chúng ta muốn dường như chỉ là nằm ườn ra trên sofa và đọc lướt qua một quyển sách, đi lang thang dạo quanh các cửa hàng hay mua một túi bánh quy hoặc là dành hàng giờ ngâm mình trong bồn tắm. Hay rất muốn chỉ ngồi bên cửa sổ và ngắm nhìn trời trăng mây nước, từ khi bình minh đến khi đêm muộn.



Trong những thời điểm trạng thái tâm trí như thế, chúng ta có khả năng ngay lập tức bị bạn bè - hay đau đớn hơn bởi chính ý thức của mình - bêu rếu là một kẻ "lười biếng". Sự lười biếng bị xem như là một tội lỗi chống lại nhịp sống hối hả bận rộn của xã hội hiện đại; việc lười biếng dường như ngáng đường chặn lối chúng ta sống thành công hay ngăn cản ta suy nghĩ theo bất cứ đường hướng tốt đẹp cho chính mình. Nhưng, hãy cân nhắc vấn đề này từ một góc nhìn khác, có chăng là điều thực sự đe doạ hạnh phúc và sự phát triển của chúng ta không nằm ở chỗ thất bại trong việc trở nên "bận rộn", mà lại chính bởi trạng thái ngược lại hoàn toàn đó là: chúng ta không đủ khả năng để "lười biếng".


Khi chúng ta trông như đang rất nhàn rỗi không có nghĩa là chúng ta bỏ mặc việc tạo ra một thành quả nào đó. Thế giới nhìn vào sẽ thấy như thể chúng ta không hoàn thành được việc gì cả, nhưng đằng sau đó, rất nhiều thứ vẫn đang ngầm diễn ra, có cả tính nghiêm túc và theo cách nào đó là sự nỗ lực miệt mài gian khổ. Khi chúng ta bận bịu với công việc thường ngày và việc thực thi các nhiệm vụ, chúng ta tập trung vào các yếu tố ngay trước mắt mình: chúng ta quan tâm đến việc thực hiện các kế hoạch nhiều hơn là phản chiếu lại các giá trị và mục tiêu cuối cùng của bản thân. Nhưng chính những lĩnh vực sâu hơn, khó tiếp cận hơn trong đời sống nội tâm, nơi mà tại đó chúng ta phải nhìn lại để hiểu nguồn gốc những vấn đề của mình để đi đến các quyết định và kết luận mà có thể chi phối cả con đường đời của chúng ta. Những điều này chỉ xuất hiện - hiếm khi và chỉ thoáng qua - khi chúng ta cảm thấy đủ can đảm để tách mình ra khỏi những đòi hỏi bức thiết hàng ngày; khi chúng ta có thể nhìn lên những đám mây và chẳng làm gì hết suốt cả một buổi chiều thì thực ra bên trong chúng ta đang vật lộn với những vấn đề tiến thoái lưỡng nan sâu sắc nhất của mình.

Chúng ta cần phân biệt giữa làm việc siêng năng thực sự và siêng năng theo cảm tính. Một vài người nhìn có vẻ như cực kỳ năng động, nhật ký của họ kín lịch từ sáng đến tối, luôn chân luôn tay trả lời tin nhắn và gặp gỡ khách hàng, trông có vẻ như là một sự đối lập với tính lười biếng. Nhưng ngấm ngầm trong đó, có thể có nhiều sự trốn tránh đang diễn ra bên dưới bề mặt xông xáo điên cuồng như thế. Người bận rộn là người tránh né một vấn đề bằng việc thực hiện một công việc khác. Công việc đó là một tổ hợp của rất nhiều hoạt động diễn ra liên tiếp, khiến cho họ chưa hoàn toàn xác định được cảm giác thực sự của họ về công việc mà họ đang làm. Họ liên tục trì hoãn việc tìm hiểu con đường của bản thân. Họ trở nên lười biếng khi nhắc đến việc hiểu những cảm xúc cụ thể về một đối tác hay bạn bè nào đó. Họ đi đến mọi cuộc hội thảo nhưng không mảy may nghĩ công việc này có ý nghĩa gì với bản thân họ; họ thường xuyên bắt chuyện với đồng nghiệp nhưng không hề cân nhắc đến chuyện tiền nong. Sự “bận rộn” của họ thực ra là một hình thức xao nhãng tinh tế nhưng lại vô cùng mạnh mẽ.


Tâm trí của chúng ta nói chung là một bộ đọc dung lượng khủng để thực thi hơn là phản chiếu, nhìn lại. Nó có thể bị khuấy động và thấy khó chịu khủng khiếp bởi cái gọi là những câu hỏi lớn như: Tôi đang thực sự cố gắng làm cái gì đây? Điều tôi thực sự thích thú là gì và tôi đang cố gắng làm hài lòng ai? Tôi sẽ cảm thấy như thế nào nếu như điều tôi đang làm là đúng đắn? Tôi sẽ hối hận về điều gì trong 10 năm tới? Ngược lại, sẽ dễ dàng hơn nếu cứ chạy quanh làm việc này việc kia, chẳng bao giờ dừng lại hỏi tại sao, cứ mải mê tin chắc rằng không có phút giây nào cho sự ngờ vực, cảm thấy buồn chán hay tìm kiếm điều gì. Sự bận rộn có thể là một hình thức che đậy xấu xí của sự lười biếng.


Cuộc sống của chúng ta có thể cân bằng hơn nếu như chúng ta học cách phân định lại cái gì là đáng trân trọng, kéo mình ra xa khỏi việc sắp xếp hoạt động kín lịch cả ngày và hướng về những hoạt động thông thái như dành ra vài buổi trưa để nhìn nhận về bản thân. Chúng ta nên nghĩ như thế này, không chỉ cần có sự can đảm trong việc du lịch khắp thế giới mà còn cả trong việc dám ngồi tại nhà cùng với những suy tư của mình trong một khoảng thời gian, chịu rủi ro đối mặt với nỗi buồn rầu hay lo âu nào đó nảy sinh nhưng đó lại chính là những ý tưởng rất cần thiết. Mất đi tấm khiên “bận rộn”, chúng ta có thể nhận ra một thực tế là mối quan hệ của chúng ta đã đạt tới điểm bế tắc, công việc của chúng ta không còn là câu trả lời cho bất cứ mục đích cao hơn nào nữa hoặc là chúng ta cảm thấy phát điên với một thành viên trong gia đình khi họ đang khôn khéo khiêu khích sự kiên nhẫn của chúng ta. Một người làm việc siêng năng kiểu mẫu không nhất thiết phải là người đang ngồi trong phòng chờ hạng doanh nhân ở sân bay quốc tế, đó có thể là người mà khuôn mặt không chút biểu cảm đang liếc nhìn ra ngoài cửa sổ và chốc chốc lại ghi xuống một hay hai ý tưởng nào đó lên tập giấy.


Ý nghĩa của việc “không làm gì cả” là nhằm để dọn dẹp lại cuộc sống nội tâm bên trong của chúng ta. Có quá nhiều thứ xảy đến với chúng ta hằng ngày, có quá nhiều sự phấn khích, niềm hối tiếc, những đề nghị và các cảm xúc, nhiều đến nỗi chúng ta - nếu đang sống một cách có ý thức - nên dành ra ít nhất một giờ đồng hồ mỗi ngày để nhìn lại chúng. Hầu hết chúng ta chỉ kiểm soát được tốt nhất trong một vài phút và do đó để cho điều cốt yếu của cuộc sống cứ thế vụt qua. Chúng ta làm thế không phải bởi vì chúng ta đãng trí hay tồi tệ, mà bởi vì xã hội bảo vệ chúng ta khỏi những trách nhiệm tự thân thông qua sự sùng bái các hoạt động. Xã hội chấp nhận mọi lời bào chữa của chúng ta cho việc khỏi phải đảm nhận thực hiện cái phần công việc thực sự nhọc nhằn là hướng đến việc sống có ý thức hơn, tìm tòi nhiều hơn và cảm nhận cuộc sống sâu sắc hơn.


Lần tới khi cảm thấy cực kỳ lười biếng, chúng ta nên tưởng tượng ra rằng có lẽ một phần sâu thẳm trong mình đang chuẩn bị sản sinh ra một ý nghĩ to lớn. Và vì đang trong quá trình thai nghén, nên chúng ta không cần phải vội vàng làm gì. Chúng ta chỉ cần để yên đó và để cho ý tưởng được thành hình - chắc chắn rồi một ngày nào đó nó sẽ chứng minh được giá trị của mình. Chúng ta có lẽ cần đương đầu với rủi ro bị kết tội lười chảy thây để có ngày bắt tay vào triển khai các sáng kiến và dự án mà chúng ta có thể sẽ cảm thấy tự hào.


Đó chính là Ý Nghĩa Của Việc "Không Làm Gì Cả"!


 

Người dịch: Anh Đào Lê ; Người biên tập: Trang

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page