top of page

Lời chia tay ấy, nên giữ lại hay nói ra?

Hãy thử nghĩ về một ngày mà chúng ta có mong muốn rời bỏ một mối quan hệ, nhưng lại có một vấn đề chắn ngang chúng ta đạt được mong muốn của mình: chúng ta không chịu được việc gây ra nỗi đau cho người kia, đặc biệt khi đó là người mang đến cho chúng ta cảm giác về sự chung thủy, người đã đối xử rất tốt với ta, người đặt sự an toàn và tương lai của họ vào mối quan hệ này, người có những kỳ vọng ở chúng ta và là người cùng chúng ta lên kế hoạch cho một chuyến đi xa trong một thời gian dài. Có lẽ đã hàng tá lần chúng ta gần như nói ra điều cần nói, nhưng lần nào cũng không thành công. Chúng ta đã tự nhủ sẽ nói về điều đó "sau mấy ngày lễ", "khi mà bữa tiệc sinh nhật kết thúc", hay vào "năm sau", hay vào "buổi sáng hôm sau", và rồi thời gian trôi qua và tất cả chúng ta vẫn cứ như vậy.


Chúng ta sợ rằng mình sẽ rất khó chịu nếu mình sắp mở màn cho một nỗi buồn kinh khủng: đôi mắt họ ngấn lệ, sẽ có những tiếng nấc, sự yếu đuối chực trào với một núi khăn giấy chất thành đống - tất cả chỉ vì một sự thật mà chúng ta đang giấu kín trong lòng mình. Chúng ta sẽ chịu trách nhiệm kéo một người tài năng và độc lập vào sự hỗn loạn; và nó nặng nề hơn những gì mà chúng ta có thể chịu đựng. Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng có lẽ tốt hơn là chúng ta nên dành vài thâp kỷ ngập ngừng như vậy hơn là năm phút với nỗi buồn ngập tràn. Trong một phần khác của tâm trí chúng ta, cũng có thể có một nỗi kinh hoàng nữa. Hơn những gì chúng ta có thể nhận ra, ngày qua ngày, họ sẽ trở thành một người đáng sợ. Bằng việc nói với họ sự kết thúc này, chúng ta đang đối mặt với nguy cơ bị trút hết cơn giận lên mình. Họ có thể hét vào mặt chúng ta, buộc tội chúng ta đã dụ dỗ họ, là một kẻ bịp bợm đáng xấu hổ. Có thể có cả sự bạo lực và nguy hiểm nữa.


Nỗi sợ của chúng ta ở đây có sự cân xứng nhất định. Có thể chúng ta nói ra điều đó và điều đó sẽ giết chết họ. Hoặc có thể chúng ta cũng nói ra điều đó và họ sẽ vì điều đó giết chết chúng ta; chỉ có giết hoặc bị giết. Chẳng trách mà chúng ta cứ trì hoãn nói ra điều đó. Phần trưởng thành lý trí của tâm trí chúng ta biết rằng những nỗi sợ giết và bị giết này là không có thật nhưng điều này lại được cân nhắc rất ít khi chúng ta có những cảm nhận vô thức. Việc đưa ra những lý lẽ hợp lý có thể sẽ hiệu quả như là việc nói với một người mắc chứng chóng mặt rằng ban công sẽ không đổ sụp hay với một người bị trầm cảm rằng hoàn toàn có những cơ sở để trở nên vui vẻ. Phần nhiều tâm trí chúng ta không tuân theo logic cứng nhắc. Trong những gì mà chúng ta được thừa hưởng từ tổ tiên mình cho rằng, những hành vi đi ngược lại mong muốn của một người đơn giản có nghĩa là sẽ đem lại nguy hiểm cho cuộc sống của người đó hoặc cho chính chúng ta.


Để lý giải nguồn gốc của những nỗi kinh hoàng này, chúng ta cần quay lại thuở thơ ấu, như cách mà chúng ta dùng để giải thích cho những nỗi sợ không cân xứng và không giới hạn. Có lẽ chúng ta là con của những ông bố bà mẹ nhạy cảm mong manh, những người mà chúng ta hết mực yêu thương và là những người mà chúng ta đau khổ đến thất vọng vì họ. Họ có thể đã từng phải vật lộn với cả sức khỏe tinh thần và thể chất, họ có thể đã từng bị những người lớn khác ngược đãi. Có lẽ họ dựa vào chúng ta để giữ cho họ khỏi sự tuyệt vọng hay biện minh cho cả cuộc đời họ. Chúng ta có thể có những ấn tượng ban đầu rằng chúng ta phải tuân theo những ý tưởng của họ về chúng ta, rằng chúng ta không được gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến họ, rằng là những mong muốn và nhu cầu của chúng ta có thể dễ dàng đưa họ đến bờ vực, rằng càng là chính mình, chúng ta càng khiến họ bị suy sụp về tinh thần. Chúng ta đơn giản là đã yêu thương họ quá nhiều, và đồng thời, cảm thấy họ quá yếu đuối, để yêu cầu họ tiếp nhận thực tại của chúng ta. Có thể chúng ta chỉ mới lên ba, không hề nhận thức được điều gì, và đã biến những thông điệp này của họ thành hiện thực. Và kết quả là, chúng ta học cách chơi đùa trong lặng lẽ, kiểm soát sự huyên náo và nghịch ngợm, sự hung hăng hay trí thông minh, trở nên cực kỳ vui vẻ và hữu ích, là một đứa trẻ "không chút rắc rối" trước những vị phụ huynh yêu quý phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm.


Hoặc là, chúng ta có thể đã dành những năm dễ bị tổn thương nhất của mình ở bên một người phản ứng lại bằng sự tức giận cực độ với bất kỳ nỗi thất vọng nào gây ra bởi một người khác. Thật khó có thể hình dung được việc một người trưởng thành tức giận có thể đáng sợ đến thế nào đối với một đứa trẻ hai tuổi nhạy cảm. Một người trưởng thành có thể biết rằng người với gương mặt đỏ gay này tất nhiên sẽ không giết ai cả, họ chỉ hung dữ một lúc và họ sẽ sớm bình tĩnh trở lại, nhưng đó không phải là cách mà nó có thể được nhìn thấy qua đôi mắt của một đứa trẻ. Làm sao chúng biết rằng người này sau nhiều lần bộc phát cơn thịnh nộ sẽ không làm gì đó và khi kết thúc câu nguyền rủa kia, họ sẽ nhặt một cây búa và đập vỡ hộp sọ của chúng? Làm sao chúng có thể chắc chắn rằng cha mẹ của chúng thực sự bị mất kiểm soát chỉ trong giây lát, người vừa đập phá cánh cửa kia sẽ không ném chúng ra khỏi cửa sổ. Giết một đứa bé không phải hoàn toàn là việc mà một người lớn giận dữ sẽ làm, nhưng với một đứa trẻ nhạy cảm thì không phải làm như thế chúng mới bị ảnh hưởng. Một người không thực sự phải giết bất cứ ai để có thể - với một tâm trí không được định hình - trở thành một người nghiêm túc. Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta có thể hơi sợ khi chia sẻ một số tin khó xử.


Tâm trí của chúng ta đi cùng với những nỗi sợ hãi xuất phát từ những điều xảy ra trong những hoàn cảnh nhất định từ lâu rồi nhưng điều đó tiếp tục có được sự công nhận, chạy ngầm, mạnh mẽ và rất lớn trong cuộc sống của chúng ta ngay cả ở hiện tại. Bằng cách nắm giữ quá khứ, nhiệm vụ của chúng ta là phải thừa nhận rằng những nỗi sợ hãi này rất thật nhưng chỉ diễn ra ở một nơi rất hạn chế: đó là ở trong tâm trí của chính chúng ta. Nó không phải là nỗi sợ của hiện tại. Thảm họa mà chúng ta lo sợ sẽ xảy ra đã xảy ra rồi: chúng ta đã chứng kiến một người dường như có nguy cơ tự sát nếu mọi chuyện trở nên quá tệ - và một người trông giống như họ có thể sẽ giết bất cứ ai làm họ khó chịu. Nhưng những vấn đề này chắc chắn diễn ra trong một thời đại khác. Chúng ta cần phải lắng nghe một suy nghĩ dường như không bao giờ có tiếng nói, chúng ta giờ đã trưởng thành, điều đó có nghĩa là, chúng ta giờ đã mạnh mẽ và có thể tự bảo vệ bản thân mình trước những người khác. Một người trưởng thành khác rất khó có thể sụp đổ trước chúng ta và nếu họ làm vậy, có rất nhiều biện pháp chúng ta có thể thực hiện. Chúng ta sẽ biết làm thế nào để giúp họ đối phó với nỗi đau của họ, trực tiếp và gián tiếp. Có vẻ như nó sẽ không bao giờ kết thúc, nhưng đó là một lý do của trẻ con, không phải là của một người lớn. Trong thực tế, nó sẽ rất tệ trong vài giờ, hoặc vài ngày hoặc vài tuần, nhưng cuối cùng, khi chuyện xảy ra, rồi họ cũng sẽ vượt qua được nó. Họ sẽ phục hồi được sự hài hước của họ, họ sẽ thức dậy vào một buổi sáng và thấy thế giới chưa kết thúc và họ biết làm thế nào để tiếp tục. Tương tự như vậy, họ cũng không thực sự cố gắng nhặt chiếc rìu gần nhất và chặt chúng ta thành những mảnh nhỏ đâu. Họ có thể tức giận, họ có thể hét lên, có thể có một số từ xấu xí - nhưng một lần nữa, chúng ta bây giờ cao lớn và độc lập, chúng ta có thể thoát khỏi những tình trạng cực đoan, chúng ta có số điện thoại của cảnh sát và luật sư, chúng ta có thể để cơn giận dữ được xả ra, và giống như một cây cầu được xây dựng tốt trong cơn bão, hãy hoàn toàn tự tin rằng chúng ta có thể chịu được bất cứ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.


Để có thêm can đảm, chúng ta nên nhớ có sự khác biệt giữa tử tếcó vẻ tử tế. Việc tử tế có thể trông như là không bao giờ tức giận hoặc làm phiền ai đó - và do đó, không bao giờ đưa cho một người mà chúng ta yêu những tin tức không mong muốn. Nhưng nhìn theo một cách khác thì chúng ta có thể hủy hoại cuộc sống của người đó. Ở lại với một người bởi vì chúng ta muốn tránh một vài giờ khó chịu thì không phải là điều tốt cho họ - nếu sau đó chúng ta tiếp tục cay đắng, xấu xa, không chung thủy và chán nản xung quanh họ trong vài thập kỷ tới. Chúng ta không giúp đỡ một ai đó bằng cách giữ lại một cảnh chia tay tồi tệ, rồi sau đó chúng ta mang đến cảnh kéo lê suốt cả cuộc đời.


Ngạc nhiên là phần lớn sự khốn khổ của thế giới đến từ những người quá quan tâm đến việc tỏ ra tử tế, hay đúng hơn là quá hèn nhát để gây cho người khác những đau đớn nhất thời. Cách thực sự can đảm để ra đi là để cho bản thân bị ghét bỏ trong một thời gian bởi một người vẫn còn yêu chúng ta. Chúng ta không nên tưởng tượng rằng họ sẽ không bao giờ tìm thấy ai khác như chúng ta: họ có thể tin điều đó vào lúc này và thậm chí có thể ngọt ngào nói với chúng ta như vậy. Nhưng họ sẽ không còn tin vào điều đó khi cuối cùng họ cũng hiểu hơn về chúng ta. Sự tử tế thực sự có nghĩa là ra đi - mặc dù kỳ nghỉ đã được đặt chỗ, căn hộ được trả tiền và đám cưới được sắp xếp. Không có gì sai trái và không có gì nguy hiểm khi quyết định ai đó không phải dành cho chúng ta. Sai trái là việc phá hỏng phần lớn cuộc sống của một người khác trong khi chúng ta lúng túng hoặc sợ hãi, ngần ngại việc rời khỏi con đường của họ.

 

Người dịch: Hải Yến; Người biên tập: Trang

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page