top of page

Làm Sao Để Vẫn Có Tâm Trí Bình An Vững Vàng Trong Thời Kỳ Bùng Nổ Dịch Virus Corona


Bài biết bởi JILL SUTTIE - một tiến sĩ tâm lý, đồng thời là biên tập viên của trang greatergood.berkeley.edu.

"Ở giữa cơn hoảng loạn của chúng ta xoay quanh dịch bệnh Covid-19, chúng ta nên tìm đến sự giúp đỡ lẫn nhau để đồng lòng vượt qua đại dịch này"

Tôi chỉ chỉ vừa mới biết rằng trường đại học của con trai mình, the University of Washington, sẽ hủy tất cả các lớp học và thi cuối kỳ tập trung để tránh virus corona lây lan và phát tán.

Mặc dù trường đại học sẽ phải gánh chịu các chi phí cao ngút - ví dụ như họ phải tổng vệ sinh thật sạch sẽ cả khuôn viên trường - cá nhân tôi thật sự lấy làm biết ơn vì hành động nhanh chóng tức thời của họ và cách mà họ đặt sinh viên lên hàng đầu. Đó là một trong nhiều cách mà tôi cảm thấy được quan tâm trong cơn khủng hoảng này, và là một trong nhiều hành động quan tâm khác tôi kỳ vọng nhìn thấy trong những tuần lễ sắp tới.


Nhưng tại sao ta lại kỳ vọng nhiều sự hợp tác và lòng trắc ẩn trong khi đối mặt với dịch bệnh? Bởi vì, ngược lại với niềm tin phổ biến, khủng hoảng thường có xu hướng làm hiển lộ ra điều tốt đẹp nhất trong con người. Có một nghiên cứu xem xét cách người ta phản ứng như thế nào trong suốt vụ hai tòa tháp đôi bị tấn công vào 11/9, nó cho thấy rằng người ta đã hạ bản thân xuống để giúp đỡ người khác trốn thoát, có khi phải mạo hiểm cả sự an nguy của chính mình. Những nghiên cứu khác về hậu quả của thảm họa thiên nhiên chỉ ra cho ta thấy những người xa lạ sẵn sàng kề vai sát cánh tương trợ lẫn nhau.


Mặc dù, đúng là đôi lúc khủng hoảng có thể mang đến một số trường hợp lợi dụng tình huống - ví dụ như, ăn cắp tài sản của người khác khi họ buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình - đây không phải là phản ứng phổ biến như các tiêu đề bài báo mà ta thấy. Thay vào đó, khi chúng ta đối mặt với một kẻ thù chung, như một đại dịch chẳng hạn, thì chúng ta dường như xích lại gần nhau vì lợi ích chung của mọi người.


Hãy để ý cách mà nhiều người trẻ và khỏe mạnh nghiêm túc trong việc rửa sạch tay thường xuyên, che miệng khi ho, ở nhà khi mắc bệnh, hay mang khẩu trang khi ở nơi công cộng. Hẳn nhiên rồi, không ai muốn bị bệnh, nhưng đồng thời cũng chẳng ai muốn phải chịu trách nhiệm khiến người khác mắc bệnh.


Thật ra, nghiên cứu cho thấy rằng bảo vệ người khác là một động lực to lớn để làm điều tốt. Lấy ví dụ, một nghiên cứu xem xét điều gì nhắc nhở hành vi rửa tay của các bác sỹ và y tá ở bệnh viện. Các nhà nghiên cứu thấy rằng các biển báo nói rằng ”Rửa tay sạch sẽ giúp ngăn ngừa cho bệnh nhân không mắc bệnh” thì hiệu quả hơn là biển nhắc nhở rửa tay mà chỉ đơn thuần nói là “Rửa tay sạch sẽ ngăn ngừa bạn không mắc bệnh”


Điều này thực sự đơn giản vì bản tính tự nhiên của con người là tốt bụng, tử tế và sẵn sàng hào hiệp nâng đỡ nhau khi người khác cần chúng ta. Trong một nghiên cứu gần đây, những đứa trẻ chỉ mới bốn năm tuổi đầu được dạy bảo rằng cưỡng lại một sự tưởng thưởng sẽ làm lợi cho một đứa trẻ khác thì chúng có khả năng hơn trong việc trì hoãn sự thỏa mãn so với những đứa trẻ được bảo rằng những hành động của chúng chỉ ảnh hưởng đến chính mình. Tương tự vậy, những em bé khoảng 19 tháng tuổi sẽ sẵn sàng cho đi đồ ăn của mình cho người tỏ ra cần nó mặc dù chúng đang đói meo.


Dĩ nhiên, không phải ai cũng hành động vị tha trong những trường hợp này. Vì thế, điều gì khiến hành động vị tha trở nên khả dĩ hơn, và chúng ta có thể làm sao sử dụng điều đó vì lợi ích của chính chúng ta? Sau đây là bốn cách chúng ta có thể khuyến khích lòng vị tha hơn để chiến đấu với virus:




Tìm kiếm những "anh hùng bé nhỏ"

Sẽ luôn có những nỗ lực đầy tính chính nghĩa anh hùng trong mỗi cơn khủng hoảng - là những người hy sinh chính mình cho lợi ích của người khác. Hãy nghĩ về những người làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, họ đang điều trị chăm sóc cho những người bị nhiễm virus với rủi ro mạo hiểm cả mạng sống của cá nhân mình. Hoặc là những người đã bị lây nhiễm virus tình nguyện cách ly chính họ nhiều tuần để bảo vệ cộng đồng.


Khi chúng ta nghe thấy câu chuyện về những người này, ta cảm thấy điều được gọi là cảm giác được nâng cao về tinh thần đạo đức - một cảm giác ấm áp bên trong truyền cảm hứng cho chúng ta, tiếp thêm nguồn năng lượng lạc quan và mong ước chính mình cũng có hành động vị tha. Mặc dù sự cám dỗ bên ngoài có thể thôi thúc ta là tập trung vào nỗi sợ hãi và mọi thứ trở nên lầm lạc, chúng ta có thể chuyển hướng sự chú ý của mình đến những người đang làm điều đúng đắn, điều này sẽ dẫn chúng ta trở thành những công dân tốt hơn.


Giữ bình tĩnh và tập trung

Thật dễ dàng lầm đường lạc lối để bị cuốn xoay trong vòng bủa vây của sợ hãi khi khủng hoảng nổ ra. Tuy nhiên, không giúp ích gì cho một ai khi cứ khuấy động nỗi hoảng loạn sợ hãi về tình hình, bởi vì chúng ta không hề suy nghĩ cặn kẽ khi chính ta ở trong tình huống khẩn cấp. Bạn có thể nhìn thấy điều này diễn ra như thế nào khi người ta đi mua tích trữ khẩu trang và tạo ra sự thiếu hụt có thể ảnh hưởng đến những người thực sự cần chúng, những người bị bệnh và cần đeo mặt nạ để tránh lây bệnh cho những người còn lại.


Làm sao để chúng ta giữ bình tĩnh hơn và đưa ra lựa chọn thông thái hơn? Có một cách là sử dụng bất cứ công cụ gì chúng ta có nhằm vứt bỏ đi mọi suy nghĩ rối ren và giữ cho đầu óc tỉnh táo - như thực hành chánh niệm (mindfulness) chẳng hạn, có thể hiệu nghiệm trong cả việc làm giảm các phản ứng mang tính cảm xúc quá đà và giúp chúng ta ra quyết định sáng suốt hơn. Chúng ta có thể đi dạo công viên hay gần nơi nhiều cây cối xanh tươi (trong trường hợp vẫn có thể ra ngoài) và để cho thiên nhiên xoa dịu tinh thần chúng ta. Hoặc là chúng ta có thể trò chuyện với bạn bè - một người bạn điềm tĩnh có thể giúp chúng ta giảm âu lo vô ích.


Tất nhiên, những cách thông thường để kết nối xã hội - như hát hò cùng nhau ở một buổi hòa nhạc hay tham gia những bữa tiệc lớn - có thể phải thay đổi. Nhưng bất kỳ điều gì chúng ta có thể làm để giữ một bầu không khí bình an tĩnh tại và lan tỏa điều này ra xung quanh càng nhiều thì tốt hơn. Sau hết thảy, cảm xúc của chúng ta có xu hướng lây lan trong các vòng tròn xã hội và chúng ta nên làm hết sức mình giữ nỗi sợ hãi và khủng hoảng trong vòng kiểm soát.


Thể hiện lòng biết ơn

Một trong những điều tốt đẹp nhất chúng ta có thể làm đó là hãy nói “cảm ơn” với những người mà đang điều họ có thể để chiến đấu với đại dịch. Như với trường đại học của con trai tôi, chẳng mất mát gì khi gửi một thông điệp cảm ơn đến những con người và tổ chức đang làm điều đúng đắn - bất cứ một đơn vị tổ chức tour du lịch chấp nhận hoàn tiền cho việc hủy tour, người hàng xóm chia sẻ một cái khẩu trang dư cho bạn, hay các chuyên gia về virus cung cấp thông tin xác thực hướng dẫn cách giữ an toàn trong mùa dịch.


Khi chúng ta thể hiện lòng biết ơn hướng đến người khác, ta để cho họ biết rằng hành động của họ có sức ảnh hưởng khuyến khích nhiều hơn hành vi tử tế tương tự - không chỉ hướng đến người bạn hàm ơn mà còn những người khác nữa. Tạo ra một vòng tròn xoay quanh lòng vị tha thì hữu ích khi chúng ta đối mặt với một thách thức tác động đến tất cả chúng ta, giúp khuyến khích lòng tin tưởng lẫn nhau và quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của nhau.


Hãy nhớ đến nhân tính chung (common humanity) của chúng ta và thể hiện lòng trắc ẩn

Khi chúng ta sợ hãi, bản năng đầu tiên của chúng ta có thể đổ hết tội lỗi lên người khác hoặc cứ khăng khăng giữ định kiến chĩa mũi công kích vào các nhóm mà chúng ta cho rằng họ phải chịu trách nhiệm. Các trang tin tức đã nhận thấy rằng một số người gốc Á ở Mỹ đang cảm thấy mình bị xa lánh hoặc trở thành nạn nhân mới trong danh sách phân biệt chủng tộc, đơn giản là vì virus dường như có nguồn gốc từ Trung Quốc. Dù cho chúng ta có thể về lý trí biết rằng không một ai hay một đất nước nào có thể bị đổ lỗi cho đại dịch virus bùng phát ngoài kia, tâm trí chúng ta vẫn cứ mải mê tìm kiếm những lời giải thích giản đơn hời hợt.


Nghiên cứu cho biết rằng khi chúng ta nhận thức nhân tính chung (common humanity) của con người và thể hiện lòng trắc ẩn, chúng ta dường như xích lại gần nhau và đồng lòng giải quyết các vấn đề phức tạp trong tự nhiên. Bạn có thể bắt đầu bằng cách tự trao cho chính mình lòng trắc ẩn, từ đó giúp bạn trở nên sẵn sàng thừa nhận sai lầm và thực thi các bước sửa sai. Đây là điều quan trọng, vì sai lầm của con người có thể trả giá đắt khi bùng nổ đại dịch virus, và chúng ta cần chung vai góp sức để học hỏi từ sai lầm của chính mình.


Dĩ nhiên, tất cả những hướng dẫn này không thay thế được tầm quan trọng của việc nghiêm chỉnh giữ gìn vệ sinh. Chúng ta cần tiếp tục thường xuyên rửa tay và tránh chạm tay lên mặt, vì thế ta có thể giảm nguy cơ lây nhiễm cho chính mình và người khác. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ thanh lọc và giữ vệ sinh cho cả “bầu không khí xã hội” nữa - tìm kiếm những tấm gương anh hùng, tự giữ tâm bình thản, cảm thấy biết ơn và nhớ lại về nhân tính chung của loài người. Bằng cách này, chúng ta có thể khiến thế giới an toàn hơn cho tất cả chúng ta.



 

Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).


 

Người dịch: Anh Đào Lê ; Người biên tập: Phạm Đại Bàng

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page