top of page

Làm sao để nhận ra và hóa giải "Bốn bóng ma kỵ sỹ" phá hoại mối quan hệ?

Tại sao bạn nên thử tập luyện hóa giải “Bốn bóng ma kỵ sĩ”?

Tất cả các cặp vợ chồng (hoặc cặp đôi nói chung) đều trải qua xung đột, nhưng các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cách người trong cuộc đối phó với những cuộc xung đột có ảnh hưởng lớn đối với sự gắn bó lâu dài của mối quan hệ.

Cụ thể, nhà nghiên cứu hàng đầu về các cặp đôi vợ chồng - John Gottman và các đồng nghiệp của ông đã xác định được bốn hành vi cụ thể, mà họ gọi là "Bốn bóng ma kỵ sĩ", lời nguyền dành cho "cái chết" của những mối quan hệ.



Để giúp bạn bảo vệ chống lại "Bốn bóng ma kỵ sĩ", thì bài tập này dạy bạn nhận ra chúng và cân nhắc các phương án giải quyết mang tính xây dựng hơn. Hiểu biết các dấu hiệu của những hành vi độc hại này là một bước quan trọng để chúng ta tránh xa chúng và phản ứng lành mạnh hơn khi xảy ra xung đột.

Cách thực hiện bài tập hóa giải “Bốn bóng ma kỵ sĩ”

Thời gian cần thiết: 20 phút để đọc về "Bốn bóng ma kỵ sĩ" bên dưới.

Bốn bóng ma kỵ sĩ


1. Chỉ trích


Một số hình thức phê bình mang tính xây dựng, nhưng trong trường hợp này, chỉ trích đề cập đến việc đưa ra những đánh giá hoặc cáo buộc tiêu cực về đối tác của bạn một cách cực đoan, tuyệt đối.

Một dấu hiệu cho thấy bạn có thể sa đà vào hình thức phê bình độc hại này là nếu bạn bắt gặp mình sử dụng các thuật ngữ như "không bao giờ" "luôn luôn" ví dụ như bạn nói "Anh/em CHẲNG BAO GIỜ nghĩ đến người khác ngoài bản thân mình cả", hoặc nói "Anh/em LUÔN LUÔN ngang bướng!"

Lưu ý rằng những lời chỉ trích đó không nhất thiết là một mô-típ cho sự thất bại trong mối quan hệ. Vấn đề của sự chỉ trích là bạn càng chỉ trích, xỉa xói nhiều bao nhiêu thì, theo thời gian, bạn càng dẫn lối cho "bóng ma kỵ sĩ" phá hoại mối quan hệ chính mình.


Giải pháp thay thế tích cực là:

Không có gì sai khi nói lên những lo lắng và phàn nàn trong một mối quan hệ, nhưng hãy cố gắng làm theo cách tập trung vào cảm xúc của chính bạn (và hành vi của đối tác ảnh hưởng đến bạn như thế nào). Ví dụ, hãy bắt đầu câu nói với chủ từ "Tôi/anh/em", chẳng hạn nói "Em cảm thấy cô đơn khi anh về nhà ăn tối muộn". Và bạn hãy đề cập đến những hành vi tiêu cực cụ thể thay vì tấn công phủ đầu vào toàn bộ tính cách con người của anh ấy. Ví dụ hãy nói "Em cảm thấy bị phớt lờ KHI anh lên kế hoạch mà không hỏi ý kiến em" thay vì nói "Anh thật quá quắt!".


Tham khảo Thực hành Active Listening - Lắng nghe chủ động để tham khảo thêm các giải pháp khác: Xem tại đây


2. Khinh miệt


Khinh miệt là một hình thức phá hoại nặng hơn chỉ trích, liên quan đến việc đối xử với đối tác của bạn thiếu tôn trọng, ghê tởm, ra vẻ kẻ cả hoặc chế giễu. Nó có thể bao gồm mỉa mai, châm biếm, chế giễu, liếc háy, khinh bỉ hoặc đặt biệt danh xấu. Sự khinh miệt có thể phát triển theo thời gian khi người ta tập trung vào những phẩm chất mà họ không thích của đối phương và đóng đinh những phẩm chất này trong tâm trí họ.


Giải pháp thay thế mang tính xây dựng: Thay vì ghi nhớ tất cả các sai sót của đối tác, hãy xem xét phẩm chất tích cực và những điều bạn đánh giá cao nhất về họ. Trong thực tế, nó có thể tác dụng khi viết một danh sách những phẩm chất này và nhớ lại nó khi bạn cần một lời nhắc nhở.


3. Đề phòng


Sự phòng bị có xu hướng phát sinh khi người ta cảm thấy bị chỉ trích hoặc bị tấn công; họ đưa ra các lý do biện hộ để tránh nhận trách nhiệm, hoặc thậm chí đùn đẩy đổ lỗi cho người khác. Nếu bạn nghe thấy mình nói rằng "Tôi đã không làm gì sai hết", hay đổ lỗi cho đối tác của bạn vì điều gì đó sau khi anh ta hoặc cô ta chĩa mũi nhọn trách cứ vào bạn, hãy tự hỏi liệu đây có phải là điều chính đáng khách quan thực sự không. Ngay cả khi đối tác của bạn mắc vài sai lầm, điều đó cũng không giúp bạn vô can khỏi trách nhiệm đối với những việc bạn đáng lẽ ra có thể làm khác đi.


Vấn đề với tính đề phòng là nó truyền đạt cho đối tác của bạn rằng bạn không thực sự lắng nghe hoặc nghiêm túc quan tâm đến họ. Và bằng cách đưa ra những bất bình mới, nó cũng làm trầm trọng thêm xung đột bằng cách khiến đối tác của bạn cảm thấy bị tấn công và thêm đề phòng.


Giải pháp thay thế tích cực là: Dành thời gian để lắng nghe điều đối tác của bạn nói ra và chịu trách nhiệm khi thích hợp. Một lời nhận lỗi đơn giản, chân thật có thể mang lại hiệu quả mạnh mẽ.


4. Cố thủ.


Cố thủ liên quan đến việc dựng lên một bức tường (ẩn dụ) giữa bạn và đối tác của bạn bằng cách rút lui, chui vào vỏ ốc của mình, và xa cách về thể chất và cảm xúc với bạn đời. Một ví dụ về việc cố thủ là im lặng đối xử lạnh lùng với đối tác của bạn, hoặc đột ngột rời đi mà không nói cho đối tác biết bạn sẽ đi đâu. Việc cố thủ đôi khi có thể là kết quả tích lũy của ba "bóng ma kỵ sĩ" đầu tiên và trở nên áp đảo. Cố thủ đặc biệt phá hủy các mối quan hệ vì nó có thể khiến đối tác của bạn cảm thấy bị bỏ rơi và bị từ chối.


Giải pháp thay thế tích cực là: Nếu bạn cần thời gian để hít thở sâu và lấy lại suy nghĩ của mình, hãy cho đối tác biết, sau đó quay lại cuộc trò chuyện khi bạn đã sẵn sàng. Bằng cách này, đối tác của bạn sẽ hiểu rằng bạn đang xốc lại bản thân, chứ không phải cố gắng từ chối người ấy.


Cách thực hiện bài tập

Sau đó, lượng thời gian để triển khai một chiến lược giải quyết vấn đề sẽ phụ thuộc vào bản chất của cuộc xung đột; tần suất sẽ tùy thuộc vào tần suất bạn gặp phải xung đột trong mối quan hệ của mình.


Mục tiêu có thể là cố gắng sử dụng một trong những chiến lược tích cực này - hoặc ít nhất thấu hiểu tính chất của cuộc xung đột là gì - mỗi tháng một lần. Gồm 5 phần:

  1. Đọc các mô tả về “Bốn bóng ma kỵ sĩ” bên dưới và xem xét liệu bạn và đối tác của bạn có bao giờ vướng vào bất kỳ hành vi nào trong số này khi xảy ra xung đột hay không.

  2. Đọc các mô tả về các giải pháp tích cực có thể được sử dụng thay cho “Bốn bóng ma kỵ sĩ” và xem xét cách bạn có thể áp dụng các hành vi này vào thực tế, nếu bạn chưa từng thực hiện bao giờ.

  3. Lần tới khi bạn thấy mình có mâu thuẫn với đối tác, hãy nỗ lực tích cực để tránh xa “Bốn bóng ma kỵ sĩ” và thay vào đó tập trung thực hiện các hành vi mang tính xây dựng hơn. Đừng quá tự dày vò bản thân nếu bạn chưa làm được, không dễ gì giữ được bình tĩnh tập trung trong lúc tranh cãi và những thói quen này cần thời gian để thay đổi.

  4. Sau cuộc xung đột, hãy ghi chép lại cách mọi thứ diễn ra. Bạn hoặc đối tác của bạn có vướng mắc vào bất kỳ hành vi nào trong số “Bốn bóng ma kỵ sĩ” không, và nếu vậy, bạn có tự giác thử hành động khác đi trong cuộc xung đột không? Điều gì đã diễn ra tốt đẹp, và những gì bạn có thể cải thiện cho lần tới?

  5. Nếu mà bạn cảm thấy thoải mái, bạn có thể đề nghị đối tác của mình tham gia cùng bạn trong thực hành này.

Tại sao bài tập hóa giải “Bốn bóng ma kỵ sĩ” lại hiệu quả?

Hầu hết các cặp vợ chồng đều có những lúc gặp xung đột trong mối quan hệ và mặc dù thỉnh thoảng xảy ra xung đột không nhất thiết có hại cho mối quan hệ (một số nghiên cứu cho thấy nó có thể hữu ích), đôi khi xung đột có thể bộc lộ ra những hành vi phá hoại làm tổn hại sự hài lòng trong mối quan hệ. Xác định các hành vi phá hoại là bước đầu tiên quan trọng để kìm hãm chúng lại và thay thế bằng các hành vi mang tính xây dựng hơn, từ đó có thể cải thiện giao tiếp và tăng sự hài lòng. Quá trình này cần có thời gian và luyện tập, và trong một số trường hợp, các cặp vợ chồng có thể nhờ cậy đến sự hỗ trợ của một cố vấn mối quan hệ.

Bằng chứng về hiệu quả của bài tập hóa giải “Bốn bóng ma kỵ sĩ”

Theo nghiên cứu của Carrere, S., Buehlman, KT, Coan, JA, Gottman, JM, Coan, JA, và Ruckstuhl, L., (2000). Predicting Marital Stability and Divorce in Newlywed Couples, Journal of Family Psychology, 14(1), 42-58.


Một nghiên cứu dài hạn được ghi lại trong phòng thí nghiệm với 95 cặp vợ chồng mới cưới cho thấy cách họ xử lý xung đột với nhau trong một tình huống giao tiếp cụ thể tiêu biểu sẽ dự đoán được độ bền vững của mối quan hệ trong bốn đến sáu năm sau với độ chính xác 87,5% và trong bảy đến chín năm sau đó với độ chính xác 81 phần trăm. Các cặp vợ chồng thể hiện các hành vi của “Bốn bóng ma kỵ sĩ” có nhiều khả năng chia tay khi các nhà nghiên cứu theo dõi họ nhiều năm sau đó.

Nguồn tài liệu

---------------------------------------------------------------------------------

Người dịch: Anh Đào Lê

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page