top of page

Làm sao để dạy trẻ tự giải quyết tranh cãi với các anh chị em ruột?

Các bậc phụ huynh có thể cố gắng đóng vai trò là những người hòa giải thay vì là trọng tài khi bọn trẻ gây gổ với nhau.



Đó là những âm thanh hết sức lý tưởng: tiếng hai đứa trẻ của bạn chơi và cười đùa cùng nhau. Và bạn chỉ cần ngồi đó, trong một căn phòng hoàn toàn tách biệt, không bị cắt ngang, và say sưa với những kĩ năng làm cha mẹ trong một thế giới khác. Và rồi giấc mơ kết thúc. Bạn rơi "bịch" xuống đất, trở về hiện thực, rồi một tiếng hét “Của em!”, hay có thể là “Bỏ ra… !”; và bạn không thể biết chắc đó là gì khi các âm thanh bị nghẹn trong tiếng khóc la. Rồi một trong hai đứa, thường là đứa nhỏ hơn, sẽ gọi, “Bố ơi cứu con!”


Bạn đối mặt với một quyết định. Bạn có thể ra mặt và giải quyết tình huống, nhưng chỉ trong 6 phút sau một trận chiến tương tự sẽ ngay lập tức lại nổ ra, và bạn sẽ lại bị réo gọi quay trở lại để phân xử. Bạn sẽ luôn bị réo gọi để làm trọng tài cho chúng như thế. Bạn muốn thoát khỏi công việc đó. Điều bạn cần và muốn là làm sao để bọn trẻ có thể tự tìm ra cách cho các vấn đề của chúng.


Đó là một mục tiêu lớn, và là một việc hữu ích, vì mâu thuẫn trong gia đình sẽ không thể và không nên bị loại trừ. “Những vấn đề trong mối quan hệ với anh chị em ruột là thứ để chúng ta học cách đấu tranh,” Corinna Tucker - giáo sư ngành Phát triển con người và Nghiên cứu gia đình tại Đại học New Hampshire - nhận định. Những đứa trẻ của bạn sẽ phải làm việc đó với bạn bè, đồng nghiệp, và với những người bạn cùng phòng. Năng lực giải quyết mâu thuẫn một cách có hiệu quả sẽ chuẩn bị cho chúng mọi thứ cần thiết để thành công - và bạn có thể tạo ra một môi trường để chúng có thể học cách làm điều đó.


Vì sao anh chị em ruột thường hay cãi vặt?

Mối quan hệ anh chị em cần phải được nuôi dưỡng. Đó là một trong các mối quan hệ lâu dài nhất mà các con bạn sẽ có trong suốt cuộc đời, và sự vận động của tình trạng mối quan hệ mang tính nhất quán. Nếu ban đầu đó là mối quan hệ tích cực, có khả năng nó sẽ luôn như thế; và tương tự như vậy nếu nó không tốt ngay từ đầu. Và những đứa trẻ bị bắt nạt bởi anh chị em của mình - bị đánh, bị lấy cắp hay bị phá hỏng đồ đạc, hoặc bị gọi bằng những biệt danh xấu xí - cũng sẽ rất dễ trở thành nạn nhân bởi những người đồng trang lứa.


Nhưng nhiệm vụ dạy những đứa trẻ cách giải quyết các tranh chấp của riêng chúng không phải là một việc dễ dàng. Anh chị em ruột thường ở bên nhau mọi lúc mọi nơi, có khi còn nhiều hơn thời gian chúng ở với bạn. Chúng thường xuyên cạnh tranh giành nhau mọi thứ - từ đồ ăn, đồ chơi, cho đến chỗ ngồi trên ghế sofa, sự quan tâm chú ý của cha mẹ. Kể cả khi chúng hòa thuận, sự căng thẳng của mối quan hệ về cơ bản đến từ việc chúng muốn có được thứ chúng muốn ngay tại thời điểm chúng muốn những thứ đó, “đây còn được gọi là chủ nghĩa vị kỷ trung tâm (egocentrism),” nhà tâm lý học về gia đình và trẻ em đồng thời là tác giả quyển "Getting to Calm, The Early Years" - Laura Kastner - cho biết.


Và chúng không phải lúc nào cũng hòa thuận, bất kể bạn có làm gì. Đôi khi chúng mệt, mà mệt mỏi là thứ sẽ làm hỏng việc ra quyết định, và những đứa lớn sẽ dễ trút bực dọc lên đứa nhỏ hơn. Sau một ngày ở trường, nơi mà áp lực từ bạn cùng lứa khiến chúng không thể giải tỏa, nỗi ức chế sẽ tuôn trào khi chúng về nhà, với một đối tượng thuận tiện cho nỗi thất vọng đang dồn nén. “Anh chị em trong nhà là cái túi rác của vũ trụ bởi vì bạn còn bận phải cư xử tử tế với những người khác,” Kastner nhận định.


Khi những mâu thuẫn không tránh khỏi xảy ra, những đứa trẻ không tự nhiên mà có được những kĩ năng thỏa hiệp. Năng lực điều tiết cảm xúc của chúng chưa hoàn toàn trưởng thành - chúng có khuynh hướng động tay động chân khi chúng khó chịu - và tình trạng này sẽ kéo dài đến năm chúng 25 tuổi, Kastner cho biết. Nghĩa là: Người lớn có thể mất bình tĩnh. Trẻ vị thành niên trong giai đoạn dậy thì cũng có thể mất bình tĩnh. Do đó bạn không thể đòi hỏi ở một đứa trẻ 6 tuổi một tiêu chuẩn cao hơn.


Làm thế nào để giúp trẻ giải quyết vấn đề

Với kiểu động lực quan hệ này giữa các anh chị em ruột, bạn sẽ cần nhiều hơn những cách nói như “cả hai đứa tự giải quyết đi” để dập tắt những giọt nước mắt và tiếng la hét. Bắt đầu ở độ tuổi từ 4 đến 5 tuổi, bạn sẽ muốn khuyến khích sự hòa giải, kết quả là đám nhóc của bạn sẽ tự nghĩ ra và đồng ý với giải pháp. Nghiên cứu khoa học đề nghị rằng khi cha mẹ sử dụng cách tiếp cận bằng biện pháp hòa giải, bọn trẻ sẽ tích cực hơn trong việc xử lý mâu thuẫn và sẽ thường xuyên thỏa hiệp hơn.


Hildy Ross, đồng tác giả của nghiên cứu trên và là giáo sư danh dự đã về hưu của ngành Tâm lý học tại Đại học Waterloo, đưa ra các nguyên tắc cơ bản để thực hiện việc này có hiệu quả

  • Thảo luận về quá trình. Trước hết bọn trẻ phải hiểu mọi quy tắc cơ bản được đặt ra. Không ngắt lời. Không xúc phạm. Không la hét, chẳng hạn. Việc của bạn là hướng dẫn cách tư duy: bạn tư vấn - và chúng sẽ quyết định kết quả. Bằng cách nghiêm túc yêu cầu chúng đồng ý với những giới hạn xác định trước, bạn sẽ có được một công cụ hữu ích. Bất cứ khi nào bọn trẻ bắt đầu trêu chọc nhau bằng biệt danh hoặc tranh nhau lên tiếng, bạn có thể nhắc lại bằng cách nói, “Có phải đó là một trong các quy tắc không?”

  • Cho bọn trẻ lần lượt trình bày. Mỗi đứa trẻ sẽ đưa ra ý kiến và được phép xác định vấn đề theo cách mà chúng thấy. Có thể sẽ nảy sinh những niềm tin khác biệt về chuyện nguồn cơn của vấn đề là gì và nó thực sự bắt đầu xảy ra khi nào. Có thể bạn sẽ phát hiện ra rằng cái tháp đồ chơi lắp ráp bị đổ và cú đấm kia là do đã bị kích động bởi một bức tranh bị xé toạc hai phút trước đó. Bạn đang xem xét các mốc thời gian tương ứng và đồng thời giúp cho đứa trẻ có thể gọi tên sự việc - bạn không thể sửa những gì chưa được xác định - và những cảm giác mà điều đó gây ra cho bọn trẻ.

  • Xem xét các góc nhìn. Sau khi bọn trẻ chia sẻ các phiên bản khác nhau của chúng về sự kiện, hãy hỏi từng đứa cảm thấy thế nào khi cãi cọ nhau, rồi hỏi tiếp đứa kia, “Con có thể lặp lại điều anh/chị/em con vừa nói và chuyện đó làm cho anh/chị/em con cảm thấy thế nào không?”. Việc này sẽ xây dựng cho chúng khả năng lắng nghe, có thể nghe lời giải thích của người khác và thuật lại chính xác.

Laurie Kramer, giáo sư Tâm lý ứng dụng tại Đại học Northeastern, bổ sung rằng sẽ hữu ích cho cha mẹ khi tạm thời hoãn lại sự thiếu tin tưởng và chỉ đơn thuần lắng nghe khi bọn trẻ nói về cách chúng nhìn nhận vấn đề. Đôi khi, sự thiếu kiên nhẫn của cha mẹ đối với chuyện có vẻ phi lý – như là trận chiến về một chiếc bút chì màu chỉ vì màu-xanh-lá là màu của bầu trời – sẽ có thể làm gia tăng thêm tình trạng căng thẳng. “Lý do không cần phải có lý”, bà nói. Nó hợp lý đối với con bạn, và một phần của quá trình chính là bạn với tư cách một bậc phụ huynh, hiểu thấu được ý định của bọn trẻ nhiều như mức độ bạn muốn anh chị em chúng hiểu nhau.


“Mối quan hệ anh chị em ruột chính là nơi để bạn học cách đấu tranh”

- Tiến sĩ Corinna Tucker





  • Đi đến một giải pháp. Quá trình ba bước được nêu ra ở trên sẽ khuyến khích bọn trẻ chia sẻ, lắng nghe, và biểu lộ sự cảm thông, và tất cả cùng hướng đến mục tiêu cuối cùng là cho phép các con của bạn tự nêu lên giải pháp. Khi chúng làm thế, bạn hãy tỉnh táo với những đề nghị nghe có vẻ vui nhưng hiếm khi khả thi. Là bậc phụ huynh, bạn có thể thúc đẩy chúng đào sâu hơn khi cần thiết, nhưng cuối cùng thì bọn trẻ sẽ vẫn làm chủ kết quả.

Và bất kể chúng nghĩ ra được điều gì thì đó cũng chỉ là: một ý tưởng. Bạn đang tập trung giải quyết vấn đề, một công việc đòi hỏi sự sáng tạo. Khi chúng đưa ra một đề xuất, hãy hỏi chúng xem chúng nghĩ nó sẽ hiệu quả thế nào. Sau đó hãy để chúng thử, xem việc đó thực tế diễn ra ra sao, và, nếu cần thiết, hãy thử một cách khác. Cũng từng thực hiện nghiên cứu về tính khắng khít trong mối quan hệ anh chị em, giáo sư Kramer cho rằng “Việc này bắt chúng kích hoạt sự động não, giúp mở ra cho chúng nhiều khả năng mới mẻ.”

  • Có một kế hoạch dự phòng. Khi những nỗ lực tốt nhất thất bại - vì chúng sẽ kiếm cớ để rút lui, hãy bày cho chúng chơi Kéo - Búa - Bao hoặc búng đồng xu. Đám trẻ của bạn có động lực để giải quyết một thứ gì đó, nhưng nếu chúng không thể, sẽ luôn có một giải pháp cuối cùng được chấp nhận. Sẽ không vô nghĩa và công bằng, và vẫn cho phép chúng làm chủ quá trình, Susan McHale - giáo sư danh dự ngành Phát triển con người và Nghiên cứu gia đình tại đại học Penn State - cho biết.


Photo by Robert Collins on Unsplash
Tầm quan trọng của sự nhẫn nại

Mục đích cuối cùng là để bạn không phải nhúng tay vào, nhưng có một thực tế phải chấp nhận rằng đây không phải là một quá trình có thể thực hiện vội vàng. Đầu tiên, bạn cần phải trực tiếp can dự vào nhiều hơn và thực hiện hướng dẫn nhiều hơn. “Ban đầu là sự can thiệp, sau đó là sự phòng ngừa,” giáo sư Tucker nói.


Bạn có thể phải đưa ra đề nghị rõ ràng, như là chia sẻ hoặc thay phiên nhau, nhưng bọn trẻ luôn luôn là người quyết định. Việc này rất mất thời gian và năng lượng, nhưng công sức bỏ ra sẽ được đền đáp. Anh chị em chúng sẽ biết quan tâm đến cảm xúc của nhau, khi mà đứa nhỏ hơn được trao quyền và được bình đẳng - nếu không có sự can thiệp, những đứa lớn sẽ có xu hướng lấn lướt hơn. Giáo sư Ross cho rằng “Việc này sẽ tái cân bằng mối quan hệ của các anh chị em.”


Một khi bạn không phải là người quyết định kết cục, sẽ không có đứa nào cảm thấy như thể chúng đã thắng hoặc thua, hoặc cho rằng bạn thiên vị đứa kia, hơn nữa sẽ hạn chế sự hậm hực có thể xảy ra. Và bạn sẽ không chọn cách phán xét. Không có tốt hay xấu, không có đúng hay sai. Trận chiến trở thành một cái gì đó đơn giản hơn: “Đó là sự khác biệt về các mối quan tâm,” giáo sư Ross nói.


Sự hòa giải là một phần thiết yếu, nhưng cơ bản là bạn đang cố gắng khuyến khích cách cư xử mà bạn muốn nhìn thấy ở trẻ: trở nên công bằng, kiểm soát cơn giận, đứng lên vì người anh em. Bạn làm điều đó bằng cách bắt bọn trẻ làm những thứ tích cực và khen ngợi chuyện đó, như là “Thật tuyệt vì con đã nói ra rõ ràng khi con đang bực bội” hay “Con thật là một người tốt bụng trong trò chơi.”


Một trong những cách dễ nhất để nhận ra các vấn đề là chơi với chúng – một phương pháp cũng có thể đem lại nhiều lợi ích khác. Ví dụ như là, sẽ thật không khôn ngoan khi để một đứa 7 tuổi chơi với một đứa 4 tuổi mà không có bất kỳ sự giám sát nào trong một thời gian dài dù có nói thế nào. Ngoài ra, chúng sẽ dành thời gian với bạn - một việc thật vui thú, và bằng cách xem chúng tương tác, bạn có thể nhận thấy xung đột đang tới và chuyển hướng những xung đột đó trước khi chúng nổ ra - theo lời giáo sư McHale.


Sự hiện diện của bạn sẽ khuyến khích chúng hòa đồng, bạn có thể chọn những hoạt động mà mọi người tham gia đều có thể làm tốt. Không ai chèn ép; không ai cảm thấy bị vượt trội hay bị bó buộc trong sự thất vọng. Mọi thứ sẽ thú vị hơn, và đặc biệt nhất là cảm giác khi được ở cùng với các anh chị em, bà nói.


Dĩ nhiên điều này không làm cho mất đi những trận cãi vã. Nhưng cùng với việc tạo ra một bộ khung để nói chuyện và trao cho con bạn các kĩ năng để hợp tác, lợi ích lớn nhất mà bạn tạo ra được đó là chúng sẽ thích nhau hơn - và điều đó sẽ giúp loại bỏ những trở ngại trước khi chúng xuất hiện. “Sẽ có nhiều sự khoan dung hơn,” giáo sư McHale nói. Anh chị em “sẽ ở bên nhau và sẽ chấp nhận đặt niềm tin vào nhau dù có ra sao.”


 

Người dịch: Trần Thị Ca Dao ; Người biên tập: Anh Đào Lê

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây


0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page