top of page

Làm Sao Hình Thành Tư Duy Phát Triển (Growth Mindset) Cho Chính Bạn Và Con Em Mình?

Đã cập nhật: 1 thg 12, 2020

Tư duy Phát triển (Growth Mindset) là việc tin tưởng vào khả năng và sự tiến bộ của chính bản thân mỗi người. Chính suy nghĩ này giúp chúng ta tự mở ra cánh cửa đón nhận và nỗ lực không mệt mỏi cho sự phát triển vô hạn tiềm năng của mình. Trong khi Tư duy Cố định (Fixed Mindset) sẽ đóng lại mọi con đường, mọi suy nghĩ, hành động cần thiết hướng về sự tiến bộ của bản thân chúng ta. Điều chúng ta tư duy tác động đến hành động và cảm xúc của bản thân, vì vậy hãy tỉnh táo chọn lối tư duy nào giúp bạn tiến lên mỗi ngày. Mặc khác cách chúng ta suy nghĩ và hành động cũng là chiếc gương cho con cái noi theo. Nếu muốn con em mình hình thành tư duy phát triển thì hãy bắt đầu từ bản thân người lớn trước.


Các hoạt động trong bài viết này giúp bạn thực hành xây dựng tư duy phát triển cho mình thay cho tư duy cố định. Song song đó còn có các hoạt động giúp con em bạn hình thành tư duy phát triển. hãy cùng Compassion xem qua và thực hành chúng mỗi ngày nhé!




Thách thức giọng nói của Tư duy Cố Định trong đầu bạn

Hoạt động này gồm bốn bước khá gay go nhưng nó có thể giúp bạn hình thành nền tảng cho Tư duy Phát triển về lâu dài sau này.


Bước 1: Hãy học cách nghe ra tiếng nói của tư duy cố định khi nó khởi lên trong đầu bạn

Hãy chú ý nhận ra ngay tiếng nói của kiểu tư duy này bật lên trong suy nghĩ mỗi lúc bạn đối mặt với thử thách mới mẻ hoặc đặc biệt làm bạn nản chí. Đây là giọng nói của tư duy cố định, và nó chỉ nói những thứ tiêu cực về chính bạn và khả năng của bạn. Tiếng nói này có thể bảo là “Bạn thật sự nghĩ bạn có thể làm điều này ư?” hoặc nói rằng “Đây không phải là một trong các điểm mạnh của bạn, hãy bỏ cuộc và làm thứ gì khác đi!”

Một khi bạn nhận diện được tiếng nói này, hãy chuyển sang bước tiếp theo


Bước 2: Hãy nhận thức rằng bạn nắm quyền lựa chọn trong tay

Sau khi nhận ra rằng mình có có tư duy cố định trong đầu và nó không nhất thiết là tiếng nói đích thực của chính mình thì bạn sẽ nhận ra rằng bản thân có quyền lựa chọn có nên lắng nghe giọng nói này hay không. Hoàn toàn do bạn quyết định cách chính mình muốn diễn giải và phản ứng lại với những thách thức, thất bại, chỉ trích và sai lầm.

Hãy nói với chính mình rằng bạn nắm quyền lựa chọn và nỗ lực hết sức mình để tin vào điều này!


Bước 3: Hãy cất lên tiếng nói của Tư duy Phát triển để đáp trả lại Tư duy Cố định

Khi tiếng nói của tư duy cố định cứ dai dẳng bủa vây bạn, hãy đáp trả nó. Hãy đặt câu hỏi cho nó, hãy chất vấn những kết luận của nó và nói chung hãy đối đáp lại nó bất cứ khi nào bạn có thể.

Nó có thể nói rằng “Bạn có dám chắc mình có thể làm được không? Có lẽ bạn không có đủ điều kiện cần thiết”

Bạn có thể đáp lại rằng “Hiện tại tôi không chắc mình có thể làm được, nhưng tôi nghĩ mình có thể học hỏi dần theo thời gian và cứ nỗ lực không ngừng.”

Nếu nó lại nói “Lỡ may bạn thất bại thì sao? Bạn sẽ trở thành một kẻ bạn trận!”, hãy đáp trả lại nó rằng “Hầu hết người thành công nào cũng mắc phải sai lầm trong quá trình chinh phục thành công”

Khi bạn vấp phải một thất bại không thể tránh khỏi, tiếng nói của tư duy cố định có thể nói “Có thể dễ dàng thành công hơn nếu bạn có tài năng”. Nếu nó bảo thế, hãy trả lời rằng “Sai rồi. Ngay đến cả người thừa hưởng tài năng vĩ đại nhất cũng cần cật lực làm việc để thành công trong lĩnh vực của mình”.

Hãy làm mọi thứ có thể để thách thức tiếng nói của tư duy cố định và khuyến khích tiếng nói của tư duy phát triển lên tiếng mạnh mẽ.


Bước 4: Hãy hành động với tư duy phát triển

Cuối cùng, khi bạn thực hành rất thành thạo trong việc thách thức tiếng nói của tư duy cố định đồng thời hình thành tiếng nói của tư duy phát triển trong đầu thì việc hành động dựa trên tư duy phát triển càng dễ dàng hơn.

Hãy hành động với tư duy phát triển có nghĩa là:

  1. Đón nhận thử thách trọn vẹn bằng cả con tim

  2. Học hỏi từ thất bại và cố gắng thêm lần nữa

  3. Lắng nghe lời phê bình mang tính xây dựng và hành động tiến lên

Hãy tiếp tục lắng nghe cả hai tiếng nói và hành động theo tiếng nói của tư duy phát triển càng thường xuyên càng tốt, và bạn sẽ tạo nên một nền tảng tư duy đúng đắn.


Làm thế nào để phát triển Tư duy Phát triển cho trẻ em?

Lý thuyết tư duy phát triển này đặc biệt hữu ích để áp dụng cho học sinh. Có những lợi ích rõ ràng về sau để trau giồi tư duy phát triển ở trẻ em ở mọi lứa tuổi và chẳng bao giờ là quá sớm để bắt đầu giúp trẻ hình thành tư duy này! Giáo viên có một cơ hội tuyệt vời để tác động đến suy nghĩ của những đứa trẻ mà họ tương tác hàng ngày. Và có một số điều đơn giản mà họ có thể làm để khuyến khích tư duy phát triển hơn là một tư duy cố định. Ví dụ, giáo viên có thể:

  1. Thiết lập và chia sẻ công khai các mục tiêu giảng dạy với học sinh (ví dụ: “Thầy/Cô đang nỗ lực đưa ra phản hồi xây dựng cho từng học sinh mỗi kỳ”)

  2. Dạy trẻ định hình lại những yếu kém của bản thân thành cơ hội để phát triển

  3. Hướng dẫn trẻ hỏi ý kiến những người khác để có chiến lược hành động tốt hơn

  4. Gợi ý trẻ tìm kiếm sự cố vấn

  5. Tránh ngôn ngữ ngụ ý tư duy cố định về khả năng của bản thân (ví dụ: “Em chưa bao giờ giỏi toán”)

  6. Chia sẻ lỗi lầm của chính họ với học sinh và nghiêm túc đón nhận mỗi một lỗi lầm như một cơ hội để trở nên tốt hơn (theo Character Lab, n.d..)

Cam kết bằng lời để xây dựng tư duy phát triển và khen ngợi dựa trên nỗ lực là một chiến lược tuyệt vời để giúp trẻ phát triển tư duy phát triển, nhưng không chỉ đơn thuần bằng lời nói. Giáo viên và phụ huynh muốn hướng con em mình theo tư duy này cũng nên tập trung vào:

  1. Hãy cải thiện bản thân trước. Để xây dựng tư duy phát triển ở người khác là điều cực kỳ khó, nếu không muốn nói là không thể, nếu đó không phải là tư duy mà bạn cũng đang áp dụng cho chính mình.

  2. Vượt ra ngoài “tư duy trên mặt chữ” và những câu trích dẫn đầy cảm hứng để thực sự tập trung vào việc khuyến khích sự phát triển hơn là thành tích bề nổi và coi thất bại là cơ hội để học hỏi.

  3. Khen ngợi đúng mức, tập trung vào nỗ lực của họ hơn là bất kỳ khả năng vốn có nào.

  4. Tâm niệm trong đầu từ “Vẫn Chưa”. Hãy sử dụng từ “Vẫn Chưa” với trẻ để cho trẻ cảm nhận rằng thất bại không phải là mãi mãi không tiến lên được và trình độ kiến thức hoặc kỹ năng hiện tại của trẻ không phải là bất biến.

  5. Tận dụng những sai lầm mà trẻ mắc phải. Sẵn sàng khen ngợi trẻ vì những nỗ lực của chúng nhưng cũng chỉ ra bất kỳ vấn đề nào trong cách nhìn nhận vấn đề của trẻ và cùng trẻ suy nghĩ những cách tốt hơn để xử lý tình huống.

  6. Cứ để con trẻ thất bại. Một phần quan trọng khác của việc xây dựng tư duy phát triển ở trẻ em là để chúng thất bại thay vì chỉ cho chúng cách làm mọi thứ đúng đắn ngay từ đầu. Thử và sai là một quá trình học tập quan trọng và trẻ em nên thấy thoải mái khi thực hiện quá trình này (theo Gerstein, n.d.).

Hoạt động kích thích xây dựng Tư duy Phát triển cho học sinh và người lớn

Có rất nhiều hoạt động và bài tập mà bạn có thể thử để giúp bản thân hoặc con cái hoặc học sinh của bạn có thêm tư duy phát triển. Hãy thử một trong bốn hoạt động được liệt kê dưới đây và xem liệu hoạt động nào trong số đó có hiệu quả với con bạn, lớp học của bạn hoặc thậm chí cho chính bạn!


1. Hoạt động “Nếp nhăn não trên giấy”

Hoạt động này từ chương trình Project for Education Research that Scales’ (PERTS) sẽ hướng dẫn trẻ em trải nghiệm bài học về tầm quan trọng của thất bại và cách chúng ta có thể sử dụng thất bại như một cơ hội. Hoạt động này sẽ chỉ mất khoảng 15 đến 20 phút. Nếu bạn muốn thử hoạt động này, hãy làm theo các bước sau:

  1. Yêu cầu học sinh viết về một sai lầm mà các em đã mắc phải trong tuần này và cảm giác của các em về sai lầm này.

  2. Đưa cho mỗi học sinh một tờ giấy mới, yêu cầu các em vò nát nó và ném lên bảng với cảm xúc của các em khi mắc lỗi.

  3. Yêu cầu học sinh nhặt lại giấy, vuốt tờ giấy thẳng thớm lại và vẽ từng đường nét bằng các màu sắc khác nhau.

  4. Hỏi học sinh xem các đường nét đó biểu thị điều gì. Giải thích rằng các đường biểu thị tất cả hoạt động của khớp thần kinh (hoặc hoạt động của não, đối với trẻ nhỏ) xảy ra khi mắc lỗi.

  5. Yêu cầu học sinh giữ tờ giấy và dán vào tập hoặc vào đâu đó dễ thấy để luôn có thể mở ra xem lại những khi mắc lỗi. Tờ giấy nhắc nhở hữu hình này thúc đẩy học sinh sử dụng những lỗi sai để củng cố trí não mỗi khi chúng mở ra nhìn lại tờ giấy này.

  6. TÙY CHỌN - Dẫn dắt cuộc thảo luận về những sai lầm bằng cách sử dụng các câu hỏi từ Hoạt động Thảo luận về sai lầm trong lớp (bên dưới) để học sinh hiểu thêm về giá trị của những sai lầm.

2. Hoạt động Thảo luận về sai lầm trong lớp học

Bạn có thể sử dụng nó để bổ sung cho hoạt động đầu tiên hoặc cho riêng nó — bằng cách nào đó, nó sẽ dạy cho trẻ em một bài học quý giá về thất bại. Giới thiệu hoạt động bằng cách nói rằng bạn sẽ nói về lý do tại sao sai lầm là tốt, và cách bạn có thể học hỏi từ chúng. Dẫn dắt cuộc thảo luận về những sai lầm, bắt đầu bằng những câu hỏi sau:


  1. Em cảm thấy thế nào khi mắc lỗi? Tại sao?

  2. Em nghĩ người khác nhìn nhận em như thế nào khi em mắc lỗi?

  3. Em đã bao giờ khám phá ra điều gì đó mới từ việc mắc lỗi?

  4. Em đã bao giờ cảm thấy tự hào khi mắc lỗi?

  5. Có bao giờ sai lầm khiến bạn suy nghĩ sâu sắc hơn về một vấn đề? (Với câu hỏi này, bạn có thể bắt đầu với một tình huống không liên quan đến học tập, sau đó áp dụng bài học cho trường học.)



3. Trò chơi “Sai lầm nhưng không Sa Lầy”

Bài tập này của Barbara trên trang web Mindset Kit là một cách hoàn hảo để học sinh cảm thấy thoải mái khi học hỏi từ sai lầm, dám mắc lỗi và để ý những lỗi sai. Bắt đầu bằng cách giao cho học sinh một loạt các bài toán. Mỗi học sinh phải hoàn thành chúng riêng lẻ.


Khi mỗi học sinh đã hoàn thành bài tập của mình, chia học sinh thành các nhóm nhỏ (bốn hoặc năm học sinh mỗi nhóm) và chỉ định mỗi nhóm một trong các bài toán trình bày cách giải một trong các bài toán trước lớp. Các thành viên trong nhóm nên chia sẻ các bài giải cá nhân với cả nhóm, sau đó tập thể cùng nhau chọn một cách giải để trình bày với cả lớp trên bảng.


Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là họ phải cố ý mắc ít nhất một lỗi trong bài giải của mình! Nhóm có thể chọn lỗi do một trong các thành viên của mình mắc phải hoặc đưa ra lỗi mới, nhưng phải có ít nhất một lỗi sai.


Khi mỗi nhóm đã sắp đặt xong yêu cầu có ít nhất một sai lầm trong cách giải của mình, các nhóm sẽ lần lượt trình bày bài giải của mình trước lớp. Trong khi một nhóm trình bày, cả lớp phải lắng nghe cách giải bài toán của nhóm đó và để mắt soi các lỗi sai trong bài giải. Khi ai đó tin rằng mình đã phát hiện ra sai lầm, họ phải diễn đạt nó dưới dạng một câu hỏi (ví dụ: “Tại sao bạn lại làm theo cách đó?” Hoặc “Bạn có thể giải thích cách bạn đã làm phần đó được không?”).


Quá trình chia sẻ và thảo luận cởi mở về những sai lầm có thể giúp giảm bớt sự kỳ thị về việc mắc lỗi. Nó cũng khuyến khích học sinh đặt những câu hỏi thấu đáo và thoải mái khi nói về những sai lầm của bản thân.


4. Chiêm nghiệm về sai lầm

Đây là một hoạt động tuyệt vời để sử dụng riêng cho một học sinh hoặc một đứa trẻ vừa mắc lỗi mà chúng cảm thấy đặc biệt tồi tệ. Nhắc nhở trẻ rằng sai lầm là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống và chúng có thể được sử dụng như một cơ hội để trưởng thành và cải thiện. Khuyến khích chúng trả lời những câu hỏi này trong nhật ký hoặc trên một tờ giấy:

  1. Chuyện gì xảy ra khi em mắc sai lầm?

  2. Làm cách nào em biết mình đã trả lời sai?

  3. Hãy mô tả cách em bắt đầu nghĩ về vấn đề như thế nào?

  4. Em cảm thấy ra sao khi nhận ra mình mắc phải sai lầm?

  5. Em đã học hỏi được điều gì trong khi mắc phải sai lầm này?

Một khi học sinh có câu trả lời cho những câu hỏi này, hãy thảo luận về sai lầm cùng với chúng. Hãy khen ngợi nỗ lực của chúng, nhận ra rằng chúng đang tiến bộ thông qua việc hoàn tất quá trình chiêm nghiệm này. Và hãy khuyến khích chúng thử các chiến lược giải quyết vấn đề trong tương lai.


Trên đây là các hoạt động mà bạn có thể tự áp dụng cho bản thân và giúp con em mình nâng cao tư duy phát triển. Có thể sẽ gặp những khó khăn bước đầu vì ngăn trở của tư duy cố định và những cảm xúc nản lòng, lo sợ. Tuy nhiên hãy can đảm mở lối cho tư duy phát triển được vươn mầm và cắm rễ sâu trong vùng đất tư duy màu mỡ của chúng ta. Vì hoa trái của chúng chính là sự phát triển, trưởng thành không ngừng của bản thân chúng ta.


 

Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề


 
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết

Là con người, ai cũng trải qua các giai đoạn phát triển thể chất, lý trí, cảm xúc, tinh thần.

  • Về tâm trí, bạn nghĩ khi nào thì tư duy bạn ngừng phát triển?

  • Tư duy con người ở bên trong hộp sọ hay bên ngoài hộp sọ?

  • Nếu bạn đã đụng trần kính vô hình của khung tư duy thì làm sao để giải phóng cho tư duy tự do phát triển?

  • Công cụ nào giúp bạn cởi trói tư duy và tạo thêm nhiều góc nhìn đa chiều mới?

Hãy cùng Compassion khám phá lại vùng đất tư duy của chính mình và phát triển hoa trái ngọt lành của tư duy bằng công cụ Points Of You với Workshop Growth Mindset - Kiến Tạo Tư Duy Phát Triển



 

Khuyến cáo về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây: www.compassion.vn/booking).


 

Thông Tin Về Bài Đăng:

Nguồn bài dịch từ trang gốc (Bài gốc tiếng Anh): https://positivepsychology.com/growth-mindset-vs-fixed-mindset/

Đội ngũ sản xuất:

Người dịch và biên tập: Anh Đào Lê

Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tạiwww.compassion.vn/crowdsourcing. Cộng tác sản xuất nội dungtại đây.

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page