top of page

Làm Thế Nào Để Tạo Động Lực Cho Một Người, Bao Gồm Cả Bản Thân Mình? (Phần 1)

Đã cập nhật: 9 thg 12, 2020

Lời giới thiệu từ Compassion và người biên tập:


Mọi người xung quanh và kể cả bản thân chúng ta ắt hẳn có lúc nào đó cảm thấy mất động lực và muốn buông xuôi tất cả. Lúc ấy ta như khúc củi bị ngấm nước nên quá ẩm ướt không thể nào “cháy” lên nổi mà chỉ có thể bốc khói um lên mù mịt. Những thời khắc như thế ta rất cần tự biết cách tạo động lực cho chính mình. Rồi đến khi có dịp thấy bạn bè người thân mình bị đánh mất động lực hay cần tiếp thêm năng lượng tinh thần thì rất có thể những lời nói, hành động khuyến khích động viên chính là những món quà vô giá chúng ta có thể gửi trao cho nhau. Nếu bạn biết cách thắp lên ngọn “lửa” động lực thì dù cho chuyện gì có xảy ra đi chăng nữa, bạn đều có thể tự thắp nên ngọn đuốc của chính mình và người khác. Bạn có muốn biết cách làm sao để thắp lửa động lực không?


Để trả lời câu hỏi trên, Compassion đã chọn chuyển ngữ một bài viết tuy khá dài nhưng rất hữu ích về làm cách nào tạo động lực cho chính mình và người khác. Bài viết được đăng tải thành hai phần. Phần một chúng ta sẽ thảo luận về phương pháp tạo động lực nói chung và đưa ra các chiến lược tạo động lực mà chúng ta có thể áp dụng. Mời các bạn đón đọc bài viết dưới đây.



Tất cả chúng ta dường như đều biết cách làm sao để sống tốt, nhưng rất ít người trong chúng ta có thể tự mình thực sự làm điều đó. Nhiều chiến lược động lực được đề ra thường xuyên bị bỏ dở giữa chừng và cho thấy chúng không hiệu quả khi đưa vào thực nghiệm khách quan. Chúng ta có thể đưa ra các chiến lược và khuyến nghị về cách thúc đẩy bản thân hay người khác. Thật không may, những gì dễ làm thì hiếm khi có hiệu quả.

Khoa học có thể được mô tả như là nghệ thuật của sự tinh giản hóa mang tính hệ thống. (Karl Popper)

Bài viết này giới thiệu một loạt các phương pháp thúc đẩy hành vi của con người và đưa ra các ví dụ về kỹ thuật và chiến lược tạo động lực cũng như các kỹ năng mà người ta có thể phát triển để khích lệ bản thân và người khác hiệu quả hơn.

PHƯƠNG PHÁP TẠO ĐỘNG LỰC

Hãy tưởng tượng nếu chúng ta được hỏi: “Làm sao tôi có thể thúc đẩy nhân viên của mình sáng tạo hơn và làm việc chăm chỉ hơn?”. Có lẽ chúng ta có thể nhanh chóng đưa ra một câu trả lời và gợi ý có vẻ thỏa mãn, ví dụ, trả lời với họ rằng hãy cung cấp các ưu đãi phúc lợi hấp dẫn. Mặc dù đây có vẻ là một giải pháp khả thi, nhưng những loại câu trả lời này hiếm khi hiệu quả, chưa kể đôi khi chúng cũng có thể tạo ra tác hại nghiêm trọng, chẳng hạn như làm tổn hại chính động lực mà người này tìm cách thúc đẩy.


Những người nghiên cứu động lực đủ lâu, thường nói với chúng tôi rằng họ đi đến hai kết luận: (1) không phải tất cả các nỗ lực để thúc đẩy người khác và bản thân đều thành công, và (2) những gì dễ làm trong thực tế hiếm khi mang lại hiệu quả nhất. Dựa trên phát hiện chung rằng “những gì dễ làm hiếm khi có hiệu quả” thì đó là lý do tại sao các nhà nghiên cứu động lực phải quay lại bảng vẽ nhiều lần để thực hiện công việc khó khăn là thiết kế các biện pháp can thiệp hiệu quả và hỗ trợ động lực.

Trong số tất cả các triển vọng mà con người có thể có, dựa trên trên cơ sở điều kiện đạo đức hiện tại của người đó, điều an ủi nhất là mong chờ một điều gì đó lâu dài và tiến xa hơn tiến tới một viễn cảnh chắc chắn tốt hơn. (Immanuel Kant)

Nhiều người trong số những người cần áp dụng các chiến lược tạo động lực cho công việc và cuộc sống của họ cũng đi đến kết luận tương tự. Giáo viên có xu hướng thành công hơn nhiều trong việc thúc đẩy học sinh chuyên tâm học tập khi họ dành thời gian để biến kế hoạch bài giảng thành các hoạt động mà trẻ thấy thú vị, gây tò mò và truyền cảm hứng cá nhân. Các nhà lãnh đạo đã thành công hơn nhiều trong việc thúc đẩy nhân viên của họ sáng tạo và làm việc chăm chỉ khi họ chấp nhận quan điểm của nhân viên và mời gọi họ tạo ra các mục tiêu công việc do chính mỗi nhân viên tự đề xuất. Ngay cả các bậc cha mẹ cũng thành công hơn trong việc khuyến khích con cái họ tham gia vào các hành vi xã hội mang tính xây dựng khi họ nỗ lực để thực sự hiểu lý do tại sao con cái mình không muốn trở nên tích cực giao tiếp xã hội và dành thời gian để giải thích cho chúng những lợi ích của việc tham gia vào các hoạt động đó.


Khi chúng ta thay thế đưa ra các chỉ thị và mệnh lệnh bằng cách làm việc kiên nhẫn và chăm chỉ để nhìn nhận tình huống từ quan điểm của người khác, khi chúng ta hỏi người khác về tình huống vấn đề đang xảy ra và các kiến nghị họ đề xuất, và khi đó chúng ta sẽ tập hợp tất cả thông tin đó lại với nhau để đưa ra một số mục tiêu và chiến lược mang tính xây dựng, thế là chúng ta thường thấy rằng mình có xu hướng thành công hơn trong việc thúc đẩy người khác. Mặc dù tất cả các cách tiếp cận này để động viên và thu hút người khác dường như hơi khó thực hiện, nhưng chúng rất đáng để nỗ lực học hỏi cách thức làm sao để thực hiện điều này tốt hơn.

Dù bạn nghĩ rằng bạn có thể, hay nghĩ rằng bạn không thể, bạn đều đúng. (Henry Ford, 1863–1947)

Động lực là một quá trình phức tạp để giải thích và không kém phần phức tạp để nhận thức đầy đủ. Ngành khoa học nghiên cứu về động lực cho chúng ta biết rằng động cơ là những trải nghiệm bên trong có thể được phân loại thành nhu cầu, nhận thức và cảm xúc bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tiền đề như các biến cố môi trường và bối cảnh xã hội. Những sức mạnh bên trong và bên ngoài chỉ cho chúng ta cách thức có thể can thiệp để tăng động lực lên. Tùy thuộc vào tình huống khó xử về động lực mà chúng ta đang phải đối phó, ta có thể thiết kế các biện pháp can thiệp nhắm vào nhu cầu thể lý hoặc tâm lý, hiện tượng nhận thức cụ thể liên quan đến trạng thái động lực hoặc trạng thái cảm xúc cũng như điều chỉnh môi trường để tạo ra bối cảnh tối ưu để tăng động lực.

CHIẾN LƯỢC TẠO ĐỘNG LỰC

Mục đích chính yếu của việc nghiên cứu động lực là chuyển dịch lý thuyết động lực thành các chương trình can thiệp mang tính thực tế và thiết kế cũng như thực hiện các can thiệp thành công để cải thiện cuộc sống của con người.


Thông thường các tình huống khó xử về động lực sẽ quyết định loại can thiệp nào sẽ được sử dụng, có thể là can thiệp dựa trên nhu cầu, can thiệp dựa trên nhận thức hoặc can thiệp dựa trên cảm xúc. Các kỹ thuật và chiến lược tạo động lực được mô tả dưới đây đưa ra ví dụ về cách chúng ta có thể can thiệp vào hiện trạng động cơ bắt nguồn từ các nguồn khác nhau này và phác họa ra sơ bộ bề mặt của nhiều phương pháp tiếp cận động lực.


Ngoài ra còn có một số can thiệp khá tinh vi và rất thành công trong các bài viết của chúng tôi về Động lực trong giáo dục, Động lực trong công việc và Phỏng vấn tạo động lực để thay đổi hành vi, cũng như các ví dụ về các hoạt động và bảng biểu có thể được tìm thấy trong bài viết của chúng tôi về Công cụ tạo động lực.



Chiến lược tạo động lực: Đáp ứng nhu cầu tâm lý

Các nhu cầu tâm lý khác nhau thúc đẩy nên hành vi. Theo Lý thuyết Tự quyết định (Self-Determination Theory), chúng ta là nguồn gốc, căn nguyên hay ngọn nguồn của hành vi được lựa chọn tự do của chính chúng ta (Ryan & Deci, 2008). Lý thuyết Tự quyết định đã xác định ba nhu cầu tâm lý cơ bản mà chúng ta hướng đến để đáp ứng:

  • Tự chủ (tự quyết)

  • Năng lực (khả năng và hiệu quả)

  • Liên kết (liên quan và thuộc về)

Nhu cầu liên kết xảy ra trên chuỗi kết hợp từ đầu dây này gắn kết với đầu kia. Chúng ta có động lực để hình thành mối quan hệ tích cực lâu dài với những người khác, theo giả thuyết thuộc về. Ví dụ, khi chúng ta trải qua sự loại trừ xã hội, nó có thể dẫn đến cảm giác khó chịu, mất tự chủ và tê liệt và có thể cảm thấy có động lực mạnh mẽ để thiết lập lại các kết nối xã hội. Nhu cầu thuộc về được thỏa mãn bằng cách thiết lập mối quan hệ với người khác.


Daniel Pink, trong cuốn sách của ông “Drive: The Surprising Truth About What Motivates Us”, giải thích lý do tại sao ngày nay, phần thưởng bên ngoài không hiệu quả vì hầu hết chúng ta không thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên dựa trên quy tắc (2009). Ông lập luận khá thuyết phục rằng chúng ta cần tạo ra môi trường nơi động lực nội tại phát triển mạnh, nơi chúng ta có thể sáng tạo và đạt được sự hài lòng từ chính các hoạt động.

Con người di chuyển một ngọn núi bắt đầu bằng cách mang đi những viên đá nhỏ. (Confucius)

Nếu tự chủ là cài đặt mặc định của chúng ta, thì việc để cho chúng ta lựa chọn về nhiệm vụ, thời gian, đội nhóm và kỹ thuật là một cách để tăng tính tự chủ. Khi kết hợp với các cơ hội phát triển và làm chủ, động lực nội tại của chúng ta tăng lên thông qua sự tham gia.


Pink nói với chúng ta rằng làm chủ là một tư duy, nó đòi hỏi nỗ lực và nó giống như một tiệm cận nơi chúng ta đến gần nó nhưng không bao giờ nhận ra nó hoàn toàn. Ông cũng nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc phấn đấu hướng tới một điều gì đó lớn hơn chính bản thân ta. Mục đích, theo Pink, không phải là thứ dùng để trang trí, mà là một nguồn khát vọng và định hướng quan trọng (2009).


Các nhu cầu tâm lý được công nhận khác bao gồm:

  • Nhu cầu xác quyết

  • Nhu cầu nhận thức

  • Nhu cầu về ý nghĩa

  • Nhu cầu quyền lực

  • Nhu cầu tự trọng

  • Nhu cầu đạt thành tích

Nhu cầu xác quyết thúc đẩy chúng ta tránh sự mơ hồ và đi đến một kết luận chắc chắn. Điều này có thể có ý nghĩa đối với các mối quan hệ và khả năng hoạt động hiệu quả khi chúng ta nhận ra mình phải luôn đáp ứng với sự phức tạp ngày càng tăng của môi trường và sự thay đổi của hoàn cảnh. Để đáp ứng nhu cầu xác quyết, chúng ta có thể cung cấp những kỳ vọng rõ ràng và các mục tiêu được xác định rõ ràng, có thể đo lường được, phản hồi thường xuyên và các mốc thời gian.


Nhu cầu nhận thức đề cập đến mong muốn hiểu các trải nghiệm của con người và những điều trong môi trường của chúng ta thông qua suy nghĩ. Khi chúng ta thấy mình bị buộc phải suy nghĩ bằng đầu óc của mình, đưa ra những đánh giá tức thì hoặc sử dụng trực giác và không nỗ lực để suy ngẫm về trải nghiệm của mình, chúng ta có thể gặp căng thẳng và lo lắng. Cung cấp thông tin và lý do thuyết phục cho lý do tại sao các nhiệm vụ cần được thực hiện có thể giúp đáp ứng nhu cầu hiểu biết nhiều hơn.


Nhu cầu về ý nghĩa thúc đẩy chúng ta hiểu cách ta liên quan đến môi trường, địa lý, văn hóa và xã hội. Điều này trở nên đặc biệt quan trọng sau các sự kiện thảm khốc hoặc bi kịch cá nhân. Theo mô hình tạo ý nghĩa, sau những sự kiện đau thương, chúng ta có động lực mạnh mẽ để khôi phục ý nghĩa. Điều này có thể được thực hiện thông qua phương pháp được gọi là tư duy nghịch đảo thực tế khi chúng ta xem xét các lựa chọn thay thế tương phản mạnh với tình hình hiện tại của mình. Nói cách khác, cuộc sống của một người có thể như thế nào nếu một sự kiện (nghịch đảo thực tế) khác xảy ra hoặc đã xảy ra?


Nhu cầu về quyền lực thúc đẩy chúng ta mong muốn được chú ý, muốn ảnh hưởng lên cuộc sống người khác, được chỉ huy và có địa vị cao. Nghề nghiệp cho phép thực thi quyền lực hợp pháp có thể mang lại cơ hội cho tầm nhìn, sự công nhận và thành công cho những người có động lực quyền lực. Đáp ứng nhu cầu kiểm soát cũng có thể liên quan đến việc phụ trách một tổ chức.


Nhu cầu về lòng tự trọng đề cập đến cảm giác đánh giá của một người về bản thân. William James tin rằng lòng tự trọng phụ thuộc vào bao nhiêu phần cái tôi khả thể, mà ông gọi là kỳ vọng, chúng ta đã đạt được hoặc trở thành. Một quan điểm đương đại về lòng tự trọng định nghĩa nó theo khía cạnh tùy biến của giá trị bản thân khi lòng tự trọng biểu lộ ra trong các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như năng lực học tập. Thành công và thất bại trong một lĩnh vực cụ thể sẽ làm tăng hoặc giảm lòng tự trọng tương ứng, và mang lại cho chúng ta một mức độ giá trị bản thân tùy biến trong lĩnh vực đó. Chúng ta có thể tăng mức độ tự trọng của mình bằng cách giảm số lượng cái tôi khả thể hoặc bằng cách tăng số lượng thành công. Lòng tự trọng đáng kính của chúng ta bị hạ thấp khi ta giảm số lượng thành công hoặc tăng số lượng kỳ vọng.


Nhu cầu đạt thành tích được hướng dẫn bởi hai nguồn nội tại: động lực để đạt được thành công và động lực để tránh thất bại. Khi chúng ta muốn làm tốt mọi việc, kiên trì và có tiêu chuẩn xuất sắc cao, chúng ta được cho là có nhu cầu đạt thành tích. Động cơ để tránh thất bại được đặc trưng bởi sự sợ hãi và lo lắng về thất bại trong một nhiệm vụ. Xác suất thành công và thất bại và giá trị khuyến khích của thành công và thất bại là những yếu tố quyết định khác của hành vi đạt được thành tích có trong lý thuyết động lực thành tích. Nhu cầu thành tích có thể được thỏa mãn bằng cách hoàn thành các nhiệm vụ đầy thách thức.

Chiến lược tạo động lực: Can thiệp vào nhận thức

Một trong những hiện tượng nhận thức quan trọng nhất trong bối cảnh của động lực là quan niệm về bản thân mình (self-concept) của chúng ta; làm thế nào chúng ta định nghĩa nó; làm thế nào chúng ta liên hệ bản thân với xã hội; những cách thức mà theo đó chúng ta sử dụng chính quan niệm về bản thân mình để phát triển tiềm năng cá nhân; và cuối cùng, làm cách nào chúng ta điều chỉnh bản thân để cho phép theo đuổi mục tiêu (Reeve, 2018). Quan niệm về bản thân là một ví dụ về cơ chế nhận thức, nó nắm giữ một vai trò trong động lực.


Ở đây nhận thức được coi là một động lực thúc đẩy trong đó ý tưởng cơ bản là nếu bạn thay đổi nội dung suy nghĩ của mình, thì bạn sẽ thay đổi trạng thái động lực của mình. Điều tương tự cũng áp dụng cho các hiện tượng nhận thức khác như kế hoạch, mục tiêu, suy nghĩ, ý định, ghi nhận, giá trị, niềm tin chủ chốt, tự tin vào năng lực cá nhân, bất hòa, kiểm soát nhận thức, kỳ vọng, quan niệm về bản thân, bản sắc cá nhân, tự giác điều chỉnh hành vi, cái tôi khả thể, và tự kiểm soát, đó là một số các hiện tượng có thể kể ra.

Chúng ta không nhìn thế giới như nó vốn có, ta thấy nó như bản thân chúng ta vốn biết. (Anais Nin)

Quan niệm bản thân được ta học hỏi và nó xuất phát từ cách chúng ta thể hiện tinh thần của mình trong các lĩnh vực cụ thể như thành tích học tập hoặc mối quan hệ giữa các cá nhân. Các sơ đồ bản ngã (self-schema) này tạo ra hai loại động lực: hướng tới bản thân nhất quán và bản thân khả thể. Chúng ta được tạo động lực để hướng hành vi của mình theo những cách xác nhận quan điểm bản thân và tránh những điều mâu thuẫn.


Chúng ta cũng quan sát người khác và xem xét một bản thân khả thể trong tương lai mà chúng ta muốn trở thành. Những bản ngã khả thể này trở thành mục tiêu dài hạn tiếp thêm năng lượng, định hướng và duy trì động lực để phát triển con người chúng ta hiện nay đang là, hướng tới bản thân lý tưởng mà ta kỳ vọng (Reeve, 2018).


Bản sắc cá nhân là bản ngã trong bối cảnh văn hóa và cách bản thân tương quan với xã hội. Chúng ta thừa nhận vai trò xã hội như một người mẹ hoặc một giáo viên và chúng ta hành động để thiết lập, xác nhận và khôi phục ý nghĩa văn hóa của bản sắc cá nhân theo vai trò đó. Chúng ta cũng tạo kết nối đến các nhóm xã hội với các liên kết, sở thích và giá trị được chia sẻ, xa hơn nữa chúng còn góp phần vào sự hình thành bản sắc của chúng ta.


Quan niệm về bản thân cũng có một động lực nội tại, hoặc cơ chế, của chính nó. Khi bản thân chúng ta thực hiện những sở thích, và năng lực vốn có của mình để phát triển, nó sẽ mở rộng bản thân lên một mức độ đa dạng phức tạp ngày càng tăng. Theo đuổi các mục tiêu cuộc sống xuất phát từ cơ chế động lực cá nhân tạo ra một nỗ lực nâng cao và sức khỏe tâm lý tốt hơn.

Chiến lược tạo động lực: Cảm xúc là một cách phản hồi tính hiệu quả của việc tạo động lực

Những thay đổi trong cảm xúc, hành vi và cảm giác hạnh phúc có thể được sử dụng như là sự phản hồi trong nỗ lực thúc đẩy, động viên người khác theo những cách hiệu quả. Các can thiệp làm thay đổi trạng thái cảm xúc theo hướng tích cực, tạo ra hành vi có giá trị hoặc mang lại cảm giác hạnh phúc có thể sử dụng những thay đổi này để tạo thành một vòng phản hồi tích cực và do đó làm tăng động lực theo đuổi mục tiêu.


Ví dụ như, khen ngợi có thể gợi lên những cảm xúc tích cực, trong khi các chương trình khuyến khích tính tự chủ được mô hình hóa có thể làm tăng ý thức về năng lực thông qua sự tiến bộ dần dần trong nhiệm vụ. Một số trải nghiệm chủ quan về sự an lành hạnh phúc từ bài tập thể hiện lòng biết ơn đến rèn luyện đối mặt với sợ hãi có thể được sử dụng như là nguyên nhân kích thích sự thay đổi và một hình thức phản hồi tích cực. Chúng tạo ra những thay đổi dần dần trong cảm xúc và cảm giác an lành hạnh phúc cũng như tạo ra sự thay đổi tiến bộ trong hành vi thông qua kỷ luật.


Chiến lược điều chỉnh hướng tập trung chú ý là một cách khác để can thiệp vào phản ứng cảm xúc của chúng ta nhằm để tăng động lực. Nó cho phép chúng ta xem xét lại cách chúng ta nhìn thấy một tình huống và chọn lựa “đóng khung” tình huống đó theo góc nhìn mới, giống như thể ta tìm kiếm một đường viền bạc lấp lánh bao xung quanh đám mây đen. Những cách điều tiết cảm xúc này có thể hữu ích trong việc nghịch đảo lại thói quen kìm nén cảm xúc, đó là khi tất cả các cơ hội thiết lập sự kiểm soát cảm xúc ngay từ đầu đã bị bỏ lỡ, và người đó chỉ đơn thuần cứ theo nếp cũ cố gắng đè nén một sự kiện cảm xúc tiêu cực. (Reeve, 2018) .


Phần 1 của bài viết “Làm Thế Nào Để Tạo Động Lực Cho Một Người, Bao Gồm Cả Bản Thân Mình?” tạm dừng ở đây. Mời các bạn đón đọc phần 2 ở đây: Làm Thế Nào Để Tạo Động Lực Cho Một Người, Bao Gồm Cả Bản Thân Mình? (Phần 2)



 

Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề


 
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết

Trong thế giới nghề nghiệp, kinh doanh ngày nay con người không chỉ lao động, kinh doanh nhằm mục đích duy nhất là kiếm tiền nữa. Đã có một bước nhảy lượng tử về nhận thức trong mỗi người, chúng ta như bị bản năng tự nhiên quan tâm những thứ quan trọng khác ngoài tiền bạc, thành công, danh tiếng, địa vị.


Những thứ mới mà ta quan tâm đó là ý nghĩa công việc mang lại, một cộng đồng thế giới lớn hơn, những mối quan hệ chất lượng, niềm hạnh phúc trọn vẹn trong mối quan hệ công việc và cuộc sống cá nhân.


Nếu bạn cũng có mối quan tâm và mục đích tạo ra môi trường làm việc hiệu suất cao, đầy ý nghĩa, hạnh phúc thì hãy cùng đến và chia sẻ với Compassion trong buổi chia sẻ Bupsyness - Mang Tâm Lý Học Vào Quản Trị Kinh Doanh



 

Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).


 

Nguồn bài dịch: https://positivepsychology.com/how-to-motivate-someone-or-yourself/ Người dịch: Hải Yến ; Người biên tập: Anh Đào Lê Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page