top of page

Làm Sao Để Biến Tính Dễ Bị Tổn Thương Thành "Siêu Năng Lực" Của Chính Bạn?

Đã cập nhật: 4 thg 7, 2020


Lời giới thiệu từ Ban biên tập Compassion:
Con người ta trên đời này có ai hoàn toàn trơn nhẵn không một tì vết trên người hay chẳng có bất kỳ vết thẹo nào trong lòng trong suốt bao nhiêu năm sống trên đời? Cố hết sức che đậy nguỵ trang những vết xước sẹo đó hay khoe khoang như thể chúng như là những "vết tích chiến công" thì có chứng tỏ chúng ta mạnh mẽ?

Cách chúng ta đối xử những "vết sẹo" trong quá khứ cũng chính là cách chúng ta nhìn nhận các điểm yếu đuối dễ tổn thương của bản thân và những hoàn cảnh cảm thấy mình đầy mong manh dễ vỡ. Nếu cách thức chúng ta đang sử dụng không làm mình hạnh phúc, mở rộng bản thân mà thay vào đó làm ta thêm sợ hãi và co cụm mình lại thì vì sao chúng ta lại cứ tiếp tục dùng cách thức đó?

Sức mạnh của tính mong manh, dễ tổn thương chính là khả năng giúp ta cởi mở tiếp nhận, xúc chạm, tương tác với thế giới bên ngoài để phát triển bản thân đa dạng phong phú hơn. Có lẽ yêu thương bản thân chân chính là dám cho phép mình dễ bị tổn thương, sẵn sàng chữa lành vết thương và chấp nhận những thương tích sứt sẹo đó như một phần chính mình. 

“Hãy ngân lên những chiếc chuông vẫn còn có thể vang vọng được. Hãy quên đi sự dâng hiến hoàn hảo của bạn. Có một vết nứt, vết rạn trong mọi thứ. Đó là cách ánh sáng len lỏi vào sâu bên trong" - Leonard Cohen

Loài người chúng ta là những tạo vật của xã hội. Phần lớn, chúng ta ưa thích ở cùng với người khác, và ta muốn người khác cũng thích ở bên cạnh chúng ta. Vấn đề là chúng ta bị trói buộc trong việc cố gắng phải giao tiếp bằng một phiên bản của mình mà ta nghĩ rằng người khác thấy thu hút.

Chúng ta muốn thể hiện ra mình thành công, thú vị, điềm tĩnh và mình là kẻ chiến thắng! Để giữ hình tượng này chúng ta làm việc cực lực để che giấu đi những khía cạnh của chính mình mà ta không cảm thấy tự tin chắc chắn, hay chúng ta không giỏi giang. Điều cuối cùng ta muốn làm là phô bày tính yếu đuối hay có vẻ như khiếm khuyết. Vì thế, chúng ta phóng chiếu ra ngoài phiên bản hoàn hảo nào đó về chính mình mà thấy tin chắc rằng ta được yêu quý và cần đến.



Sự thật là ta không thể nào duy trì hành động này dài lâu. Chắc chắn sẽ xảy ra khoảnh khắc sẽ có điều gì đó thôi thúc chúng ta mạnh mẽ đẩy đến cực điểm khiến ta quyết định mình không thể nào giả tạo vờ vịt nữa. Chúng ta thể hiện ra bản ngã chân thật - sứt sẹo, can đảm, đầy mâu thuẫn, vật vã và đích thực là con người .

Đây là thời khắc chúng ta trải nghiệm tính mong manh dễ tổn thương như là một "siêu năng lực". Khi chúng ta cho phép bản thân mình có thể bị thương tổn, ta không hề giả vờ, không hề giấu giếm che đậy - chúng ta đơn giản hiện diện với bất cứ điều gì đang diễn ra bên trong nội tâm mình. Trớ trêu thay, chính cảm giác chân thật này thu hút mọi người đến với chúng ta chứ không phải là nỗ lực mơ hồ của chủ nghĩa hoàn hảo.

Vì sao ta không dung thứ cho tính dễ bị tổn thương

Nhiều người trong chúng ta không được dạy dỗ cách trở nên dám sẵn sàng chịu tổn thương, chúng ta đã phải học hỏi để đối mặt với những thách thức cuộc sống chực chờ trên đường đời.

Mẹ tôi là một người theo đạo Tin lành Ulster sinh trưởng trong một gia đình đông con, thuộc tầng lớp lao động, không có kiên nhẫn cho những chăm chút tình cảm âu yếm. Gia đình của bà yêu thương nhau nhưng nghiêm khắc, và bà nuôi nấng tôi theo cùng cách nuôi dạy con cái như vậy. Tôi lại là đứa con đầu lòng - đầy cảm xúc, nhạy cảm, hiếu kỳ - và phải gánh chịu mọi thứ mẹ tôi nhớ về Ireland khi bà quyết định kết hôn với một người Anh và định cư tại London.

Từ những năm tháng đầu đời, tôi có thể nhớ mẹ mình thúc ép mình che giấu đi những cảm xúc của mình trước mặt người khác và không bao giờ, không lúc nào được để cho người khác nhìn thấy tôi đau khổ tổn thương hay trong cơn đau đớn. Bà cảnh cáo tôi nếu tôi mà làm thế thì tôi sẽ bị nhìn nhận là kẻ yếu đuối, và hiển nhiên sẽ bị lợi dụng, và cuối cùng biến thành kẻ ngốc bị người ta lừa gạt.

Bà ấy là mẹ tôi, và bà đang cố gắng bảo vệ tôi bằng cách làm cho tôi thấm nhuần các giá trị mà bà đã lớn lên cùng nó. Tôi mất hàng năm trời để nhận ra cái âm vọng trong đầu mình dù đôi lúc tôi vẫn rơi tõm lại thói quen cũ. Cái tiếng nói nội tâm thúc đẩy tôi không được tự biến mình thành kẻ ngớ ngẩn ngờ nghệch, phải giữ khoảng cách an toàn của mình lại chính là tiếng nói được nội tâm hoá thời thơ ấu của chính tôi cho những nỗi sợ hãi của mẹ mình.

Cái ý tưởng tìm kiếm sức mạnh trong việc cho phép bản thân được mong manh nhạy cảm là một thứ xa vời mờ ảo nằm ngoài rìa ý thức của tôi.

Xấu hổ là đối thủ thường trực của tính dễ bị tổn thương

Brené Brown là nhà nghiên cứu tiên phong về sự xấu hổ và tính dễ bị tổn thương. Cô ấy định nghĩa xấu hổ là “cảm giác hay trải nghiệm đau đớn sâu sắc về niềm tin cho rằng chúng ta có tì vết và do đó không xứng đáng được yêu thương và thuộc về nơi nào đó”.

Kristen Neff, nhà nghiên cứu nổi tiếng về lòng tự trắc ẩn (self-compassion), cho chúng ta biết rằng xấu hổ là cách thức tiến hóa của việc che giấu đi những khiếm khuyết của ta trước người khác để họ chấp nhận ta vào trong nhóm. Bị hắt hủi ra khỏi bộ lạc đồng nghĩa với chắc chắn là chết.

Để xấu hổ tồn tại, nó cần bí mật, im lặng và ý thức phán xét. Rất khó cho chúng ta để mở miệng nói ra những điều ta thấy xấu hổ vì nó. Do đó khi chúng ta mắc lỗi lầm, ta rất dễ tự động cố gắng bao biện hoặc đổ lỗi cho người khác hơn là tự thừa nhận mình đã làm sai - bởi vì lúc đó chúng ta đang thể hiện mình dễ bị tổn thương.

Câu chuyện của chính tôi về xấu hổ và tính dễ bị tổn thương

Có một khoảnh khắc xảy ra trong cuộc đời tôi khi sự thật hiện ra rành rành trước mắt là tôi không thể có con. Tôi đã luôn muốn có một gia đình thật đông đúc, và cái ý tưởng không sinh được đứa con nào hoàn toàn là khủng khiếp.

Dĩ nhiên, có một nỗi đau buồn ghê gớm cần làm nguôi ngoai đi, nhưng điều khiến tôi không nhận ra đó là cảm giác xấu hổ sâu sắc. Em gái tôi sắp lập gia đình, cũng như vài người bạn của tôi nữa, và tôi cảm thấy bị loại ra khỏi một bước ngoặt trưởng thành quan trọng của phụ nữ. Nỗi thất vọng của ba mẹ tôi hiện rõ ràng ra mặt - bất chấp những lĩnh vực khác của đời tôi vô cùng thuận lợi tốt đẹp, tôi vẫn không thể trở thành mẹ.


Tôi nhớ mình đã khao khát dõi mắt theo những đứa trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ biết bao nhiêu, nhìn chúng như thể đứng từ phía bên kia của một hố ngăn cách lớn. Có một ngày khủng khiếp kia, tôi thấy mình cứ quẩn quanh quầy hàng dành cho trẻ con ở một cửa hàng lớn, ngắm nghía tất cả những món quần áo và đồ chơi nhỏ xíu đó. Tôi nhận ra mình hoảng loạn biết bao và lén lút ngoái đầu nhìn lại sau lưng xem có ai đó đang trân trối nhìn mình không.

Có một giọng nói trong đầu tôi bảo rằng “Cô không phải là phụ nữ đích thực. Đừng quanh quẩn ở đây nữa, họ sẽ tới và tống cổ cô ra ngoài. Cô không có quyền đứng ở nơi đây!”. Thấy quá bứt rứt trong lòng đến nỗi tôi liền quày quả rời khỏi cửa hàng bỏ về.

Thay vì chăm lo cho nỗi đau đớn trong lòng mình và chấp nhận các cảm giác mong manh dễ tổn thương của bản thân, tôi lại cảm thấy mình khiếm khuyết và đầy hổ thẹn. Dường như thể tôi là người tệ hại nhất hành tinh, là kẻ thậm chí còn không có quyền nghĩ đến việc làm mẹ. Cuối cùng là, tôi đủ may mắn tìm thấy được một nhà tham vấn xuất sắc ở một trung tâm dành cho phụ nữ đã giúp đỡ tôi vượt qua và chấp nhận hoàn cảnh của mình mà không thấy xấu hổ nữa.

Nhận ra sự dễ tổn thương của người khác giúp bạn chấp nhận chính mình

Tôi quá chú tâm nhớ đến cái cảm giác hổ thẹn vì không thể sinh con đến nỗi tôi quên rằng còn có những người khác ngoài kia cũng phát hiện ra họ vô sinh vì lý do này hay lý do khác. Cảm giác của tôi khi đó là mình mới là người tệ hại nhất trong số những người tệ hại và không ai có thể đau khổ như tôi. Nhiều năm sau, trong khi điều trị xạ trị, một quan điểm khác hoàn toàn mở ra trước mắt tôi.

Bất kỳ ai mắc bệnh ung thư và đang trong quá trình xạ trị đều biết rằng cuộc điều trị này buộc phải mỗi ngày lui tới bệnh viện, năm ngày một tuần và kéo dài tận vài tuần lễ. Bạn trình diện ở cùng một nơi mỗi ngày và giáp mặt y chang với cùng đội ngũ y bác sỹ đó - bạn trở thành thứ một lối mòn quen thuộc.

Bạn không có xu hướng nghĩ quá nhiều về những thứ giống như là cái bạn đang lao nhao nghĩ ngợi trong đầu mỗi ngày, cả một nhóm những người khác cũng vậy. Bạn có thể chú ý một số trong số họ, thậm chí bạn có thể nói chuyện một chút. Hầu hết thời gian mọi người đến với một người thân thuộc, một thành viên gia đình hoặc một người bạn.

Bạn luôn luôn có thể chỉ ra được người nào đang mắc bệnh - họ bao trùm mình trong không khí dễ tổn thương, mong manh. Bạn có thể thấy người thân của họ đang làm hết sức để chăm lo cho họ. Có một cảm giác sâu sắc của sự quan tâm chăm sóc và cả yêu thương trong khu vực chờ khám.

Tôi nhớ một người phụ nữ lớn tuổi, rõ ràng là bà đã trải qua hóa trị. Bà ấy đội một bộ tóc giả nhìn chẳng hợp với bà cho mấy. Tôi thấy chồng bà dịu dàng chỉnh trang và vuốt mái tóc cho thẳng thớm lại trên đầu bà cùng với cử chỉ rất ân cần chu đáo. Nó mang cho tôi nhận thức rằng tính dễ tổn thương là một phần trong điều kiện sống của con người.

Tất cả chúng ta phải đối mặt với những điều thách thức chúng ta và làm ta sợ hãi. Không ai miễn nhiễm với đau khổ và đau đớn. Là con người, tất cả chúng ta đều ở trên cùng một chiếc thuyền, làm hết sức mình để lèo lái theo hướng đi của mình thông qua bất cứ điều gì cuộc sống đặt ra trên đường đời chúng ta.

Nhận thấy những người khác cũng dễ tổn thương giúp ta chấp nhận tính dễ tổn thương của mình. Cho phép bản thân sẵn sàng mong manh dễ tổn thương là một sự giải thoát vô cùng lớn, là nơi khởi đầu cho một thứ gọi là tự nhận thức.


Quan sát tất cả những người đang đối diện với những nỗi sợ hãi và lo lắng của họ với lòng kiên nhẫn và nghiêm túc tĩnh lặng, nó cho tôi thấy rằng khi chúng ta cho phép bản thân được dễ tổn thương thì chúng ta có thể nhận thấy lòng can đảm và sức mạnh sâu sắc nhất của mình.

Nghệ thuật Kintsugi Nhật Bản - Hàn gắn những mảnh vỡ bằng vàng ròng

Tôi gần như là vô tình biết đến hình thức nghệ thuật này. Đồ gốm vỡ được hàn gắn lại bằng sơn mài trộn với vàng, bạc hoặc bạch kim. Thay vì cố gắng sửa chữa các mảnh vỡ sao cho vô hình không thấy được, che giấu sự thật rằng chúng đã từng bị vỡ nát, thì các vết nứt được chuyển thành chi tiết trang trí. Các mảnh vỡ trở nên có giá trị hơn vì những chỗ nứt vỡ của chúng.

Đối với tôi, đây là biểu tượng hoàn hảo cho thấy tính dễ tổn thương chính là "siêu năng lực". Chúng ta chuyển từ việc cố gắng che đậy sự mong manh dễ thương tổn thành chấp nhận rằng nó hiện hữu ở đó và đặt chân đến một nơi mà chúng ta có thể chuyển hóa những bài học ta đã kinh qua thành trí tuệ khôn ngoan và sự thấu hiểu.


 

Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).


 

Người dịch: Anh Đào Lê

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing -

Cộng tác làm nội dung tại đây

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page