top of page

Khi bạn là một HSP - Làm thế nào để đương đầu với lo âu?

Đã cập nhật: 29 thg 7, 2019

Từ việc nhận thức đến hành động để làm chủ cuộc sống của một người có tính nhạy cảm cao, điều đó sẽ giúp bạn tự tin hơn và nhận ra rằng HSP (Highly Sensitive Person - Người Có Tính Nhạy Cảm Cao) không còn trở thành rào cản khiến bạn khước từ những niềm vui bình dị hằng ngày, hay hơn cả là những niềm hạnh phúc lớn lao mà bạn luôn xứng đáng nhận được.


Là một người có tính nhạy cảm cao, đồng nghĩa với việc hàng ngày, thậm chí hàng giờ, cảm xúc của bạn bị chi phối bởi người khác. Khi sự nhạy cảm ấy được cộng hưởng cùng với những cực độ của môi trường xung quanh, như: tiếng ồn, ánh sáng, đám đông, sự vội vàng… khiến bạn cảm thấy quay cuồng. Rất nhiều những HSP (High Sensitive Person – Người có tính nhạy cảm cao) cảm thấy sợ hãi tới run người khi phải trải qua những hoàn cảnh đó. Cảm giác này được hiểu là biểu hiện của trạng thái lo âu thường được thấy ở những người rất nhạy cảm.


Hiểu bản thân mình là một người dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc lo lắng, bạn cũng nên biết rằng cũng có những cách thức để giúp bạn vượt qua những thời điểm khó khăn ấy.


  • Vậy chính xác thì cảm xúc lo lắng ấy là gì?

Bạn sẽ cảm thấy bản thân đang trải qua sự hoảng sợ, bồn chồn trước mỗi lần phỏng vấn xin việc, hay trong buổi hẹn hò đầu tiên. Bạn có cảm thấy đôi tay bắt đầu đẫm mồ hôi và nhịp tim cứ đập liên hồi. Miệng của bạn bắt đầu khô đi khi cơ thể bạn ngập ngụa với hormon “adrenaline” – loại hormon được tiết ra mỗi khi chúng ta lo lắng. Trạng thái lo âu này khiến việc tập trung trở nên khó khăn hơn, đảo lộn những sinh hoạt hằng ngày của bạn và bạn trở nên vô thức bị cuốn theo những tình huống hay hoạt động đẩy bạn vào trạng thái lo âu đã trải qua trước đó. Rồi chúng ta trở nên ngày càng dễ rơi vào trạng thái hoảng sợ.


HSP thường đón nhận những kích thích từ môi trường bên ngoài khá nhạy bén nên họ thường rơi vào trạng thái lo lắng. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng những người dễ bị giật mình thường sẽ có tính nhạy cảm cao, dễ bị rối loạn lo âu hơn những người khác, sở hữu những mã genes khác biệt là điều khiến họ cảm thấy khó khăn hơn với việc xử lý những cảm xúc kích thích từ môi trường bên ngoài.


Là một HSP, bạn hãy chấp nhận rằng những cảm xúc đó hoàn toàn là phản xạ bình thường khi những gì bất ngờ hoặc quá mạnh mẽ ập đến, khiến chúng ta hoảng sợ. Cảm xúc là điều giúp bạn nhận thức được môi trường xung quanh, dẫn đến hành động phản xạ “chiến đấu hay rút lui”. Khi mà kiểu phản ứng này rất hữu hiệu lúc bạn đang sống giữa một bầy lợn rừng hay những con linh cẩu đang đói (Ai mà không cảm thấy biết ơn với hành vi phản xạ “bỏ chạy” để trốn thoát chứ?), thì nó lại bị suy yếu đi khi vấn đề ở đây không phải là đối mặt với một con hổ mà là một deadline đến hạn hay một cuộc gọi nhỡ. Tình hình lúc này là bạn vẫn phải ngồi yên vị ở bàn làm việc hay tại nhà, nhưng cơ thể bạn lại phản ứng như thể bạn cần phải làm gì đó thật nhanh. Và nó làm huyết áp bạn tăng lên và bạn rơi vào trạng thái sẵn sàng để làm bất cứ thứ gì. Khi nguồn năng lượng vật lý này không được giải phóng, giống như việc bạn cầm theo một cái xiên và rượt đuổi con hổ, bạn sẽ ngay lập tức cảm thấy cơ thể mình run lên, toát mồ hôi, bạn có thể cắn móng tay hay sẽ cứ mãi quanh quẩn với những suy nghĩ làm sao mà chẳng thể nào thoát ra nổi.


Bên cạnh những phản ứng thể chất, lo lắng có thể khiến bạn sợ hãi, đề phòng, mất cân bằng, cáu gắt và khó để thư giãn hoặc tập trung. Bạn có thể cảm thấy vô cùng khao khát tìm kiếm sự trấn an từ những người khác, bạn trở nên xúc động và yếu đuối, và lệ thuộc (Về mặt tâm trí). Điều này ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của bạn và bạn sẽ bắt đầu tưởng tượng ra những tình huống xấu nhất. HSP thường là những người sáng tạo và có trí tưởng tượng vô cùng phong phú, dẫn đến việc bạn sẽ bắt đầu suy diễn về những điều tiêu cực khi ai đó đến trễ hay một người bạn làm cho bạn thất vọng. Nó khiến việc giữ bình tĩnh và tự nhủ rằng mọi chuyện vẫn ổn thôi trở nên vô cùng khó khăn.


  • Tuy nhiên, bạn có thể đương đầu với cảm xúc lo âu này.

Hãy nhận thức rõ ràng về việc bạn là một người nhạy cảm và từ đó học cách đối mặt rồi giải quyết chúng. Dưới đây là những gợi ý cho bạn:

  1. Học cách nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng lo lắng, chẳng hạn như miệng khô hoặc tim đập nhanh.

  2. Đừng bao giờ chạy trốn khỏi nỗi sợ. Điều đó thật sự chỉ khiến tình trạng lo âu của bạn trở nên tồi tệ hơn. Hãy đối mặt với nó và tự nói với mình rằng “Đó chỉ đơn giản là một nỗi lo lắng”. Bạn sẽ vượt qua nó và sẽ cảm thấy ổn hơn.

  3. Hãy nhớ rằng bất cứ những kịch bản về “tận thế” nào cũng chỉ là kết quả của vốn tưởng tượng phong phú của chính bạn. Chúng không hề có thật. Vì vậy, hãy bỏ qua chúng.

  4. Hãy hít thở. Chúng ta thường thở rất gấp và nông mỗi khi cảm thấy lo lắng, điều này càng làm cho việc thư giãn trở nên khó khăn. Hít thật sâu và thở đều vài hơi sẽ làm cho bạn bình tĩnh hơn.

  5. Hãy thử các kỹ thuật thư giãn để giúp bạn giải tỏa căng thẳng, chẳng hạn như thiền, yoga hoặc nghe nhạc. Tập thể dục cũng là một phương pháp hữu hiệu để đốt cháy hormone adrenaline.

  6. Nếu bạn đang ở trong một mối quan hệ khiến bản thân cảm thấy lo lắng, bạn nên xác định rõ ràng hơn về những ranh giới của những cung bậc cảm xúc mà bạn gặp phải từ mối quan hệ này, để từ đó biết cách tiết chế và bảo vệ cảm xúc của mình. Nhất là nếu bạn đang trong một mối quan hệ với một Narcissists (Người mắc chứng Rối loạn nhân cách ái kỷ), thì bạn lại càng dễ bị tổn thương hơn. Hãy học cách buông tay họ.

Kiểm soát được sự lo lắng đồng nghĩa với việc bạn có thể kiểm soát cuộc sống của mình. Từ đó, bạn sẽ thấy rằng nỗi sợ của bạn không còn mang bạn đi quá xa với những niềm vui thường nhật, sự an yên trong tâm hồn, là những thứ mà bạn hoàn toàn xứng đáng được tận hưởng từng ngày.


 

Thông tin về bài viết Tổ chức dịch và xuất bản: www.compassion.vn/about Bài gốc tiếng Anh: https://www.psychologytoday.com/us/blog/sense-and-sensitivity/201210/coping-anxiety-hsp Người dịch: Vũ Ngọc Mai

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page