top of page

Growth - Fixed Mindset: Khác Biệt Giữa Tư Duy Cố Định Và Tư Duy Phát Triển

Đã cập nhật: 1 thg 12, 2020

Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Compassion.vn

Người ta nói rằng một người tài giỏi là người "Đầu đội trời, chân đạp đất". Đầu phải là nơi hướng đến không gian phát triển bao la vô bờ bến. Cho nên nếu ta để đầu mình biến thành tảng đá cứng ngắc thì khó lòng tiến bộ được. "Đầu đá" là hình ảnh ẩn dụ cho Fixed Mindset - Tư duy Cố định. Ngược lại, với Growth Mindset - Tư duy Phát triển, ta biến đầu mình thành mảnh đất màu mỡ để các hạt giống nảy mầm rồi phát triển cao lớn vươn lên trời xanh.

Mời bạn đọc bài viết sau để tìm hiểu về Tư duy Cố định, Tư duy Phát triển và cách thức hình thành Tư duy Phát triển cho mình nhé!


 

Có thể bạn đã nghe nói về đường hướng làm việc tích cực năng nổ trước đây — nó đã lôi cuốn mọi người vào việc coi trọng khả năng nỗ lực làm việc không ngừng. Tất nhiên, làm việc chăm chỉ luôn được coi trọng. Chúng ta biết rằng làm việc chăm chỉ (và làm việc thông minh) là một cách hay để đạt được mục tiêu của mình. Câu hỏi không nằm ở việc chúng ta coi trọng giá trị của công việc đến mức nào, mà là liệu chúng ta đã quá đề cao tầm quan trọng của khả năng thiên bẩm hay chưa. Thật dễ dàng để nhìn vào thành tích của những người đặc biệt và nghĩ rằng thành công của họ đến từ năng khiếu bẩm sinh của họ. Rốt cuộc, Einstein đã không thể tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực vật lý lượng tử chỉ với trí thông minh dưới mức trung bình, phải không? Liệu Michael Jordan có thể trở thành cầu thủ xuất chúng nếu như anh ấy không có tài năng bóng rổ vốn có?


Tất nhiên, câu trả lời cho cả hai câu hỏi trên là “Không”. Những người đặc biệt nhất trong bất kỳ lĩnh vực nào sẽ không thể đứng đầu nếu không có một số khả năng bẩm sinh. Tuy nhiên, có một điểm quan trọng mà nhiều người không thấy. Đó là, bạn không trở thành người vĩ đại nhất nếu chỉ dựa vào tài năng bẩm sinh của mình.


Einstein không chỉ dành một vài buổi chiều để viết một cuốn sách sau đó quay lại và thư giãn. Michael Jordan không bỏ qua các buổi tập và thư giãn khi rảnh rỗi. Cần một lượng tài năng đáng kinh ngạc VÀ nỗ lực chăm chỉ để trở thành người giỏi nhất trong bất cứ điều gì. Mặc dù đại đa số chúng ta sẽ không trở thành người giỏi nhất trong nghề nghiệp của mình, nhưng chính sự thật đơn giản này giúp ta nhận ra một điều quan trọng, đó là: chúng ta đạt được vị trí của mình nhờ sự kết hợp giữa khả năng và nỗ lực bẩm sinh. Ngoại trừ những trường hợp cực kỳ hiếm về di truyền, gen của chúng ta không xác định bất cứ điều gì về chúng ta. Chúng ta có ảnh hưởng đáng kinh ngạc đến các kỹ năng và khả năng của mình — có thể tác động nhiều hơn mức chúng ta nghĩ.


Có một khái niệm giúp người ta tin tưởng vào khả năng phát triển và thay đổi điều mà một số người khác cho là đặc điểm cố định hoặc bất biến, đó là: Tư duy Phát triển (Growth Mindset). Nếu bạn quan tâm đến việc tìm hiểu tư duy phát triển là gì và cách phát triển tư duy đó, bạn đã đến đúng nơi! Mời bạn đọc tiếp để tìm hiểu thêm về tư duy phát triển so với tư duy cố định.


Mục lục:

  1. Định nghĩa Tư duy Phát triển là gì?

  2. Tư duy Cố định là gì?

  3. Sự khác biệt chính giữa Tư duy Phát triển so với Tư duy Cố định là gì?

  4. Ví dụ về Tư duy Phát triển

  5. Làm sao thay đổi tư duy của bạn?



Trước khi chúng ta đi sâu hơn nữa, hãy dành một chút thời gian để xác định một số thuật ngữ quan trọng mà chúng ta sẽ sử dụng thường xuyên trong bài này.


1. Định nghĩa Tư duy Phát triển (Growth Mindset) là gì?

Tư duy Phát triển là “việc hiểu rõ rằng khả năng và sự hiểu biết có thể phát triển” (theo Mindset Works, n.d.). Những người có tư duy phát triển tin rằng họ có thể trở nên khôn ngoan, thông minh hơn và tài năng hơn thông qua việc bỏ thời gian rèn luyện và nỗ lực.


2. Tư duy Cố định (Fixed Mindset) là gì?

Mặt khác, tư duy cố định là một kiểu tư duy cho rằng khả năng và hiểu biết là tương đối cố định. Những người có tư duy cố định có thể không tin rằng trí thông minh có thể được nâng cấp lên hoặc bạn chỉ có hai lựa chọn “có hoặc không có” khi nói đến khả năng và tài năng.


3. Sự khác biệt chính giữa Tư duy Phát triển so với Tư duy Cố định là gì?

Sự khác biệt chính giữa hai tư duy là niềm tin vào giới hạn bất di bất dịch của trí thông minh và khả năng. Một bên coi tư duy là không thể thay đổi, chỉ có ít hoặc không có chỗ cho sự thay đổi theo cả hai hướng. Trong khi bên kia coi tư duy có khả năng thay đổi nhiều hơn khi có các cơ hội cải thiện (hoặc ngược lại tư duy thụt lùi đi).


Sự khác biệt trong tư duy này cũng có thể dẫn đến sự khác biệt rõ rệt trong hành vi. Nếu ai đó tin rằng trí thông minh và khả năng là những đặc điểm bất biến, họ sẽ không nỗ lực nhiều để thay đổi trí thông minh và khả năng vốn có của mình. Mặt khác, những người tin rằng họ có thể thay đổi những đặc điểm này có thể sẵn sàng bỏ thêm thời gian và nỗ lực để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng hơn. Với tư duy phát triển, các cá nhân có thể đạt được nhiều thành tích hơn những người khác bởi vì họ ít lo lắng về việc phải tỏ ra mình thông minh hoặc giỏi giang và dành nhiều năng lượng hơn cho việc học hỏi (theo Dweck, 2016).


Mặc dù những lợi ích của việc trau dồi một tư duy phát triển rõ ràng là đáng mơ ước, nhưng người sáng lập lý thuyết tư duy phát triển (Carol Dweck) đã nhanh chóng chỉ ra rằng tư duy phát triển không phải đơn giản là nói với bản thân (hoặc người khác) rằng bạn có thể cải thiện; Carol Dweck chỉ ra ba quan niệm sai lầm phổ biến mà cô từng gặp:

  1. "Tôi đã có tư duy phát triển rồi, và tôi vẫn luôn luôn giữ tư duy này trong đầu". Dweck cảnh báo rằng một tư duy phát triển không chỉ đơn giản là tư duy cởi mở, lạc quan hoặc rèn luyện tư duy linh hoạt; nó cụ thể hơn thế.

  2. “Tư duy phát triển chỉ là ca ngợi và khen thưởng nỗ lực”. Mặc dù ca ngợi và khen thưởng nỗ lực nói chung là một ý tưởng tốt, nhưng nó cũng phải được thực hiện đi cùng với sự chú ý đến kết quả nữa. Nỗ lực không mang lại hiệu quả sẽ không được tưởng thưởng, mặc dù vậy việc học hỏi và tiến bộ cũng cần được khen ngợi.

  3. "Chỉ cần có một tư duy phát triển, và những điều tốt đẹp sẽ xảy ra". Áp dụng tư duy phát triển là một bước tích cực có thể dẫn đến kết quả tích cực, nhưng nó không phải là một sự đảm bảo. Tư duy cần được hỗ trợ bằng nỗ lực áp dụng cho các hoạt động quan trọng, dù cho sau đó thành công không phải là tất yếu ta gặt hái được (theo Dweck, 2016).

4. Ví dụ về Tư duy Phát triển

Có thể dễ dàng thấy những ví dụ về tư duy phát triển ở sinh viên. Những người có tư duy phát triển có khả năng xem thử thách là một phần tự nhiên trong quá trình học tập. Họ học hành chăm chỉ hơn và khôn ngoan hơn, điều này giúp họ học hỏi và đạt được nhiều thành tích cao hơn so với những sinh viên có tư duy cố định. Sinh viên có tư duy phát triển có thể thể hiện các hành vi như:

  • Yêu cầu giáo viên trình bày một cách mới để giải toán

  • Tình nguyện trả lời trong lớp ngay cả khi không chắc chắn

  • Đặt câu hỏi ngay cả khi nó có vẻ quá cơ bản hoặc "ngu ngốc"

  • Tìm ra các vấn đề sẽ thúc đẩy chúng phát triển thay vì các vấn đề giữ chúng an toàn trong vùng thoải mái (Character Lab, n.d.)

Có vẻ như tư duy phát triển khó nhận thấy ở người lớn, vì họ không ở trong môi trường học tập liên tục - điều này đúng không nhỉ? Quan điểm về môi trường tạo điều kiện cho tư duy nào đó chính là một ví dụ rõ ràng về tư duy phát triển so với tư duy cố định. Những người có tư duy phát triển có nhiều khả năng coi mọi môi trường đều là môi trường học tập và tìm kiếm các cơ hội để cải thiện kỹ năng và nâng cao kiến thức của họ.

Đối với các ví dụ cụ thể, John Rhodes (2015) chia sẻ một số kịch bản tiêu biểu cho tư duy phát triển ở người lớn:


Ví dụ 1: Chạy đến trễ và bỏ lỡ chuyến xe buýt hoặc xe đưa đón nhân viên

Bạn chắc chắn đã từng rơi vào tình huống sau đây: báo thức của bạn không kêu (hoặc có thể bạn nhấn báo lại quá nhiều lần) và bạn ngủ quên. Bạn nhảy ra khỏi giường và hối hả mặc quần áo vào, bỏ qua bất kỳ phần nào của hoạt động dành cho buổi sáng không hoàn toàn cần thiết trước khi chạy ra ngoài để bắt xe buýt. Khi chạy ra đường, bạn thấy xe buýt đang tấp vào lề và bạn biết rằng mình sắp bị trễ.


Đối với một người có tư duy cố định, kịch bản này có thể phá hỏng cả ngày của họ. Họ có thể cảm thấy tức giận với bản thân hoặc tìm kiếm ai đó hoặc điều gì khác để đổ lỗi. Ngược lại, những người có tư duy phát triển có nhiều khả năng nghĩ về nguyên nhân gốc rễ của tình trạng lộn xộn mà họ đang mắc phải và xem xét cách tránh nó vào lần sau. Họ có thể kết luận rằng họ cần đi ngủ sớm hơn tối nay hoặc đặt báo thức to hơn một chút. Vấn đề là, người có tư duy phát triển sẽ nghĩ cách khắc phục vấn đề vì họ tin rằng nó có thể sửa được.


Ví dụ 2: Nhận phản hồi tiêu cực từ sếp

Một kịch bản khác thể hiện tư duy phát triển: bạn bước vào một cuộc đánh giá nhân viên với sếp và nhận được phản hồi tiêu cực. Sếp của bạn cho rằng bạn không nỗ lực đủ hoặc bạn đang mắc quá nhiều sai lầm hoặc đơn giản là bạn không đủ năng lực để xoay sở thực hiện dự án hiện tại của mình.


Một người nào đó có tư duy cố định có thể quyết định rằng sếp của họ không hiểu gì về điều người ấy đang cố trình bày và hoàn toàn phớt lờ phản hồi. Ngoài ra, họ có thể đồng ý với sếp của mình và nghĩ rằng “Tôi không thể làm đúng điều gì cả. Tôi không có những tài năng cần thiết để thành công". Phản hồi của tư duy phát triển sẽ là xem xét nghiêm túc phản hồi này, đánh giá nó một cách khách quan nhất có thể và tìm kiếm thêm thông tin và hoặc ý kiến khác để so sánh. Nếu sếp của bạn nhìn nhận đúng, bạn sẽ đưa ra các giải pháp khả thi để cải thiện hiệu suất của mình và cố gắng hết sức để thực hiện chúng.


Ví dụ 3: Khen ngợi con bạn

Chúng ta sẽ xem thêm các ví dụ sau, nhưng Rhodes đưa ra một ví dụ điển hình về tư duy phát triển ở cha mẹ: “Trẻ em thích được khen ngợi và cha mẹ thích ca ngợi con mình. Vì vậy, khi con bạn cầm bài kiểm tra toán đạt điểm A đến cho bạn xem, bạn có thể theo lối tư duy cố định và nói: 'Con thật thông minh'. Hoặc bạn có thể theo lối tư duy phát triển và thừa nhận nỗ lực của con và nói: "Chà, con thực sự đã nỗ lực học tập chăm chỉ cho bài kiểm tra đó!" (Rhodes, 2015)


Ví dụ 4: Thực hiện một dự án hoặc nhiệm vụ mới

Khi bạn được giao một nhiệm vụ mới khó khăn tại nơi làm việc hoặc khi bạn thực hiện một dự án đầy thử thách ở nhà, bạn có thể dễ dàng nghĩ rằng “Tôi không giỏi về những thứ này. Đó không phải là thế mạnh của tôi! ”


Bạn có thể đúng khi cho rằng đó không phải là một trong những điểm mạnh của bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể học nó. Người có tư duy cố định sẽ mang suy nghĩ tự đánh bại mình thế này và nghe theo lời nó kết luận rằng chẳng ích gì khi cố dồn hết sức vào một thứ không phải là điểm mạnh của bản thân. Ngược lại, một tư duy phát triển sẽ coi thách thức mới này là cơ hội để phát triển. Người có tư duy này có thể nghĩ “Tôi có thể hiểu được điều này. Tôi cần làm là phát triển các kỹ năng của mình ở trình độ phù hợp? Có lớp học nào tôi có thể tham gia không? Những người tôi có thể nhờ cậy giúp đỡ? Có bất kỳ nguồn lực nào khác có thể giúp ích không?"


Tư duy phát triển sẽ dẫn bạn đến những kỹ năng mới, kiến thức mới và lĩnh vực chuyên môn mới, trong khi tư duy cố định sẽ khiến bạn dậm chân tại chỗ ở nơi bạn bắt đầu — chỉ ở mãi ở tầm kỹ năng ít ỏi trong công việc và chút tự tin mong manh vào khả năng của mình.


5. Làm sao thay đổi tư duy của bạn?

Sau khi đọc những ví dụ này, có thể bạn đang nghĩ “Được rồi, tôi đã bị thuyết phục cần thu nạp tư duy phát triển vào đầu mình! Nhưng làm thế nào để tôi thay đổi tư duy của mình?” Nếu vậy, bạn đang đi đúng hướng! Phần này hướng dẫn tất cả những gì bạn có thể làm để thay đổi tư duy của mình. Điều này có thể không dễ dàng, nhưng bạn có thể sẽ thấy rằng tất cả nỗ lực đều xứng đáng vì những lợi ích của tư duy phát triển mang lại.

Có tám cách tiếp cận chung để phát triển nền tảng cho một tư duy như vậy:

  1. Tạo ra một niềm tin vững chắc mới: niềm tin vào bản thân, vào kỹ năng và khả năng của chính bạn và khả năng thay đổi tích cực của chính mình.

  2. Nhìn nhận thất bại theo một khía cạnh khác: xem thất bại như một cơ hội để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng những gì bạn đã học được vào lần sau.

  3. Trau dồi nhận thức về bản thân (self-awareness): cố gắng nhận thức rõ hơn về tài năng, điểm mạnh và điểm yếu của bạn; thu thập phản hồi từ những người hiểu bạn nhất và tổng hợp lại để có cái nhìn toàn diện về bản thân.

  4. Hãy tò mò và cam kết học tập suốt đời: cố gắng áp dụng thái độ của một đứa trẻ, nhìn thế giới xung quanh với sự kinh ngạc và ngạc nhiên; đặt câu hỏi và thực sự lắng nghe câu trả lời.

  5. Sẵn sàng chào đón những thử thách: biết rằng nếu bạn muốn hoàn thành bất cứ điều gì đáng giá, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách trên hành trình của mình; chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những thử thách này và đôi khi gặp thất bại.

  6. Làm những gì bạn yêu và yêu những gì bạn làm: dễ dàng thành công hơn khi bạn đam mê những gì bạn đang làm. Cho dù bạn nuôi dưỡng tình yêu với những gì bạn đã làm hay tập trung vào làm những gì bạn đã yêu thích, phát triển niềm đam mê là rất quan trọng.

  7. Kiên trì: cần rất nhiều nỗ lực để thành công, nhưng còn cần nhiều nỗ lực hơn cả mức làm việc chăm chỉ — bạn phải kiên trì, vượt qua các trở ngại và đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã.

  8. Truyền cảm hứng và được người khác truyền cảm hứng: bạn có thể dễ bị sa đà vào lòng ghen tị với người khác khi họ thành công, đặc biệt nếu họ tiến xa hơn bạn, nhưng điều đó sẽ không giúp bạn thành công. Hãy cam kết trở thành nguồn cảm hứng cho người khác và sử dụng thành công của người khác để tạo nguồn cảm hứng cho bản thân (theo Zimmerman, 2016).



Hãy tuân theo 8 nguyên tắc này và bạn hiển nhiên sẽ hình thành tư duy phát triển cho bản thân. Để biết thêm các kỹ thuật cụ thể mà bạn có thể sử dụng để bắt đầu xây dựng tư duy phát triển ngay bây giờ, hãy thử 25 gợi ý rèn luyện tư duy phát triển sau từ Saga Briggs (2015):

  • Thừa nhận và đón nhận sự không hoàn hảo của bạn; đừng che giấu những điểm yếu của mình

  • Xem thách thức là cơ hội để hoàn thiện bản thân

  • Hãy thử các chiến thuật và chiến lược học thỏi khác nhau; đừng coi bất kỳ chiến lược nào đều phù hợp cho mọi thứ

  • Tiếp tục nghiên cứu về “độ mềm dẻo” của não để liên tục khuyến khích tư duy phát triển.

  • Thay thế từ “Thất bại” bằng từ “Học hỏi” trong từ vựng của bạn

  • Ngừng tìm kiếm sự chấp thuận của người khác, và ưu tiên việc học hỏi để phát triển hơn sự chấp thuận

  • Coi trọng quá trình học tập hơn là kết quả cuối cùng

  • Rèn luyện ý thức về mục đích và nhận thức rõ mọi việc

  • Chúc tụng sự phát triển của bạn với những người khác và cũng chúc mừng sự phát triển của họ

  • Nhấn mạnh việc học hỏi sâu hơn học hỏi nhanh.

  • Khen thưởng hành động thay vì tính cách

  • Định nghĩa lại “thiên tài” như là sự kết hợp của nỗ lực chăm chỉ cộng với tài năng, thay vì chỉ có tài năng

  • Đưa ra những lời phê bình mang tính xây dựng và chấp nhận những lời phê bình về công việc của bạn đều mang tính xây dựng

  • Loại bỏ mối liên kết giữa hành động cải thiện và thất bại; "điều còn có thể cải thiện tốt hơn" không có nghĩa là "thất bại".

  • Thường xuyên chiêm nghiệm về việc học hỏi của bạn

  • Ưu tiên thưởng cho nỗ lực chăm chỉ trước khi tưởng thưởng cho tài năng hoặc năng lực vốn có

  • Nhấn mạnh mối quan hệ giữa học tập và “rèn luyện trí não;” giống như bất kỳ cơ bắp nào khác, bộ não có thể được rèn luyện

  • Trau dồi bản lĩnh của bạn (quyết tâm và kiên trì).

  • Từ bỏ ý tưởng thành công chỉ nhờ vào tài năng; nhận ra rằng thành công cũng luôn cần nỗ lực làm việc

  • Sử dụng cụm từ “vẫn chưa” thường xuyên hơn, chẳng hạn như câu “Tôi chưa thành thạo”

  • Học hỏi từ những sai lầm mà người khác mắc phải

  • Lập mục tiêu mới cho mọi mục tiêu bạn hoàn thành; không ngừng phấn đấu hướng tới mục tiêu của bạn.

  • Chấp nhận rủi ro và sẵn sàng chịu tổn thương từ người khác

  • Suy nghĩ thực tế về mục tiêu của bạn sẽ mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành và nỗ lực cho đến khi đạt được mục tiêu

  • Hãy làm chủ thái độ của chính bạn và tự hào về tư duy phát triển đang nảy nở trong bạn.

Lời nhắn nhủ cho bạn

Nếu bạn chỉ đọng lại trong đầu một điều sau khi đọc bài viết này, tôi hy vọng rằng đó là niềm tin vào bản thân và khả năng của bạn để trưởng thành, phát triển và vượt qua những gì hiện tại bạn cho là giới hạn của mình. Có một tư duy phát triển không phải là một giải pháp “mì ăn liền” cho bất kỳ vấn đề nào và nó sẽ không tự động khiến những điều tốt đẹp xảy đến với bạn. Tuy nhiên, nó có thể sẽ giúp bạn cảm thấy dễ dàng và thú vị hơn trong quá trình cật lực làm việc chăm chỉ để đạt được mục tiêu, đồng thời mang lại cho bạn sự tự tin cần thiết để đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn bao giờ hết.


 

Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề

 
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết

Về tâm trí, bạn nghĩ khi nào thì tư duy bạn ngừng phát triển?

  • Bạn có học hỏi và tiếp thu thêm kiến thức, kỹ năng, nhận thức mới mỗi ngày chứ?

  • Bạn sẵn sàng tư duy lại những quan niệm, kiến thức, định kiến cũ kỹ?

  • Bạn hành động và suy nghĩ theo thói quen hay linh hoạt ứng biến tùy hoàn cảnh?

  • Bạn thấy thoải mái, dễ dàng làm mọi chuyện theo hướng mới mẻ?

  • Bạn có tự thử thách mình với những cái mới hay gò mình theo khuôn khổ?

  • Bạn thấy mình già nua và không còn khả năng phát triển hơn được nữa?

  • Bạn có đạt được thành công mới, niềm vui mới, sự tiến bộ mới mỗi ngày chứ?

Hãy cùng Compassion khám phá lại vùng đất tư duy của chính mình và phát triển hoa trái ngọt lành của tư duy bằng công cụ Points Of You với Workshop Growth Mindset - Kiến Tạo Tư Duy Phát Triển



 

Khuyến cáo về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây: www.compassion.vn/booking).


 

Thông Tin Về Bài Đăng:

Nguồn bài dịch từ trang gốc (Bài gốc tiếng Anh): https://positivepsychology.com/growth-mindset-vs-fixed-mindset/

Đội ngũ sản xuất:

Người dịch và biên tập: Anh Đào Lê

Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing. Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.


0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page