top of page
  • Ảnh của tác giảSelena

PFA: Khi Bạn Bè Và Gia Đình Gặp Khủng Hoảng, Sang Chấn Tâm Lý, Bạn Có Thể Sơ Cứu Tâm Lý Như Thế Nào?

Đã cập nhật: 31 thg 5, 2021

Đây là chuỗi 03 bài đăng thuộc chủ đề Sơ Cứu Tâm Lý (PFA - Psychological First Aid). Gồm 03 bài bài đăng, nhằm trợ giúp mọi người tìm hiểu về kỹ năng Sơ Cứu Tâm Lý để có thể trợ giúp chính mình, người khác khi gặp các khó khăn về tinh thần. Bạn có thể đọc theo thứ tự sau để hiểu sâu hơn về chủ đề:

Bài 1: Sơ Cứu Tâm Lý Cơ Bản: https://www.compassion.vn/post/fulfill-s%C6%A1-c%E1%BB%A9u-t%C3%A2m-l%C3%BD
Bài 2: Sơ Cứu Tâm Lý Nâng Cao: https://www.compassion.vn/post/fulfill-s%C6%A1-c%E1%BB%A9u-t%C3%A2m-l%C3%BD-n%C3%A2ng-cao-pfa
Bài 3: Lời Khuyên Của Chuyên Gia: https://www.compassion.vn/post/fulfill-ch%C3%BAng-ta-ho%C3%A0n-to%C3%A0n-c%C3%B3-th%E1%BB%83-%E1%BB%A9ng-d%E1%BB%A5ng-s%C6%A1-c%E1%BB%A9u-t%C3%A2m-l%C3%BD

Nhà triết học người Hy Lạp Heraclitus ở Ephesus đã nhấn mạnh rằng thứ bất biến duy nhất là: thay đổi. Chúng ta hiện nay đang sống trong thời đại thay đổi cá nhân, xã hội, kinh tế và chính trị chưa từng có.


Mặc dù thay đổi có thể nâng cao tinh thần, nhưng nó cũng có thể gây ra lo âu. Do những sự việc gần đây, hay có lẽ cuộc sống nói chung, đa số chúng ta đã trực tiếp quan sát một người khác đang bị rối loạn tâm lý, chẳng hạn như bạn bè, thành viên trong gia đình, đồng nghiệp, hay thậm chí là một người hoàn toàn xa lạ. Tương tự như vậy, những người từng quan sát ai đó bị rối loạn thường có động cơ để đưa ra một số hình thức hỗ trợ, nhằm giảm đi nỗi đau mà chúng ta đã chứng kiến. Đôi khi những nỗ lực của chúng ta có hiệu quả, nhưng đôi khi lại không. Vào những thời điểm khác, mặc dù chúng ta đã cố gắng hết sức, nhưng hành động của chúng ta thực sự có vẻ làm cho vấn đề trở nên tệ hơn, làm nặng thêm chứng rối loạn cấp tính.



Trong những lúc như vậy, chúng ta có thể đã than thở về việc sao lại không có một biện pháp tâm lý đơn giản và nhanh chóng, hay một lời cầu nguyện, thần chú sẽ ngay lập tức chấm dứt đau khổ. Để giữ lời hứa mà chúng ta đã hứa với người đang đau khổ rằng "mọi thứ rồi sẽ ổn". Có một lời khuyến nghị trên Tạp chí Tâm thần học (Mỹ) cho biết, ngay sau một sự kiện căng thẳng, những người bị ảnh hưởng cần phải được hỗ trợ tâm lý một cách đồng cảm, thực tế, bắt đầu với sự hiện diện thấu hiểu và cảm thông (Bisson, Brayne, Ochberg, & Everly, 2007, p. 1017). Trong hơn 100 năm qua, đã có một quy trình đơn giản nhưng hiệu quả mà ngày nay chúng ta gọi là sơ cứu tâm lý (psychological first aid - PFA). Hội Chữ thập đỏ Mỹ, hiệp hội Tâm lý học Mỹ, và thậm chí là Liên Hiệp Quốc đã công nhận tầm quan trọng của PFA - Sơ Cứu Tâm Lý. Trong hướng dẫn về ứng phó với sức khỏe tâm thần, Ủy ban thường trực liên cơ quan (IASC) của Liên Hiệp Quốc đã viết rằng đa số những người gặp phải tình trạng rối loạn tâm lý cấp tính sau khi trải qua các sự kiện căng thẳng được "hỗ trợ tốt nhất mà không cần dùng thuốc" và "tất cả nhân viên cứu trợ, đặc biệt là các nhân viên y tế phải có khả năng sơ cứu tâm lý cơ bản" (2007, pp. 118-119).


Định nghĩa sơ cứu tâm lý

Có lẽ cách tốt nhất để định nghĩa psychological first aid - PFA - Sơ Cứu Tâm Lý, đó là nhìn nhận sức khỏe tâm lý tương tự như sức khỏe thể chất. Khi đó, Sơ Cứu Tâm Lý sẽ tương tự như sơ cứu vết thương.

PFA có thể định nghĩa một cách đơn giản là sự hiện diện một cách cảm thông và thấu hiểu. Được thiết kế để làm 3 điều: 1 - Giữ sự ổn định (ngăn căng thẳng trở nên tồi tệ hơn), 2 - giảm nhẹ (giảm sự leo thang của vấn đề và làm dịu vấn đề) căng thẳng cấp tính, 3 - Tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên sâu hơn (nếu cần). Sơ cứu tâm lý không bao gồm chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, giống như sơ cứu vật lý, nó đòi hỏi phải được đào tạo cơ bản để đạt được hiệu quả và giảm nguy cơ vô tình làm cho mọi thứ trở nên tệ hơn (Everly & Lating, 2017).


Theo một trong những tác giả đầu tiên trong lĩnh vực can thiệp khủng hoảng tâm lý, "Một sự trợ giúp đơn giản, thực hiện đúng và có mục đích phù hợp, tập trung vào một thời điểm phù hợp, sẽ hiệu quả hơn những sự giúp đỡ to lớn, được đưa ra vào thời điểm ít khả năng tiếp cận về mặt cảm xúc" (Rapoport 1965, p. 30). Sự giúp đỡ đó có thể được thực hiện một cách hiểu quả bởi bạn bè, giáo viên, huấn luyện viên, người giám sát, hoặc thành viên gia đình, đặc biệt là cha mẹ, nếu tuân theo một số hướng dẫn "sơ cứu" đơn giản nhất định.


Trong thập kỷ qua, Trung tâm Dự Bị Sức Khỏe Cộng Đồng Johns Hopkins (Johns Hopkins Center for Public Health Preparedness) đã làm việc để phát triển một mô hình sơ cứu tâm lý đơn giản nhưng dựa trên bằng chứng xác thực, được gọi là Sơ Cứu RAPID (Theo Everly & Lating, 2017). Mô hình sơ cứu RAPID là viết tắt của 5 chữ: R - Reflective Listening - Lắng nghe có phản hồi, A - Assessment - đánh giá, P - Prioritization - ưu tiên, I - Intervention - can thiệp, và D - Disposition - sắp xếp)

Để ví dụ và làm rõ về việc PFA - sơ cứu tâm lý là thế nào, tôi đã chắt lọc một số bước chính và liệt kê bên dưới. Ở đây, không phải dưới dạng hướng dẫn thực hành, mà để giúp bạn làm quen với quy tình của sơ cứu tâm lý. Mặc dù có vẻ đơn giản, nhưng cũng giống như sơ cứu vật lý, vẫn cần có một số khóa đào tạo chính thức về sơ cứu tâm lý, mới có thể thực hiện được.


Nói chung, có ba tình huống, đi kèm với 3 cách mà PFA có thể bắt đầu:
  1. Nếu Một Người Tìm Đến Bạn: Lắng Nghe mà Không Khuyên Răn Hay Đưa Giải Pháp, Nếu Có Hãy Làm Sau Khi Đã Lắng Nghe Thỉnh thoảng một người có thể tiếp cận bạn và nhờ giúp đỡ. Ví dụ, người bạn thân nhất của bạn gọi và nói, "Này, mình cảm thấy khá căng thẳng, bạn có thời gian để nói chuyện không?" Trong tình huống đó, một câu trả lời đơn giản như, "Chắc chắn rồi, có chuyện gì vậy?" Trong nhiều trường hợp, người đó chỉ muốn trút bầu tâm sự. Họ không có bất kì kỳ vọng nào về việc bạn sẽ giải quyết được vấn đề. Họ đơn giản là chỉ muốn được lắng nghe. Trong những tình huống này, lắng nghe là điều rất quan trọng. Đừng vội đưa ra lời khuyên hay giải quyết vấn đề, trừ khi đó là điều được mong đợi. Khi nghe những gì họ nói, chỉ lắng nghe mà chưa đưa ra thông tin gì. Sau đó, bạn có thể chỉ cần trả lời đơn giản như, "mình thấy rất tiếc khi thấy bạn phải trải qua điều đó, mình có thể giúp gì không?" Lúc này, là một thời điểm tốt để cùng họ xác định rõ vấn đề, và giúp họ lập kế hoạch giải quyết vấn đề để có có thể đối mặt với vấn đề một cách tốt hơn. Nếu người đó từ chối sự giúp đỡ của bạn thì bạn có thể chỉ nói, "Cứ thoải mái cho mình biết bất cứ khi nào, nếu có gì đó mình có thể làm được, cho dù đó chỉ là lắng nghe." Nhưng đừng quên theo dõi người đó sau một hoặc hai ngày để xem họ có ổn hay không.

  2. Nếu một người tìm đến bạn để nhờ giúp người khác: Cách thứ hai để sơ cứu tâm lý, là khi ai đó tiếp cận bạn, nhưng họ thay mặt cho người khác. Họ sẽ đề nghị bạn nói chuyện với một người thứ ba vì có điều gì đó không ổn. Hãy chắc chắc rằng bạn đã xác định cụ thể từ người đó, về điều gì khiến họ tin rằng: có điều gì đó không ổn với bên thứ ba. Ví dụ, giáo viên của con trai bạn có thể liên lạc với bạn và nói con bạn dường như đang có thời gian khó khăn ở trường. Câu trả lời của bạn có thể là: "Điều gì đang khiến thầy/cô bận tâm?" Đó có thể là điểm số, xung đột với các học sinh khác, hay chỉ là một sự thay đổi hơi bất thường trong hành vi của con bạn. Với những thông tin đó, tại đúng thời điểm, bạn có thể nói với con mình, "Hôm qua, giáo viên của con đã nói chuyện với mẹ. Thầy nói con có vẻ đang bị căng thẳng. Gần đây, con có vẻ không giống như bình thường. Có chuyện gì vậy?". Sau khi lắng nghe những gì con bạn nói, nói những điều giống như ví dụ trước có thể hữu ích, "Mẹ thấy rất tiếc vì những gì con đang trải qua, mẹ có thể giúp gì không?" Nếu bạ không thể làm gì để trực tiếp giúp đỡ tại thời điểm đó, thì bạn chỉ cần nói: "Hãy cho mẹ biết nếu có gì mẹ có thể làm, cho dù đó chỉ là lắng nghe." Một lần nữa, việc theo dõi định kỳ xem con bạn có ổn sau đó không là rất quan trọng. Đừng bỏ rơi người đó sau khi đã trò chuyện.

  3. Nếu bạn tự thấy một người cần trợ giúp và tự muốn giúp: Một trong những thách thức đặc biệt khó, là khi mà bạn thấy (hoặc nghe) ai đó có vẻ muộn phiền. Dựa trên mối lo của bạn vì muốn tốt cho người đó, bạn tiếp cận họ, nhưng bạn sẽ nói gì đây? Lúc đó bạn có thể nói, ví dụ như, "Có thể tôi không giúp được, nhưng tôi để ý thấy bạn hôm nay không giống mọi ngày." Hay, "Tôi có thể không giúp được, nhưng tôi thấy bạn có vẻ căng thẳng." Nếu họ đáp lại, hãy hỏi, "Tôi có thể giúp bạn như thế nào?"

Ba tình huống trên chỉ là ví dụ về cách PFA - Sơ Cứu Tâm Lý có thể bắt đầu. Có thể chúng không bao hàm toàn diện về cấu trúc hay phân tích, nhưng những ví dụ này có thể cung cấp cho bạn một vài ý tưởng về cách mà Sơ Cứu Tâm Lý có thể bắt đầu.


Để hỗ trợ thêm, liệt kê dưới đây là 15 điều nên và không nên làm để bạn cân nhắc khi thực hiện Sơ Cứu Tâm Lý.


15 điều nên và không nên làm

  1. Hãy giữ bình tĩnh khi nói chuyện với người bị căng thẳng, phiền muộn. Thể hiện sự quan tâm nhưng hãy tỏ ra yên tâm và tin cậy. Người đó sẽ có được niềm tin từ sự tự tin của bạn.

  2. Đừng để bị cuốn vào tình huống. Hãy nhớ rằng liều thuốc giải tỏa căng thẳng là bình tĩnh và tự tin.

  3. Hãy lắng nghe. Khuyến khích người đó nói về chuyện gì đã xảy ra và phản ứng của họ với những sự việc đó. Nếu người đó không muốn nói vào thời điểm đó, hãy hỏi xem bạn có thể quay lại hỗ trợ sau đó không.

  4. Đừng ngắt lời họ khi họ đang chia sẻ, trừ khi sự tiết lộ thêm thông tin, dường như lại làm tăng thêm vấn đề.

  5. Cố gắng tìm ra "phần tồi tệ nhất" của tình huống, nếu có thể. Hãy làm điều này một cách cẩn thận, và nó có thể giúp bạn tìm ra vấn đề cốt lõi nếu chúng không quá rõ ràng.

  6. Đừng vội vàng, không cần gấp gáp. Nếu người đó ổn định về mặt tinh thần và an toàn, thời gian trôi qua sẽ khiến tình huống giảm nhẹ hơn.

  7. Đừng đánh giá thấp vấn đề của họ. Đừng đánh giá thấp sự lo lắng của họ hay nói những câu đại loại như, "Nhưng, ít nhất thì..." như một nỗ lực để làm xao nhãng hoặc nghĩ rằng sẽ giúp họ cảm thấy tốt hơn.

  8. Đừng hành động theo định kiến, hay thói quen về những gì bạn nghĩ người đó cần. Hãy hỏi họ cần gì (Everly, Brelesky & Everly, 2018). Nhìn từ góc độ như vậy sẽ tăng lòng tin của họ với bạn.

  9. Đừng ngần ngại hỏi những câu cụ thể về trách nhiệm mà người đó phải hoàn thành với người khác (mối quan hệ quan trọng, chăm sóc trẻ, hay người già) hoặc phải thực hiện một nhiệm vụ trong công việc nào đó.

  10. Đừng ngần ngại hỏi về ý định tự làm hại bản thân hoặc gây hại cho người khác. Điều này không phải khi nào cũng xảy ra, nhưng với những tình huống cảm thấy tuyệt vọng sâu sắc, trầm cảm, tức giận, hoặc thù hận. Trong những trường hợp này, việc hỏi han và theo dõi là rất quan trọng. Trong những trường hợp nguy hiểm hoặc hiếm gặp, bạn có thể phải giúp người đó tiếp cận dịch vụ hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp ngay lập tức.

  11. Đừng hứa nếu bạn không thể giữ lời.

  12. Xác định xem bạn cần làm gì sau cuộc nói chuyện hỏi thăm đầu tiên. Đừng ngần ngại yêu cầu sự trợ giúp từ chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần, nếu bạn lo lắng về tình trạng sức khỏe tâm thần của người đó.

  13. Làm liên lạc viên để kết nối người đó với sự hỗ trợ liên tục, nếu cần.

  14. Ủng hộ người đó tìm kiếm sự hỗ trợ thêm, nếu cần.

  15. Hãy theo dõi một ngày hoặc lâu hơn để xem tình trạng của người đó như thế nào.


Nói tóm lại, PFA - Sơ Cứu Tâm Lý không phải là thuốc chữa bách bệnh, cũng không thể thay thế cho việc chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhưng nhiều năm nghiên cứu và kinh nghiệm đã cho thấy việc nó có thể là một công cụ hữu ích để hỗ trợ người bị rối loạn cấp tính khi được áp dụng bởi những người được đào về sơ cứu tâm lý.

Bản quyền nội dung thuộc về: George S. Everly, Ph.D., 2018.


 

Khuyến cáo về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây: www.compassion.vn/booking).


 

Thông Tin Về Bài Đăng:

Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Selena; Người biên tập: Phạm Đại Bàng

Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tạiwww.compassion.vn/crowdsourcing. Cộng tác sản xuất nội dungtại đây.

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page