top of page

EQ & Career Coach Hằng Hà: Thông Minh Cảm Xúc Là Hành Xử Với Cảm Xúc Một Cách Thông Minh


Dưới dây là bài phỏng vấn của Compassion.vn - được thực hiện bởi Phạm Đại Bàng (người sáng lập Compassion.vn) với expert/chuyên gia Hằng Hà - hiện đang cộng tác với Compassion, ở góc độ chuyên gia về Trí Tuệ Cảm Xúc (EQ) và Career Coach (khai vấn nghề nghiệp). 

Mời độc giả của Compassion.vn đón đọc!

Phần I: Hành trình đến với Trí Tuệ Cảm Xúc (EQ) và Khai Vấn (Coaching)

Nguồn năng lượng & ảnh hưởng tích cực



Phạm Đại Bàng: Em được biết công việc chính của chị là nhân sự, với nhiều năm làm việc trong lĩnh vực nhân sự. Vậy hành trình 'từ một người làm nhân sự đến khai vấn và trí tuệ cảm xúc' của chị như thế nào?


Coach Hằng Hà: Có thể nói, EQ và coaching đến với chị như một cái duyên. Bởi vì chị gắn bó với nghề nhân sự một thời gian khá dài, khoảng 10 năm. Và tình cờ trong một lần, chị được nghe đến coaching từ một người đồng nghiệp, rồi chị tìm hiểu về nó. Lúc ấy chị thấy coaching rất hay, nên chị đi học coaching như một kỹ năng bổ trợ cho công việc chính của mình là nhân sự. Rất đơn thuần vậy thôi.



Nhưng trong quá trình học về coaching, thực hành coaching, được coach và đi coach cho người khác thì chị nhận ra: Cả việc làm nhân sự lẫn coaching, đều cho chị một động lực lớn nhất, năng lượng mạnh mẽ nhất chính là cơ hội được thấy: tiến trình phát triển của người khác. Mà rõ ràng rằng nếu mình làm tốt, thì mình sẽ trợ giúp được cho một người nào đó thay đổi, giúp cho một người nào đó phát triển hơn.



Coaching với yêu thương bản thân


Phạm Đại Bàng: Dạ, đó là động lực từ việc làm nhân sự và lẫn coaching. Vậy với riêng Coaching thì chị nghĩ rằng lợi ích nào là quan trọng mà chúng ta có được khi thực hành?


Coach Hằng Hà: Chị nghĩ rằng cái quan trọng nhất, đối với chị, là nó giúp người ta hiểu về bản thân mình để từ đó chấp nhận và yêu thương bản thân hơn.


Trong quá trình làm việc với mọi người, chị nhận thấy khá nhiều người lúng túng trong việc làm thế nào để biết cách yêu thương bản thân mình, mà để yêu thương thì phải hiểu và chấp nhận bản thân mình như mình vốn là. Và chị thấy coaching chính là một trong số những công cụ khá tốt giúp mình yêu thương chính mình, thông qua:

  • Kết nối với chính bản thân mình hơn

  • Hiểu chính bản thân mình hơn

Sự chuyển hóa: Từ "calmness outside" đến "calmness inside"


Phạm Đại Bàng: Vậy còn câu chuyện EQ, đối với chị thì sao ạ?


Coach Hằng Hà: Với những người từng tiếp xúc với chị, mọi người thường nói rằng: "Hằng là một người có EQ không tệ, hay EQ tốt". Tuy nhiên, chị tự hỏi rằng "Nếu như thực sự kỹ năng EQ của mình tốt, thì tại sao vẫn có những khoảnh khắc mình cảm thấy bị choáng ngợp (overwhelm) về cảm xúc của chính mình?".



Có một quãng thời gian, những đồng nghiệp, khi được hỏi nhận xét về chị thì mọi người thường dùng chữ 'calm' (điềm tĩnh) - rằng chị là một người rất điềm tĩnh. Nhưng bản thân chị thì chị biết rất rõ, cái 'calm' đó chỉ là 'calmness outside' - một cái bề ngoài điềm tĩnh thôi. Bởi yêu cầu của công việc, rằng 'đi làm thì anh/chị phải chuyên nghiệp' - tức là: cảm xúc cá nhân sẽ khiến cho mình trở nên thiếu chuyên nghiệp đi. Nó dẫn tới một thói quen là mình sẽ phớt lờ hay đè nén cảm xúc của mình.


Trong lĩnh vực nhân sự, chị được nghe rất nhiều về EQ, và tình cờ thì chương trình học về coaching mà chị lựa chọn, lại có ứng dụng khá nhiều yếu tố về EQ. Và đó là lần chính thức đầu tiên, khiến chị hiểu sâu hơn, hiểu đúng hơn về: Thực sự EQ nó là thế nào. Nên trong quá trình lựa chọn một kỹ năng bổ trợ cho công việc coaching, chị đã lựa chọn EQ và theo học với Six Seconds.


Khi chị học về EQ và thực hành về EQ, đối với cá nhân chị, nó là một sự chuyển hóa (transformation). Khi thực hành EQ một cách nghiêm túc, nó khiến chị có được một sự 'calmness inside' (điềm tĩnh ở bên trong) - chứ không chỉ là cái 'calmness outside' (bề ngoài điểm tĩnh) do yêu cầu công việc nữa.


Lúc đó chị biết cách điều hướng cảm xúc của mình - mình trở nên là một người 'respond' chứ không còn là 'react' nữa (phản hồi chứ không phản ứng). Lúc đó mình hạn chế được rất nhiều những hành động bị 'trigger' (kích hoạt) bởi cảm xúc - và không bị thiếu đi sự cân nhắc khi hành động với cảm xúc nữa.


Quả thực là những ảnh hưởng tích cực của việc thực hành EQ đối với chị là rất lớn. Chị cực kỳ cảm kích về điều đó. Và đó là lý do mà chị muốn chia sẻ, lan tỏa đến nhiều người hơn. Bởi chị tin rằng: nếu mọi người được biết về EQ, hiểu sâu hơn về EQ, thực hành về EQ thì chắc chắn rằng chất lượng cuộc sống của mọi người sẽ được nâng cấp rất nhiều.


Phần II: Thông Minh Cảm Xúc Là Hành Xử Với Cảm Xúc Một Cách Thông Minh

Phạm Đại Bàng: Bản thân em thấy, EQ - Thông Minh Cảm Xúc tùy theo cách tiếp cận, mà mỗi cách tiếp cận sẽ hiểu EQ một cách khác nhau. Vậy với chị, EQ là gì?


Coach Hằng Hà: EQ đối với chị, đơn giản là: "To be smart with your emotions" - Thông Minh Cảm Xúc Là Hành Xử Với Cảm Xúc Một Cách Thông Minh. Đây là một khái niệm về EQ mà chị rất thích của Six Seconds - nơi mà chị học về EQ.


Phần vì nó bám rất sát chữ Thông Minh - Cảm Xúc, phần vì nó giữ được cả vai trò của IQ (Trí thông minh) đối với EQ. Nó cũng tránh được việc chúng ta chỉ nhìn nhận vai trò của EQ mà bỏ qua IQ. Trên thực tế, EQ thực chất là "sử dụng cảm xúc trong sự cân nhắc, trước khi ra một quyết định", lúc đó mình cần phải áp dụng IQ vào EQ của mình.


Với cách hiểu này, thì thậm chí là những người thiên về thinking (tư duy) và ít có thói quen làm việc với cảm xúc - cũng dễ dàng thực hành. Bởi thói quen tư duy, phân tích sẽ có lợi cho việc nhìn nhận 'Cảm xúc như một dữ liệu' như là một cái cầu nối để khiến họ tiếp cận với EQ dễ hơn.


Chân thực với cảm xúc


Phạm Đại Bàng: Nếu vậy, điều tiên quyết để thực hành EQ theo chị là gì?


Coach Hằng Hà: Thực hành EQ, sẽ đi theo tiến trình: Đầu tiên - mình hiểu được cảm xúc của mình, rồi mình hiểu được lý do vì sao mình có cảm xúc đó, thông điệp của cảm xúc đó muốn gửi đến là gì để từ đó mình có những lựa chọn đưa ra những hành vi sao cho phù hợp (thay vì có những phản ứng bộc phát ngay tức thì hoặc phớt lờ nó).


Do vậy, điều tiên quyết khi thực hành EQ là cần chân thực với cảm xúc của mình. Bởi vì chỉ có chân thực với cảm xúc của mình - thì mình mới chấp nhận rằng mình có cảm xúc đó, và rồi hiểu được cảm xúc của mình nó muốn truyền cho mình thông điệp gì. Thì mới đưa ra được lựa chọn, quyết định của mình với hành vi phù hợp.


Tuy vậy, cũng cần hiểu đúng rằng chân thực, thành thật với cảm xúc là thế nào nữa. Chân thực không có nghĩa là 'mình có thế nào mình thể hiện thế đó với người khác' - không phải khi mình giận là mình thể hiện ngay mình giận, khi mình buồn thì mình nói rằng mình buồn với người khác. Mà đầu tiên, nó là với chính mình. Mình ghi nhận rằng mình có cảm xúc đó, và lắng nghe nó. Để hiểu được điều mà cảm xúc muốn gửi gắm cho mình là gì. Ngay tại đó, mình đã có sự kết nối với chính mình. Và biết cách làm gì với cảm xúc ấy.


Cảm xúc là dữ liệu


Phạm Đại Bàng: Chị chia sẻ một ý rất hay, quả thực 'từ biết mình có cảm xúc gì, đến biết làm gì với cảm xúc ấy' là một khoảng cách khá xa. Đặc biệt là với những cảm xúc tiêu cực.


Coach Hằng Hà: Thực ra, chị nghĩ cách hiểu 'cảm xúc tiêu cực & tích cực, cảm xúc tốt cảm xúc xấu' - là một cách hiểu không đúng lắm.


Tất cả các cảm xúc được sinh ra đều có một mục đích và một thông điệp của nó. Cảm xúc chỉ là dữ liệu thôi. Để từ dữ liệu đó mình sẽ cân nhắc và đưa ra những quyết định phù hợp.



Có thể lấy ví dụ sau đây để thấy, cảm xúc tích cực chưa chắc đã mang lại điều tích cực, và ngược lại.

- Chẳng hạn, khi mà chúng ta cần một sự tập trung, thì cảm xúc vui, tâm trạng phấn khích nó lại là thứ khiến cho mình khó tập trung. Những cảm xúc “không thoải mái" ở cấp độ nhẹ nhàng như lo lắng (anxiety), hoài nghi (doubt) lại hỗ trợ rất tốt.

- Hay khi mà chúng ta đương đầu với những vấn đề lớn, cần sự thay đổi. Lúc đó cần những động lực mạnh mẽ để thay đổi. Thì những năng lượng của các cảm xúc “không thoải mái" ở cấp độ mạnh như: Thịnh nộ (Rage), buồn rầu (grief)... lại khiến điều đó xảy ra. Vì nó tạo ra động lực đủ mạnh.


Vậy thì tóm lại, cảm xúc chỉ là dữ liệu thôi. Mình sử dụng dữ liệu, năng lượng, thông điệp của cảm xúc đó sao cho thông minh để cân nhắc và đưa ra những quyết định phù hợp.


Hiểu đúng về thông điệp của cảm xúc


Phạm Đại Bàng: Chị có thể làm rõ hơn về 'thông điệp của cảm xúc' không?


Coach Hằng Hà: Một trong những năng lực cốt lõi, và đầu tiên khi thực hành EQ đấy là 'Emotional literacy'. Là năng lực mà chúng ta có thể nhận biết và hiểu được các cảm xúc của mình từ đơn giản cho tới phức tạp.


Mà trong đó, không có những định nghĩa chung về mỗi cảm xúc cho tất cả mọi người, chỉ có sự giải thích về các cảm xúc thôi. Bởi vì với mỗi người, sẽ có sự khác nhau đôi chút khi cảm nhận về mặt cơ thể, hiểu về mục đích cũng như thông điệp của cảm xúc đó. Khi đó, mỗi người cần cảm nhận và hiểu được, cảm xúc nào nó sẽ tạo ra cho mình những: phản ứng về cơ thể như thế nào, những thay đổi vật lý ra sao và thông điệp của nó là gì, phục vụ mục đích gì.


Chẳng hạn như, sự sợ hãi - nghe qua thì sợ hãi là một cảm xúc tiêu cực. Nhưng thực tế sợ hãi được sinh ra với mục đích là bảo vệ mình an toàn. Bởi vì, nếu như chúng ta không có sự sợ hãi, chúng ta sẽ không tự bảo vệ mình khỏi nguy hiểm. Chúng ta sẽ làm những việc thiếu an toàn như cho tay vào ổ điện, sẽ không biết tránh khỏi xe đâm... bởi vì không biết sợ và không thấy nó nguy hiểm.


Nếu nó sinh ra với mục đích bảo vệ mình, thì mình sẽ tìm hiểu xem điều gì đã làm mình có cảm xúc đó, điều đó có thực, hay chỉ do mình tưởng tượng ra. Từ đó sẽ biết cách hành xử phù hợp. Và trân trọng vai trò của nó hơn, thay vì né tránh hay phớt lờ nó đi.


Tương tự như Sợ hãi, với những cảm xúc khác cũng vậy: buồn, vui, giận dữ, ngạc nhiên, mong chờ.


EQ - Cần thực hành, lý thuyết không đủ


Phạm Đại Bàng: Quả thực qua sự chia sẻ của chị thì thấy việc hiểu về cảm xúc và thực hành EQ có rất nhiều lợi ích và xứng đáng để thực hành. Vậy chúng ta có thể thực hành nó như thế nào?


Coach Hằng Hà: Đứng trước một cảm xúc, chúng ta thường có thói quen mặc định hành động theo hai kiểu:


- Bộc phát cảm xúc một cách mạnh mẽ: Khi đó chúng ta sẽ không nhận thức được hành vi của mình, và không kiểm soát được hành vi của mình. Điều này có thể để lại hệ quả xấu hoặc sự hối tiếc sau đó.

- Phớt lờ hoặc đè nén cảm xúc: Một cách khoa học, thì cảm xúc có năng lượng, chính vì vậy việc đè nén hay phớt lờ cảm xúc sẽ dẫn đến việc sẽ bùng nổ cảm xúc vào một lúc nào đó. Càng đè nén lâu thì sự bùng nổ càng lớn và hậu quả càng mạnh.


Có thể thấy rõ ràng rằng, cả hai cách này đều dẫn đến những kết quả không tốt. Vì vậy, việc thực hành EQ, là làm sao để mình có sự cân nhắc và điều hướng các cảm xúc sao cho nó phục vụ cho mục đích phù hợp và tối ưu nhất.


Nếu không có kỹ năng về EQ, thường chúng ta sẽ có hai cách mặc định như vậy. Đây là thói quen của não bộ. Do vậy, EQ là một kỹ năng phải thực hành. Bởi thực hành sẽ giúp chúng ta thay đổi thói quen mặc định của mình.


Mà việc biết về EQ mới chỉ là ở mặt hiểu biết mà thôi, việc thực hành EQ sẽ đòi hỏi kiên nhẫn và tạo thói quen trong thời gian dài.


Phần III: Sự chuyên nghiệp ở nơi làm việc và cảm xúc cá nhân

EQ ở nơi làm việc - rất quan trọng


Phạm Đại Bàng: Nếu vậy, có lẽ trong môi trường làm việc, EQ là một trong những kỹ năng rất quan trọng, phải không chị?


Coach Hằng Hà: Đúng vậy, nơi làm việc là một nơi đặc biệt, bởi nó là nơi mà đa phần chúng ta sẽ dành thời gian để phục vụ mục đích làm việc như là một sinh kế của mỗi người - một nhu cầu rất thiết yếu (bên cạnh những mục đích khác như đam mê, lý tưởng...). Ở đó chúng ta có số lượng mối quan hệ nhiều nhất (so với các môi trường khác: gia đình, bạn bè) và nó cũng đòi hỏi kỹ năng quản lý các môi quan hệ rất mạnh mẽ.


Chính vì thế, nếu không có kỹ năng làm việc tốt với cảm xúc, chúng ta có thể gây ảnh hưởng đến các môi trường khác như gia đình, bạn bè. Nên lựa chọn môi trường làm việc để thực hành EQ là một phương án rất tốt và lý tưởng.


Chuyên nghiệp - 'luật bất thành văn'


Phạm Đại Bàng: Trong chia sẻ của chị, chị có nói rằng 'bởi vì trong các môi trường công sở, nơi làm việc, doanh nghiệp thường đề cao tính chuyên nghiệp. Nên mọi người thường không mang cảm xúc cá nhân vào. Dẫn tới việc chúng ta sẽ phớt lờ hoặc đè nén cảm xúc đó đi.


Theo chị, một người làm nhân sự lâu năm và cũng là người thực hành EQ, lý do chính của việc này là gì?


Coach Hằng Hà: Theo góc nhìn cá nhân của riêng chị: Điều này như một 'luật bất thành văn' đã được 'truyền đạt từ thế hệ này qua thế hệ khác'.



Nó là một suy nghĩ mà từ ngày mới đi làm, chị đã được dạy là không được mang cảm xúc vào công việc, bởi như vậy là thiếu chuyên nghiệp. Rồi sau này khi hỗ trợ những người đi sau, chị lại truyền đạt lại điều đó cho những người khác.


Tuy nhiên, thực tế thì, tất cả chúng ta dù ở môi trường nào, cũng đều là con người chứ không phải cỗ máy hay robot. Vì vậy, chúng ta sẽ không thể tránh khỏi có cảm xúc cá nhân. Nhưng vì việc không được thể hiện cảm xúc đó, sẽ dẫn đến đè nén hoặc phớt lờ nó, mà như chia sẻ ở trên, sẽ dẫn đến những kết quả không tốt. Không chỉ cho bản thân, mà còn cho những người đồng nghiệp xung quanh lẫn gia đình, bạn bè.

Cảm xúc - 'Khó quá bỏ qua'



Phạm Đại Bàng: Ở góc độ là một nhà quản trị, em nghĩ việc 'làm việc với cảm xúc của mình cũng như của người khác, là một việc không hề dễ dàng, và cần nhiều kiên nhẫn'. Có khi nào chính vì khó quá và cần nhiều thời gian nên chúng ta chọn cách bỏ qua?


Coach Hằng Hà: Chị nghĩ, việc 'khó quá bỏ qua' cũng là một lý do. Thực tế việc làm thế nào với cảm xúc là một điều không hề dễ dàng, do vậy cách dễ hơn là lờ nó đi, phủ định nó. Điều này không chỉ có ở môi trường làm việc, mà kể cả trong việc nuôi dạy con trong gia đình và ở những môi trường khác nữa.


Ở ngắn hạn có thể điều này phát huy tác dụng, nhưng dài hạn sẽ có những hệ quả và kết quả không tốt. Chúng ta sẽ dần mất kết nối với bản thân (Vì cảm xúc bị lờ đi thường xuyên) và áp lực trở nên nặng nề (vì nhiều cảm xúc không được xử lý).


Phần IV: Những chia sẻ của chị với độc giả

Phạm Đại Bàng: Câu chuyện nào của những thân chủ (coachee, mentee...) mà chị từng hỗ trợ khiến chị ấn tượng và đáng nhớ nhất?


Coach Hằng Hà: Có một câu chuyện vui, về một bạn coachee chị từng hỗ trợ, chia sẻ đến mọi người. Bạn là một người nhận thức được rằng năng lực EQ của bạn còn chưa được tốt và nó đang ảnh hưởng tới sức khoẻ tinh thần của bạn. Sau khi thực hiện bài test về năng lực EQ, thì kết quả phản ánh thực tế đó. Nên bạn đã có một động lực hết sức mạnh mẽ và quyết tâm thay đổi, bạn lên kế hoạch hành động và rất nghiêm túc thực hiện nó với quyết tâm một tháng sau bạn sẽ làm lại bài test này để cho thấy kết quả khác.


Sau vài tuần thực hành, bạn đã chủ động đề nghị dời lại thời gian này: 3 tháng. Đây là thời gian thích hợp vừa đủ để thấy được sự tiến triển của bản thân.


Kể câu chuyện vui đó, để thấy rằng việc thực hành EQ là cả một quá trình, mà mình cần phải có quyết tâm và kiên trì thực hành, không nóng vội để có kết quả trong ngày một ngày hai được.


Phạm Đại Bàng: Nếu chị có cơ hội để truyền tải một thông điệp cho tất cả mọi người về EQ, thì thông điệp đó sẽ là gì?



Coach Hằng Hà: Việc học về Coaching - thực hành Coaching, học EQ - thực hành EQ, đã cho cá nhân chị những sự chuyển hóa rất lớn. Chị cực kỳ cảm kích và biết ơn điều đó. Nên chị rất mong muốn chia sẻ lại những điều này với tất cả mọi người, như một cách trao lại về những gì chị đã nhận được. Thông qua các chương trình mentoring, coaching với các bạn trẻ hay các những người đang làm việc trong môi trường làm việc...


Để mong rằng quãng đường trải nghiệm của các bạn trẻ sẽ đỡ gập gềnh, đỡ chông chênh hơn... và không đơn độc, mà sẽ có những người đồng hành cùng với mình!


Phạm Đại Bàng: Xin được thể hiện sự biết ơn với những chia sẻ rất nhiều thông tin và tâm huyết của chị trong bài phỏng vấn này. Mong rằng những tâm nguyện của chị sẽ được lan tỏa rộng khắp.


Thân mến!


 

Ban biên tập thực hiện:

Thiết kế câu hỏi phỏng vấn: Nguyễn Quỳnh Chi & Đại Bàng

Phỏng vấn: Phạm Đại Bàng

Thiết kế hình ảnh: Joy & Đại Bàng

Hiệu đính nội dung: Phạm Đại Bàng


0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page