Khi chúng ta nghĩ về những đứa trẻ sống dưới cái bóng của cha mẹ, chúng ta có xu hướng tưởng tượng đến con cái của những người đặc biệt nổi tiếng, có tiếng tăm hoặc những người giàu có, những đứa trẻ - bất kể chúng làm gì theo ý riêng của mình - sẽ luôn gây ấn tượng đầu tiên với thế giới như những người con của X hoặc Y. Đằng sau cuộc sống của chúng, những tính cách và khát vọng riêng chẳng có ý nghĩa gì bên cạnh một sự thật căn bản rằng: chúng là con của John Lennon hay Charles Darwin, rằng mẹ chúng là Marie Curie hay bố là người phát minh ra điện thoại.
Nhưng không nên để những trường hợp trên làm chúng ta mất tập trung vào tính phổ biến của câu hỏi chủ đề đang được đề cập: Cha mẹ chúng ta không cần phải tưởng tượng hay khám phá thuyết tiến hóa để có được khả năng tạo ra những cái bóng rất lớn lên cuộc sống của chúng ta, cái bóng không được tạo ra bởi tiền bạc hay danh tiếng, mà bởi sự mạnh mẽ và phức tạp trong tính cách của họ - thứ đe dọa đến việc phát triển đầu óc lành mạnh và tự chủ của chúng ta. Không cần phải là con cái của Elvis Presley hay Công tước của Wellington mới gọi là vấn đề, còn có thể là con trai hay con gái của bất kỳ ai với câu chuyện bất khả xâm phạm trong đầu họ về việc chúng ta cần phải như thế nào mới xứng đáng nhận được tình yêu của họ; bất kỳ người cha mẹ nào để chúng ta khao khát sự chấp thuận của họ thông qua tình thương không nhất quán và không đáng tin cậy của họ, bất kỳ người cha mẹ nào cho chúng ta cảm giác tội lỗi về tính dục hay lo lắng rằng chúng ta bỏ rơi họ khi muốn sống cuộc sống riêng của mình, bất kỳ người cha mẹ nào gửi đi những tín hiệu rằng sẽ tốt hơn nếu chúng ta thất bại trong tình yêu hay có thể chấp nhận rằng anh chị em của chúng ta thật sự tốt tính và đáng giá.
Những cái bóng cảm xúc bao gồm một loạt các mệnh lệnh (thường rất bí mật) yêu cầu những điều đứa trẻ cần làm để đảm bảo được tình thương của họ và, nói một cách siêu hình, đảm bảo được một vị trí trên trái đất này. Thay vì trao cho một vương quốc hay một gia tài, người cha mẹ này ban cho bọn trẻ một bộ quy tắc vô hình: con không bao giờ được ganh đua với thành tích của cha; con không bao giờ được hạnh phúc hơn cha mẹ; con phải yêu thương những người từ chối nhu cầu an toàn của con; con không nên nghĩ mình là người đàn ông hay phụ nữ theo đúng nghĩa; con nên liên tục lo lắng về tiền bạc; con cần phải khắc sâu rằng những gì con làm không bao giờ là đủ... Trên đây là những điều răn ẩn ngầm mà một thế hệ đã vô tình phủ lên tâm lý của thế hệ nối tiếp.
Kết quả là, bằng việc không nhìn rõ lằn ranh của cái bóng hoạt động ngầm, từ mối quan hệ này đến mối quan hệ khác, chúng ta có thể bị lợi dụng hoặc không thể trở nên thoải mái khi nhận được tình thương. Trong công việc, chúng ta có thể nghỉ hưu sớm hơn so với tham vọng thật sự của mình, tự nhủ rằng chúng ta không có đủ tài năng cần thiết, mặc dù có những bằng chứng khách quan cho thấy ngược lại. Việc nổi nóng là bất khả thi. Chúng ta không cho phép bản thân trở nên quá vui hay quá hào hứng. Chúng ta cảm thấy tội lỗi mỗi khi tiêu tiền cho chính mình. Chúng ta chỉ sống nửa cuộc đời mà chúng ta đáng được nhận.
Đồng thời, thông thường, chúng ta nghĩ về cha mẹ mình nhiều hơn chúng ta nên nghĩ tới. Chúng ta vẫn run rẩy trước cơn giận của họ (kể cả khi họ đã mất cách đây 20 năm rồi). Chúng ta lo ngại cho sự khỏe mạnh của cha mẹ, như thể họ là những đứa trẻ; chúng ta liên tục lo lắng rằng họ có thể thất vọng hoặc cảm thấy bị từ chối nếu không có chúng ta. Chúng ta trông chờ sự chấp nhận từ họ - và xem họ là khán giả tiềm ẩn trong mọi nỗ lực hành động của chúng ta. Những ký ức về hệ giá trị của cha mẹ kiềm hãm chúng ta lại bất cứ khi nào chúng ta cố gắng trở nên vui vẻ. Có chút trầm tư u uất khiến chúng ta cảm thấy an toàn và được tôn trọng hơn.
Một cái bóng cảm xúc luôn luôn bắt nguồn từ một sự đe dọa. Thỏa thuận là như sau: làm những gì cha mẹ muốn, hoặc cha mẹ sẽ không còn thương con nữa đâu; làm theo cách mà cha mẹ bảo, hoặc con sẽ phải chịu đựng đau khổ và thất bại. Có thể tình yêu của những người cha người mẹ ưa bảo bọc con cái là rất lớn, nhưng đó không phải là thứ quyền tự chủ đích thực mà con cái cảm nhận được trong tim. Ít nhất họ không nên can thiệp vào việc bọn trẻ chọn cưới ai, công việc nào chúng đang tìm kiếm hay chúng nuôi dạy con cái của mình như thế nào. Trở thành một phụ huynh tốt có nghĩa là sẵn sàng nhường lại quyền kiểm soát, để cho bản thân được lu mờ, không bao giờ trở thành một cái bóng quá lớn trong trí tưởng tượng của trẻ, không tạo ra những thách thức buộc con phải trưởng thành hay thành đạt; không trở thành đối tượng của sự lo lắng hay thương hại, không trở thành nguồn cơn của sự sợ hãi hay cảnh báo; không trở thành người che chở cho lòng tự tôn; để nhận ra rằng trao đi sự bảo vệ không có nghĩa là giành quyền kiểm soát bản sắc nhân dạng và tinh thần của chúng. Món quà tuyệt vời nhất mà bố mẹ có thể trao cho con chính là trở nên đủ bao dung để cho con cái được quyền lãng quên họ.
Để có thể thật sự giải phóng bản thân, chúng ta cần một thời kỳ vị thành niên. Sự vĩ đại và nghiêm túc của khái niệm thời kỳ vị thành niên thường bị che khuất bởi sự liên quan của nó với tính gắt gỏng và một gương mặt đầy mụn. Nhưng một điều rất quan trọng đang bị đe dọa trong giai đoạn này: quyền cho phép tự định nghĩa chính mình và thoát khỏi cái bóng. Nhiều người trong chúng ta, không có khả năng tự nhận thức, đã cố xoay sở để không trải qua giai đoạn vị thành niên ở tuổi mười lăm. Không có đủ tình yêu để vun đắp lòng can đảm. Không phải cha mẹ nào cũng đủ chín chắn để cho phép bản thân bị ghét bỏ và coi thường. Chúng ta gần như mất cả cuộc đời để dám can đảm một lần bước chân vào cái tuổi vị thành niên niên khi chúng ta đã gần ở độ tuổi mãn kinh hoặc nghỉ hưu.
Sẽ hữu ích hơn trong tiến trình này nếu chúng ta chọn cách trò chuyện với một ai đó về gia đình mình. Một đặc điểm của cái bóng là nó không thích sự chú ý. Họ thích hơn nếu không ai nghe được câu chuyện và các nguyên tắc ngầm; những điều mà sẽ trở thành vô lý và hoàn toàn có thể nghi ngờ khi chúng ta lựa chọn nói ra chúng với một người quan sát tử tế không thiên vị (sẽ tốt hơn nếu người lắng nghe bằng tuổi với cha mẹ họ).
Những cha mẹ nghiêm khắc hoạt động ngầm như những bóng ma chỉ có thể thay đổi khi được trực tiếp nhìn nhận bằng tâm trí sáng suốt. Quá trình trưởng thành của chúng ta đòi hỏi bản thân ta phải đối mặt với một điều đáng buồn: rằng chúng ta không thật sự được yêu thương như đáng lẽ ra chúng ta nên được yêu thương và kết quả là chúng ta không có được sự tự do đúng nghĩa. Chúng ta có thể đã phí hoài một phần lớn cuộc đời mình mặc một chiếc áo bó chật không phải do chúng ta lựa chọn. Cha mẹ có thể mong đợi rất nhiều ở chúng ta, nhưng họ không có quyền được chạm đến bản sắc nhân dạng của ta. Đồng thời, rõ ràng hơn bao giờ hết, chúng ta có thể thấy rằng quan điểm về tình yêu thương chân chính của cha mẹ không phải bằng cách tạo ra những nhân bản mà là khuyến khích con cái phát triển trên con đường riêng của chúng trở thành một thành viên tự chủ của nhân loại; một cái gì đó mà chúng ta từ bây giờ có thể đang dần trở thành.
Nguồn bài dịch: https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/23246-2/
Người dịch: Hải Yến ; Người biên tập: Anh Đào Lê
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comentários