top of page
Ảnh của tác giảCompassio

CUỘC SỐNG VỐN KHÔNG CÔNG BẰNG, NÊN HÃY MÀI GIŨA BẢN THÂN NHIỀU HƠN CHO NGÀY MAI - HIỆP TRẦN

Nếu một ngày bạn được nhận vào làm một công ty, được họ hứa hẹn sẽ tài trợ visa hạng H-1B (1), nhưng rồi họ nuốt lời, bạn sẽ làm gì? Anh bạn Hiệp Trần của tôi, một sinh viên kĩ thuật cơ khí chính là người đã gặp phải tình huống đó. Thế nhưng, cách anh ấy đối diện với thách thức và biến nó thành thành tựu lại là điều rất đáng ngạc nhiên. Dưới đây là câu chuyện của Hiệp Trần.

Sau khi đã có bằng kĩ sư cơ điện và bằng phụ ngành kinh doanh tổng hợp, tôi tiếp tục theo học và đến mùa xuân 2016 sẽ hoàn thành bằng thạc sĩ khoa học tự nhiên ngành kĩ thuật cơ khí chuyên ngành về mô phỏng - diễn họa ở Fluid Mechanics. Như bao du học sinh khác, tôi đã không ít lần gặp phải những thử thách khi vừa trầy trật để giành được vị trí thực tập đầu tiên rồi kiếm công việc toàn thời gian, thì bất ngờ phải nếm trải cảm giác bị từ chối tài trợ Visa H1B, tôi lại phải trở về điểm xuất phát là một sinh viên mới tốt nghiệp và tiếp tục hành trình tìm việc. Có lẽ chẳng ai muốn ngồi trên cái tàu lượn siêu tốc đáng ghét ấy cả, nhưng cuộc sống vốn dĩ đã không công bằng, tôi chỉ có thể quay trở về phòng thí nghiệm và mài giũa bản thân nhiều hơn cho tương lai. Tôi rất muốn chia sẻ về cách tôi đối diện với nghịch cảnh trong suốt những năm ở giảng đường cũng như khi đã làm việc chính thức và cách tôi vượt qua chúng. Tất cả được tóm gọn trong hành trình tôi nhận được 3 lời để nghị công việc ở công ty hóa chất BASF, Schlumberger, Turner Construction và lời đề nghị từ CB&I vào mùa thu 2015 trước khi tôi tốt nghiệp vào mùa xuân 2016. 

Dưới đây là 3 lĩnh vực chính bạn phải làm tốt để luôn giữ thế cạnh tranh trong quá trình săn việc.

1. Học thuật

Hãy cố gắng học tốt những môn chuyên ngành và làm quen với giáo sư. Đó là điều bạn cần làm ngay trong mỗi học kì để đảm bảo mình luôn giữ lợi thế cạnh tranh. Giáo sư có thể giới thiệu bạn đến các công ty quen biết hoặc hết lời khen ngợi để giúp bạn dễ dàng kiếm được việc. Trong lĩnh vực tôi làm, những giáo sư có mối quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp do họ từng nhận các dự án cơ khí từ nhiều công ty khác nhau để nghiên cứu. Vì vậy, tôi luôn dành ít nhất 2 giờ mỗi tuần làm quen với họ cũng như công việc của họ để tạo dựng các mối quan hệ vững chắc. Những mối quan hệ đó được thể hiện khi bạn được giáo sư mời đi ăn để trao đổi về những mục tiêu trong cuộc sống cũng như quyết định người có làm người cố vấn cho bạn hay không. Cuộc sống của bạn sẽ thật vô nghĩa nếu thiếu đi sự hướng dẫn từ những người đi trước. Bạn cần một người hướng cho bạn những cách khác nhau để đạt được mục đích dễ dàng. Hãy để giáo sư là người đầu tiên trong danh sách liên lạc khi bạn còn ngồi trên giảng đường đại học. Học kì mùa xuân 2015, tôi may mắn biết một vị giáo sư có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghiệp hóa dầu. Ông ấy cũng chính là người hướng dẫn cho khóa luận tốt nghiệp của tôi. Tôi luôn cố gắng thể hiện sự ham hiểu biết về đề tài và đến văn phòng ông ấy để nhờ giải đáp thắc mắc. Suốt thời gian đó, tôi nộp đơn đến nhiều công ty khác nhau cho khóa thực tập hè 2015, thực sự tôi rất muốn được làm việc liên quan đến tấm bằng thạc sĩ của mình. Sau khi nghe tin tôi được công ty hóa chất BASF gọi phỏng vấn, giáo sư tỏ vẻ rất ngạc nhiên vì BASF chưa bao giờ tuyển nhân viên ở Iowa cả. Vì tôi chẳng có kinh nghiệm phỏng vấn gì trong lĩnh vực hóa dầu nên ngay hôm sau, ông ấy đã giúp tôi phác thảo nên một bản kế hoạch phỏng vấn. Giáo sư đã cẩn thận hướng dẫn tôi từ cách trả lời ra sao đến cách đặt câu hỏi như thế nào cho phù hợp. Tôi thực sự bất ngờ khi chỉ hai ngày sau, công ty đã nhận tôi vào làm sau vòng phỏng vấn thứ 3. Hiện tại tôi đang làm cho khóa trao đổi kiến tập thứ 3 cùng 1 nhóm sản xuất sau khi đã hoàn thành 2 khóa trao đổi với các nhóm của dự án vốn và bảo toàn. Hầu hết các giáo sư luôn cố gắng hỗ trợ cho sự phát triển của sinh viên. Vì vậy, luôn giữ liên lạc với họ chính là ưu tiên hàng đầu của bạn đấy.

2. Cuộc sống ngoài giảng đường

Đây là một mảnh ghép  thiết yếu trong quãng đời sinh viên của bạn. Trí thông minh hàn lâm cũng quan trọng như trí thông minh đường phố vậy, đó là điều mà cuộc sống ngoài giảng đường sẽ dạy bạn. Ở đây tôi không nói đến việc tham gia tiệc tùng hay đi bars hàng tuần. Tôi đang muốn đề cập đến việc tham dự những sự kiện, những buổi hội thảo phát triển nghề nghiệp, những hội chợ việc làm và những sự kiện thể thao giúp bạn học hỏi nhiều điều về cuộc sống bên ngoài “những cuốn sách kĩ thuật”. Tôi luôn dành thời gian cho những hội chợ việc làm khác nhau, theo sát những buổi hội thảo giàu thông tin hay các sự kiện thể thao (tôi sẽ đề cập việc này sau). Tôi làm vậy vì tôi biết rằng mình có thể học hỏi từ đại diện của các công ty cách trình bày tự tin, cách viết hồ sơ lí lịch đẹp và xây dựng mạng lưới quan hệ của mình đa dạng hơn. Hãy nhớ rằng, nếu bạn không đến những nơi như vậy, bạn sẽ có ít cơ hội tìm việc hơn vì những nhà tuyển dụng thường nhớ rõ những người họ đã từng nói chuyện ở các hội chợ việc làm chính thức trước đó. Đừng quyên mang theo sơ yếu lí lịch để nhờ họ xem qua và giúp bạn sửa một vài vấn đề nhé.  Những mục thông tin nghề nghiệp sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt cho những bài thuyết trình cao hơn và dễ dàng tạo ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng. Tôi đã kiên trì làm điều này từ khi còn là sinh viên năm nhất, và nhờ đó, đã giành được 4 tháng thực tập và 7 tháng hợp tác. Chính những dịp đó đã giúp tôi nhận ra những lộ trình sự nghiệp khác nhau và học cách để chuẩn bị phỏng vấn, cách làm quen với nhà tuyển dụng hay cách thuyết trình một cách chuyên nghiệp.

Khi đã chuẩn bị tất tần tật cho những hồ sơ xin việc và những buổi phòng vấn thì… tôi bất ngờ nhận được tin: “Sau khi đã xem xét kĩ càng, chúng tôi rất tiếc phải thông báo rằng bạn đã không được chọn cho vị trí công việc này”. Câu này có vẻ quen quen với các bạn phải không! Tôi lặng lẽ tìm kiếm những cơ hội khác. Thực lòng mà nói, đã có vô số lần tôi bị các công ty từ chối trong những năm cử nhân và cả khi đã tốt nghiệp nhưng tôi luôn coi chúng là động lực để tôi nỗ lực hơn mỗi ngày. Đó là bởi vì khi tôi nhìn vào bức tranh lớn hơn về các cơ hội công việc trên thị trường việc làm, vẫn còn đó rất nhiều cợ hội việc làm ngoài kia. Tôi chỉ cần tìm kiếm chúng thôi. Thay vì tự dằn vặt mình, tôi quay lại phòng thí nghiệm và tìm hiểu những kế hoạch về trò chơi tương lai. Hơn nữa, những thất bại còn nhắc nhở bạn rằng, bạn phải nỗ lực hơn rất nhiều để bù đắp những thứ mà các đối thủ của bạn có trong khi bạn thì chưa. Đó có thể là kĩ năng chào hàng chưa đủ sức thuyết phục của bạn khi trò chuyện với nhà tuyển dụng, hay có thể là vài lỗi trong sơ yếu lí lịch hoặc là kinh nghiệm làm việc của bạn. Hãy làm bất cứ thứ gì để tìm ra điểm yếu của mình và cải thiện chúng. Không ai khác có thể giúp bạn làm điều này đâu.

Hãy thực hành nghe và nói một cách chủ động càng nhiều càng tốt vì một bản sơ yếu lí lịch đẹp hay kĩ năng chào hàng tuyệt vời chưa chắc là bạn thể hiện bản thân mình tốt đâu. Tôi luôn giữ liên lạc với những người bạn đã từng thực tập nhiều hoặc làm việc trong những công ty hàng đầu. Đó là những người mà bạn có thể nhờ giúp thực hành phỏng vấn. Chính họ là người đã giúp tôi cải thiện rất nhiều kĩ năng nghe cũng như phát biểu trước công chúng khi tôi còn ngồi trên giảng đường đại học. Hơn nữa, hồ sơ của bạn cũng sẽ đến tay nhà tuyển dụng nhanh hơn nhờ sự giúp đỡ của chính những người bạn đó đấy. Hãy luôn biết ơn và cố gắng kết giao với họ càng nhiều càng tốt để củng cố tình bạn. Sau giáo sư thì họ chính là những người nên đứng vị trí thứ hai trong danh sách ưu tiên liên lạc của bạn.

Nếu có một chương trình thể thao trong trường đại học thì đây chính là cơ hội. Việc của bạn là tìm hiểu về nó. Tôi đã không bận tâm đến những môn thể thao ở đại học cũng như những giải đấu chuyên nghiệp, đặc biệt là đá bóng và bóng rổ cho tới khi là sinh viên năm ba. Thực sự tôi không nhận thấy được những lợi ích của việc tìm hiểu lĩnh vực này và nó có thể giúp gì cho nghề nghiệp của tôi. Điều này có thể cũng đã xảy ra với bạn. Đừng hiểu lầm ý tôi, nhân viên của các công ty thường rất quan tâm và thậm chí còn thảo luận rất nhiều về chúng. Bạn không nhất thiết phải tìm hiểu chi tiết nhưng việc biết chút ít về nó cũng sẽ rất hữu ích đấy. Phần lớn các sinh viên và đại diện các công ty thường đến tận cổng các sự kiện thể thao chỉ để cổ vũ cho đội tuyển của trường hay đội tuyển chuyên nghiệp. Đây là những dịp tuyệt vời để bạn kết giao với họ, bắt được một cơ hội trò chuyện xã giao và mở rộng mạng lưới của bạn một cách nhanh chóng. Học kì mùa thu năm 2015, tôi đã được nhận phỏng vấn chỉ nhờ đến các sự kiện trong mùa bóng đá của trường tôi. Chỉ cần đứng đấy và trò chuyện với nhà tuyển dụng hoặc sinh viên nhiều nhất có thể. Sau đó, tôi đơn giản chỉ theo dõi những buổi họp mặt xã hội tiếp theo và… buổi phỏng vấn tiếp theo được sắp xếp thật dễ dàng. Bạn có thể hỏi thông tin từ sở thể dục thể thao để biết lịch những nhà uyển dụng và sinh viên trở lại sự kiện thể thao của trường. Những người mà bạn gặp ở  những sự kiện thể thao còn quan trọng hơn những người bạn chỉ giữ liên lạc qua email, điện thoại hay tin nhắn đấy. Vì đã gặp bạn ngoài đời nên họ biết chính xác bạn là ai. Đây chính là ưu tiên thứ 3 trong danh sách liên lạc của bạn. Những người liên lạc qua email sẽ nằm ở vị trí thứ 4. Có được danh sách liên lạc ưu tiên này, tôi đã giành được những buổi phỏng vấn ở nhiều công ty khác nhau từ khi còn là sinh viên năm 3 ở Iowa. Thực sự rất thú vị khi quen biết nhiều công ty cơ khí khác nhau và được thực hành kĩ năng phỏng vấn của mình.

3. Sự nghiệp

·        Đừng làm một sinh viên thực tập trung bình, hãy chịu trách nhiệm nhiều hơn và làm một người chơi thực thụ trong nhóm. 

Suốt kì thực tập đầu tiên trong một công ty cơ khí nhỏ gần trường khi còn là sinh viên đại học, tôi luôn tình nguyện làm những nhiệm vụ khác nhau ngoài công việc chính của mình, dù là thiết kế bản in hay làm nhiệm vụ sản xuất ở cửa hàng của công ty. Nhờ làm việc chăm chỉ và cống hiến hết mình, tôi học hỏi được nhiều hơn ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong kì thực tập cũng như trau dồi kĩ năng giao tiếp. Và khi bạn chịu trách nhiệm nhiều hơn về mình, bạn đã góp phần giúp ông chủ của bạn dễ thở hơn. Đổi lại, họ cũng sẽ giúp đỡ bạn phát triển sự nghiệp . chính kì thực tập đầu tiên giúp tôi rất nhiều để giành được kì thực tập tiếp theo ở công ty lớn hơn sau này và đưa tôi đến vị trí như ngày hôm nay.

·        Hãy luôn sẵn sàng học hỏi những điều mới mẻ và mở rộng mạng lưới quan hệ của mình. 

Đừng đợi đến khi ông chủ phải bảo bạn học cái gì. Bạn là người lao động và bạn phải biết rằng điều quan trọng là trở thành người tiên phong trong việc hiểu biết nhiều hơn về trách nhiệm của mình sau kì thực tập hướng nghiệp. Cách tốt nhất để biết về vai trò của mình là hãy hỏi bất kì ai đã từng làm ở vị trí đó và kết nối với họ. Làm quen với đồng nghiệp và các quản lí khác vì bạn sẽ cần sự giúp đỡ từ họ một ngày không xa.

·        BAMMM! Bạn đã làm rất tốt nhưng công ty không thể tài trợ Visa H1B cho bạn. Nên làm gì lúc này đây? 

Khi nhắc đến vấn đề này, mọi người sẽ đưa ra nhiều lời khuyên khác nhau. Nhưng ở vị trí là người từng trải, tôi hi vọng sẽ giúp bạn có quyết định đúng đắn. Sau khi tốt nghiệp bằng cứ nhân, tôi nhận được công việc toàn thời gian đầu tiên và công ty từ chối đơn xin Visa H1-B của tôi vì một vài lí do. Giống như những người khác, tôi thực sự mông lung vì không biết phải làm gì tiếp theo. Không thể tin nổi điều đó lại xảy ra với mình. Mất 3 tháng để tôi tìm kiếm một công việc mới nhưng suốt thời gian đó tôi không có gì cả vì vấn đề tài trợ Visa. Cùng lúc đó, tôi gọi cho tất cả các giáo sư của mình để lấy hồ sơ học thạc sĩ. Vì bạn luôn cần có kế hoạch B. Có thể là tôi sẽ về lại trường và lấy bằng thạc sĩ  rồi tiếp tục tìm kiếm cơ hội. Tôi đã nhận được hỗ trợ tài chính để tiếp tục theo học thạc sĩ. Trong khoảng thời gian đó tôi đã áp dụng những nguyên tắc giống nhau như là cùng thảo luận với nhau về quá trình tìm kiếm việc làm.Và kết quả thành công hơn mong đợi. Có thể bạn nghĩ rằng trở lại trường để học thạc sĩ rất phí thời gian và tiền bạc nhưng hãy tin tôi, nó có thể mang đến cho bạn nhiều cơ hội nếu bạn chịu khó tìm kiếm. Hãy luôn nỗ lực để nhận được hỗ trợ hoặc giành học bổng cho khóa học thạc sĩ. Nếu bạn thường xuyên liên lạc với giáo sư, họ chắc chắn sẽ có những kế hoạch để giúp bạn.

Đôi lời cuối: Tôi hi vọng rằng những kinh nghiệm trên sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt cho quá trình tìm việc. Đường đến thành công luôn chứa đầy những nỗi đau, những thất bại, những lúc khiến bạn thất vọng và bi quan đến tột cùng. Tôi luôn biết ơn đến những người đã bên cạnh tôi lúc tôi khó khăn nhất vì chính họ đã giúp tôi biết cách vượt qua tất cả những khó khăn. Khi đã qua ải săn việc, hãy luôn cố gắng làm tốt, xem thách thức như động lực để cố gắng và luôn sẵn sàng nắm bắt những cơ hội. Nếu có lúc nào đó bạn quá mệt mỏi, hãy biết tự thưởng cho mình, gấp lap top lại và đến phòng gym hay làm bất cứ thứ gì bạn thích. Vận động sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn đấy. Cuối cùng, hãy luôn tâm huyết với hành trình tìm kiếm một việc làm, bởi vì đó cũng chính là công việc toàn thời gian của cuộc đời bạn. Hãy nhớ, nếu bạn không nỗ lực ngày hôm nay, ngày mai bạn chắc chắn sẽ phải hối hận đấy. 

Cuối cùng, nếu cần thảm khảo ý kiến cho hồ sơ hay thư giới thiệu của bạn, tôi luôn sẵn lòng đưa ra những nhận xét xây dựng nhất. P/S: Với những sinh viên kĩ thuật cơ khí, nếu bạn cần lời khuyên cho con đường nghề nghiệp của mình, hãy thoải mái liên lạc với tôi nhé! 

—–

Ghi chú cho bản dịch: (1) H1B - một hình thức visa ở Mỹ (https://en.wikipedia.org/wiki/H-1B_visa) —–

Thông tin về bài viết: - Bản gốc tiếng Anh:  https://howigotmyjobintheus.com/2016/01/18/hiep-tran-life-is-unfair-and-you-just-need-to-grind-harder-the-next-day/

- Người dịch: Nguyễn Thị Thúy - Thông tin về hoạt động dịch chuỗi bài “Làm thế nào tôi có công việc tại Mỹ”: bit.ly/compassduandichbai

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

ความคิดเห็น

ได้รับ 0 เต็ม 5 ดาว
ยังไม่มีการให้คะแนน

ให้คะแนน

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page