"Bạn sẽ không bao giờ được tự do cho đến khi bạn giải phóng bản thân khỏi ngục tù của những suy nghĩ sai lầm của chính mình." - Philip Arnold
Mọi thiền giả đều biết về sự khó khăn khi cố gắng tìm kiếm một nơi hoàn toàn im lặng để thực hành thiền định, nơi mà nguyên tắc vàng là sự im lặng và giọng nói chuyển sang thì thầm.
Ôi buổi thiền của chúng ta mới hoàn hảo làm sao nếu mọi người đều thật sự im lặng.
Nghe thì tật tuyệt vời, nhưng chúng ta biết rằng không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra như vậy.
Và điều đó làm cho trải nghiệm thiền đặc biệt này trở nên sâu sắc. Nó cho tôi một cơ hội để nhìn rõ cách mà những suy nghĩ phán xét có thể khiến cho cuộc đời tôi trở nên đau đớn hơn nhiều phần.
Bối cảnh là một chuyến đi cắm trại ở Bắc California. Mặc dù tôi đã ở nơi tuyệt đẹp này và nhìn chung khá yên bình, nhưng không phải ai ở đó cũng để hòa mình vào thiên nhiên.
Vào ngày hôm đó, tôi đang quay trở lại khu cắm trại sau cuộc dạo bộ với chú chó của mình. Tôi đang thư giãn và bắt đầu chuẩn bị cho buổi thiền chiều của mình.
Trước khi tọa thiền tôi thực hiện một số động tác kéo dãn. Tôi cũng không rõ là do tuổi già hay do cái hông khiêm tốn của tôi, nhưng mà tôi không thể nào ngồi mà không bắt đầu với một số chuyển động cơ thể.
Vì vậy khi tôi đang chuẩn bị cơ thể cho việc ngồi thiền, thì hàng xóm của tôi đang chuẩn bị một bữa tiệc.
Tôi đã nghe họ rục rịch sắp xếp nhưng không để tâm mấy, cho đến khi tôi nghe thấy tiếng nhạc.
Bài rock của Led Zeppelin đang được mở hết cỡ!
Tôi là một fan hâm mộ của họ trong hầu hết mọi trường hợp, nhưng không phải ở mức âm lượng tối đa và chắc chắn là không phải khi tôi chuẩn bị thiền.
Vì vậy mà suy nghĩ ập đến...
Làm sao mà tôi thiền được với âm thanh cực lớn như thế này?
Kiểu người kinh khủng nào lại làm những điều này chứ?
Cả công viên đáng lẽ nên im ắng ngay lúc này - tôi cần phải thiền !!!!
Suy nghĩ bật lên trong tôi rằng nên quên đi buổi thiền chiều này, vì không có cách nào để tôi có thể thiền được trong tình trạng này.
Vì vậy, thay thì thiền, tôi ngồi đó, bắt đầu cáu và bực bội với sự ồn ào của tiếng nhạc, cơn giận bắt đầu dâng lên trong tôi.
Tại thời điểm này tôi coi họ như là những kẻ giết người hàng loạt, những người này nên bị bắt vì quá vô tâm. Tôi tưởng tượng tất cả những điều tôi sẽ nói với họ và làm thế nào tôi có thể khiến kiểm lâm công viên dừng cuộc tụ tập bất hợp pháp rõ ràng này.
Bởi vì mọi người không biết đây là thời gian để thiền sao? Mọi người phải im lặng chứ!
Cái sự ồn ào của tiếng nhạc cũng không là gì với tiếng ồn trong tâm trí tôi.
Đến lúc này tôi đã tức giận.
Sau khi tự hành hạ bản thân trong ba mươi phút, bắt giữ và kết án hàng xóm của tôi nhiều lần, tôi cuối cùng cũng có chút tỉnh táo và hỏi bản thân mình, điều gì đang thật sự quấy rầy tôi?
Có phải là tiếng nhạc?
Hay là do hàng xóm?
Hay là câu chuyện tôi đang kể cho chính mình về việc vì sao họ không nên mở nhạc?
Tiếng nhạc, thực tế, không kinh khủng đến vậy, như tôi đã nói, tôi thích Led Zeppelin mà.
Còn hàng xóm của tôi, người mà tôi đã gặp trước đó trong ngày, có cái vẻ của một người tử tế - rất khó để có khả năng có cái xác chết nào nằm trong cốp xe của họ cả.
Điều làm tôi bực mình là câu chuyện tại sao họ không nên mở nhạc và cách điều này khiến tôi trở thành nạn nhân.
Vì vậy, tôi quyết định ngay lúc đó tôi sẽ thiền, nhưng tôi cũng sẽ cảnh giác với sự xáo trộn thực sự. Không phải âm nhạc, không phải hàng xóm của tôi, mà là câu chuyện về lý do tại sao họ không nên mở nhạc.
Bởi vì tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho những suy nghĩ xáo trộn, cái khoảnh khắc mà chúng khởi lên, khoảnh khắc mà những từ đầu tiên muốn phát ra: "Nhưng mà họ không nên..." "Thật là thiếu suy nghĩ..." "Tại sao lại..." Tôi thả rơi chúng như buông rơi một củ khoai tây đang nóng.
Sợi dây liên kết giữa những suy nghĩ vào nỗi đau rất rõ ràng; sức cám dỗ của nó bị phá hủy. Và chừng nào tôi không tiếp nhiên liệu cho câu chuyện thì tự nó không thể tự duy trì được, vì vậy không có gì phải bận tâm.
Khi tôi ngồi, sự tập trung của tôi ngày càng sâu hơn, ngay cả khi tiếng nhạc vang lên.
Khi kết thúc thiền tôi khó có thể tin được những gì đã xảy ra.
Cuối cùng thì tôi cũng hiểu lời dạy mà tôi đã nghe hàng ngàn lần: Không phải do tình huống mà những gì tôi tự nói với bản thân mình mới làm cho tôi không hạnh phúc.
Nhưng tại sao nó lại mất nhiều thời gian như vậy?
Suy nghĩ của chúng ta có ảnh hưởng lớn lên chúng ta và chúng ta có xu hướng đánh giá thấp mức độ kiểm soát của chúng. Chúng lén lút và quỷ quyệt, chúng càn quét và chiếm lấy quyền kiểm soát trước cả khi chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra.
Đến mức đó thì đã quá trễ rồi, chúng ta đã bắt đầu tin vào cơn giận, về sự đúng đắn của mình, vào nỗi đau của chúng ta đến mức không thể buông bỏ những suy nghĩ đó.
Khi tôi chiêm nghiệm về âm nhạc, về buổi thiền, và về những gì tôi có thể học được từ điều này, tôi nhận ra rằng điều làm cho nó trở nên dễ dàng hơn là vì tôi đã trên đường tìm kiếm những suy nghĩ.
Tôi đã trông đợi chúng.
Vì vậy tôi bắt đầu liệt kê một danh sách những suy nghĩ lặp đi lặp lại khác đã quấy rầy mình. Những suy nghĩ tôi đã nhai đi nhai lại cả cuộc đời, cho phép chúng lẻn vào và đánh cắp đi niềm hạnh phúc của tôi hết lần này đến lần khác.
Đó là thời điểm tôi bắt đầu suy nghĩ về danh sách Top 10 của tôi.
Top 10 những suy nghĩ lặp đi lặp lại nhiều nhất chỉ khiến tôi phát điên mà không có một lợi ích gì.
Sau khi viết xuống và nhìn rõ chúng trên giấy trắng mực đen tôi nhận ra điểm chung của chúng ngay lập tức. Đó chính là ác cảm.
Chúng ta có hai kiểu tư duy chính (mọi kiểu khác đều là một ẩn ý của hai kiểu này). Chúng chính là sự mong muốn/theo đuổi/ham muốn và ác cảm/sự không mong muốn/ chống cự. Chúng ta dành thời gian cho hai hướng tư duy này, nhưng thông thường chúng ta sẽ ưa thích một hướng này hơn hướng còn lại.
Đối với tôi, nó có vẻ như thế này:
Tôi ước tôi đã không nói ra điều đó.
Tôi không muốn mình bị làm phiền
Tôi không muốn tới cái sự kiện này.
Đã bao nhiêu lần tôi rời khỏi một cuộc trò chuyện và ngay lập tức phát lại nó trong đầu tôi, để tìm xem có điều gì mà tôi đã không nên nói ra không? Không phải là để chỉ trích hay có ý đồ không tốt - chỉ là tôi sẽ khổ sở vì một câu nói ngu ngốc đó, tưởng tượng người khác chê bai tôi vì một câu vô nghĩa! Cùng lúc đó, một người khác có lẽ cũng đang đau đớn vì một điều ngớ ngẩn mà họ đã nói ra!
Hay có lẽ là tôi muốn ở một mình và rồi dành nhiều giờ đồng hồ làm phiền chính bản thân tôi (khi tôi ở một mình) bằng những suy nghĩ về việc không muốn bị làm phiền.
Hoặc tôi nghĩ đến mà lo sợ những sự kiện sắp diễn ra, dành nhiều giờ hành hạ bản thân sớm hơn chờ đợi, chỉ để sau đó có thể nói rằng, " Thật ra thì nó cũng không tệ lắm."
Giờ thì những thứ này đã được thêm vào danh sách Top 10 của tôi, tôi đang quan sát chúng.
Cũng giống như trong thiền định, mỗi khi tôi bắt đầu thấy suy nghĩ quen thuộc muốn nảy lên - "Ước gì tôi đã không nói như vậy", "Nếu có ai đó làm phiền tôi thì sao", "Thật lòng tôi không muốn đi đến đó chút nào" - Tôi sẽ nói với chính mình, "Ồ một trong số Top 10 đây mà", và buông bỏ chúng.
Để nói một cách rõ ràng, tôi không kìm nén bất cứ suy nghĩ nào; đó là một chiến lược tồi và không hiệu quả.
Tôi buông bỏ chúng vì tôi đã xong với chúng. Tôi đã nhìn thấy chúng trên giấy rõ như ban ngày, và tôi không thể từ chối kiểu mẫu đó.
Tôi biết tôi đã mang theo chúng bao lâu rồi - cả cuộc đời mình. Nhưng tôi cũng biết được là chính suy nghĩ mới làm tôi không hạnh phúc - không phải bởi người tôi tiếp xúc, không phải do tình huống, không phải những sự kiện sắp xảy ra. Mà là TÔI - chính tôi! Tôi chính là người gây ra nỗi đau bằng cách luôn luôn trong chế độ sẵn sàng châm thêm dầu vào lửa cho câu chuyện.
Khi tôi hỏi, "Làm cách nào để mày từ bỏ những suy nghĩ tiêu cực vậy?", câu trả lời của tôi luôn luôn giống nhau: buông bỏ chúng thì dễ thôi chỉ cần bạn nghĩ về nỗi đau chúng gây ra cho bạn.
Và vấn đề chính là ở đây: Chúng ta không nhìn thấy nỗi đau, hay ít nhất chúng ta không thấy rằng chúng ta chính là người gây ra nỗi đau.
Một khi chúng ta bị cuốn theo dòng suy nghĩ, một khi chúng ta tạo ra một câu chuyện nơi mà chúng ta một lần nữa trở thành nạn nhân trong bi kịch cuộc đời mình, thì đã quá trễ rồi. Vì vậy mà chúng ta ở lại với những suy nghĩ và nỗi đau cho đến khi tự kiệt sức và rồi lại lặp lại như vậy.
Hãy nhớ rằng tôi đang đề cập đến những tình huống mà chúng ta không thật sự là nạn nhân - khi cuộc đời có vẻ khó chịu và thậm chí không công bằng, nhưng không một ai thật sự làm hại chúng ta.
Đó là lí do việc lập danh sách Top 10 là một thứ thay đổi cuộc chơi tuyệt vời. Nó vô cùng hữu ích khi viết hết xuống và suy ngẫm về số lần tôi bị bắt gặp trong những tình huống như vậy, bao nhiêu giờ vô tận tôi đã hành hạ chính mình, và rồi chẳng có gì thay đổi cả.
Nhưng có một điều gì đó đã thật sự thay đổi. Tôi để chúng hiển lộ ra, tôi viết chúng xuống, và có một sức mạnh to lớn trong bài tập đó.
Trong một vài tuần đầu tiên tôi xem danh sách đó hằng ngày, thường là trước và sau khi thiền. Vì đó là thời điểm đầu óc tôi sáng rõ nhất, và cho phép sự tách biệt to lớn giữa tôi và những suy nghĩ, bởi vì không có cảm xúc nào gắn liền với những suy nghĩ hết.
Mỗi ngày trôi qua tôi càng cảm thấy được có nhiều không gian và yên bình trong tâm trí. Không có gì thay đổi, ngoại trừ việc tôi đang dần không còn suy nghĩ về những suy nghĩ đó nữa. Những suy nghĩ đó chỉ có thể hành hạ tôi chỉ khi tôi còn nhớ tới chúng.
Khi tôi ở một mình và có ai đó chen vào, thì bây giờ chỉ cần vài phút là tôi có thể bình tĩnh trở lại bởi không có câu chuyện nào xung quanh việc đó cả.
Ngay khi tâm trí tôi bắt đầu muốn phát lại một đoạn hội thoại tôi vừa nói, tôi buông bỏ nó. Tôi đã biết cái vòng lặp này; tôi đã biết những suy nghĩ đó sẽ dẫn tôi đến đâu.
Cho mỗi suy nghĩ trở lại trong Top 10, tôi đã có sự chuẩn bị. Chúng không bẫy tôi vào những cái bẫy cảm xúc như trước được nữa bởi vì tôi đang trông đợi chúng.
Chúng ta có thật sự tự do?
Một tù nhân không có quyền tự do lựa chọn kể cả những điều giản đơn - như đi dạo, nhìn ngắm bầu trời, cây cối, chim chóc, hoa lá, để cảm nhận hơi ấm của ánh mặt trời hay cái se lạnh của làn gió.
Nhưng chúng ta tự do bao nhiêu khi chúng ta bắt đầu một ngày mà không nhìn ngắm thế giới xung quanh mình? Không trân trọng những điều giản đơn, không phải vì chúng không ở đó mà bởi vì chúng ta luôn lạc lối trong dòng suy nghĩ: lo lắng, băn khoăn, liên tục thay đổi, và sắp xếp lại cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta ở lại trong nhà tù này bởi chúng ta nghĩ rằng chúng ta không nắm giữ chìa khóa.
Nhưng thật ra chúng ta sở hữu nó.
Hãy thực hiện bài tập này vì một và chỉ một lý do duy nhất - trao trả tự do cho bản thân chúng ta.
Hãy bước ra ngoài thế giới và tự nhìn thấy cuộc đời xinh đẹp hơn bao nhiêu khi chúng ta trải nghiệm mà không có những câu chuyện trong đầu mình.
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết
Tư duy con người ở bên trong hộp sọ hay bên ngoài hộp sọ?
Là con người, ai cũng trải qua các giai đoạn phát triển thể chất, lý trí, cảm xúc, tinh thần. Cơ thể có thể coi như phát triển đầy đủ vào khoảng năm 18 tuổi. Về tâm trí, bạn nghĩ khi nào thì tư duy bạn ngừng phát triển?
Bạn có học hỏi và tiếp thu thêm kiến thức, kỹ năng, nhận thức mới mỗi ngày chứ?
Bạn sẵn sàng tư duy lại những quan niệm, kiến thức, định kiến cũ kỹ?
Bạn hành động và suy nghĩ theo thói quen hay linh hoạt ứng biến tùy hoàn cảnh?
Bạn thấy thoải mái, dễ dàng làm mọi chuyện theo hướng mới mẻ?
Bạn có tự thử thách mình với những cái mới hay gò mình theo khuôn khổ?
Bạn thấy mình già nua và không còn khả năng phát triển hơn được nữa?
Bạn có đạt được thành công mới, niềm vui mới, sự tiến bộ mới mỗi ngày chứ?
Để phát triển chúng ta phải cởi mở tiếp nhận mọi đầu vào và chuyển hóa nhận thức lại thành các sáng tạo hoặc kiến tạo đầu ra. Chu trình Thu nạp - Chuyển hóa - Tạo tác này về tư duy nhận thức một khi còn vận động xuyên suốt và theo vòng xoắn ốc đi lên thì tư duy của chúng ta vẫn còn mở và hoạt động tốt.
Và ngược lại tư duy đóng sẽ làm chu trình nhận thức trên vận động đứng yên tại chỗ hoặc suy yếu dần theo vòng xoắn ốc đi xuống. Đó cũng là lúc các cánh cửa phát triển bản thân mỗi người bị phong kín lại, hạnh phúc và thành công cũng rời xa chúng ta.
Nếu bạn đã đụng trần kính vô hình của khung tư duy thì làm sao để giải phóng cho tư duy tự do phát triển? Công cụ nào giúp bạn cởi trói tư duy và tạo thêm nhiều góc nhìn đa chiều mới?
Hãy cùng Compassion khám phá lại vùng đất tư duy của chính mình và phát triển hoa trái ngọt lành của tư duy bằng công cụ Points Of You với Workshop Growth Mindset - Kiến Tạo Tư Duy Phát Triển:
🚀 Link đăng ký: https://www.compassion.vn/events-1/workshop-growth-mindset-kien-tao-tu-duy-phat-trien
🚀 Link cập nhật thông tin sự kiện trên Facebook: https://www.facebook.com/events/663605664548826/
🌀 Workshop Growth Mindset giúp bạn khám phá điều gì trên vùng đất tư duy?
Nhận thức tư duy của bản thân đang đóng hay mở như thế nào, trong lĩnh vực đời sống nào, hay những hoàn cảnh nào?
Phá bỏ những trở ngại về tư duy đóng khiến chúng ta không thể phát triển bản thân
Hình thành thói quen cởi mở tư duy, sẵn sàng học hỏi và hành động vượt qua những thách thức
Tiếp nhận và mở rộng tư duy mới để luôn tiến bộ cùng những thay đổi nhanh chóng của thế giới.
✨ Xem thêm các hoạt động khác của Compassion trong tháng 11 ở đây:
Người dịch: Hải Yến
Người biên tập: Trang
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comments