“Không có sự tương quan giữa việc là người nói tốt nhất và có những ý tưởng hay nhất”
- Susan Cain, Tác giả của cuốn sách Quiet
Làm thế nào để tận dụng phẩm chất của tính cách hướng nội để nâng cao chất lượng giao tiếp?
Chìa khóa để người hướng nội giao tiếp thành công không phải là hành động như một người hướng ngoại, mà là tận dụng những phẩm chất của tính hướng nội để làm chủ cuộc trò chuyện, từ đó bạn có thể tạo những tác động lớn nhất với ít sự căng thẳng nhất. Dưới đây là những lời khuyên giúp bạn tự tin giao tiếp trong những tình huống thông thường hay nơi công sở, trích từ cuốn sách: “Relationship Communication Success for Introverts” (Giao tiếp thành công cho người hướng nội). Có thể bạn sẽ bắt gặp một số kỹ năng quen thuộc được nói đến dưới đây, tuy nhiên không phải tất cả đều có thể áp dụng hiệu quả cho bạn và trong những tình huống cụ thể. Hãy tận dụng những gì phù hợp với bạn và bỏ qua phần còn lại nhé!
Năm mẹo nhỏ để tự tin trong giao tiếp một đối một:
Chọn môi trường vật lý phù hợp để duy trì năng lượng
Bất cứ khi nào có thể, hãy sắp xếp để cuộc trò chuyện được diễn ra ở những nơi có không gian tương đối yên tĩnh. Một môi trường quá nhiều tiếng ồn có xu hướng buộc cả bạn và đối tác trò chuyện phải nói to hơn và có thể làm cản trở việc bạn suy nghĩ thấu đáo và gây khó khăn nếu bạn cần những cuộc tranh luận. Vì cảm xúc có thể bị ảnh hưởng bởi màu sắc và nhiệt độ, hãy tránh những nơi có ánh sáng quá chói hay được sơn bởi những gam màu quá sặc sỡ vì chúng sẽ kích thích các giác quan và khuyến khích việc giải trí. Ngoài ra, môi trường có nhiệt độ ấm có thể gây khó chịu, nhiệt độ cao giúp nâng cảm xúc lên nhưng cũng gây trở ngại cho trí não hoạt động suy nghĩ. (1)(2)(3)(4)
Cách đơn giản để mở đầu và duy trì cuộc trò chuyện cá nhân
“Hãy thể hiện sự quan tâm đến người khác, và người khác sẽ thể hiện sự quan tâm đến bạn”- Dale Carnegie
Hai yếu tố chính tạo nên sự thoải mái trong cuộc trò chuyện giữa hai cá nhân là thể hiện sự quan tâm lẫn nhau, và đặt câu hỏi về những điều mà đối phương quan tâm. Khi bắt đầu trò chuyện, hãy đặt những câu hỏi mở về đối phương. Nếu bạn muốn duy trì cuộc trò chuyện, cách đơn giản là hãy chọn một mẩu thông tin mà đối tác chia sẻ với bạn và yêu cầu họ kể chi tiết hơn về chúng. Đặt câu hỏi trong khi trò chuyện là một cách đơn giản để người hướng nội tham gia tích cực vào cuộc trò chuyện mà không cần phải nói quá nhiều. Cách thức này mang lại nhiều lợi ích trong việc tiết kiệm lời nói và năng lượng trong khi bạn vẫn tham gia tích cực vào cuộc trò chuyện và dành sự chú ý cho đối phương trò chuyện.
Cách đơn giản để “trì hoãn” và “sắp xếp” suy nghĩ của bạn
Trong quá trình giao tiếp, sẽ có những lúc bạn muốn suy nghĩ nhiều hơn và tóm tắt lại những gì bạn muốn nói, nhưng bạn chưa sẵn sàng để nói ngay lập tức. Trong những tình huống này, bạn có thể trì hoãn bằng việc để người khác biết được rằng bạn cần thời gian để suy nghĩ. Hãy nói, ví dụ như:
“Cho tôi vài giây, tôi cần làm rõ những thứ tôi định nói…”
“Hãy cho tôi vài phút để suy nghĩ xuyên suốt về vấn đề này…”
Trong xã hội hướng ngoại của chúng ta, không phải lúc nào mọi người cũng thoải mái với việc có những khoảng thời gian im lặng giữa cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, bằng cách mở lời với thông báo rằng bạn cần một chút thời gian để suy nghĩ, mọi người sẽ dễ dàng chấp nhận hơn và cho phép bạn có thời gian để sắp xếp lại suy nghĩ của mình.
Chủ động tạo khoảng ngừng để duy trì một cuộc trò chuyện dài
Một cuộc trò chuyện kéo dài sẽ khiến bạn cảm thấy cần phải lấy lại năng lượng, bạn có thể thông báo rằng bạn muốn sử dụng nhà vệ sinh, hoặc uống nước, hoặc lấy một thứ gì đó từ văn phòng hoặc xe hơi của bạn và sẽ quay lại ngay. Trong lúc này, hãy dành cho bản thân mình một chút thời gian ở một nơi yên tĩnh. Hít thở thật sâu. Nếu bạn sử dụng nhà vệ sinh, đắp một ít nước lạnh lên mặt, hoặc phía trước và sau cổ có thể giúp bạn tỉnh táo hơn.
Kết thúc cuộc trò chuyện như một nhà ngoại giao
Khi bạn chuẩn bị kết thúc một cuộc trò chuyện một đối một, hãy thông báo với người đối diện rằng sau câu bình luận hay câu hỏi của bạn, bạn sẽ cần phải làm một việc khác. Chuẩn bị tâm lý cho đối phương biết sự kết thúc sẽ khiến cho cuộc trò chuyện được kết thúc dễ dàng và duyên dáng hơn.
Tính cách hướng nội có rất nhiều những phẩm chất và tiềm năng vượt trội vẫn chưa được bạn khám phá. Vì vậy hãy giữ vững niềm tin vào bản thân mình, hãy để tính cách hướng nội được tỏa sáng, và bạn sẽ thấy mình tuyệt vời đến nhường nào.
-------
Tài liệu tham khảo trong bài viết
Margaret P. Calkins. Sử dụng màu như một công cụ trị liệu (2010).
Itten, J. Nghệ thuật màu sắc: Kinh nghiệm chủ quan và lý do khách quan về màu sắc (1997).
Reeves, V. Màu sắc và ảnh hưởng của nó đối với sửa đổi hành vi trong các cơ sở giam giữ cải huấn. Nghiên cứu và thiết kế (1985).
Marazziti, Donatella, Angela Di Muro và Paolo Castrogiovanni. Tâm lý căng thẳng và thay đổi nhiệt độ cơ thể ở người. Sinh lý & Hành vi (1992).
-------
Thông tin về bài viết
Về tác giả: Preston Ni là một giáo sư, người dẫn chương trình, huấn luyện cá nhân và là tác giả của hai đầu sách “Giao tiếp thành công với bốn loại nhân cách” và “Cách giao tiếp hiệu quả và đối mặt với những người khó tính”.
Nguồn bài:
Người dịch: Huỳnh Hồ Hải Yến
Tổ chức dịch và xuất bản: www.compassion.vn - Bản dịch nằm trong khuôn khổ hoạt động dịch cộng đồng (crowdsourcing) của Compassion.vn (tham gia tình nguyện hoạt động crowdsourcing tại đây: http://bit.ly/compassiontimnguoi)
Comments