top of page

Bias - Phần 1: Thiên Kiến Là Gì? Và Thiên Kiến Trong Tâm Lý Học Nói Chung

Đã cập nhật: 30 thg 11, 2020

Lời giới thiệu từ Compassion và người biên tập:


Có lẽ là ai trong chúng ta cũng từng biết qua hay xem phim, kể cả đọc nguyên tác của một trong Tứ đại danh tác của Trung Quốc, đó là Tây Du Ký. Phim Tây Du Ký (1986) để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng thế hệ 8X-9X và cả chính tôi nữa. Hôm nay khi đọc bài viết về Bias (Thiên kiến) tôi chợt liên tưởng tới câu chuyện Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh. Giả trang thành một cô gái, một ông lão, một bà lão, Bạch Cốt Tinh đã thành công trong việc lợi dụng thiên kiến của Đường Tăng, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh về ba nhân vật “yếu đuối” trên để đánh lừa cả ba thầy trò. Và cũng chỉ vì thiên kiến đó gây nguy hiểm cho chính Đường Tăng, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh, làm nảy sinh mâu thuẫn cực độ trong nội bộ đoàn thỉnh kinh và dẫn đến việc Tôn Ngộ Không bị đuổi đi.


Vâng, đúng vậy. Thiên kiến có khả năng làm ta nhìn nhận sự việc, con người sai lệch và kéo theo hành động sai lầm như vậy đó. Do đó, chúng ta cần hiểu xem thiên kiến của chính mình là gì và luôn sáng suốt nhìn thấu mọi việc để ra quyết định, hành động xác đáng. Mời bạn đọc bài viết về Bias - Phần 1: Thiên kiến là gì và thiên kiến trong tâm lý học nói chung



Thiên kiến là xu hướng ưa chuộng một lời giải thích, quan điểm hay cách hiểu này hơn một quan điểm khác, mặc dù cả hai góc nhìn đều có tiềm năng giá trị ngang bằng nhau.

THIÊN KIẾN LÀ GÌ?

Không ít thì nhiều, thiên kiến tồn tại trong mỗi chúng ta, ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Ví dụ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, con người có khuynh hướng dễ dàng chấp nhận những thông tin thuận theo quan điểm sẵn có của họ hơn là những thông tin chống lại quan điểm ấy.


Thiên kiến được phân chia thành khá nhiều loại. Một vài ví dụ như:


Thiên kiến xác nhận (Confirmation bias): Khuynh hướng tập trung vào những thông tin có lợi cho một niềm tin sẵn có và phớt lờ những thông tin bất lợi.

Ví dụ, nhà nghiên cứu A tin rằng phụ nữ không khỏe mạnh như đàn ông. A có thể sẽ không sử dụng đến những bài nghiên cứu về sức mạnh của phụ nữ, hoặc A sẽ có cách diễn giải thông tin khác so với những nhà nghiên cứu không có thiên kiến như A.


Thiên kiến chính trị, tôn giáo (Political and religious bias): Thiên kiến dựa trên sự ưa thích một quan điểm chính trị hoặc một niềm tin tôn giáo.

Ví dụ, người B có niềm tin vào Chúa trời, rằng Chúa sẽ đáp lại thỉnh nguyện cho mọi giáo dân. Cho dù trong trường hợp thỉnh nguyện của B không được đáp lại, B vẫn không từ bỏ niềm tin của mình.


Heuristics: Heuristics là lối tư duy nhận thức “đi tắt” để hiểu thế giới, và nó có thể tạo ra thiên kiến (*).

Ví dụ, người C sau nhiều lần sử dụng phương pháp tư duy Heuristics như trên đã hình thành thiên kiến về một hình mẫu phụ nữ cố định. C có xu hướng nhìn nhận tất cả phụ nữ đều thuộc tuýp này, cho dù trong những người C gặp vẫn có người khác hoàn toàn hình mẫu của C.

Thiên kiến lựa chọn (Selection bias): Khuynh hướng thiên vị trong việc lựa chọn đối tượng cho các nghiên cứu khoa học. Các đối tượng được chọn hoặc có biểu hiện phù hợp với thiên kiến của nhà nghiên cứu, hoặc không thuộc về nhóm đối tượng đại chúng.

Ví dụ, nhà nghiên cứu D tin rằng đàn ông có khả năng diễn đạt ngôn ngữ bằng lời kém hơn phụ nữ. Khi lựa chọn đối tượng nghiên cứu, D có thể chọn những người đàn ông có khả năng dưới mức trung bình.

THIÊN KIẾN TRONG TÂM LÝ HỌC

Thiên kiến trong các nghiên cứu tâm lý gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhận thức, tạo ra thay đổi trong việc gợi ý giải pháp điều trị cho các trường hợp bất ổn về tinh thần. Với những người trị liệu tâm lý, thiên kiến cá nhân của họ có thể gây tác động đến việc xác định vấn đề cũng như đưa ra liệu pháp điều trị cho bệnh nhân.


Để loại bỏ thiên kiến, trước hết những người làm nghiên cứu cần tự nhận thức được sự hiện diện của chúng trong họ. Điều này giúp họ chủ động hơn trong việc "sửa chữa" thiên kiến cá nhân của mình. Một số công cụ khác như phương pháp nghiên cứu 'giấu kín kép' (double-blind study) (**) hoặc bình duyệt (peer review) cũng góp phần hỗ trợ cho việc loại bỏ thiên kiến ở các nhà nghiên cứu.


Một ví dụ về thiên kiến trong môi trường nghiên cứu là hiện tượng sai lệch trong quan sát (observer bias), xảy ra khi kết quả nghiên cứu bị biến đổi do yếu tố chủ quan từ phía người làm nghiên cứu. Những tác động này đều rất tinh tế, thậm chí vô tình, nhưng nó ảnh hưởng đến cách nhà nghiên cứu tương tác với những đối tượng tham gia thí nghiệm, cũng như trong điều người quan sát chọn để “thấy”.


Khi các nhà nghiên cứu mang thiên kiến trong khi tương tác với đối tượng nghiên cứu, quan sát viên chỉ "chọn" quan sát những gì họ muốn thấy và họ có thể vô hình trung thay đổi kết quả đầu ra của nghiên cứu. Một giáo viên E muốn nghiên cứu về khả năng toán học giữa nam và nữ. Nếu E tin rằng nam giỏi toán hơn nữ, có khả năng E sẽ dành nhiều thời gian để dạy toán cho các bạn nam hơn, do đó các bạn nam sẽ học toán giỏi hơn các bạn nữ. Hành động của E dẫn đến sai lệch trong kết quả của thí nghiệm này. Hoặc, trường hợp E đã quan sát và thấy các bạn nữ học rất chăm, biểu hiện vượt trội hẳn các bạn nam. Thay vì đưa ra kết luận rằng khả năng toán học và thời gian dùng để học toán có liên hệ mật thiết với nhau, E diễn giải rằng nữ không giỏi toán bằng nam, vì các bạn nữ đã phải dùng nhiều thời gian hơn cho việc học toán. Định kiến có sẵn của E dẫn đến sai lầm trong việc đưa ra kết luận cho thí nghiệm này.



Để tránh sai lệch trong quan sát, biện pháp hữu hiệu nhất là sử dụng phương pháp double-blind (giấu kín kép), một phương pháp trong đó cả người nghiên cứu và đối tượng thí nghiệm đều không biết chủ đề được nghiên cứu là gì. Tuy nhiên, điều này thường được xem là bất khả trong nghiên cứu tâm lý học. Các nhà nghiên cứu mà nhận thức được những thiên kiến của mình sẽ tiến hành một thử nghiệm và người nào mà cố gắng nắn chỉnh lại các thiên kiến này thì có thể tránh được sai lầm vô tình làm sai lệch kết quả nghiên cứu. Khi các nhà nghiên cứu không có sự đầu tư tài chính vào một kết quả đầu ra cụ thể nào cả, họ dường như cũng có ít thiên kiến hơn.


Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sai lệch trong quan sát là nguyên nhân của khác biệt trong hành vi và thể hiện giữa các giới tính và sắc tộc khác nhau trong nghiên cứu khoa học. Gần đây, người ta chỉ trích các nghiên cứu về ngôn ngữ của động vật linh trưởng, vì thông thường những người kiểm tra khả năng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu của những con tinh tinh cũng chính là những người đã dạy chúng ngôn ngữ ấy. Do đó, kết quả nghiên cứu ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân của họ. Chú thích trong bài:

(*) Heuristics: Thuật ngữ này chỉ việc tiếp nhận và đưa ra giải pháp cho vấn đề theo hướng thực tế, chú trọng đến việc nhanh chóng đem lại kết quả mà không đảm bảo tính tối ưu, hoàn hảo, hay hợp lý của giải pháp. Hành động này hữu dụng do nó giúp tăng nhanh quá trình tìm kiếm giải pháp, giảm bớt việc nhận thức vấn đề. Tuy nhiên, nó sẽ để lại những "lối tắt nhận thức", có khả năng hình thành thiên kiến.

(**) Double-blind - Giấu Kín Kép: Một nghiên cứu 'giấu kín kép' là một nghiên cứu trong đó cả những người tham gia và các nhà thí nghiệm không biết rõ ai đang được điều trị/thí nghiệm cụ thể (nếu chỉ một trong hai thành phần này được 'giấu kín' thì gọi là 'giấu kín đơn'). Thủ tục này được sử dụng để ngăn ngừa sự thiên vị trong kết quả nghiên cứu. Các nghiên cứu 'giấu kín kép' đặc biệt hữu ích để ngăn ngừa sự thiên vị do đặc điểm nhu cầu hoặc hiệu ứng giả dược.


Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng các nhà nghiên cứu đang điều tra tác dụng của một loại thuốc mới. Trong một nghiên cứu 'giấu kín kép', các nhà nghiên cứu tương tác với những người tham gia sẽ không biết ai đang nhận thuốc thực sự và ai đang nhận giả dược.




 

Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề


 
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết

Là con người, ai cũng trải qua các giai đoạn phát triển thể chất, lý trí, cảm xúc, tinh thần.

  • Về tâm trí, bạn nghĩ khi nào thì tư duy bạn ngừng phát triển?

  • Tư duy con người ở bên trong hộp sọ hay bên ngoài hộp sọ?

  • Nếu bạn đã đụng trần kính vô hình của khung tư duy thì làm sao để giải phóng cho tư duy tự do phát triển?

  • Công cụ nào giúp bạn cởi trói tư duy và tạo thêm nhiều góc nhìn đa chiều mới?

Hãy cùng Compassion khám phá lại vùng đất tư duy của chính mình và phát triển hoa trái ngọt lành của tư duy bằng công cụ Points Of You với Workshop Growth Mindset - Kiến Tạo Tư Duy Phát Triển



 

Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).


 

Người dịch: Mi Nguyễn ; Người biên tập: Anh Đào Lê

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây


0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page