top of page
  • Ảnh của tác giảDi LiNg

Bề Nổi Và Tảng Băng Chìm Trong Một Lời Xin Lỗi Nhìn Từ Thuyết Gắn Bó (Attachment Theory)

Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Compassion.vn

Xin lỗi cũng như cảm ơn là những món quà ta trao cho nhau trong các mối quan hệ. Lời nói hay hành động xin lỗi dù ở bất kỳ hình thức nào cũng là bề nổi của món quà này. Vậy thì, bạn có từng chậm lại một chút nhìn sâu vào phần chìm của hành động xin tha thứ lỗi của đối phương chưa? Bạn có tự chiêm nghiệm lại cách mình trao đi và tiếp nhận lời xin lỗi như thế nào không?


Suy cho cùng có tổn thương thì có chữa lành, có xin lỗi thì có thứ tha và hàn gắn. Có thể, ta rất sợ Nghe và Nói hai từ Xin lỗi. Nhưng cũng có thể ta sẽ day dứt khôn nguôi nếu không chân thành xin lỗi và thứ tha. Đến khi nào bạn mới chịu mở lòng chào đón và cảm ơn 'món quà' xin lỗi đây? Mời các bạn cùng nhìn lại hành động xin lỗi dưới lăng kính Thuyết Gắn Bó (Attachment Theory) để can đảm tạo ra món quà xin lỗi và tha thứ cho chính mình và người thương yêu của mình nhé!


 

Đã bao giờ bạn cố gắng xin lỗi ai đó, nhưng lời xin lỗi lại không hiệu nghiệm và làm tình huống trở nên xấu đi? Đã bao giờ bạn xin lỗi khi bạn thực sự không (cảm thấy) có lỗi? Hoặc lời xin lỗi cho qua chuyện của người nào đó khiến bạn cảm thấy tệ hơn? Vấn đề là, thường không ai được học về việc nói lời xin lỗi khi nào và ra sao.


Suy ngẫm về cảm giác tệ hại khi bạn nói ra điều gì đó gây thương tổn với người thương yêu của mình. Bạn nghĩ đến nó cả ngày và cảm thấy rất có lỗi. Bạn thành thật muốn nói lời xin lỗi và kết nối lại với họ. Bạn nói với người thương yêu rằng bạn làm vậy là không đúng và xin lỗi. Nhưng thay vì chấp nhận lời xin lỗi và tha thứ cho bạn, đối tác của bạn bắt đầu "leo thang cảm xúc" và đồng ý rằng bạn thật sự là một kẻ khốn nạn! Bạn bắt đầu phản ứng khi đối tác nhắc lại những hành vi tiêu cực của bạn. Mười phút sau, bạn vẫn đang gào thét dữ dội, cảm thấy tức giận và muốn gây hấn. Tự hỏi tại sao bạn lại có thể ngu ngốc đến mức cố gắng xin lỗi ngay từ đầu làm chi.


Hầu hết chúng ta xin lỗi người khác mà không xem xét đầy đủ động cơ của bản thân, liệu việc xin lỗi có mang lại cho chúng ta những gì chúng ta muốn hay người kia sẽ tiếp nhận và xử lý lời xin lỗi của chúng ta như thế nào. Mục tiêu của tôi với bài đăng này là khám phá những động cơ của bản thân khi xin lỗi, nói về các chiến lược xin lỗi tốt nhất và xem xét Hình Thức Gắn Bó (attachment style) của bạn có thể tác động mạnh mẽ như thế nào đến cả động cơ và cách bạn phản ứng khi được xin lỗi.


Hình Thức Gắn Bó (attachment style) có sự liên quan lớn ở đây vì xin lỗi là một chiến lược chính mà mọi người sử dụng để gắn kết lại cũng như duy trì sự gắn bó và kết nối sau khi có sự rạn nứt trong một mối quan hệ.



Thuyết gắn bó (Attachment theory) là khái niệm được đưa ra và phát triển bởi Bowlby, Ainsworth và nhiều nhà nghiên cứu khác. Nó chỉ ra rằng cách thức nuôi dạy con cái mà bạn từng trải qua khi còn nhỏ khiến bạn thiết lập những góc nhìn tương đối ổn định trong thế giới quan, suy nghĩ về bản thân và người khác cũng như xử lý cảm xúc khi trưởng thành. Khả năng điều hòa (kiểm soát) cảm xúc và thái độ xã hội của bạn có tác động suốt đời đến cách bạn nghĩ về lời xin lỗi, sự tha thứ và hòa giải.

(Người dịch: Sơ lược về Thuyết gắn bó):

  • Bowlby tin rằng một đứa trẻ có nhu cầu bẩm sinh về việc phát triển một kiểu gắn bó thân mật với người chăm sóc chúng.

  • Mary Ainsworth – nổi tiếng với thí nghiệm “Tình huống người lạ” đã tiếp bước và hoàn thiện lý thuyết gắn bó. Dựa vào kết quả thí nghiệm, có các kiểu gắn bó thời thơ ấu như sau: Gắn bó an toàn và gắn bó không an toàn (gắn bó lo âu, gắn bó né tránh và gắn bó bất an – hỗn loạn).

  • Phillip Shaver và Cindy Hazan đã mở rộng nghiên cứu lý thuyết gắn bó ở trẻ em với người chăm sóc sang những mối quan hệ lãng mạn của người trưởng thành. Kết quả nghiên cứu chỉ ra có 4 kiểu gắn bó lãng mạn ở người lớn tương thích với 4 kiểu gắn bó ở trẻ em: an toàn, lo âu, né tránh và vừa lo âu vừa né tránh.


Gắn bó an toàn (secure attachment)

Những người gắn bó an toàn (secure attachment) có sự mạnh mẽ trong năng lực thấu cảm, tự nhận thức và điều tiết cảm xúc - tất cả các kỹ năng thiết yếu cần trong đàm phán và hòa giải mối quan hệ. Do đó, những người gắn bó an toàn thường đạt hiệu quả khá cao trong việc đưa ra lời xin lỗi.

Schumann và Oerik (2019) đề xuất rằng một lời xin lỗi hiệu quả thể hiện sự quan tâm, mong muốn duy trì mối quan hệ và khôi phục mối quan hệ như trước.


Schumann (2014) gợi ý rằng lời xin lỗi hiệu quả có thể bao gồm tám yếu tố sau:

  1. Bày tỏ sự hối hận.

  2. Nhận trách nhiệm.

  3. Cố gắng sửa sai.

  4. Đưa ra lời giải thích nhưng không chối bỏ trách nhiệm.

  5. Hứa sẽ hành xử tốt hơn trong tương lai.

  6. Thừa nhận hậu quả (tổn thương) đã gây ra.

  7. Thừa nhận việc làm sai.

  8. Cầu xin sự tha thứ (bày tỏ mong muốn được tha thứ)

Nghiên cứu của Schumann và Oerik cho thấy những người gắn bó một cách an toàn có xu hướng đưa ra lời xin lỗi toàn diện hơn, nghĩa là họ có khả năng sử dụng nhiều hơn, trong số tám yếu tố quan trọng được liệt kê ở trên. Nghiên cứu của Ashy, Mercurio và Malley-Morrison (2010) chỉ ra rằng sự gắn bó an toàn cũng là một trong những yếu tố dự báo tốt nhất về thái độ tích cực đối với sự tha thứ. Những người gắn bó an toàn thường cởi mở hơn trong việc tha thứ so với những người gắn bó không an toàn (insecure attachment). Theo đó, những người gắn bó an toàn mong đợi những điều tích cực đến từ việc xin lỗi và thực hiện hành vi này thường xuyên hơn.


Nhưng khoảng 45% dân số có một trong ba kiểu gắn bó không an toàn. Vì vậy, ngay cả khi bạn thuộc kiểu gắn bó an toàn, bạn cũng nên đọc bài này để có thể hiểu những người gắn bó không an toàn mà bạn tương tác suy nghĩ và xử lý lời xin lỗi như thế nào.



Những người gắn bó lo âu (anxious/preoccupied attachment) có thể gặp khó khăn trong việc điều hòa cảm xúc và có thể có xu hướng bị chiếm đoạt cảm xúc. Khi họ bị kích hoạt, họ có khả năng cảm thấy những cảm xúc mạnh mẽ khiến họ nghĩ về những sự kiện đau đớn và những lỗi lầm khác trong quá khứ. Họ mong muốn và chờ đón lời xin lỗi nhưng cũng có khả năng bị kích hoạt lại và trải qua những cảm xúc mạnh mẽ. Các nhà nghiên cứu về gắn bó đã gọi nghịch lý này là “sự tức giận quay vòng”. Hãy xem một đứa trẻ (mới biết đi) có kiểu gắn bó lo âu hành xử như thế nào trong nghiên cứu kinh điển "tình huống với người lạ". Trong tình huống này, đứa trẻ bị chia cách trong một thời gian ngắn và sau đó đoàn tụ với mẹ của mình. Các nhà nghiên cứu quan sát và mã hóa phản ứng của đứa trẻ trong quá trình chia ly và đoàn tụ ấy. Một đứa trẻ gắn bó lo âu vô cùng nhẹ nhõm và ngả vào vòng tay an ủi của mẹ khi mẹ đón nó, và rồi chỉ để bắt đầu gào khóc và đánh cô ấy ngay sau đó. (Xem video ở đây)


Bây giờ hãy nghĩ về lần gần đây nhất bạn cố gắng xin lỗi và an ủi "đối tác lo âu" trong mối quan hệ của mình. Những người gắn bó lo âu có nhu cầu xử lý lại những gì đã xảy ra để giải phóng cảm xúc tiêu cực và đạt được trạng thái tha thứ. Để đạt được điều đó, họ cần phải loại bỏ sự mơ hồ và cần biết rằng bạn “có thành ý” nếu bạn đang xin lỗi họ. Họ cần một lời xin lỗi toàn diện hơn và thời gian để xử lý cùng với người gây tổn thương sau khi lời xin lỗi được gửi đi.


VÍ dụ: một người gắn bó lo âu và một người họ hàng có tương tác căng thẳng trước mặt những người khác trong buổi họp mặt gia đình. Người gắn bó lo âu muốn xin lỗi nhưng người kia (có kiểu gắn bó né tránh) lại tiến đến trước và xin lỗi về hành vi của họ. Người lo âu bắt đầu nói rằng họ cũng xin lỗi về phần của họ, nhưng người kia cắt lời họ, lặp lại lời xin lỗi và nhanh chóng kết thúc cuộc trò chuyện. Người gắn bó lo âu không có cơ hội xử lý tương tác của họ và khiến cuộc trao đổi căng thẳng hơn trước.


Nếu người gắn bó lo âu chủ động xin lỗi: Hãy xác định rõ động cơ xin lỗi của bạn. Rằng bạn chỉ muốn được tha thứ và nhận lại sự ân cần của người khác để bạn không phải lo lắng về việc bản thân trở nên đáng ghét hoặc trải qua những cảm xúc tiêu cực một cách không chính đáng.


Nếu người gắn bó lo âu đang được xin lỗi: Trước khi xin lỗi người bạn hoặc người yêu thương có kiểu gắn bó lo âu của mình, hãy cam kết làm theo tiến trình hành động của bạn. Nếu người này không kiểm soát được cảm xúc và bắt đầu bày tỏ sự tức giận đối với bạn, đừng 'bỏ của chạy lấy người' (phớt lờ, bỏ mặc, hay cố gắng giải quyết cho xong chuyện), hãy duy trì sự hiện diện về tình cảm và thể chất, lắng nghe tích cực và không phản ứng lại.


Gắn bó né tránh (dismissing attachment)

Những người gắn bó né tránh (dismissing attachment) thường giấu đi những mong manh, che đậy tính dễ tổn thương khi trải qua xung đột giữa các cá nhân hay thừa nhận những điểm yếu và lỗi sai của mình. Họ có xu hướng quy kết lí do bên ngoài cho những thất bại của bản thân và thường đổ lỗi, đóng vai nạn nhân trong hành vi của họ. Việc đưa ra một lời xin lỗi toàn diện thật sự khó khăn với những người gắn bó né tránh vì điều đó buộc họ phải thừa nhận những thiếu sót, bày tỏ mong muốn được đón nhận và có cơ hội để thay đổi, nhận trách nhiệm về những hành động gây tổn hại của mình và cầu xin sự tha thứ (Schumann, 2014).


Nghiên cứu của Schumann và Oerik (2019) chỉ ra rằng ai đó càng tránh né thì lời xin lỗi của họ càng ít toàn diện hơn, họ ít nỗ lực tạo ra sự thấu cảm trong việc đưa ra lời xin lỗi và họ càng có xu hướng phòng thủ hơn.


Schumann (2014) đưa ra các chiến lược phòng thủ của người né tránh bao gồm:

  1. Cố gắng biện minh cho hành vi của mình.

  2. Đổ lỗi cho nạn nhân

  3. Bào chữa

  4. Hạ thấp các tác động tiêu cực

  5. Cố gắng phủ nhận hành vi của mình làm tổn thương người khác

Nếu người gắn bó né tránh chủ động xin lỗi: Hãy xác định rõ động cơ của bạn. Nếu chỉ mong người kia nhanh chóng chấp nhận và bỏ qua lỗi của mình thì đây không phải là lý do chính đáng để xin lỗi. Tôi đã thấy nhiều thân chủ có kiểu gắn bó né tránh xin lỗi người thân yêu của mình khi họ rõ ràng không tin rằng bản thân đã làm gì sai hoặc thấy cần phải thay đổi hành vi của mình. Họ có xu hướng tin rằng lời xin lỗi của họ nên được chấp nhận nhanh chóng và họ nên được tha thứ mà không cần phải xử lý sâu hơn những gì đã xảy ra.


Ví dụ, một người gắn bó né tránh trong trị liệu cặp đôi xin lỗi vì bộc phát nói ra những lời mang tính sỉ nhục, lăng mạ và mong mọi thứ được tha thứ đơn giản vì họ đã đưa ra lời xin lỗi. Họ có thể nói, "Người thân yêu của tôi biết rằng tôi đang xin lỗi." Nhưng thường thì đối tác bên kia nhìn nhà trị liệu và lắc đầu, nói rằng “anh ấy/cô ấy không cảm nhận được lời xin lỗi ấy”.


Hãy để ý từ “nhưng” xuất hiện ngay sau lời xin lỗi. Điều này báo hiệu rằng một hoặc nhiều chiến lược phòng thủ được liệt kê ở trên sắp được thực hiện. Hãy nhớ rằng những chiến lược phòng thủ này sẽ nhanh chóng xóa sạch mọi lời xin lỗi.


Nếu người gắn bó né tránh đang được xin lỗi: Hãy chuẩn bị tinh thần khi người né tránh nói với bạn rằng đừng lo lắng về điều đó và hành động như không có chuyện gì xảy ra. Người này có thể không muốn trải nghiệm cảm giác gần gũi cần thiết để nghe bạn bộc bạch tâm hồn và thừa nhận những thiếu sót của bạn. Họ có thể sớm kết thúc cuộc trò chuyện và khiến bạn cảm thấy vấn đề không được giải quyết, thậm chí là tức giận. Nếu họ làm như vậy, hãy nói với họ rằng bạn muốn nói chuyện trải lòng sâu hơn một chút và hỏi xem họ có thể giữ sự hiện diện với bạn để cùng thảo luận không. Đừng chỉ bắt đầu xử lý nó bằng cách lý giải, phân tích bằng lời quá nhiều nếu họ chưa sẵn sàng. Họ sẽ "đóng cửa" bằng mọi cách. Và nếu họ kết thúc cuộc trò chuyện hoặc từ chối bạn, đơn giản nhận ra rằng bạn đã cố gắng hết sức, chấp nhận điều đó và tiếp tục 'bước đi'.


Kiểu gắn bó sợ hãi (fearful attachment)

Những người thuộc kiểu gắn bó sợ hãi (fearful attachment) thường muốn gần gũi nhưng họ lại quá sợ bị tổn thương để đến đủ gần với người khác. Họ có thể đã bị tổn thương về mặt tình cảm bởi những người mà họ phụ thuộc nhiều nhất trong thời thơ ấu. Họ cũng có thể chứng kiến nhiều mối quan hệ căng thẳng dữ dội mà không chứng kiến mối quan hệ được cải thiện sau đó. Do đó, họ không có nhiều khả năng đưa ra một lộ trình cho cách thức hoạt động của một lời xin lỗi hiệu quả. Họ cũng có khả năng kiểm soát cảm xúc tương đối kém và có thể nhận thức sai về động cơ và ý định của người khác. Vì vậy, họ thường không tin tưởng, đa nghi và đề phòng bị tổn thương hoặc thao túng.


Những người từng trải qua môi trường gia đình nhiều mâu thuẫn, thù hằn và biến động có thái độ tiêu cực hơn đối với lời xin lỗi, sự tha thứ và hòa giải. Không ngạc nhiên khi Ashy, Mercurio và Malley-Morrison (2010) phát hiện ra rằng thái độ tiêu cực và từ chối đối với lời xin lỗi, sự tha thứ và hòa giải có liên quan mạnh mẽ nhất với kiểu gắn bó sợ hãi.


Nếu người gắn bó sợ hãi chủ động xin lỗi: Thực hành kiểm soát cảm xúc của bạn trước khi xin lỗi. Bạn có thể không đưa ra được lời xin lỗi nếu cảm xúc của bạn chỉ là những gì thể hiện trên bề mặt. Tất nhiên, bạn hiểu rõ bản thân mình nhất và sẽ muốn cân bằng giữa cảm xúc hiện tại và chân thực với việc có thể xin lỗi mà không đóng băng, tấn công hoặc bỏ chạy. Viết nó ra giấy trước khi cố gắng nói trực tiếp vì khi bạn nói trực tiếp, suy nghĩ của bạn có thể trở nên vô tổ chức và bạn không nhớ mình muốn nói gì.


Nếu người gắn bó sợ hãi được xin lỗi: họ có thể nói với bạn hãy tránh xa và bạn không được tha thứ. Nếu họ làm vậy, cố gắng đừng trở nên tức giận. Điều đó sẽ chỉ chứng minh cho họ thấy rằng bạn không chân thành và cố gắng thao túng họ. Trong một vài trường hợp khác, họ có thể tấn công bạn và hành động vượt quá giới hạn mà bạn thậm chí không nghĩ đến. Nếu điều này xảy ra, hãy nhớ rằng người bạn hay người thân yêu của bạn trở nên mất kiểm soát cảm xúc vì tính dễ tổn thương trong họ lôi kéo theo cả bạn vào trong trải nghiệm này và bạn có thể bị xem là kẻ đáng sợ. Chỉ cần đảm bảo với những người gắn bó sợ hãi rằng "không sao cả, và bạn vẫn đang ở đây với họ". Hỏi họ liệu họ có cần khoảng không một mình để xử lý những gì mà bạn nói.


Đây là vài ý tưởng cơ bản trong việc đưa ra một lời xin lỗi hiệu quả dựa trên kiểu gắn bó của mỗi người. Nhưng đây chỉ là gợi ý trong một chủ đề phức tạp. Nếu bạn cần thêm trợ giúp để giải quyết những vấn đề này, bạn nên gặp một nhà trị liệu có kiến thức về thuyết gắn bó.



Trong lúc đó, hãy lưu ý một vài điều trọng tâm:

  1. Đừng ráng xin lỗi chỉ để trông đợi sẽ được tha thứ. Bạn không nên làm vậy. Và dù là vấn đề gì, cố gắng hết sức không đả kích hay trở nên tức giận với người đã không tha thứ cho bạn. Đôi khi chúng ta làm những điều tồi tệ và dĩ nhiên là chúng ta phải trả giá cho những hành động của mình. Những mối quan hệ mất đi và một số mức độ đau đớn đôi khi là một phần của điều đó. Ví dụ, con trai tôi nói rằng: "Con xin lỗi, bố tha lỗi cho con nhé!". Điều đó có đồng nghĩa với 'Con có thể tránh né hậu quả trong hành vi của mình' được không? Câu trả lời là 'Được, bố tha lỗi cho con'. Nhưng con vẫn phải nhận hậu quả (chịu trách nhiệm) với hành vi của mình.

  2. Đừng xin lỗi nếu điều đó có thể làm tổn hại đến người mà bạn xin lỗi hoặc người khác. Hãy suy nghĩ cẩn trọng về nó.

  3. Đừng xin lỗi về điều nào đó và chỉ ra sai phạm của đối tác trong câu tiếp theo.

  4. Hãy cân nhắc động cơ xin lỗi của bạn và nhận biết mức độ mà bạn đang làm điều này cho chính bạn hoặc cho người khác.

  5. Trên tất cả, hãy nhớ rằng bạn xứng đáng được tôn trọng, được nghe những lời tử tế và được nhận sự ủng hộ. Đối xử tốt với bản thân và tôn trọng hạnh phúc toàn vẹn của chính bạn.

 

Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề


--------------------------------------------------


Khuyến cáo về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây: www.compassion.vn/booking).


--------------------------------------------------


Thông Tin Về Bài Đăng:

Đội ngũ sản xuất: Người dịch: duli11195 ; Người biên tập: Anh Đào Lê ; Người hiệu đính: Phạm Đại Bàng

Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing. Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page