top of page

Art Therapy - Sử Dụng Nghệ Thuật Để Chữa Lành Như Thế Nào? Lịch Sử, Ứng Dụng & Đào Tạo Ở Đâu?

Đã cập nhật: 23 thg 8, 2020


Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Compassion.vn: Những lúc mệt mỏi hoặc chán nản, nghe một bản nhạc nhẹ nhàng thôi dường như bạn cũng cảm thấy được xoa dịu. Hay khi đang trong một cơn tức giận, bạn viết ra sự tức giận đó, đến khi viết hết ra xong cũng cảm thấy nguôi ngoai đi một chút. Đôi lúc bạn cũng tự hỏi vì sao âm nhạc và các con chữ lại có thể tác động được đến trạng thái cảm xúc của mình. Bạn đã bao giờ nghe đến khái niệm Liệu pháp nghệ thuật (Art therapy) chưa?. Hãy cùng Compassion.vn tìm hiểu xem liệu pháp nghệ thuật là gì và cách liệu pháp nghệ thuật giúp chúng ta chữa lành nhé!


Liệu pháp nghệ thuật (Art therapy) là phương pháp sử dụng các loại hình nghệ thuật để điều trị các rối loạn tâm lý và cải thiện sức khỏe tâm thần. Đây là kỹ thuật được xây dựng bắt nguồn từ quan niệm cho rằng quá trình thể hiện sáng tạo có thể thúc đẩy chữa lành và mang đến hạnh phúc. Nghệ thuật, thông qua quá trình sáng tạo hay chiêm ngưỡng/quan sát tác phẩm của người khác, được sử dụng để giúp con người khám phá cảm xúc, phát triển nhận thức bản thân, đối phó với căng thẳng, nâng cao lòng tự tôn, và giúp rèn luyện các kỹ năng xã hội.


Thật ngạc nhiên khi biết rằng nghệ thuật có thể là một công cụ hiệu quả trong điều trị sức khỏe tâm thần. Vậy thì nghệ thuật có liên quan gì đến tâm lý trị liệu? Là một phương tiện để biểu đạt, nghệ thuật có thể được sử dụng để giúp quá trình giao tiếp với thân chủ được tốt hơn, giúp họ vượt qua stress và khám phá những khía cạnh khác nhau trong tính cách của mỗi người.


Liệu Pháp Nghệ Thuật (Art Therapy) Là Gì?

Liệu pháp nghệ thuật (Art therapy) tích hợp các kỹ thuật trị liệu tâm lý đi kèm với quá trình sáng tạo nhằm giúp cải thiện sức khỏe tâm thần và mang đến hạnh phúc. Hiệp Hội Liệu Pháp Nghệ Thuật Hoa Kỳ mô tả liệu pháp nghệ thuật (art therapy) như một phương pháp tiếp cận tới sức khỏe tâm thần - sử dụng việc sáng tạo nghệ thuật để giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, thể chất và cảm xúc.

Mục tiêu của liệu pháp nghệ thuật (art therapy) là thông qua quá trình sáng tạo giúp con người khám phá những biểu hiện của bản thân và bằng cách đó, tìm ra những phương thức giúp họ hiểu thấu bản thân và phát triển các kỹ năng ứng phó mới.


Các kỹ thuật sử dụng trong liệu pháp nghệ thuật (art therapy) có thể bao gồm vẽ, sơn, tô màu, điêu khắc hoặc cắt dán giấy/tranh/ảnh. Khi một người thực hiện sáng tạo nghệ thuật, họ có thể phân tích cái họ đang làm và cảm nhận được cảm giác của bản thân trong quá trình đó. Thông qua phân tích các tác phẩm nghệ thuật, người ta có thể tìm những chủ đề hay những mâu thuẫn ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của họ.


Chúng ta không cần phải có khả năng nghệ thuật hay tài năng đặc biệt gì để tham gia vào liệu pháp nghệ thuật (art therapy). Mọi người ở mọi lứa tuổi từ trẻ em, thanh thiếu niên và cả người lớn đều có thể nhận được lợi ích từ liệu pháp nghệ thuật. Một vài nghiên cứu cho thấy sự hiện diện của nghệ thuật có thể góp phần thúc đẩy sức khỏe tinh thần.


Nghiên cứu năm 2017 của Stine L. Nielsen và cộng sự cho thấy nghệ thuật được trưng bày trong bệnh viện đã góp phần tạo nên một môi trường khiến bệnh nhân cảm thấy an toàn hơn. Điều này cũng đóng vai trò cải thiện quá trình hòa nhập xã hội và duy trì sự đồng nhất với danh tính bên ngoài bệnh viện của bệnh nhân.

Lịch sử

Con người đã dựa vào nghệ thuật để giao tiếp, thể hiện bản thân, và chữa lành trong hàng ngàn năm. Nhưng liệu pháp nghệ thuật (art therapy) vẫn chưa được trở thành một chương trình chính thức cho đến những năm 1940.


Các bác sĩ đã ghi chú lại rằng các bệnh nhân mắc bệnh tâm lý thường thể hiện bản thân qua những bức vẽ và các tác phẩm nghệ thuật khác. Điều này đã giúp nhiều người khám phá ra rằng nghệ thuật có thể được sử dụng như một phương pháp chữa lành. Từ đó, nghệ thuật trở thành một phần quan trọng trong lĩnh vực trị liệu và được sử dụng trong một số kỹ thuật đánh giá và điều trị.

Cách sử dụng

Liệu pháp nghệ thuật (Art therapy) có thể được sử dụng để điều trị một loạt các rối loạn tâm thần và những tổn thương tâm lý. Trong nhiều trường hợp, liệu pháp nghệ thuật còn được sử dụng kết hợp với các kỹ thuật trị liệu tâm lý khác như liệu pháp nhóm (group therapy) hoặc CBT - liệu pháp nhận thức - hành vi (cognitive-behavioral therapy).


Một số trường hợp có thể sử dụng liệu pháp nghệ thuật:

  • Người lớn bị căng thẳng nghiêm trọng

  • Trẻ em phải chịu đựng hành vi bạo lực hoặc vấn đề xã hội ở trường hoặc tại nhà

  • Trẻ em hoặc người lớn phải trải qua một sự kiện đau thương

  • Trẻ em bị khuyết tật về khả năng học tập

  • Người bị tổn thương não

  • Những người gặp vấn về về sức khỏe tâm thần

Một số trạng thái mà liệu pháp nghệ thuật có thể được sử dụng để trị liệu:

  • Các vấn đề liên quan đến lão hóa

  • Lo âu

  • Ung thư

  • Trầm cảm

  • Rối loạn ăn uống

  • Các khó khăn về cảm xúc

  • Các vấn đề về gia đình hoặc mối quan hệ

  • Các tình trạng y tế

  • Các triệu chứng tâm lý liên quan đến các vấn đề y tế khác

  • PTSD (Rối loạn căng thẳng sau sang chấn)

  • Các vấn đề tâm lý xã hội

  • Căng thẳng

  • Lạm dụng chất kích thích

Đánh giá của Dafna Regev và Liat Cohen-Yatziv về hiệu quả của liệu pháp nghệ thuật (art therapy) đã cho thấy kỹ thuật này đã giúp các bệnh nhân ung thư đang điều trị cải thiện chất lượng sống của bản thân và giảm bớt một loạt cái triệu chứng tâm lý khác.


Những điểm hạn chế

Trong khi nghiên cứu cho thấy liệu pháp nghệ thuật (art therapy) có thể mang nhiều lợi ích, một số khác lại phát hiện hiệu quả của nó là hỗn hợp lẫn lộn. Các nghiên cứu thường nhỏ và không có kết luận, do đó cần nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu xem làm thế nào và khi nào liệu pháp nghệ thuật có thể mang lại lợi ích tốt nhất.

Liệu pháp nghệ thuật (Art therapy) hiệu quả như thế nào?

Một nhà trị liệu nghệ thuật có thể sử dụng đa dạng các phương pháp nghệ thuật như vẽ, sơn, điêu khắc và cắt dán giấy/tranh/ảnh với thân chủ từ trẻ nhỏ đến người già. Các thân chủ đã trải qua tổn thương về tinh thần, bị bạo lực thể chất, bạo lực gia đình, lo âu, trầm cảm và các vấn đề tâm lý khác có thể có được lợi ích từ việc thể hiện bản thân thông qua nghệ thuật.


Các văn phòng nội trú, văn phòng sức khỏe tâm thần tư nhân, trường học và các tổ chức cộng đồng là tất cả những nơi có thể có dịch vụ trị liệu nghệ thuật. Một số bối cảnh cụ thể nơi liệu pháp nghệ thuật (art therapy) có thể diễn ra bao gồm:

  • Các xưởng nghệ thuật

  • Các trường cao đẳng và đại học

  • Các trung tâm cộng đồng

  • Cơ sở cải huấn

  • Các trường tiểu học và trường trung học phổ thông

  • Nhà tập thể

  • Mái ấm vô gia cư

  • Bệnh viện

  • Văn phòng trị liệu tư nhân

  • Trung tâm điều trị nội trú

  • Các trung tâm dưỡng lão

  • Trung tâm chăm sóc sức khỏe

  • Mái ấm cho phụ nữ

Chúng ta thường tự hỏi rằng, một buổi trị liệu nghệ thuật sẽ có điều gì khác so với các buổi học nghệ thuật thông thường khác? Nếu các buổi học nghệ thuật tập trung chủ yếu vào kỹ thuật dạy hoặc cách để tạo ra một sản phẩm nghệ thuật chi tiết, hoàn chỉnh thì liệu pháp nghệ thuật (art therapy) lại thiên về việc làm sao để thân chủ tập trung vào trải nghiệm bên trong.


Khi sáng tạo nghệ thuật, người ta có thể tập trung vào nhận thức, trí tưởng tượng và cảm xúc của chính họ. Thân chủ được khuyến khích tạo ra tác phẩm nghệ thuật thể hiện thế giới bên trong của họ hơn là tạo ra thứ gì đó thể hiện thế giới bên ngoài.


Làm thế nào để trở thành một nhà trị liệu nghệ thuật (art therapist)?

Nếu bạn quan tâm đến việc trở thành một nhà trị liệu nghệ thuật, hãy bắt đầu bằng cách tìm hiểu thêm về giáo dục, đào tạo và các chứng chỉ chuyên môn nào cần để thực hành. Trong hầu hết các trường hợp, trước tiên bạn cần phải là một nhà tâm lý học lâm sàng, cố vấn chuyên nghiệp hoặc nhân viên xã hội đã được cấp phép để cung cấp các dịch vụ trị liệu tâm lý.


Tại Hoa Kỳ, Hội đồng chứng chỉ trị liệu nghệ thuật (Art Therapy Credentials Board, Inc. - ATCB) cung cấp các chương trình chứng nhận cho phép các nhà trị liệu nghệ thuật trở thành nhà trị liệu nghệ thuật hợp pháp, có chứng chỉ của hội đồng, hoặc là nhà trị liệu nghệ thuật được hành nghề tùy thuộc vào tiểu bang mà họ sống và làm việc.


Theo Hiệp Hội Liệu Pháp Nghệ Thuật Hoa Kỳ, các điều kiện tối thiểu là:

  • Có bằng thạc sĩ về trị liệu nghệ thuật, hoặc

  • Có bằng thạc sĩ về tư vấn hoặc một lĩnh vực liên quan đi kèm với các môn học bổ sung về trị liệu nghệ thuật

Bạn cũng cần có thêm trải nghiệm học tập sau tốt nghiệp. Chi tiết hơn, bạn có thể tìm hiểu về các yêu cầu đào tạo và giáo dục để trở thành một nhà trị liệu nghệ thuật trên trang chủ của AATA.


Thuật ngữ Art therapists - Nhà Trị Liệu Nghệ Thuật là thuật ngữ chung để chỉ các nhà trị liệu sử dụng các hoạt động giải trí ̣(recreational therapists), bao gồm các chuyên gia sức khỏe tâm thần - những người sử dụng biểu diễn, các môn thể thao và các hoạt động giải trí khác để cải thiện sức khỏe tinh thần. Cục Thống kê Lao động Mỹ báo cáo rằng mức lương trung bình hàng năm cho các nhà trị liệu giải trí là $50,640 vào năm 2018.


Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề:

 

Khuyến cáo về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây: www.compassion.vn/booking).

 

Thông Tin Về Bài Đăng: 

Nguồn bài dịch (Bài gốc tiếng Anh): https://www.verywellmind.com/what-is-art-therapy-2795755

Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Đinh Thị Thu Hiền ; Người biên tập: Trang ; Người hiệu đính: Phạm Đại Bàng

Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tạiwww.compassion.vn/crowdsourcing. Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page