Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Compassion.vn: Lần gần đây nhất bạn tạm dừng mọi thứ để dành chút thời gian riêng tư, ngồi lại với bản thân là khi nào? Lần gần đây nhất bạn dành tình yêu, sự trân trọng, cảm kích, nhìn lại những sai lầm và dành lời động viên cho bản thân mà không phải là một ai đó khác là khi nào? Nhà văn Mỹ Tamim Ansary đã nói rằng, “Chúng ta cần sự cô độc vì khi ta ở một mình, ta thoát khỏi những trói buộc, ta không cần phải diễn, và ta có thể nghe thấy được những suy nghĩ của chính mình” (We need solitude, because when we're alone, we're free from obligations, we don't need to put on a show, and we can hear our own thoughts). Hãy cùng chúng tôi ngồi xuống, nhâm nhi một tách trà, đọc bài viết này với chúng tôi, và thưởng cho mình một chút thời gian ở một quý báu, bạn nhé. Biết đâu, chính chúng ta đang thực sự cần thời gian ở một mình (alone time) mà ta đang không hề nhận ra?...
Thời gian ở một mình quan trọng như thế nào đối với sức khỏe tinh thần
Viết bởi Kendra Cherry
Đánh giá y tế bởi Steven Gans, MD
Mục lục bài viết
Con người có xu hướng trở thành sinh vật xã hội. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các mối liên kết xã hội rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất (physical well-being) và sức khoẻ tinh thần (emotional well-being). Tuy nhiên, thời gian ở một mình lại đóng vai trò nòng cốt trong sức khoẻ tâm lý (mental health) của con người. Được gần gũi mọi người xung quanh cũng là một niềm vui, nhưng điều đó cũng tạo nên sự căng thẳng. Bạn bận tâm về những điều người khác nghĩ. Bạn thay đổi cách hành xử của mình vì sợ bị mọi người từ chối và để hoà nhập với những người còn lại trong nhóm.
Mặc dù đó có thể là cái giá phải trả để trở thành một phần của cuộc sống xã hội, tuy nhiên những thách thức này cũng chứng minh rằng tại sao thời gian ở một mình lại quan trọng đến vậy. Dành thời gian cho chính mình giúp bạn có cơ hội thoát khỏi áp lực xã hội, khai thác suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm của bản thân.
Tại sao thời gian ở một mình lại quan trọng
Dành thời gian ở một mình có một số lợi ích nhất định. Vài trong số đó bao gồm:
Khám phá bản thân
Sáng tạo
Năng lượng xã hội
Khám phá bản thân
Dành thời gian thoải mái ở một mình có thể mang lại cho bạn thời gian và sự tự do để bạn thoả sức khám phá những đam mê của riêng mình mà không bị ai can thiệp. Đó có thể là cách để bạn trải nghiệm những điều mới lạ, nghiên cứu những chủ đề khiến bạn say mê, thu thập kiến thức, hay thậm chí thực hành những phương pháp mới để thể hiện bản thân.
Tận hưởng thời gian một mình, bạn có thể trải nghiệm những điều trên mà không lo bị áp lực hay bị người khác phán xét, áp đặt. Dành thời gian cho bản thân là một điều quan trọng đối với sự trưởng thành và phát triển của cá nhân. Thay vì bận tâm đến những nhu cầu, sở thích hay ý kiến của người khác, dành thời gian ở một mình cho phép bạn tập trung về bản thân.
Sáng tạo
Thời gian một mình chính là cơ hội để tinh thần bạn được thoải mái và củng cố khả năng sáng tạo của bạn. Bỏ qua nhu cầu quan tâm hay tương tác với người khác, bạn có thể bàng quan với những tác động bên ngoài, và hướng về con người bên trong bạn.
Một nghiên cứu cũng thực sự chỉ ra rằng ở một mình có thể dẫn đến những thay đổi trong não bộ, giúp thúc đẩy quá trình sáng tạo. Một nghiên cứu cho thấy, những người có xu hướng lui về và dành thời gian ở một mình thường là những người có khả năng sáng tạo cao (highly creative people).
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications năm 2020, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự tự cô lập xã hội (hay còn gọi là sự cô đơn - loneliness) là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng hoạt động trong các mạch thần kinh liên quan đến trí tưởng tượng. Khi rơi vào trạng thái thiếu giao tiếp xã hội, não bộ sẽ tăng cường khả năng sáng tạo để lấp đầy khoảng trống của nó.
Năng lượng xã hội
Ở một mình khiến bạn có xu hướng bị nhìn nhận dưới góc độ tiêu cực. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, những người dành thời gian ở một mình thực sự có thể có đời sống xã hội phong phú hơn và nhiều năng lượng xã hội hơn so với những người sống chung với những người khác
Trong cuốn sách “Going Solo” của mình, nhà xã hội học Eric Klineberg lưu ý rằng cứ bảy người trưởng thành ở Mỹ thì sẽ có một người sống một mình. Ông phát hiện rằng những người trưởng thành này không những sống độc lập mà còn thực sự có đời sống xã hội rất phong phú.
Tại sao ở một mình không dễ
Thời gian ở một mình có thể là thách thức đối với một số người vì nhiều lý do. Một nghiên cứu cho thấy nhiều người thích tự gây ra những cú sốc điện đau đớn còn hơn là tự ngồi làm bạn với những suy nghĩ của chính mình. (1)
Một số lý do khiến mọi người có thể phải vật lộn khi ở một mình, bao gồm
Thiếu trải nghiệm ở một mình: Một số người có thể không quen với việc ở một mình vì họ đã quá quen ở bên cạnh người khác. Việc những tương tác xã hội biến mất đột ngột có thể khiến họ cảm thấy bị tách rời hoặc bị mất kết nối.
Chìm trong cảm xúc và suy nghĩ phiền muộn: Trong một vài trường hợp, việc ở một mình và hướng nội có thể gây khó khăn hoặc thậm chí tổn thương. Những người này cảm thấy nội tâm mình bị giằng xé hay bản thân họ sẽ ở trong tình trạng suy ngẫm (rumination) và lo lắng.
Chứng kì thị xã hội: Kì thị (Stigma) ở một mình đóng vai trò trong việc hình thành cách mà người đó cảm nhận về nỗi cô đơn. Đối với những người đã tiếp xúc với thái độ tiêu cực khi ở một mình, hay những người coi đó là một hành vi chống đối xã hội hoặc bị xã hội chống đối, cô đơn tựa như một hình thức trừng phạt đau đớn.
Giáo sư ngành Marketing, nhà nghiên cứu Rebecca Ratner tại Đại học Maryland đã phát hiện ra rằng, mọi người thường tránh làm những việc họ thích nếu họ phải ở một mình. Điều này đặc biệt đúng nếu đó là một hành động mà người khác quan sát được, chẳng hạn như đi ăn tối hoặc xem phim một mình. Những phát hiện này cho thấy sự kì thị việc ở một mình ảnh hưởng đến việc mọi người nghĩ rẳng họ có thích những hoạt động đó hay không.
Ratner giải thích: “Khi mọi người làm việc một mình, họ thích thú hơn cả những gì mà họ mong đợi. Mọi người đánh giá quá cao lợi ích của việc ở bên cạnh người khác” .
Cũng cần lưu ý rằng, những khía cạnh trong tính cách của bạn cũng như trong sở thích của cá nhân bạn đóng vai trò trong việc xác định bạn cần dành bao nhiêu thời gian cho bản thân và hiệu quả của nó đến đâu.
Những người hướng ngoại (Extroverts) có xu hướng cảm thấy tràn trề năng lượng trước những trải nghiệm xã hội, bởi vậy sự cô độc có thể là thử thách đối với họ. Ngược lại, những người hướng nội (introverts)lại có được năng lượng từ việc ở một mình.
Tuy vậy, đừng nghĩ rằng chỉ vì bạn là người hướng ngoại mà bạn không thể dành thời gian một mình cho bản thân. Trong một nghiên cứu của mình, nhà tâm lý học xã hội Nguyễn Thị Thúy Vy đã chỉ ra rằng, những người hướng nội và hướng ngoại không thực sự khác nhau về mức độ tận hưởng mà họ có được khi ở một mình. Trái lại với suy nghĩ thông thường, người hướng nội không thích sự cô đơn hơn người hướng ngoại.
Các tác giả giải thích: “Các phát hiện của chúng tôi cho thấy những cá nhân trung thực với lựa chọn và niềm tin của họ có nhiều khả năng quan tâm và nhận thức được giá trị của việc dành thời gian cho bản thân, bất chấp xu hướng xã hội hoặc cảm giác bất an khi ở cạnh người khác”
Bất kể bạn thuộc loại tính cách (personality type) nào, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích từ việc dành nhiều thời gian hơn cho bản thân.
Đại dịch Covid-19 đã chứng tỏ cả những bất cập mà sự cô đơn và việc thiếu thời gian yên tĩnh (a lack of solitary time) mang lại. Trong khi nhiều người phải vật lộn với cảm giác bị cô lập và sự cô đơn, một số khác phải đối mặt với những thách thức khi đột nhiên phải dành nhiều thời gian ở gần các thành viên trong gia đình hoặc bạn cùng phòng. Ranh giới giữa công việc và cuộc sống bị xóa nhòa, và vì không tách bạch thời gian rõ ràng, điều đó có nghĩa một số người gặp khó khăn với việc hoàn toàn thiếu thời gian ở một mình.
Một mình (Aloneness) và cô đơn (Loneliness)
Các báo cáo gần đây cảnh báo về một đại dịch cô đơn đang đe dọa đến sức khỏe của mọi người ở mọi lứa tuổi, vì một lý do chính đáng. Nghiên cứu cũng gợi ý rằng nhiều người phản ánh họ cảm thấy cô đơn hơn nhiều so với trước đây. Theo một báo cáo, một nửa số người Mỹ thỉnh thoảng cảm thấy cô đơn, 25% trong số đó cho biết hầu như lúc nào họ cũng cảm thấy cô đơn.
Sự dãn cách xã hội (Social distancing) bởi đại dịch Covid-19 đang làm gia tăng mối lo ngại về sự phổ biến và tác động của sự cô đơn (the prevalence and impact of loneliness) Trong một bài báo được đăng trên tạp chí The International Journal of Social Psychology, Debanjan Banerjee và Mayank Rai đã giải thích rằng, “Việc dãn cách xã hội dẫn đến sự buồn chán và cô đơn mãn tính, nếu kéo dài có thể gây ra những bất lợi ảnh hưởng đến sức khỏe vật lý và sức khỏe tâm lý”.
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy sự cô đơn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Nó liên quan đến việc tăng huyết áp, suy giảm nhận thức nhanh chóng, lo âu xã hội và tăng nguy cơ cao mắc chứng Alzheimer.
Cô đơn liên quan đến hàng loạt các hậu quả tiêu cực về sức khỏe, bao gồm nguy cơ cao bị trầm cảm, lo lắng, béo phì, cao huyết áp và đột quỵ.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là không nên đánh đồng một mình và sự cô đơn. Trong khi sự cô đơn được đánh dấu băng cảm giác tiêu cực liên quan đến sự cô lập, ở một mình lại gắn liền với việc tìm kiếm sự tự do, cảm hứng và điều hòa sự cô đơn.
Gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát triển một ý tưởng rằng một khoảng thời gian ở một mình chất lượng có tầm quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.
Những dấu hiệu cho thấy bạn cần thời gian ở một mình
Không phải lúc nào bạn cũng nhận ra những dấu hiệu cho thấy có thể bạn cần phải tách khỏi người khác một vài lúc. Một số dấu hiệu cần lưu ý bao gồm:
Cảm thấy nóng tính
Đôi khi dễ bị kích thích bởi những điều nhỏ nhặt
Mất hứng thú làm việc với người khác
Cảm thấy bị choáng ngợp hoặc bị kích thích quá mức
Mất tập trung
Lo lắng về việc dành thời gian cho người khác
Tin tốt là ngay cả khi bạn đang phải vật lộn với bất kì dấu hiệu nào trên đây, một chút thời gian ở một mình cũng có tác dụng hồi phục đáng kể. Trong một nghiên cứu, những người cho biết họ dành khoảng 11% thời gian ở một mình cảm thấy ít tiêu cực hơn khi đối mặt với những trải nghiệm nhu cầu xã hội.
Nên ở một mình như thế nào
Nếu bạn đang nghĩ đến việc dành thời gian ở một mình, điều quan trọng là phải làm theo những cách có lợi cho sức khỏe tinh thần của bạn. Nó sẽ trở nên có lợi nhất khi bạn tự nguyện ở một mình. Điều nữa là bạn cảm thấy mình có thể trở lại cuộc sống xã hội bất kì khi nào bạn muốn.
Chọn thời điểm: Tìm thời điểm khi nào bạn muốn dành thời gian ở một mình. Lập thời gian biểu và đảm bảo rằng những người khác không nên làm phiền bạn trong thời gian đó.
Tắt các phương tiện truyền thông xã hội: Hãy làm việc để loại bỏ những xao nhãng, đặc biệt là những lời mời trên mạng xã hội. Bạn nên tập trung vào suy nghĩ và sở thích của mình chứ không phải là những điều mà mọi người làm.
Lên kế hoạch: Không phải ai cũng thoải mái khi dành thời gian ở một mình, khi bạn định làm điều gì đó, hãy cảm thấy điều đó thật hữu ích. Điều này có thể liên quan đến việc lập kế hoạch thời gian thư giãn, khám phá một sở thích yêu thích, hay đọc một cuốn sách.
Đi dạo: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở môi trường bên ngoài có thể có lợi đối với sức khỏe của bạn. Nếu bạn đang cảm thấy gò bó và ngột ngạt vì tương tác xã hội quá nhiều, hãy dành chút thời gian ra ngoài để tận hưởng sự thay đổi của cảnh vật, điều đó có tác dụng phục hồi sức khỏe của bạn.
Mỗi người sẽ có một khoảng thời gian ở một mình khác nhau. Hãy nghĩ về những điều mà bạn thích khi ở một mình, sau đó bắt đầu thực hiện từng thứ một.
Mỗi người có nhu cầu cô lập bản thân và giao tiếp xã hội khác nhau, vậy nên hãy thử cân bằng giữa hai nhu cầu đó với nhu cầu riêng của bạn. Một số người có thể chỉ cần vài phút là có thể thiết lập lại tâm trạng ngay, nhiều người khác có thể cần nhiều thời gian ở một mình hơn
Tạo không gian để ở một mình
Chọn thời gian để ở một mình không phải lúc nào cũng dễ. Những người xung quanh bạn có thể có những nhu cầu xã hội khác nhau và họ khó có thể thông cảm được nhu cầu cần ở một mình của bạn. Những nghĩa vụ gia đình và trách nhiệm nuôi dạy con cái co thể khiến bạn khó dành thời gian được cho bản thân. Một vài bước dưới đây mà bạn có thể thực hiện để đảm bảo rẳng bạn có đủ thời gian mà bạn cần:
Hãy rõ ràng: Nói với những người xung quanh bạn, cho dù họ là bạn cùng phòng, người trong gia đình, hay thậm chí đối tác của bạn, rằng bạn cần thời gian ở một mình
Hãy cụ thể: Cho mọi người biết điều này có nghĩa là gì. Ví dụ: bạn có thể nói bạn cần một khoảng thời gian nhất định mà không bị ai làm phiền để đọc sách, xem chương trình truyền hình, hoặc nghe podcast.
Hãy hồi đáp: Nếu mọi người sẵn sàng thực hiện các bước để đảm bảo rằng bạn có thời gian ở một mình, hãy cho họ thấy sự cân nhắc tương tự là cần thiết. Hãy đề nghị đảm nhiệm một số trách nhiệm khi họ muốn có không gian riêng cho bản thân.
Hãy linh hoạt: Nếu bạn vẫn đang cố gắng tìm thời gian riêng cho bản thân khi không sống một mình hoặc bạn đang sống cùng với những người khác, có lẽ bạn cần linh hoạt để tìm kiếm thời gian phù hợp để ở một mình
Hãy thử thức dậy vào sáng sớm để tận hưởng khoảng thời gian yên bình cho bản thân trước khi những người khác trong nhà thức dậy. Nếu bạn có lựa chọn khác, hãy làm những điều khác như đi dạo ngoài trời hay để các thành viên khác trong gia đình trông con trong khi bạn có thể nghỉ ngơi, điều đó sẽ hữu ích hơn đấy!
Phát triển tư duy đúng đắn
Nếu ý nghĩ ở một mình khiến bạn lo sợ rằng mình sẽ cảm thấy cô đơn, thì nghiên cứu cho thấy sẽ hữu ích hơn nếu bạn tiết chế (reframe) thời gian ở một mình tựa như sự cô độc. Trong một nghiên cứu, những người tham gia được chỉ định đọc về mức độ phổ biến của sự cô đơn, đọc một đoạn văn về lợi ích của sự cô đơn hoặc đọc một chủ đề không liên quan.
Sau khi hoàn thành bài đọc này, những người tham gia sẽ ngồi một mình trong khoảng thời gian 10 phút. Tại mỗi một tình trạng, mỗi người cảm thấy giảm cảm giác tiêu cực hoặc tích cực. Kết quả cho thấy, mặc dù không phải lúc nào ở một mình cũng có thể thúc đẩy tâm trạng, nhưng nó có thể giúp bạn điều chỉnh cảm xúc của mình tốt hơn (regulate your emotions).
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong khi những người đọc về lợi ích của sự cô đơn không nhất thiết phải trải qua những cảm xúc tốt, họ không bị giảm cảm xúc tích cực giống như những người ở hai nhóm còn lại.
Những phát hiện này cho thấy rằng việc đánh giá lại cách bạn nhìn nhận thời gian ở một mình sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tiết chế những tác động tiêu cực có thể xảy ra của sự cô đơn.
Lời khuyên cho bạn
Mặc dù ở một mình đôi khi bị hiểu nhầm là cô đơn, nhưng rõ ràng, dành thời gian cho bản thân là điều quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.
Nếu ý nghĩ dành thời gian cho riêng mình khiến bạn cảm thấy buồn chán hoặc không thoải mái, hãy thử bắt đầu với một khoảng thời gian nhỏ đủ cho phép bạn tập trung vào một công việc cụ thể.
Khi bạn trở nên tốt hơn trong việc tận hưởng không gian của riêng mình, bạn có thể thấy rằng khoảng thời gian này sẽ giúp bạn cảm thấy mới mẻ hơn và có cảm hứng ngay khi bạn quay trở lại vòng kết nối xã hội của mình.
Nguồn báo tham khảo
(1). Wilson TD, Reinhard DA, Westgate EC, et al. Just think: The challenges of the disengaged mind. Science. 2014;345(6192):75-77. doi:10.1126/science.1250830
Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề:
Khuyến cáo về bài đăng:
Các bài đăng trên https://www.compassion.vn/ được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion.vn luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: https://www.compassion.vn/booking. Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây: https://www.compassion.vn/booking).
Thông Tin Về Bài Đăng:
Nguồn bài dịch từ trang gốc (Bài gốc tiếng Anh): https://www.verywellmind.com/how-important-is-alone-time-for-mental-health-5184607
Đội ngũ sản xuất:
Người dịch và biên tập: Thuy Linh Dinh, Phạm Đại Bàng
Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing. Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.
Opmerkingen