top of page

7 chiến lược đối phó với căng thẳng trong công việc

Đã cập nhật: 13 thg 4, 2019


Căng thẳng là 1 vấn đề thường gặp của những người đang sống trong một xã hội phát triển. Chúng ta đã quên đi việc dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, thay vào đó là dành cả ngày trong những guồng quay của công việc, học tập, đến cửa hàng hoặc mải mê với những dự định cùng những hoạt động khác. Vật bất ly thân của ta trong hầu hết thời gian của một ngày là những chiếc điện thoại máy tính công nghệ cao, chúng ta đấu tranh với việc lựa chọn từ bỏ khoảng thời gian thư giãn, nghỉ ngơi để sử dụng chúng.



Photo by @elidefaria on Unsplash

Công sở, nơi bắt buộc nhân viên phải luôn bắt kịp những yêu cầu cao, suy nghĩ linh hoạt với một cơ thể bền bỉ, cũng là nơi khiến chúng ta có thể gặp khá nhiều áp lực. Theo thời gian, nếu mức độ căng thẳng này kéo dài có thể ảnh hưởng xấu đến cả thể chất lẫn tinh thần.


Là một nhà trị liệu, một trong những câu tôi được hỏi thường xuyên nhất là làm thế nào để giảm áp lực trong công việc một cách hiệu quả nhất. Có khá nhiều người biết cách tự chăm sóc bản thân khi ở nhà, nhưng lại gặp khó khăn để duy trì thói quen ấy tại nơi làm việc. Những gợi ý sau đây sẽ hỗ trợ bạn một phần nào vượt qua loại áp lực này:


1. Tránh ăn trưa tại bàn làm việc.

Bất cứ khi nào có thể, hãy cố gắng rời môi trường làm việc để dành thời gian nghỉ trưa ở bên ngoài. Đi dạo một chút, đón nhận những tia nắng ấm áp và hít thở bầu không khí trong lành có thể làm nên điều kỳ diệu, chí ít điều đó sẽ làm mới tinh thần của bạn vào giữa ngày làm việc. Nhưng nếu việc rời đi là bất khả thi, bạn vẫn nên ăn trưa ở đâu đó khác ngoài không gian bàn làm việc để tránh phải tiếp tục công việc cùng một lúc.


2. Dành năm phút thư giãn từ một đến hai lần một ngày.

Nếu bạn đang cảm thấy rõ sự mệt mỏi trong một tình huống cụ thể tại nơi làm việc, hãy nghỉ giải lao và nghe một đoạn những bài hát bạn yêu thích hoặc ngồi thiền qua một số ứng dụng có thể tải trên điện thoại. Điều này giúp bạn có một tầm nhìn mới mẻ hơn hay ít nhất khi quay lại và tiếp cận khối lượng lớn công việc , bạn sẽ có cái nhìn tích cực hơn trước.


3. Sắp xếp có tổ chức.

Bạn nên ưu tiên từng loại công việc để hoàn thành chúng theo mức độ quan trọng. Sử dụng thời gian trở nên hiệu quả hơn sẽ giúp giảm mức độ căng thẳng của bạn, vì khi đó bạn cảm thấy rằng lượng công việc đã được hoàn thành nhiều hơn đáng kể. Nếu bạn thường xuyên gặp rắc rối trong việc sắp xếp, hãy cân nhắc việc đăng ký vào một lớp học quản lý thời gian, nơi bạn có thể tìm hiểu các cách tổ chức công việc hiệu quả hơn.


4. Đứng dậy và vươn vai.

Khi bạn đang quá tập trung cho công việc bàn phím, hãy cố gắng đánh thức bản thân bằng việc kéo dãn các cơ bắp. Điều này cũng hữu ích trong việc làm giảm mỏi mắt do phải nhìn vào màn hình máy tính trong khoảng thời gian dài.



Photo by @brunogomiero on Unsplash

5. Thảo luận về các vấn đề liên quan đến khối lượng công việc với sếp của bạn.

Nhiều người than phiền với tôi rằng họ cảm thấy làm việc quá quá sức, nhưng họ thường không đề cập những nỗi lo này với người giám sát, việc này có thể làm họ thấy tệ hơn. Nhưng bằng việc nói chuyện với sếp về bất cứ vấn đề nào đang xảy ra, bạn có thể nhận được vài lời khuyên để giải quyết chúng. Nếu nói chuyện không giúp giải quyết vấn đề, bạn có thể đánh giá lại tình huống và xem xét việc tìm kiếm một công việc khác phù hợp hơn.


6. Hít thở sâu.

Nếu bạn vừa có một cuộc trao đổi khá căng thẳng với một vị khách hàng, đồng nghiệp hoặc cấp trên, hãy hít thở sâu vài phút và tập trung điều tiết những căng thẳng nào mà bạn đang cảm thấy bên trong cơ thể. Bằng việc dành vài phút điều hòa tâm trạng, bạn sẽ giảm bớt lo âu vào tình huống gây khó xử thay vào đó là chú ý bản thân hơn trước khi chuyển sang những công việc tiếp theo.


7. Coi mọi vấn đề như là những thử thách thay vì trở ngại.

Đôi khi những ý tưởng hay giải pháp được đưa ra rất sáng tạo vì chúng ta tiếp cận vấn đề với một tâm tư sảng khoái và thái độ cởi mở thay vì nhìn nhận chúng từ quan điểm tiêu cực. Ngoài ra, bạn nên nghĩ về những điều có thể học được từ những tình huống đó thay vì chỉ tập trung vào những gì bạn có thể làm được.


Mặc dù bạn có thể giảm căng thẳng trong công việc bằng cách làm theo một số lời khuyên ở trên, thì việc phát triển chế độ chăm sóc bản thân cả trước và sau khi làm việc là một phần quan trọng trong việc giảm mức độ căng thẳng chung của bạn. Bắt đầu một ngày mới với thiền định vào mỗi buổi sáng thức dậy để thấy cuộc sống thật yên bình, và hãy cố gắng kết hợp một số bài tập thể dục ít nhất vài lần một tuần. Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng bạn ngủ đủ giấc để luôn cảm thấy sảng khoái trước khi đối mặt với một ngày dài.


Căng thẳng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân nếu hàng ngày chúng ta không có thời gian để chăm sóc chính mình. Dành thời gian mỗi ngày để nuôi dưỡng cơ thể, trí óc và tinh thần là một cách hiệu quả để giảm thiểu mức độ áp lực và cải thiện sức khỏe của chính bạn.

------------------------------------

Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).

-------------------------------------

Về Bài Đăng:

Nguồn bài dịch: https://www.goodtherapy.org/blog/7-strategies-for-coping-with-stress-at-work-0909154

Người dịch: Anh Thơ Nguyễn Người biên tập: Diệu Hiền

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây


0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page