top of page

Hãy ngừng lo lắng về những gì người khác nghĩ! Và đây là một vài gợi ý.

“Để tâm đến sự công nhận của người khác rồi người sẽ trở thành tù nhân của chính họ.” Lão Tử
  • Bạn đắn đo chọn ra bộ đồ tập đẹp nhất để đi đến phòng gym, để đảm bảo trông mình hấp dẫn nhất trong mắt những người trong phòng gym.

  • Bạn tự trách chính mình, suy xét lại từng lời nói sau mỗi buổi họp, lo lắng rằng đồng nghiệp nghĩ mình chưa đủ thông minh, chưa đủ tài giỏi.

  • Bạn chỉ đăng bức ảnh đẹp nhất trong số 72 tấm tự sướng và còn chỉnh thêm filter lung linh hòng kiếm được nhiều lượt like nhất, chứng tỏ rằng mình là một người xinh đẹp và cuốn hút.

Bạn đang sống bằng suy nghĩ của người khác.


Tất cả những điều trên khiến chúng ta gay gắt với bản thân mình hơn. Nó khiến ta không tự tin với ngoại hình, khiến ta tự thương hại cho chính mình, khiến ta sống theo chuẩn mực của người khác. Nó khiến ta cảm thấy chưa đạt tiêu chuẩn. Luôn bất an. Hay phán xét. Vẫn chưa tốt. Chưa thân thiện. Chưa đủ thông minh. Chưa đủ xinh đẹp...


Chết tiệt! Dẹp hết những suy nghĩ ấy đi.

Tôi chỉ muốn hoàn hảo - Black Swan

Sự thật là, những gì người khác nghĩ không hề ảnh hưởng đến chúng ta. Quan điểm của mọi người không liên quan đến chúng ta, chỉ tác động đến chính họ, đến chính quá khứ, phán xét, kì vọng hay sở thích và sở ghét của chính họ.

Khi tôi đứng trước một nhóm 20 người lạ diễn thuyết về bất cứ chủ đề gì. Một số họ sẽ không thích cách ăn mặc của tôi, trong khi một số lại yêu thích. Một số người cảm thấy những gì tôi đang nói thiệt vớ vẩn, một số lại hứng thú với nội dung ấy. Một số sẽ quên béng đi cuộc diễn thuyết ấy khi vừa bước ra khỏi hội trường trong khi lời nói của tôi sẽ tồn tại mãi với một số người.

Một số căm ghét tôi bởi tôi khiến họ nhớ đến người chị dâu phiền phức của mình, một số sẽ cảm mến bởi tôi trông tựa con gái của họ. Một số sẽ thấu hiểu từng câu chữ của tôi, ngược lại, một số thì tôi sẽ chẳng bao giờ diễn giải cho họ hiểu được.

Bất cứ ai trong số họ cũng sẽ có lúc đứng trong vị trí của tôi. Tôi đang cố gắng hết mình để làm tốt nhất trong hiện tại dù ý kiến của họ về tôi có như thế nào đi chăng nữa. Đó hoàn toàn là vấn đề của họ, không phải là vấn đề tôi phải quan tâm.

Dù tôi có thay đổi thì một số người sẽ không bao giờ yêu mến tôi. Và dù tôi có mắc sai lầm thì có một số người vẫn yêu mến tôi. Cả hai trường hợp trên đâu phải là thứ tôi có thể quyết định được. Chẳng có gì phải lo ngại.


Bất kỳ ai cũng sẽ phải đứng trong vị trí của tôi

Được rồi, “Nghe thì có vẻ đúng đấy” - đó là những gì bạn nghĩ - “Nhưng làm cách nào để để ngừng quan tâm đến người khác nghĩ gì?”


1. Xác định hệ giá trị của bản thân.


Hiểu rõ hệ giá trị của bản thân cũng giống như trang bị một ngọn đèn soi đường dẫn lối đưa bạn băng qua khu rừng tăm tối. Một ngọn đèn le lói cũng có thể dẫn bạn đến đích cần đến nhưng không tránh khỏi nguy cơ vấp ngã hoặc lạc lối giữa đường. Với một ánh đèn sáng hơn, những quyết định bạn lựa chọn, phải - trái, đúng - sai, nên - không nên trở nên rõ ràng hơn.


Ngọn đèn trong bạn sẽ luôn toả sáng

Trong suốt nhiều năm trời tôi không biết hệ giá trị của bản thân nằm ở đâu, và tất nhiên tôi cảm thấy mình đang lạc trôi giữa dòng đời. Tôi không bao giờ tự tin với lựa chọn của chính mình, tôi luôn dằn vặt với từng lời nói và hành động của chính mình.

Xác định được giá trị bản thân là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của tôi. Tôi đã nhận ra rằng “lòng từ bi, trắc ẩn” chính là giá trị cốt lõi của mình. Để bây giờ, mỗi khi tôi suy đắn đo về quyết định nghề nghiệp, thay vì lo sợ sẽ làm ba mẹ thất vọng, tôi lại tự nhắc nhở bản thân rằng lòng từ bi cũng chính là từ bi với chính mình và cảm thấy nhẹ lòng hơn khi đưa ra lựa chọn cho bản thân.

Nếu bạn đề cao lòng dũng cảm và sự kiên trì thì khi xuất hiện ở phòng gym, dù có hồi hộp và bộ đồ tập không được chỉn chu lắm, bạn cũng không phải đắn đo về việc người khác nghĩ như thế nào về bạn.

Nếu bạn đề cao sự an yên trong tâm hồn, trong tình huống bạn phải từ chối giúp đỡ ai đó khi bạn đã có quá nhiều việc để làm, bạn không cần lo sợ họ sẽ đánh giá bạn là một người ích kỷ. Nếu bạn đề cao sự chân thật, khi nêu lên quan điểm trước đám đông, hãy cứ ngẩng cao đầu với quan điểm của mình vì chính bạn là sự thật.

Hiểu rõ giá trị cốt lõi của bản thân và những giá trị nào bạn coi trọng, ngọn đèn trong bạn sẽ luôn toả sáng.


2. Hiểu rõ vai trò của bản thân.


Một cách khác để tránh khỏi suy nghĩ của người khác khi bạn hiểu rằng có 3 loại vai trò trên đời này (Một bài học từ Byron Katie, khiến tôi rất tâm đắc).

  • Thứ nhất là vai trò của Chúa, nếu Chúa không phải là người mà bạn thờ phụng, có thể thay thế bằng các thế lực khác như Vũ trụ hay Mẹ thiên nhiên, còn đối với tôi là Chúa. “Nắng mưa là chuyện của trời”. Sự sinh hay tử của con người thuận theo tự nhiên. Thân thể và bộ gen được tự nhiên ban cho. Bạn không có quyền quyết định ở đây và cũng không thay đổi được.

  • Vai trò thứ hai là vai trò của người khác. Những gì họ làm là việc họ nên làm. Hàng xóm có nghĩ sao về bạn thì cũng là việc của họ. Đồng nghiệp của bạn đi làm vào giờ nào cũng là việc của họ. Tài xế của xe khác không chịu di chuyển khi đã qua đèn xanh cũng là việc của họ.


Xác định vị trí của bản thân
  • Vai trò thứ ba đó chính là vai trò của bạn, Bạn nổi nóng khi tài xế xe khác khiến bạn phải dừng thêm một lần đèn đỏ, đó là việc của bạn. Bạn khó chịu khi đồng nghiệp lại đi làm trễ, đó là việc của bạn. Bạn lo lắng về những gì người hàng xóm nghĩ về mình, đó là việc của bạn. Những gì họ nghĩ về bạn, đó là việc của họ. Còn bạn, bạn nghĩ gì và cảm thấy như thế nào, đó mới chính là việc bạn nên lo. Bạn đang đứng trong vai trò của ai khi lo lắng về cách ăn mặc, bạn đang trong vai trò của ai khi cứ mãi nghĩ về lời đùa cợt nhận được ở bữa tiệc.

Bạn chỉ có nghĩa vụ với vai trò của mình - của chính bạn. Chính những thứ bạn nghĩ và những thứ bạn làm mới là thứ bạn có thể tự kiểm soát được.


3. Biết rằng bạn có thể làm chủ cảm xúc của chính mình.


Khi ta áp đặt cảm xúc của bản thân theo suy nghĩ của người khác là ta đang cho phép họ khống chế cuộc đời của ta. Dường như ta đã trở thành con rối của họ, ta trở nên tốt hoặc xấu do bàn tay của họ điều khiển.

Nếu người bạn đang thần thương ngó lơ bạn, bạn thấy thật tệ. Bạn nghĩ rằng, “cô ấy ngó lơ mình nên mình mới ra nông nỗi như thế này đây”. Thật sự, cô ấy không thể điều khiển được cách bạn suy nghĩ. Cô ấy ngó lơ bạn và bạn tự gán ghép cho mình suy nghĩ như trên. Với bạn, như thế có nghĩa là bạn không xứng đáng với họ, bạn chưa đủ thông minh, chưa đủ đáng mến, chưa đủ độ cool.

Bạn trở nên phát điên bởi chính ý nghĩ đó. Bạn có phản ứng tiêu cực với suy nghĩ của chính mình.


Ta như con rối dưới bàn tay của kẻ khác

Khi ta trao quyền sở hữu cảm xúc của mình cho người khác, là ta đã từ bỏ quyền khống chế cảm xúc của chính mình. Vấn đề ở đây là, người duy nhất có thể gây tổn thương cảm xúc của bạn, chính là bản thân bạn. Để thay đổi cách suy nghĩ của bạn theo hành động của người khác, bạn chỉ cần thay đổi một ý nghĩ. Bước thay đổi này đôi khi cần một chút tập luyện bởi ta thường suy nghĩ một cách vô thức, cần phải đào sâu vào vấn đề và tìm ra tác nhân nào ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn.

Một khi bạn đã làm được, hãy thử thách nó, đặt ra câu hỏi cho nó và chấp nhận nó. Cảm xúc của bạn sẽ nghe theo.


4. Biết rằng bạn vẫn không ngừng cố gắng.


Một câu nói mẹ tôi thường nói với tôi trong quá trình trưởng thành (hiện tại vẫn như vậy) - “Con đã làm rất tốt rồi”.

Tôi ghét câu động viên đó! Tôi đặt ra tiêu chuẩn khá cao cho bản thân và luôn nghĩ rằng đáng ra mình đã có thể làm tốt hơn thế. Rồi khi không đạt được như mong đợi, cái tôi cá nhân lại nhảy ra khiến tôi gục ngã. Đã bao nhiêu lần trong đời bạn tự trách chính mình vì đã nói điều gì đó ngu ngốc? Hay bởi vì bạn trễ hẹn? Hoặc bạn nhìn thiệt lập dị? Dù những lần ấy bạn đã cố gắng hết sức. Mọi. Lần. Dù mọi thứ ta làm đều đã đạt được thành quả gì đấy. Chúng có thể không rõ ràng, nhưng chúng đã ở đó.

Khi đang ngồi viết bài này tại một quán trà tại Portland, Maine, một người khách khác đã bước đến quầy và hỏi loại trà nào anh ta có thể kết hợp với trà đen Lapsang Souchong (đấy cũng là loại trà yêu thích của tôi). Anh ta không hỏi tôi, nhưng tôi đã chen vào rằng có lẽ nấm Changa sẽ là một kết hợp tuyệt vời bởi hương vị thổ của nó. Anh ta chả mấy tin tưởng lời khuyên không được hoan nghênh của tôi và quay ngược lại hỏi cô gái ở quầy.


Tôi chỉ muốn lời khuyên của mình có ích

Nếu là tôi trước kia đã ghim phản ứng đó của anh ta và cảm thấy tồi tệ suốt cả buổi chiều hôm ấy, lo rằng anh ta nghĩ rằng tôi là một người thô lỗ vì đã chen ngang cuộc hội thoại của người khác.

Nhưng hãy dành một phút suy nghĩ về hành động của tôi khi đó:

- Tôi bị thúc giục bởi tôi là người rất thân thiện và muốn giúp đỡ người khác.

- Tôi có hứng thú với nội dung cuộc hội thoại ấy.

- Tôi hy vọng rằng lời khuyên của tôi sẽ có ích.

- Tôi mong muốn làm quen được một người bạn mới có cùng sở thích.

Tôi đã làm đúng những gì mình có thể làm. Bởi vì tôi biết rằng, tôi sẽ không hối hận. Và tôi biết rằng dù anh ta nghĩ sao về tôi cũng không quan trọng vì tôi đã làm đúng với bản chất muốn trở nên có ích của mình. Tất nhiên, tôi cũng đã nhận thấy một khía cạnh khác của việc chen ngang vào vấn đề của người khác khi không nhận yêu cầu giúp đỡ thành ra khá thô lỗ. Và thô lỗ đi ngược lại với giá trị của sự trắc ẩn của tôi. Điều đó dẫn đến một bài học tiếp theo.


5. Hiểu rằng mọi người đều có thể sai lầm.


Ta sống trong một văn hoá mà mọi người thường không chia sẻ cảm nhận của họ. Dường như mọi người đều trải qua những cung bậc cảm xúc giống nhau, và ta đều mắc chung một sai lầm. Hãy phân tích chút nào.

Mặc dù bạn đang đồng điệu với quan điểm của bạn, dù bạn đã sống đúng với vai trò của mình, dù bạn đã cố gắng, thì bạn vẫn sẽ mắc sai lầm. Điều đó không thể tránh khỏi. Vậy thì sao nào? Tất cả mọi người đều như vậy. Thấu hiểu bản thân hơn khi bạn hiểu rằng tất cả mọi người đã từng cảm thấy như bạn. Mọi người đều đã hoặc sẽ trải qua những việc bạn đã trải qua.

Ai cũng có thể mắc sai lầm

Điều hữu ích duy nhất mà bạn có thể làm với sai lầm đó là rút kinh nghiệm cho bản thân. Khi bạn đã nhận ra bài học từ kinh nghiệm đó, trầm mặc là điều không cần thiết, đây là bước đệm cho bạn đi tiếp. Trong trường hợp của vị khách trong quán trà trên, tôi nên chú ý hơn đến ngôn ngữ cơ thể của anh ta đang ám chỉ rằng anh ta muốn nghe tư vấn của người quản lý hơn là lời khuyên của một người xa lạ ngẫu nhiên.

Đã rút ra bài học. Không cần thiết phải tự làm khổ bản thân như thế.


 

Ở công ty cũ gần đây nhất của tôi, tôi đã gây ra một sai lầm mà mọi người đều biết. Một người bạn và cũng là đồng nghiệp của tôi, người đã làm việc ở công ty được vài năm, yêu cầu được đổi một chỗ đỗ xe tốt hơn. Có một chỗ trống mới khi một người khác vừa rời khỏi công ty, thế nhưng bạn của tôi đã không giành được vị trí ấy. Anh đồng nghiệp ấy thực sự là một người rất tốt, tôi đã viết một bản kiến nghị đầy sướt mướt cho anh ấy với sự đóng góp của các đồng nghiệp vui tính trong phòng ban của tôi, cốt chỉ để cho vui. Nhưng trớ trêu, không biết ai đã vô tình nộp bản kiến nghị ấy lên thẳng phòng trưởng ban, khiến mọi người nghĩ rằng bộ phận của tôi toàn những người hay than vãn và thiếu thốn. Sếp của tôi đã nghĩ rằng tôi đã lạm dụng chức quyền của mình để bắt buộc mọi người ký vào bản kiến nghị ấy. Cả bộ phận của tôi đã được kêu gọi họp mặt chỉ trích và yêu cầu không được để xảy ra tình trạng như thế nữa. Tôi đã chết đứng trong khoảnh khắc đó.

Mặc dù cấp trên không hề chỉ thẳng tên tôi, nhưng hầu như mọi người đều biết là do tôi làm. Xấu hổ không biết để đâu cho hết.


Nhưng đây là những điều tôi đã làm được:

- Tôi đã tự nhắc nhở mình về giá trị quan của tôi. Tôi coi trọng lòng trắc ẩn và sự hài hước. Tôi đã nghĩ rằng mình đang làm một việc hài hước và có ích cho anh bạn đồng nghiệp.

- Khi tôi nhận ra bản thân đang lo lắng mọi người sẽ nghĩ xấu về tôi (không hề có căn cứ), tất cả những gì tôi có thể làm là: cứ là chính tôi.

- Mỗi khi hồi tưởng về cuộc họp đầy kinh khủng khiến tôi nóng cả mặt ấy, tôi nhớ đã làm chủ được cảm xúc của mình và không bị những hồi ức đó khống chế cảm xúc.

- Tôi tự nhắc nhở bản thân rằng mình đã làm rất tốt trong khoảnh khắc đó.Tôi đã mong muốn giúp đồng nghiệp của mình và ý tưởng đó có thể sẽ diễn ra theo chiều hướng tốt.


Tôi rút ra rằng mình đã mắc sai lầm. Bài học rút ra là tôi nên chú tâm hơn đến việc người khác chưa chắc đã có thể hiểu được sự hài hước của tôi như chồng tôi. Giờ thì tôi đã có thể ra những quyết định đúng đắn hơn. Và tất nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, mọi người đều đã quên đi sự kiện đấy.


Hãy ngừng lo lắng về người khác nghĩ gì. Cuộc đời của bạn sẽ tốt đẹp hơn.


-----------------------------------------------------------

Thông tin bài viết: Người dịch: Kim Trang - Người Review: Diệu Hiền

Bài viết gốc: https://tinybuddha.com/blog/5-powerful-mindset-shifts-to-stop-worrying-about-what-other-people-think/

Về Compassion: www.compassion.vn/about

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page