Thật không dễ, nhưng chúng ta vẫn có thể tìm ra điểm chung trong những “cuộc hội thoại khó”.
Khi có những sự khác biệt lớn, như khác biệt về chủng tộc, địa vị, giới tính, mối quan hệ chính trị, xu hướng tình dục, tuổi tác, tôn giáo…, hay một yếu tố bất kì nào khác giúp định nghĩa một cá thể, việc giao tiếp sẽ khó có thể dễ dàng. Với những tình huống giao tiếp phức tạp như thế, chúng ta thường không biết cách lèo lái để cuộc hội thoại trở nên thoải mái, vì thế mà ta thường né tránh chúng. Đơn giản là ta chọn cách không nói chuyện, mặc dù nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng trong các nhóm xã hội, nhóm nào có thành viên càng đa dạng, thì sẽ càng đột phá hơn, giải quyết vấn đề tốt hơn, có nhiều góc nhìn mới mẻ hơn, và có tài chính tốt hơn sau này. (Và nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc tránh né giao tiếp có thể trở nên không lành mạnh cho não).
Là nhà cố vấn về các chủ đề liên quan đến tính đa dạng. Hiện tại, với vai trò là người đứng đầu bộ phận tạo sự kết nối với học sinh thuộc Dự Án Wayfinder (một tổ chức nhằm giúp học sinh phát triển ý thức về cái tôi và mục đích sống) – tôi tiếp tục dốc tâm giúp nhà trường dẫn dắt những “cuộc hội thoại khó”. Những cuộc đối thoại này buộc học sinh phải ngẫm nghĩ về việc mình là ai, đâu là những kì vọng từ xã hội, và cách mà cái tôi ảnh hưởng đến mục đích sống. Từ công việc này và dựa trên quan điểm cá nhân, tôi đã rút ra được năm cách giúp các “cuộc hội thoại khó” trở nên dễ thở hơn một chút.
1. Lắng nghe câu chuyện của người khác
Đôi khi ta không biết những gì ta không biết, rằng việc gặp gỡ một ai đó nghĩa là lắng nghe, ghi nhận và trân trọng những gì mà họ đã trải qua một cách chân thành.
Nếu bạn chủ động tìm hiểu người mà bạn sắp giao tiếp, bạn sẽ phần nào hình dung được họ đã đủ sẵn sàng để cùng bạn trao đổi về vấn đề đó hay chưa. Có thể bạn sẽ nhận ra rằng trước hết bạn cần phải tạo dựng sự tin tưởng. Ví dụ khi trao đổi về một chủ đề sâu như phân biệt chủng tộc, thay vì vào thẳng vấn đề, bạn có thể bắt đầu bằng cách kể về lần đầu tiên bạn biết đến nguồn gốc của mình và cách mà nó định hình nên bạn là ai.
2. Cố gắng nhìn nhận khách quan
Chắc hẳn đây là thử thách lớn nhất vì chúng ta không phải là những cỗ máy. Chính vì thế mà khi có cảm giác như đang bị ai đó chỉ trích, ta sẽ trở nên tức giận, cố chấp và cảm thấy tiêu cực. Thậm chí bạn còn muốn lờ đi, thề rằng sẽ không bao giờ nói chuyện với người đó nữa.
Nếu việc lơ đi là những gì bạn cần, thì hãy cứ làm điều đó; vì phân biệt đối xử và định kiến thì vẫn sẽ luôn ở đó, nên đôi lúc điều bạn cần là bảo vệ bản thân mình trước khi chọn giúp đỡ một ai đó. Tuy nhiên, tuỳ vào từng tình huống, bạn vẫn có thể cân nhắc những hướng phản ứng khác. Chẳng hạn như hỏi để làm rõ ý, ví dụ: “Bạn có thể nói rõ hơn được không?” hoặc “Cũng đáng suy ngẫm, nhưng điều gì đã làm bạn nghĩ vậy?”
Những câu hỏi như vậy giúp ta tránh phản ứng một cách bốc đồng, tiêu cực. Hơn nữa, đối phương cũng sẽ có cơ hội để suy nghĩ lại về những gì họ đã nói. Qua đó, có thể đối phương sẽ nhận ra rằng đó không phải là những gì họ muốn trình bày và chọn cách diễn đạt chính xác hơn. Khi có những cuộc hội thoại căng thẳng, cư xử lịch sự là điều cần thiết, hãy cho người khác thời gian để suy nghĩ và cơ hội để điều chỉnh.
3. Thay vì tạo rào cản, hãy kết nối
Thường thì ta không hình dung hết được là điều ta nói và làm ảnh hưởng đến người khác nhiều như thế nào. Một câu đùa, một câu hỏi hoặc thậm chí là một lời khen cũng có khả năng gây mất lòng, dù ta không có ý như vậy. Thông qua cách phản ứng của người đối diện, nếu ta phát hiện được những thiên kiến ẩn (hidden biases) hay lầm tưởng trong điều ta nói, chúng ta sẽ có sự nhận thức và thấu hiểu sâu sắc hơn về chính bản thân mình. Từ đó, khi gặp những người khác mình, ta sẽ cẩn trọng hơn để có cách nói chuyện phù hợp.
Hãy bắt đầu bằng cách thành thật với bản thân vì sao bạn tránh giao tiếp trong một số tình huống, và tất nhiên rồi, nói đùa cũng là một cách tránh. Sau đó, hãy xem xét lại là bạn hay làm gì khi có ai đó nhận xét rằng cách cư xử của bạn gây khó chịu và không lịch sự. Quan trọng hơn hết là hãy lắng nghe thay vì bảo thủ, hãy kết nối thay vì tạo rào cản. Khi ta càng cởi mở để nghe nhiều câu chuyện và góc nhìn từ mọi người, ta sẽ càng học được nhiều bài học quý giá và người khác cũng sẽ có cơ hội để chân thật với bạn hơn.
4. Rời xa vùng an toàn
Tất cả chúng ta đều thích sự thoải mái và có thói quen tránh né những tình huống mang đến cảm xúc tiêu cực. Nhưng phải đến lúc đặt mình trước vành móng ngựa hay trong biển lửa, ta mới có thể phát triển bản thân mình. Những ai dám bước khỏi vùng an toàn sẽ nghĩ rằng “Thật khó khăn nhưng mình sẽ không bỏ cuộc bất kể điều gì”.
Cách hiệu quả nhất để rời xa vùng an toàn là hãy hiện diện trong hiện tại. Hiện diện trong một cuộc nói chuyện là khi bạn thật sự lắng nghe một cách chủ động, là khi bạn cho phép người khác kết thúc toàn bộ câu chuyện của họ trước khi bạn bắt đầu chia sẻ. Điều đó không chỉ dừng ở việc không cắt ngang lời người khác, mà còn là thực tâm cố gắng để hiểu những gì họ đang nói và tiếp nhận nó trọn vẹn trước khi bạn nói phần mình.
Một cách nữa để giúp bạn hiện diện là để ý đến cơ thể của mình – những lúc nào bạn thở dốc và tim đập nhanh? Lúc đó cơ bắp có đang căng cứng không? Hãy chú ý những dấu hiệu thể chất này để giúp mình dịu lại và tập trung vào hiện tại.
Đặt tên cho cảm xúc cũng là một cách làm. Khi tự nói với chính mình rằng “Tôi đang cảm thấy bị xúc phạm/mất bình tĩnh/buồn bực” cách đó có thể cho bạn một khoảng nghỉ tạm thời lúc căng thẳng để sau đó bạn tiếp tục.
5. Tạo môi trường khuyến khích thể hiện và tôn trọng quan điểm
Thoả thuận, hay tiêu chí chung, là sự thống nhất về cách cư xử, hoặc là hướng dẫn để giúp xây dựng sự tin tưởng và mối liên kết cộng đồng. Việc có những tiêu chí chung trước khi bước vào một cuộc họp hay thảo luận nào đó sẽ giúp mọi người hiểu được những gì nên được mong đợi đạt được sau buổi họp. Nó cũng dùng để nhắc nhở khi cuộc thảo luận trở nên chệch hướng và căng thẳng. Tốt nhất là nên xem nó như văn bản cập nhật, luôn có thể sửa, thay thế, xoá để giúp cuộc thảo luận dễ dàng hơn.
Dưới đây là vài ví dụ về những thoả thuận chung mà bạn có thể tham khảo để xây dựng tinh thần đội nhóm:
· Luôn có mặt đầy đủ
· Luôn trao đi sự chân thành
· Bất đồng là chất xúc tác tạo nên những điều mới
· Rủi ro cũng có thể là cơ hội
· Tôn trọng quan điểm cá nhân
· Ứng xử thay cho phản ứng
· Tôn trọng sự bảo mật
Dù cho vấn đề là gì, nếu ta sẵn lòng hợp tác cùng nhau thì dù chúng ta có khác nhau về xuất phát điểm, quan điểm, trải nghiệm, thì vẫn có hi vọng rằng ta sẽ tìm được những điểm chung cho dù là giưã những cá thể có vẻ như không thể nào hoà giải.
Bằng cách cùng làm, cùng quan tâm, và tạm hoãn phán xét, tính nhân văn sẽ luôn là có thể được tìm thấy giữa chúng ta. Và khi ta làm điều đó, ta cũng đang giúp nhau có được phiên bản tuyệt vời nhất của chính mình.
Nguồn bài dịch: https://greatergood.berkeley.edu/article/item/five_ways_to_have_better_conversations_across_difference
Nguồn hình: Internet
Người dịch: Trần Lâm Người biên tập: Phạm Đại Bàng
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing
Về Compassion: www.compassion.vn/about
Comments