top of page

Trong tương lai tiền không nói lên sự thịnh vượng, vì sao?

Lời giới thiệu từ Compassion và người biên tập:


Có một phim khá thú vị khơi ra cuộc chất vấn gai góc giữa đồng tiền và lương tâm của đạo diễn, nhà biên kịch Iran Mani Haghighi, đó là phim “Modest Reception” (tên gốc: Paziraie sadeh). Câu chuyện là có hai nhân vật chính Kaveh và Leyla - một người đàn ông và một người phụ nữ, cùng du hành trên chiếc xe chở đầy tiền đến vùng núi biên giới ở Iran. Họ tự nguyện mang tiền đến cho những người nghèo khó ở vùng đất khắc nghiệt này. “Công việc” cho tiền của Kaveh và Leyla tưởng như rất dễ dàng. Bởi với số tiền lớn của họ, bất cứ ai cũng có thể thay đổi cuộc đời, được sống trong đầy đủ, sung túc. Nhưng liệu có phải ai cũng thích được nhận tiền?



Người ta hay nói “Tiền là tất cả” để quy kết, bao biện rằng tiền có quyền năng tối thượng. Nếu mặc định cho câu kết luận này là đúng thì ta có thể tư duy theo kiểu toán học suy ngược lại “Tất cả là tiền”. Tuy nhiên, khá nghịch lý là những người tôn sùng tiền bạc cho “tiền là tất cả” cũng chỉ quanh quẩn trong phương diện vật chất của cải sở hữu, vàng bạc trang sức quý giá, những tờ tiền in số rõ ràng, các con số trong tài khoản ngân hàng,... hoặc xa hơn chút là kiến thức, bằng cấp, địa vị, mối quan hệ,... Ngược lại, những người cực đoan theo kiểu “tiền không phải là tất cả”, xem tinh thần lớn hơn tài vật hữu hình cũng chật vật và tự bó hẹp mình trong mối quan hệ với tiền bạc.


Dù chúng ta là người giàu có hay nghèo khó về tiền bạc thì đều có những căng thẳng, bất an riêng về mối trăn trở tiền bạc của mình. May mắn thay thời đại ngày nay xã hội đã nhìn nhận cả hai cực đoan suy nghĩ về tiền bạc và nỗ lực kéo lại gần cả tiền bạc lẫn hạnh phúc “về chung một nhà”. Những mô hình và câu chuyện thành công của các doanh nghiệp xã hội trên thế giới lẫn Việt Nam không còn là chuyện hoang đường, không tưởng nữa rồi. Hy vọng cả trong chính chúng ta cũng giải quyết được mâu thuẫn về tiền và hạnh phúc để hợp nhất chúng một cách hài hòa trong cuộc sống cá nhân.


Đến cả những người thuộc giới kinh tế, kinh doanh cũng đã nhìn thấy xu thế thay đổi trong việc đánh giá cuộc sống và hạnh phúc không chỉ qua chỉ số liên quan vật chất tiền bạc. Bài viết sau đây cho chúng ta thấy nghiên cứu và những con số đo lường rõ ràng để nói lên sự thay đổi tư duy về vai trò của tiền bạc lẫn các yếu tố phi vật chất trong hạnh phúc nói chung của con người. Mời các bạn đọc tiếp bài viết dưới đây.



Theo các nghiên cứu mới đây cho thấy, những yếu tố phi vật chất như hỗ trợ xã hội, quyền tự do và sự công bằng có thể đóng vai trò lớn hơn tiền bạc trong sự thịnh vượng trong tương lai.


Công trình nghiên cứu dựa trên các cuộc điều tra về hạnh phúc toàn cầu trong thập kỷ qua là để dự báo mức độ tiềm năng về hạnh phúc của thế giới vào năm 2050. Nó cho thấy rằng, để nâng cao tối đa mức độ hạnh phúc của mọi người trong những thập kỷ tới, các nhà hoạch định chính sách nên nhìn xa hơn các tính toán kinh tế hạn hẹp và ưu tiên yếu tố phi vật chất khi đưa ra những quyết định lớn.


Christopher Barrington-Leigh, phó giáo sư tại Viện Chính sách Xã hội và Sức khỏe và Trường Môi trường thuộc Đại học McGill cho biết: “Các chính sách dài hạn tập trung quá mức vào tăng trưởng kinh tế sẽ hạn chế mức độ hạnh phúc. Nếu chính phủ lấy mục tiêu hạnh phúc người dân làm chính, nguồn tài nguyên sẽ được phân bổ khôn ngoan hơn dựa trên những gì thực sự quan trọng nhất đối với trải nghiệm của con người”.


Các nhà nghiên cứu đã thiết kế một mô hình thống kê kết hợp hai bộ biện pháp:

- Các chỉ số vật chất khách quan, bao gồm GDP bình quân đầu người và tuổi thọ;

- Các chỉ số xã hội, được đo lường trong Cuộc thăm dò hàng năm của Gallup World Poll trong những năm gần đây; bao gồm quyền tự do lựa chọn những việc cần làm trong đời, mức độ tham nhũng của chính phủ và doanh nghiệp, thường xuyên quyên góp thiện nguyện và mức độ dễ dàng tiếp cận sự hỗ trợ xã hội không chính thống.


Dữ liệu khảo sát toàn cầu cho thấy, trên thang điểm từ 0 đến 10, trung bình những người được hỏi đánh giá mức độ hạnh phúc của chính họ ở mức 5,24 trong năm 2016. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các thay đổi quan sát được trong dữ liệu từ năm 2005 đến năm 2016 để dự báo các kịch bản cho các đánh giá nổi lên về cuộc sống vào năm 2050.


Kết quả cho thấy những thay đổi trong tương lai của các biến vật chất, như các dự án OECD, có khả năng mang lại những cải thiện khiêm tốn trong đánh giá cuộc sống trung bình toàn cầu, tăng từ 0 đến 10% so với mức hiện tại. (Các dự báo của OECD sử dụng hai kịch bản kinh tế toàn cầu, được đưa ra để khám phá tương lai có thể có cho các thách thức lớn về môi trường bao gồm cả biến đổi khí hậu.)


Ngược lại, các kịch bản dựa trên các biến số phi vật chất cho thấy một loạt các kết quả có thể xảy ra, từ mức tăng 30% ở các tiêu chí đánh giá cuộc sống trung bình toàn cầu tương lai trong kịch bản lạc quan nhất, đến mức giảm 35% trong kịch bản bi quan nhất về sự suy giảm xã hội.


Đồng tác giả Eric Galbraith, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường tại Đại học Autònoma de Barcelona (UAB) ở Tây Ban Nha cho biết: “Những thay đổi khả thi trong GDP rất khó có thể đóng vai trò quan trọng làm thay đổi việc tự đánh giá cuộc sống trong vòng 30 năm. Các kết quả của chúng tôi cho thấy những lợi ích lớn nhất có thể được tạo ra trong những thập kỷ tiếp theo, cũng như những cạm bẫy nguy hiểm nhất cần tránh, nằm trong lĩnh vực kết cấu xã hội”, các nhà nghiên cứu kết luận.


 

Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).


 

Người dịch: Hải Yến ; Người biên tập: Anh Đào Lê

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây



0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page